share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

24 giờ rong ruổi đất rừng U Minh


ADVERTISEMENT

“Nhắn ai đi về
Miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng
Soi dòng Cửu Long xanh
Mênh mông rừng tràm
Bạt ngàn dừa xanh...”

“Bài ca đất phương Nam - Lư Nhất Vũ”

Lời bài hát, vang lên từ chiếc headphone của tôi, trên chuyến xe đêm khởi hành từ Sài Gòn đi Cà Mau. Guồng quay công việc văn phòng, đã chiếm hết quỹ thời gian trong tuần của tôi. Khiến đôi khi tôi có cảm giác, mình đã bỏ quên việc tìm kiếm những hành trình, trải nghiệm, thử thách mới cho bản thân. Vào những ngày cuối tuần, tôi thích được một mình, tạm biệt Sài Gòn của tôi vài ngày. Tạm rời xa âm thanh chốn thị thành nhộn nhịp, không phải chen chân tại những địa điểm nổi tiếng trên mạng, chụp ảnh check-in giữa rừng người, tôi thích một hành trình về với tự nhiên, được tận hưởng, ngắm nhìn vẻ đẹp của cuộc sống tại bất kì một nơi nào đó trên mảnh đất hình chữ S này, để được lắng nghe lòng mình và cân bằng lại cuộc sống. Hành trình tôi chọn lần này là rừng U Minh Hạ - Cà Mau.

 Mùa khô cháy lá, những mảng cỏ xanh mướt dường như nổi bật hơn giữa rừng cây đại ngàn

U Minh Hạ đối với tôi vừa thân quen lại vừa xa lạ. Thân quen vì tôi đã được biết đến mảnh đất này qua sách báo, qua những thước phim Đất rừng phương nam, qua những bài văn thời cắp sách đến trường. Xa lạ, vì đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi đây.

Sáng tinh mơ xe về bến, xuống xe tôi chưa kịp định hình lại, những gì đang diễn ra xung quanh sau một giấc ngủ dài. Đang còn ngơ ngác xác định phương hướng, tôi đã bị lùa vội lên một chiếc xe buýt, được phát loa thông báo chuẩn bị rời bến, đi xuống thị trấn U Minh Hạ. Chuyến đi của tôi lần này gần như là sự mô tả chân thật của câu “ Đi đi rồi sẽ đến’’. Không cần bạn đồng hành, không chuẩn bị trước lịch trình… có nhiều con đường để dẫn đến cùng một đích, cứ thế theo cảm xúc của mình mà đi.

Những mảng màu xanh ngát lướt qua bên khung cửa sổ trên đường từ Cà Mau về U Minh Hạ

Thực tế từ Cà Mau về U Minh Hạ tận 30 cây số. Ngắm nhìn cảnh vật lướt qua bên khung cửa sổ, tôi chợp mắt thiếp đi lúc nào không hay, chỉ khi cảm nhận có sự lay động nhẹ của cô soát vé xe buýt tôi mới biết mình đã đến nơi. Sau một hồi, trò chuyện với cô bán nước ở bến xe tôi mới biết, từ thị trấn U Minh Hạ đi tiếp hơn 20 cây số nữa mới đến được rừng U Minh. Thấy tôi đang lóng ngóng lưỡng lự, bác xe ôm mời gọi nãy giờ dường như hiểu ý đứng im chờ đợi tôi quyết định, không quên nhắn nhủ sẽ đưa tôi về kịp chuyến xe buýt cuối cùng để về lại thành phố Cà Mau, kèm theo lời khẳng định chắc nịt: “Nếu trễ giờ xe buýt, tao sẽ chở mày về Cà Mau miễn phí”. Tôi quyết định lên xe bác xe, phó mặc cho bác chở đi đến đâu thì đến.

Nếu nằm nướng ở nhà vào sáng cuối tuần, chắc chắn tôi sẽ không thể nào tưởng tượng được, sẽ có những lúc mình lại có những quyết định ‘’điên rồ’’, leo lên xe một người lạ chỉ vài sau vài câu mời chào. Phó mặc hết hành trình phía trước, vào tay lái của bác xe ôm. Có một người anh từng nói với tôi rằng: “Trên đường đi khám phá một vùng đất mới, được ngồi phía sau tay lái của ai đó là một đặc quyền’’.

Đến hôm nay, tôi mới hiểu được ý nghĩa của câu nói đó, bởi khi ngồi phía sau xe, tôi được phép để đầu óc mình thanh thản quan sát, ngắm nhìn cảnh vật, cuộc sống xung quanh lướt qua trong ánh mắt, không phải bận tâm điều khiển, xử lý các tình huống đang diễn ra trên đường. Và chính những lúc như vậy, những câu chuyện không đầu không cuối bâng quơ xuất hiện, làm tăng thêm sự gắn kết với người bạn đồng hành vô tình gặp trên đường, cùng nhau trải nghiệm chặn đường phía trước. Người bạn đồng hành với tôi chuyến đi này là bác Hưng xe ôm.

