share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Đến Tà Xùa ngắm bóng mây vờn đỉnh núi


ADVERTISEMENT

Những ngày đầu năm, có người chọn đảo ngọc Phú Quốc làm nơi nghỉ dưỡng, có người lại muốn thăm thú Hà Nội. Cũng có những lữ khách "cuồng chân" tìm kiếm cảm giác mới mẻ trên đỉnh non cao Tà Xùa. Và vẻ đẹp của Tà Xùa đôi khi gợi nhớ cho ta những câu thơ của Chế Lan Viên khi nói về Tây Bắc:

"Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn?"
(Tiếng Hát Con Tàu - Chế Lan Viên)

Tà Xùa không phải nơi hoang vu vì đây là mảnh đất bình yên từ ngàn xưa của đồng bào dân tộc H’mong. Họ vẫn ngày ngày lao động hăng say, vẫn sống chân phương, hiền hòa. Tà Xùa cũng chẳng phải địa điểm du lịch quá nhộn nhịp dù cho vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để du khách ghé thăm. Nhiều năm trôi qua, Tà Xùa vẫn giữ được hồn sắc và khiến bất cứ ai cũng bâng khuâng nghĩ về một khi đã đi xa.

Thiên nhiên đẹp tinh khôi

(Ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng An)

Tà Xùa là một xã ngụ huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, giáp ranh với huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.  Nằm ở độ cao 1500-1800m so với mực nước biển, Tà Xùa được thiên nhiên ưu ái ban tặng bầu khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. 

Để đến Tà Xùa, trước tiên du khách xuất phát từ Hà Nội, vượt qua quãng đường hơn 200km theo tuyến quốc lộ 32 để đến trung tâm huyện Bắc Yên. Sau đó du khách tiếp tục men theo cung đường chênh vênh đá dài chừng 13km. Những ngày trời mưa, đoạn đường này càng thêm phần lắt léo, đòi hỏi người đi phải rành rẽ tay lái mới có thể di chuyển suôn sẻ. Càng đi, du khách sẽ thấy núi đồi trải dài ngút ngàn và hình ảnh của Tà Xùa dần xuất hiện.

Điều ở Tà Xùa mà du khách háo hức một lần "mục sở thị" hơn cả chính là những làn mây đắp hồn cho phố núi. Theo lời dân địa phương cũng như những du khách từng đặt chân đến, từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch năm sau là thời điểm săn mây lý tưởng nhất. Nếu may mắn, ta sẽ được dịp thưởng ngoạn cảnh mây Tà Xùa khắp các bản làng. Xa xa là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc H’mong mờ ảo trong biển mây. Một vẻ đẹp mà chỉ ở Tà Xùa mới có được.

Ngoài ra, việc săn mây còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Người ta nói, mây Tà Xùa "tính khí" thất thường lắm. Có khi du khách dành chặng đường xa xôi dài gần 8 giờ đồng hồ để đến, mây vẫn lặn mất tăm. Tuy vậy, Tà Xùa còn có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Đặc biệt, mỗi khi xuân về cũng là lúc những cánh đào thi nhau bung nở. Khi bình minh lên, những tia nắng ấm áp màu cam rọi xuống "biển mây", điểm xuyết sắc hồng của những cánh đào khiến cho khung cảnh ngày xuân bừng sáng.

(Ảnh: Minh Trang Mua)

Đặc biệt, đã đến Tà Xùa thì nhất định phải ghé Đỉnh Gió. Cách trung tâm xã Tà Xùa 3km, Đỉnh Gió (thuộc xã Háng Đồng) được xem là địa điểm ngắm hoàng hôn hoàn hảo nhất ở Tà Xùa. Tại đây, ta có thể cảm nhận làn gió rét mướt da thịt và tận mắt chứng kiến cây táo mèo cô đơn bên bờ vực. 

