share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi tới đó lòng không muốn về!


ADVERTISEMENT

“Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”... Cô gái vừa đẩy mái chèo vừa ngân nga câu hát. Chẳng phải cô chèo thuyền dạo chơi mà là đang đi bán cà phê, vậy nhưng tôi lại thấy sao mà thi vị và đáng yêu quá. Chỉ có thế mà tôi mê mẩn, về rồi lại nhớ giọng ca của cô gái chèo thuyền hôm nào. Tôi lại phải về thăm đất Tây Đô thôi. Mà lần này tôi không đi mình ên, bà chị kết nghĩa cũng là chân đi thứ thiệt làm bạn đồng hành cùng tôi. Có bạn đồng hành càng vui!

Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về

Hai chị em tôi lang thang từ Sài Gòn qua Sa Đéc chơi một ngày rồi tới Cần Thơ khi đêm đã buông thẫm. Sáng hôm sau, chưa đến 5h sáng chúng tôi đã ra tới bến Ninh Kiều. Sáng tinh sương, bến sông yên lành vắng vẻ, tôi tưởng không có thuyền để ra chợ. Vậy nhưng đứng chưa đầy năm phút đã có vài ba nhà thuyền tới mời chào, và cũng chỉ mươi phút sau hai chị em đã yên vị trên xuồng tiến về phía Cái Răng, chợ nổi lớn và nổi tiếng nhất miền Tây sông nước.

Xuồng ghe đưa du khách đến chợ nổi

Chợ nổi Cái Răng không chỉ là điểm du lịch quyến rũ ở đất Tây Đô mà còn là một chợ đầu mối lớn ở miền Tây. Tại đây, sản vật địa phương sẽ theo những chiếc thuyền tỏa đi khắp đất nước. Những trái dưa hấu, bưởi, dừa được chuyền từ thuyền này sang thuyền kia bằng cách tung - hứng điệu nghệ và vô cùng chính xác. Khi thuyền đã đầy hàng hóa, sẽ rẽ nước rời đi nhường chỗ cho những thuyền khác mới tới. Chợ nổi hoạt động từ tinh sương đến tận chiều muộn, nhưng sôi nổi nhất là khoảng từ 7 giờ tới 9 giờ sáng. Hai chị em tôi quyết đi chợ sớm để được thấy thuyền ghe buôn sỉ tấp nập. Lúc này chỉ có những thương lái buôn hàng, còn khách du lịch chắc chỉ có xuồng của chúng tôi.

Chợ nổi tấp nập bán mua

Vì còn sớm, chưa có nhiều xuồng nhỏ bán mua nên anh lái xuồng đưa chúng tôi đi một vòng chợ rồi quay trở về. Trên đường quay về Ninh Kiều, chị em tôi may mắn bắt được “khoảnh khắc vàng”. Từ sau những mái nhà lúp xúp bên sông, những tia nắng đầu tiên trong ngày bắt đầu buông xuống dòng sông lấp lánh. Mặt trời lên nhanh hơn bất cứ lần nào tôi từng ngắm ở những nơi khác, nên khi xuồng cập bến Ninh Kiều, mặt trời đã lên cao.

Bình minh lên trên dòng sông Hậu

Lên tới bờ, chị em tôi vẫn quyến luyến sông nước, nấn ná ở bến một lúc thì quyết định “bắt cặp” với một nhóm bạn trẻ mới từ Sài Gòn xuống đi một tour chợ nổi - vườn trái cây. Hơn 7h sáng, trên sông thuyền buôn, thuyền khách dập dìu lướt sóng. Cứ đi ngang nhau, bất kể thân quen hay xa lạ là những bạn thuyền lại vẫy tay chào nhau thân tình. Tới chợ, tàu chạy chậm, len lỏi qua những chiếc ghe đang mua bán cho khách tham quan và trải nghiệm việc đi chợ trên sông. Giữa những chiếc ghe lớn buôn bán hàng nông sản là những chiếc xuồng ba lá bán hủ tiếu, mì, phở, cà phê, thậm chí cả vé số, sim card điện thoại... để phục vụ khách trên chợ. Đi chợ nổi chẳng phải mất công tìm kiếm, cứ nhìn trên đầu mỗi chiếc ghe, cây “bẹo” treo gì thì biết ghe bán thứ đó. Cây bẹo là một cây sào dài, được chống ngay mũi xuồng, ghe, trên đầu sào treo những mặt hàng mà chủ ghe bán. Và người miền Tây gọi cây sào này là cây bẹo.