Lối mòn xuyên rừng được trải nhựa với hai hàng chuối xanh

Mãi sau lối mòn xuyên rừng mới bắt gặp đường chính, là một con đường trải nhựa dài chen giữa những hàng chuối rừng tuyệt đẹp. Cuối cùng, tôi đang ở giữa U Minh Hạ, vùng đất với những câu chuyện kể của bác Ba Phi, câu chuyện về những con cá sấu thành tinh, của những con rắn hổ mây ngóc đầu cao 4 mét, của loài muỗi rừng và ong bắp cày khổng lồ.

Một góc rừng U Minh Hạ nhìn từ trên cao

Có hai cách để vào khám phá rừng U Minh Hạ, đó là thuê vỏ lãi di chuyển theo đường kênh, hoặc thuê xe ôm chở vào rừng. Mỗi lựa chọn sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau. Nếu như chọn thuê xe ôm chở xuyên rừng,chúng ta có thể khám phá sâu những cánh rừng già U Minh Hạ. Bao bọc chung quanh rừng ngập mặn là 25.000 ha rừng và đất vùng đệm, là nơi sinh sống của các loài động, thực vật vô cùng phong phú, sinh động. Dưới tán cây rừng rậm rạp là nơi ngự trị của vô số loài động vật hoang dã như hươu, nai, heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, tê tê…

Tháp canh cao chót vót, sừng sững giữa rừng tràm bạt ngàn

Tôi đành nhờ bác Hưng xe ôm, chở tôi vòng quanh khu rừng để tranh thủ chụp những mảng rừng cũng như động vật xung quanh. Nơi đầu tiên bác Hưng thả tôi xuống, là một tháp canh cao chót vót. Nơi đây, được xem như đài quan sát đề phòng cháy rừng hoặc định hướng khu vực cháy để nhanh chóng dập lửa. Ngọn tháp, với tầm nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh rừng tràm rộng bạt ngàn.

Rừng tràm bao la với những con kênh hiền hòa chạy dài nhìn từ tháp canh

Từ trên cao, phóng tầm mắt ra bốn phía, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, tận hưởng khung cảnh bao la, trú phú của thiên nhiên, đất trời. Trên nền trời màu xanh ngút ngàn, thấp thoáng vài cánh cò đi kiếm ăn, những đàn chim chao lượn. Tiếc là không mang theo ống nhòm, cho nên ở khoảng cách xa, tôi không quan sát hết được vẻ đẹp của chúng. Xa xa là những tháp canh khác vươn lên khỏi tán lá rừng.

Sau khi phóng tầm mắt, chiêm ngưỡng hết sự hùng vĩ, mênh mông của rừng tràm. Từ tháp canh đi xuống, bác Hưng tiếp tục chở tôi trên con đường tiến vào sâu trong rừng. Ngồi phía sau, những câu chuyện của bác Ba Phi “giao chiến” với những con rắn hổ mây, cá sấu khổng lồ… được  kể bởi chất giọng miền Tây của bác Hưng, làm hành trình đi xuyên những cánh rừng của tôi có một sự cuốn hút kì lạ.

Gốc đa cổ thụ với tán phủ rộng cả một góc đường

Mỗi vòng xe di chuyển, mở ra trong tôi những điều mới mẻ xen lẫn kì bí giữa rừng già hoang dã đầy bí ẩn, những cây rừng lạ lẫm, những dây leo giăng khắp lối đi. Sau chuyến đi xuyên rừng thì ắt hẳn đặc sản khiến tôi không thể quên được “muỗi rừng U Minh”, nơi vốn được mệnh danh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”.

...nhìn bộ rễ và thân tôi đoán gốc này cũng phải hơn trăm tuổi

Với diện tích 8.286 ha, vườn Quốc gia U Minh Hạ được xem là “thủ phủ” của cây tràm, tràm bao phủ U Minh, che chắn, bảo bọc cho mảnh đất nơi cuối trời Tổ Quốc trải qua bao mùa mưa nắng. Được chia thành 3 phân khu chính: Phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn với diện tích 2.570 ha, phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước diện tích 4.961ha và phân khu dịch vụ hành chính diện tích 755 ha.

U Minh Hạ “thủ phủ’’ của hàng triệu cây tràm vươn mình cao vút

Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, rừng U Minh Hạ chở che cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Những cơ sở sản xuất vũ khí, những lán trại quân y vẫn còn nằm rải rác dưới tán rừng hùng vĩ này. Giặc Mỹ đã nhiều phen “nhổ cỏ” rừng U Minh, nhưng chính những thảm động thực vật nơi đây đã dang ‘’bàn tay huyền thoại’’ chở che bom đạn. Sau cuộc chiến, U Minh Hạ cũng thương tích đầy mình, dẫu chẳng được ai phong… thương binh.

