share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Cái Bè - vẻ đẹp truyền thống giữa lòng thị trấn


ADVERTISEMENT

Ngày cuối tuần được nhỏ bạn rủ về miền tây chơi, xem sơ qua cung đường dài 115km, chẳng nghĩ ngợi nhiều, tôi xách xe chạy thẳng đến Cái Bè, Tiền Giang.

Vượt qua gần 3 tiếng chạy xe, bỏ mặc những ồn ào phố thị, Cái Bè đón tôi với một con đường hai bên chỉ toàn dừa nước trải dài đến tít tắp, xanh mát và trong lành vô cùng. Tôi chạy xe chậm lại, hít thật căng lồng ngực không khí mát lành này mà ở Sài Gòn chẳng bao giờ có.

Một góc chợ nổi Cái Bè

Chuyến hành trình của tôi bắt đầu với chợ nổi Cái Bè, đây được xem là chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Ngồi trên ghe chạy dọc lòng sông, khung cảnh náo nhiệt, đông đúc người mua kẻ bán của chợ như một bức tranh đầy màu sắc và vô cùng sinh động.

Trại nuôi ong tại Cái Bè

Ghe chạy thẳng một lúc, băng qua chợ nổi, ghé vào một làng nghề truyền thống nằm e ấp bên sông. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào làng là khung cảnh thanh bình và yên tĩnh đến lạ. Được bạn giới thiệu, tôi mới biết ở ấp này chỉ có vài chục hộ dân, và tất cả đều làm du lịch bằng nghề truyền thống của gia đình.

Cầu ong trưng bày vừa được treo lên

Chúng tôi bước vào trại nuôi ong, điểm dừng chân đầu tiên trong làng. Ở nơi đây tôi được tận mắt chứng kiến cách nuôi ong, được tận tay lấy mật, rồi học cách pha trà mật ong. Ngồi một lúc thì một cơn mưa rào bất chợt đổ xuống, tưới tắm cho khung cảnh thêm tươi mát và xua đi bao cái oi nóng của ngày hè. Chúng tôi ngồi nhâm nhi từng ngụm trà, nhìn ra từng giọt mưa đổ dài trên mái hiên, tận hưởng hương vị ngọt ngào của mật ong đọng lại nơi cổ họng.

Một góc hàng lưu niệm được bày bán khá bắt mắt

Rời khỏi trại nuôi ong, tôi được dẫn đến nơi làm kẹo cốm, kẹo dừa nổi tiếng trong vùng. Tôi không những bất ngờ trước câu chuyện 30 năm tuổi đời của làng nghề, mà còn bất ngờ hơn nữa bởi tất cả các công đoạn làm nên sản phẩm chỉ toàn bằng thủ công. Từ rang cốm, nổ kẹo, cho đến đóng gói sản phẩm. Các hộ gia đình ở đây vừa kết hợp làm nghề truyền thống vừa bán thêm hàng lưu niệm. Tôi ghé đến đâu cũng được tiếp đãi như người trong nhà, mọi người đều niềm nở, cho tôi trải nghiệm được xắn tay áo lên làm cùng. Trong tôi bất chợt có suy nghĩ, ở đây chẳng ai là khách, là chủ, ai đến đây cũng đều được người dân trân quý và nhiệt thành.

Nơi sản xuất kẹo cốm, kẹo dừa và rượu gạo

Tôi băng qua vườn trái cây, tắm mình trong bóng râm của những hàng cây ăn trái có tuổi, ngửi mùi ẩm đất, với tay hái vài ba trái ổi, vô tư cắn hương vị ngọt lành. Đã lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác thoải mái như vậy, tôi cá là ai đến đây, trải nghiệm những điều bình dị như này cũng nhớ ơi là nhớ tuổi thơ mãnh liệt một thời của mình.

Tranh do các họa sĩ trong vùng vẽ bán

Tôi đi hết một vòng quanh làng cũng là lúc trời đã qua trưa. Tôi ra sau vườn nhà nhỏ bạn sau khi ăn trưa xong, mắc một chiếc võng nằm lim dim mắt nhìn lên bầu trời.  Trong khung cảnh hữu tình ấy, tôi chợt thấy ngày cuối tuần của mình trôi qua thật ý nghĩa khi được trải qua những trải nghiệm thú vị tại nhà vườn Cái Bè, được hòa mình vào nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, được thư giãn, hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận được tính cách, tâm lý của con người phương Nam để rồi có cho mình những cảm xúc và ấn tượng khó quên cho lần đặt chân đến nơi này.


ADVERTISEMENT