Chợ nổi bán đủ thứ, tấp nập như chợ trên bờ

Bẹo treo gì thì mình bán nấy

Lái xuồng cặp vào ghe hủ tiếu cho cả nhóm ăn sáng, uống cà phê. Bữa sáng đặc biệt trên lênh đênh sông nước ấy tôi sẽ nhớ suốt đời. Trong lúc thuyền neo, tôi lân la chèo sang mấy thuyền khác tham quan và nghe kể đời sông nước. Người miền Tây thân thiện sẵn sàng mời khách vào “nhà” uống ly nước rồi khi cao hứng ca vài câu vọng cổ cho nghe. Cái tình ấy khiến tôi thấy Tây Đô không chỉ đẹp cảnh sắc mà còn quyến rũ bởi tình người.

Bữa sáng trên chợ nổi cũng đủ món đủ vị không thiếu gì

Những vườn cây trái ở Cần Thơ cũng quyến rũ du khách không kém chợ nổi. Nên sau khi đi chợ, thuyền đưa cả nhóm tới vườn trái cây. Ngoài niềm vui được thỏa thuê ăn trái cây tươi ngon tại ngay vườn, tôi còn thích cái không khí trong lành, mát mẻ, bình yên khi đi dạo dưới những tán cây xanh mát nghe tiếng chim ríu rít. Tôi và chị cũng đã có bữa trưa thiệt ngon ở giữa xứ miệt vườn.

Cần Thơ cũng nổi tiếng với những vườn trái cây trĩu quả

Bữa trưa với đặc sản đồng quê giữa xứ miệt vườn

Sau khi chia tay các bạn trẻ, chúng tôi tiếp tục hành trình tới thăm làng làm bánh tráng, hủ tiếu thủ công, thử tài tráng bánh dưới sự hướng dẫn của bà con. Tôi không khéo tay bằng chị nên chiếc bánh méo mó thấy tội khiến mấy chị em trong làng bánh cười đỏ mặt khiến tôi thấy “quê quê”.

Thăm làng nghề, học người dân cách đổ bánh tráng

Cần Thơ cũng nổi tiếng với món bánh tét nếp cẩm, nên chị em tôi phải vào tận lò bánh cho bõ cái công đi. Lòng vòng hỏi thăm đường mãi cũng tới nơi. Cô chú chủ nhà niềm nở chào đón hai vị khách lạ. Đang lúc nhà gói bánh, thế là tôi được tận mắt thấy đủ quy trình làm bánh tét nếp cẩm. Trong gian bếp gọn gàng, một nồi bánh tét sắp chín, một nồi lá cẩm đang sôi nghi ngút khói. Những hạt nếp trắng tinh, và thịt và đậu đã sẵn sàng trên mâm. Cả nhà cùng ngồi gói bánh, vừa gói vừa trò chuyện rôm rả làm tôi nhớ không khí giáp Tết quê mình.

Bánh tét lá cẩm nổi tiếng đất Cần Thơ

Cùng nhau gói bánh tét, gợi nhớ không khí Tết quê nhà

Thế nên mới nói “đi là để trở về”. Trước khi lên chuyến xe đêm cuối cùng, tôi kéo chị ra chợ đêm, rồi lội qua bến Ninh Kiều ngắm cảnh. “Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có dòng sông đẹp/Có nhiều giai nhân” thiệt là như vậy. Đêm trên bến Ninh Kiều lung linh ánh đèn màu, nam thanh nữ tú dập dìu ngắm cảnh hóng gió. Ánh sáng từ hai bên bờ sông và từ những con thuyền ngả bóng xuống làn nước tạo nên những sóng nước lung linh bảy sắc cầu vồng. Xa xa văng vẳng khúc hát ngọt ngào của cô gái Tây Đô. Chỉ thế thôi cũng đủ mang đến cái vẻ hữu tình cho bến sông trăng, nhẹ nhàng quyến rũ, khiến người lữ khách như tôi đã đến đây rồi thì “chẳng muốn về”!


ADVERTISEMENT