Những mảng rừng xanh mướt, những con rạch đầy ắp cá tôm, là nơi vừa góp phần bảo tồn, vừa chống lại các nguy cơ phá hoại, tàn sát thú rừng.

Sau chiến tranh, rừng lại hồi sinh, xanh tươi trở lại, nhưng mảnh đất rừng thiêng nước độc này dường như chưa hết những nỗi đau. Đó là những lần U Minh Hạ, rồi U Minh Thượng lần lượt bị ngọn lửa hung tàn cướp đi hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh. Muông thú trong rừng tan tác theo từng làn khói trắng mịt mùng. Tuy nhiên, sau những lần “bà hỏa” lấy đi đáng kể những cây tràm, nhiều vùng đất đã kịp hồi sinh trở lại. Dù vậy, những cánh rừng nguyên sinh còn lại không nhiều. Về U Minh Hạ những ngày này, không khó để nhìn ngắm chồi non mới mọc. Ngay cả vị trí từng là vết thương của trận cháy rừng năm xưa giờ đây cũng đang dần hồi sinh. Thiên nhiên biết tự cân bằng hệ sinh thái, biến nơi này thành những con rạch đầy ắp cá tôm, là nơi góp phần bảo tồn, chống lại các nguy cơ phá hoại, tàn sát thú rừng.

Một kho tàng thiên nhiên trù phú tầng tầng lớp lớp từ tầng thấp đến tầng cao

Có thể trong hình dung của nhiều người trẻ, rừng U Minh Hạ chỉ là những lùm cây đan xen lấy nhau chẳng có gì thú vị. Nhưng kỳ thực, nơi đây sở hữu những vạt rừng nguyên sinh, đó là cả một kho tàng thiên nhiên trù phú tầng tầng lớp lớp từ tầng thấp đến tầng cao. Những loài cây tỏa hương cho ong rừng tìm về hút mật. Và nếu ai đó muốn hiểu rõ về câu "chim trời cá nước" thì đây là điểm đến đáng để dừng chân. Trưa về nghỉ ngơi, tôi mời bác Hưng cùng ăn trưa với mình. Sau một hồi từ chối, cuối cùng bác cũng đồng ý với điều kiện chiều nay mời tôi về nhà bác ăn cơm chiều. Hai bác cháu làm phần cơm cá lóc kho tộ, nhâm nhi thêm lon bia giữa trời nóng bao phê.

Bến đỗ vỏ lãi chờ đón khách

Sau khi nghỉ trưa, tôi thuê một chiếc vỏ lãi để tiến sâu vào khám phá khu rừng tràm. Đến trạm bán vé, nhìn lên tấm biển gỗ thấy đề: Thuê vỏ lãi đi dạo trong rừng U Minh Hạ 150.000/người/giờ, nửa giờ 80.000 đồng, vé tham quan 10.000 đồng. Tuy nhiên, rừng vắng teo và vỏ lãi có vài chiếc chờ sẵn dưới kênh. Cô gái bán vé cho biết, đang mùa cháy rừng nên khách chỉ đi dạo bộ quanh đây thôi, mùa này ít chim, muốn chụp hình thì chỉ có khỉ mà tới xế chiều, trời mát tụi nó mới ra. Tôi lại lần nữa đi lạc mùa chim, trong lòng tiếc hùi hụi.

Những chiếc vỏ lãi tại bến sẵn sàng cho những chuyến đi tham quan rừng tràm

Chú lái vỏ lãi đang chuẩn bị nổ máy để rời điểm dừng chân đầu tiên

Mùa này vắng khách, dù có tới 3 chiếc vỏ lãi nhưng có mỗi một mình chú lái

Ngồi yên vị trên vỏ lãi, lướt đi trên mặt nước sóng sánh của những con kênh xuyên rừng tràm, chạm tay lên những thảm bèo dày đặc, tiến vào vùng xanh thăm thẳm của rừng tràm U Minh Hạ. Đi giữa rừng tràm bạt ngàn lan tỏa hương thơm dịu dàng trong gió. Xa xa những bụi hoa sim rừng thay nhau khoe sắc tím lãng mạn, như một nét chấm phá nổi bật giữa màu xanh thăm thẳm của khu rừng tràm bao la.

Làn đường của những chuyến võ lãi dường như dài vô tận

Không gian trong trẻo, không khí trong lành, dường như kéo dài bất tận

Ánh nắng xuyên qua những thân tràm cao vút, phủ kín dây leo, ẩn hiện những tổ chim treo lủng lẳng… Thoáng chốc những cánh chim chao liệng trước mặt, khi sà xuống, lúc lại tung cánh bay vút lên cao như đang trình diễn vũ điệu nơi hoang dã.