Cách Tà Xùa 13km là sống lưng khủng long - biểu trưng của sự hùng vĩ tại Tà Xùa. Sở hữu độ cao gần 1400m so với mực nước biển, hai bên là đáy vực sâu hút, địa hình hiểm trở của sống khủng long luôn gây phấn khích với những lữ khách ưa cảm giác mạnh. Và khi lên đến đỉnh, ta có thể nhìn ngắm toàn cảnh Tà Xùa với cánh đồng lau trắng bạt ngàn, xa xa là những thửa ruộng bậc thang xanh mượt như nhung uốn lượn bên sườn đồi xã Xím Vàng. 

(Ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng An)

Ngoài ra, Tà Xùa còn gây ấn tượng bởi mỏm cá heo cheo leo giữa trời cách trung tâm xã 1km, mặt hồ thủy điện Suối Sập 2 nhuốm sắc xanh hay bầu trời lấp lánh ánh sao về đêm tựa dải ngân hà.

(Ảnh: Ha Nguyen)

Con người Tà Xùa càng khiến cho du khách chẳng muốn rời. Với sự hồn hậu, hiếu khách, họ sẵn sàng tiếp đãi du khách một bữa ăn thịnh soạn: nào là thịt trâu gác bếp, nậm pịa, cá nướng Pa Pỉnh Tộp; nào là rượu thóc, táo mèo. Không gì sánh bằng cảm giác ngồi bên lửa trại và lắng nghe đồng bào dân tộc H’mong kể vanh vách về lịch sử nơi đây. Đặc biệt, vào dịp Tết, ta còn có dịp chứng kiến trẻ em H’mong rộn rã khắp làng bản và xúng xính trong trang phục truyền thống đủ màu sắc sặc sỡ cũng như trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc tại Tà Xùa.

(Ảnh: Ha Nguyen)

Một Tà Xùa rất khác nhìn từ Yên Bái

Khác với hình ảnh Tà Xùa đẹp dịu dàng và trong khiết trên cung đường đến huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, dãy Tà Xùa theo điểm nhìn từ Yên Bái lại mang một nét gai góc pha chút rờn rợn. Tại đây, lữ khách sẽ có dịp chinh phục đỉnh Tà Xùa với độ cao khoảng 2865m - độ cao khiến cho đỉnh Tà Xùa được xếp vào danh sách 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Tuy vậy, cuộc hành trình chinh phục có khi mất đến 2-3 ngày, lại có nhiều trúc trắc, đòi hỏi người đi phải có bản lĩnh và thể lực tốt.

Điểm khởi phát của hành trình nằm ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Từ đây, đường lên đỉnh Tà Xùa sẽ ngày càng dốc với hai bên chỉ còn là vách núi cao chót vót. Đặc biệt, cửa ải gay go hơn cả chính là sống lưng khủng long với địa thế gần như dựng đứng, nếu người đi không bám vịn vào dây cáp thì rất khó di chuyển, thậm chí có thể sảy chân trượt ngã khi gió mạnh tốc qua. Băng qua sống lưng khủng long, ta sẽ có dịp chứng kiến khu rừng nguyên sinh Tà Xùa với rong rêu bám đầy những thân cây cổ thụ, xen lẫn những tán hoa đỗ quyên đỏ thẫm mọc dày đặc. Khi nhiệt độ xuống thấp, không khí nơi đây càng khiến cho khu rừng bội phần ma mị, cổ quái.

(Ảnh: Trà Chân)

Vượt qua nhiều lớp dây leo chằng chịt, ta sẽ dừng tại đỉnh 3 - một trong 3 đỉnh hợp thành dãy Tà Xùa, đồng thời cũng là đích đến. Nếu may mắn, từ đây, ta có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của Tà Xùa. Con người lúc này dường như đứng ở tư thế chế ngự thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên. Tà Xùa nhìn từ Yên Bái hiểm trở bậc nhất nhưng cũng mang một vẻ đẹp huyền bí.


ADVERTISEMENT