Đi xa nhớ tiếng xứ Nẫu
Cho tôi được mở đầu về cái gốc gác xứ Nẫu của tôi đã nhé.
À, tôi là dân xứ Nẫu chính gốc đây. Ba má tôi sinh ra và lớn lên ở cái đất cằn cỗi Quy Nhơn, Bình Định. Sau đó, tôi cũng được ra đời trên mảnh đất thân thương quá chừng này. Cho nên tôi là người xứ Nẫu. Nhưng tôi không nói rặc ri tiếng xứ Nẫu quê mình…
Người Nẫu ở xứ được nắng và gió đãi ngộ
Quê tôi cũng như các tỉnh thành khác, có thành phố và huyện, xã. Mà bạn biết rồi đấy, thành phố phát triển hơn, người thập phương đổ về nên giao tiếp và giọng nói sẽ có sự pha trộn, cũng nhẹ hơn người ở huyện một chút. Mặc dù trong âm sắc của tôi, bạn vẫn ngờ ngợ nhận ra giọng Nẫu đấy, có điều, sẽ thắc mắc chút ít rằng Nẫu này có hơi lạ à nghen.
Hồi bé, tôi cũng chẳng để ý mấy… thỉnh thoảng có gặp mấy bạn ở huyện vào Quy Nhơn, mỗi lần nói chuyện với chúng nó, tôi cứ phải dỏng tai lên nghe, nhiều khi tròn xoe cả mắt, rồi há hốc đến mỏi cả miệng: “Ủa, chúng nó nói tiếng gì nghe không ra là sao ta”.
Cho đến khi tôi vào Sài Gòn đi học, giữa thanh âm của một thành phố hiện đại, lung linh ánh đèn và những tòa nhà cao tầng… tôi chợt nhớ tiếng Nẫu quê tôi vô cùng. Gặp đồng hương ở trường đại học còn mừng hơn bắt được vàng. Những lúc đó, tôi chỉ ngồi nghe chúng nó nói cũng đủ đầy hạnh phúc rồi. À, mà cũng kì diệu lắm. Tôi nghe rất rõ ràng, rành mạch và hiểu từng chữ chúng nó nói, mừng rơn trong lòng: “Nghe tiếng Nẫu hay quá, sao mình không nhận ra”.
Hoặc mỗi khi gọi về thăm nhà, nghe giọng “quơ” của ba má mà buồn, nhớ nhà, nhớ “quơ”, nhớ luôn tiếng Nẫu mà rớt nước mắt.
Tiếng Nẫu không như tiếng Huế ngọt ngào cũng chẳng như tiếng Bắc lịch lãm, tiếng Nẫu nghe trìu mến mà mộc mạc lắm. Đứng bên đây hiên, nghe má vọng sang: “Trời quơ, túi thui túi thít mờ còn chưa chịu dìa en cum” (trời ơi, tối rồi mà còn chưa chịu về ăn cơm). Tôi đáp má tôi liền: “Dạ, con nghe rầu má ơi, con dìa liền giờ nghen” (dạ, con nghe rồi má ơi, con về liền giờ ạ). Có nhiêu đó thôi mà tiếng Nẫu làm người ở cạnh thì thương, đi xa thì nhớ.
Người Nẫu cặm cụi dưới nắng trưa
Vậy đó, ở hoài xứ Nẫu, đâm ra bạn cũng dần quen tiếng Nẫu, mến luôn người Nẫu, một ngày đi đâu xa không nghe là thấy nhơ nhớ. Người xứ Nẫu quê tôi ăn nói cộc cằn, ngắn cụt lắm nhưng có chắc thiệt thì mới nói, kiểu: “Yêu hổng yêu thì thâu, nói dứt phát, đi dìa” (yêu không yêu thì thôi, nói dứt khoát, đi về).
Cái khí chất ăn sóng, nói gió của một vùng đất chỉ có sóng, có gió, có những con người ngày ngày oằn mình ngoài khơi xa với biển nên tiếng Nẫu nghe cũng nằng nặng trong âm sắc và cũng “mặn” như gió biển và cát nóng.
Quy Nhơn - nơi chỉ gió biển và cát nóng
Nhớ tiếng Nẫu là nhớ những ngày mùa hè nắng chói chang, lang thang ở bãi biển Quy Nhơn, nghe sóng hát, nghe gió rì rào. Hay những chiều về, ngồi trên bãi Quy Hòa, ngắm liễu ru trong gió, có ông bác già bệnh phong cạnh đó ngâm thơ Hàn.
Người Nẫu thích thếch đãi khách quý bằng những món từ cá tươi lắm
Nhớ tiếng Nẫu là nhớ những ngày má rong ruổi xuống bến cá từ sáng sớm đến trời ngả bóng trưa mới thấy về, tay cơ mang nào là cá. Nhớ những ngày mùa đông mưa dầm dề cả tháng, ba không đi làm, mà má cũng chẳng có cá để mang về. Nhà mình năm người ngồi bên mâm cơm chỉ có rau muống luộc chấm nước mắm sống với ớt. Vậy mà cơm nóng ăn ngon quá chừng quá đỗi.
Nhớ tiếng Nẫu là nhớ khi được vào đại học, biết tôi sắp đi xa mà ba má tôi buồn thấy rõ. Kêu người Nẫu hiền mà cộc cằn, chẳng khéo, sợ người ta không quý rồi tôi một mình có ổn không? Ngày đó, má thương tôi mà không đưa tôi vô Sài Gòn cùng ba được. Có bao nhiêu tiền má chia cho tôi một ít, còn để nhà lo cho hai đứa em.
Góc nhà người Nẫu
Nếu bạn cũng có một vùng quê để về, một thanh âm để lưu luyến, một miền ký ức để khắc khoải hay một đoạn thời gian cũ để hoài niệm thì bạn sẽ nhận ra trong cảm giác rời xa mới thấy quý vô cùng.
Và ba má tôi là người Nẫu, quê tôi là xứ Nẫu, tiếng nói của tôi là tiếng Nẫu nên dù đi đâu, ở đâu, tôi cũng thương nhớ giọng Nẫu nằng nặng quê mình.