Những cánh chim trời chao liệng tự do trên không trung

...tạo thành những vũ điệu hoang dã giữa mây trời rộng lớn

Không gian trong trẻo, không khí trong lành, con người được hòa nhập với thiên nhiên, gần gũi, thân mật như những người bạn tri giao. Cởi xuống những áp lực cuộc sống mưu sinh nơi thị thành, hòa mình vào tiếng chim rừng ríu rít, tiếng lá gió rì rào, tiếng thì thào nhỏ to tâm sự,… tất cả hòa vào nhau tạo nên một khung cảnh rừng xanh tuyệt mĩ, vừa đẹp quyến rũ, vừa âm u, huyền bí.

Đằng sau những mảng rừng

Tiếc vì không chụp được hình muông thú và chim rừng, tôi ngậm ngùi quay về, nhưng may sao, đó lại là lúc đàn khỉ bắt đầu “xuống phố”. Cả đàn nhởn nhơ dạo chơi ven đường, y như đây là vương quốc riêng của chúng. Đàn khỉ lên tới hàng trăm con: khỉ ông, khỉ bố, khỉ mẹ ôm khỉ con,... đều rất dạn người.

Chiều xuống, bầy khỉ bắt đầu đổ xô ra đường “dạo phố"

Nhâm nhi trái bình bác rụng trên đường...

…, rồi vội chạy đi khi nghĩ tôi xin ăn ké

chúng dạn người và hiền lành, không phá như các anh em ở Cần Giờ

Do còn sớm, bác Hưng xe ôm chở tôi chạy về hướng biển, khu vực di tích Hòn Đá Bạc để ngắm hoàng hôn trước khi trở lại thành phố Cà Mau.

Hòn đá không bạc nhưng biển chiều thì đúng là bạc thật

Ngồi bên ghềnh đá và ngắm hoàng hôn thì còn gì bằng

Mệt nhoài sau một ngày đi rừng, bác Hưng nhất định mời tôi về nhà làm chén cơm chiều rồi mới chịu chở tôi xuống bến xe buýt về lại thành phố Cà Mau. Cái tính hào sảng của người miền Tây là như thế đấy, trước lạ sau quen, đồng hành cùng nhau trên một con đường, không cần biết ngắn dài như thế nào đều có thể trở thành “bạn đường với nhau”.

Nhà bên sông có lẽ không gì xa lạ với người dân nơi đây nhưng cực thu hút sự chú ý của tôi

Về đến ngôi nhà của bác, tôi được thết đãi những món ăn “cây nhà lá vườn” ngon đến ngỡ ngàng. Trong gian nhà cấp 4 của bác Hưng, làm chén cơm với cá rô mắm kho, rau muống xào tỏi,… Bữa ăn nhà quê dân dã, đậm đà, chất chứa bao thương mến, nhưng lại thấm đẫm tình người U Minh.

Cá rô mắm kho với rau muống xào tỏi, đạm bạc nhưng ngon phết

Người dân U Minh đón tiếp khách phương xa như người thân xa quê mới về, họ tỉ tê tâm tình, kể những câu chuyện buồn vui bên cánh rừng tràm. Rừng là nguồn sống, là báu vật của người dân xứ này. Họ gắn bó với rừng, hiểu rừng, yêu rừng như chính sinh mạng của mình. Rừng nuôi dưỡng, chở che cho bao tâm hồn con người nơi đây.

 Ráng chiều phủ lên vùng sông nước nơi đây một màu sắc yên bình

Những vệt nắng chiều cuối ngày cũng dần tan, giữa khung cảnh náo nhiệt của bến xe, tôi vẫy tay chào bác xe ôm để về lại thành phố. Đâu đó vẫn đọng lại trong tâm trí tôi khung cảnh bạt ngàn của những cánh rừng U Minh Hạ. Tiếng gió thổi vi vu, tiếng chim kêu vượn hú, lắng nghe những câu chuyện từ thuở sơ khai.... Ngả lưng trên xe lắng nghe những giai điệu đờn ca tài tử trữ tình êm ái của đất rừng phương Nam.

“...Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi,

Mà ngỡ con tàu vỗ sóng bờ xa.

Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều,

Buồm xuôi vô phương Nam phiêu bạt theo thủy triều.

Dẫu trải qua thăng trầm giông tố,

Qua bao cuộc bể dâu,

Mãi dâng cho đời bài tình ca Đất Phương Nam.”

“Bài ca đất phương Nam - Lư Nhất Vũ”

Bao nhiêu những phiền muộn thường nhật tan biến nhường chỗ cho tâm hồn tịnh yên. Trái tim lại thêm một lần rung động trước các đẹp, cái tình, cái nghĩa của đất và người U Minh Hạ.


ADVERTISEMENT