share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Đi tìm nghệ nhân chấm sửa ảnh cuối cùng của miền Bắc


ADVERTISEMENT

Ngày nay, người ta thường choáng ngợp trước sức mạnh xử lý hậu kỳ hình ảnh đến từ những phần mềm như Photoshop, biến những điều không thể thành có thể. Không mấy ai biết rằng những kỹ thuật "tân tiến" này đã từng được thực hiện thủ công thông qua việc chấm, sửa hay tô màu trực tiếp lên tấm ảnh trong suốt hai thế kỷ trước. Bắt nguồn từ Thuỵ Sĩ từ những năm 30 của thế kỷ 19, công đoạn hậu kỳ này đã dần phổ biến khắp thế giới và thậm chí trở thành một loại hình nghệ thuật quý tộc tại Nhật Bản.

Tại Việt Nam ở thời kỳ cực thịnh của các tiệm ảnh truyền thống thập niên 1940-1950, việc chấm sửa ảnh hay tô màu ảnh đen trắng đã là một nghề được không ít người thợ theo đuổi nhưng nay số lượng những người được biết đến chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Qua Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Matca đã có cơ hội tìm gặp một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất miền Bắc, ông Phạm Đăng Hưng, trong chính căn phòng nơi ông đã tô vẽ làm đẹp cho hàng ngàn tấm ảnh qua nhiều thập kỷ.

Ảnh: © Ha Dao

Đã quá tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn khoẻ và mở đầu câu chuyện một cách hết sức tự nhiên:
[Phạm Đăng Hưng] Tôi nghỉ làm 15 năm nay rồi, từ hồi 70 tuổi, chứ hồi trước nhà tôi chật ảnh. Thỉnh thoảng các vị cũng về bảo tôi đóng kịch lại để các vị quay.

Chấm sửa ảnh là nghề gia truyền. Cụ Khánh Ký với ông ngoại tôi là anh em con chú con bác. Còn đối với ông nội tôi là anh em con cô con cậu ruột. Hai bên đều gần. Bố tôi sau này mới truyền lại nghề cho tôi. Đến đời tôi là ba đời làm ảnh rồi.

Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về quy trình chấm sửa ảnh?
Trước đây tôi nghe các bậc đàn anh đi trước, họ toàn chấm bằng mực Tàu viết chữ Nho. Cái mực đó tôi nhìn không thấy đẹp. Màu đen nhờ nhờ, những chỗ như tóc hay quần áo đen thì cần sắc độ sẫm hơn nữa. Chấm mực Tàu vào những chỗ này trông như mốc, nhìn nghiêng thì như trát đất vào mặt.

Rồi người ta lại nghĩ ra cách làm giảm vết mốc trên mặt ảnh bằng cách phun nhựa thông. Tán nhỏ cục nhựa ra, ngâm với độ nửa lít xăng, sau lấy nước đó phun vào mặt ảnh thì cũng giảm đi một nửa độ bẩn. Nhưng lại phát sinh vấn đề khác, vì nhựa thông nâu cộng với xăng hơi vàng làm ố ảnh thì khách chê lắm.

Ảnh: © Ha Dao

Sau tôi mới nghiên cứu cách làm riêng của mình với quyển màu Trung Quốc có 12 màu tất cả. Để chế được màu đen không cặn, tôi pha các màu xanh đỏ tím vàng lại với nhau vì những màu trên này không có cặn, chỉ có nước thôi. Chấm lên cứ mượt như không. Nhìn thẳng không ai thấy được vết bút, nhìn nghiêng thấy ảnh vẫn bóng loáng như gương. Cách làm khiến nhìn vào không ai biết tôi đã sửa ảnh.

Người trong ảnh chẳng may bị nhắm mắt, tôi sửa thành mở mắt ra. Hay có những cô mắt một mí, tôi làm được thành hai mí. Cô nào sống mũi chưa thẳng, tôi làm cho cao và thẳng. Cô nào mặt chưa trái xoan thì tôi giúp gọt bớt. Người nào gầy thì tôi sửa cho bớt gầy, hoặc người béo thì đỡ béo. Những cô ngực tẹt như ngực đàn ông, đa số phải ra thẩm mỹ viện mà độn lên cơ, vào tay tôi thì chỉ cần 5 phút là làm căng phồng được (cười). Cô nào bụng nở nang quá thì tôi chiết eo lại, làm sao nổi bật số đo 3 vòng. Cho nên các cô trong ảnh nghệ thuật in lịch ai rồi cũng nổi tiếng lắm. Làm ảnh dịch vụ thì phải giống là chính, nhưng làm ảnh nghệ thuật để in tranh tố nữ thì gọt dũa thoải mái, miễn sao đẹp nhưng khi nhìn vào vẫn phải nhận ra nhân vật.


ADVERTISEMENT