share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Dưới hiên, một ấm trà


ADVERTISEMENT

Sau những ngày nắng “nước như ai nấu chết cả cá cờ” thì mưa không còn là nỗi háo hức mà thích những cơn giông chiều. Gió lùa về thấy rõ cái mùi mùa hạ, là thứ mùi hơi nước xâm chiếm dần mùi đất nồng đang xông lên, cái oi ả hầm hập tan ra, man mát và khoan khoái đến dễ chịu. Cũng hay là vào cuối tuần, có cái hẹn trà chiều với em, trời cũng vừa lúc xầm xì, bên ấm nước đang réo, cô trà nô vừa hầu chuyện vui vẻ, vừa lận lận dở bông sen.

Cô trà nô vừa hầu chuyện vui vẻ, vừa lận lận dở bông sen

Giờ đã không còn sen sớm, trên đầm, sen đương độ rộ nhất. Sen hồ Tây là giống bách diệp (trăm cánh) trứ danh đất Bắc, hương sen thơm ngát, đượm mùi hơn sen Huế hay sen Đồng Tháp nên người Hà Nội mà uống sen Huế có khi hơi lệch tone, sẽ thấy thanh hơn nhiều. Bình trà sen đầy ắp vừa được ướp sáng nay, vẫn còn cắm trong bình ngập nước, bông nào bông ấy còn tươi nguyên cả cuộn. Âu cũng là cách chơi hoa, giữ sen tươi để nhả hương đúng độ, trà ngậm hương sen cũng vì thế mà rất đầm, có tới nước thứ ba, thứ 4 vẫn thoảng hương. Qua đêm, mai mà thưởng trà sớm thì sen vừa lúc nở bung, còn kịp chơi thêm một ngày

Bình trà sen còn tươi nguyên, mai mở trà vẫn chơi sen được thêm một buổi

Nước giảm nhiệt, cô trà nô mới chế nước vào ấm trà, hòng để giữ không bị cháy trà. Hiểu đơn giản thì nước sôi chỉ để pha trà đen, còn lục trà hay trà sen thì chỉ dùng nước 80 - 90oC, cánh trà đủ nở mà không bị nhiệt làm hỏng thứ hương sắc tự nhiên. Để thưởng được vị trà chuẩn nhất, hương sen nồng như phảng phất trong gió thì thứ nước dùng để đun pha trà càng tinh khiết càng tốt. Là nước ít khoáng, càng không phải là nước máy nhiều tạp chất. Đâu được như xưa, nghề chơi lắm công phu, phải là thứ nước suối thượng nguồn, nước đáy giếng hay như cụ Nguyễn Tuân dùng sương sớm đọng trên lá sen thì mới ra trà cực phẩm.

Đoạn cô chế trà vào ấm

Nhất thủy, nhì trà là vậy. Ý nói nước dùng để pha trà cần chọn đúng loại, nhiệt đúng độ sau đó mới tới trà ngon loại như nào. Vẫn thấy lục trà ướp sen hợp hơn cả. Cô trà nô kể đây là giống lục trà Tân Cương, cây trồng lâu năm nên lá nhỏ, cánh bé, còn không quên cho ngửi hương cốm trà còn nguyên cánh chưa ướp, chưa pha để nhận thấy sự khác biệt. Chế nước vào ấm, cô thuần thục chắt trà, tuần nước đầu tiên, trà trong xanh, vị nhậm nhậm chát, đâu đây hương sen vẫn quấn trong làn khói thoảng. Bên hiên, mưa vẫn xối xả, gió đưa vào có cả hơi lạnh. Ngụm trà càng thế mà thấm, em bảo “chao ôi là tuyệt”.

Chén trà trong, hương thanh mà hậu vị

Nghe ra cầu kỳ chứ trà đã thành một món thường thức nơi mỗi nếp nhà, “rượu tam, trà tứ” là bởi vậy. Loại trà phổ biến nhất là trà xanh hay trà đen. Đất Bắc thì trà Tân Cương, Thái Nguyên vẫn là nhất, chắc bởi thổ nhưỡng miền trung du mà ra được cái chất trà như vậy. Trà Tà Xùa hay Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm trên đỉnh núi cao được xem là thượng hạng nhưng mấy ai có dịp được thưởng. Thứ trà ướp hương hoa theo mùa cũng chỉ là để thưởng chút chứ không thay thế được. Hương hoa thì mùa nào có vị ấy, xuân thì có trà ướp mộc hương, chớm hạ thì ướp ngọc lan, rộ nhất là trà sen, rồi sang thu thì có những cúc chi làm trà.

Một góc, hương lan đã kịp tỏa

Chiều mưa nhẩn nha, thời gian cũng như đọng lại bên ấm trà, ngẩng ra trời đã tối. Lạm bàn chuyện trà chút cũng là để biết thú vui của người xưa, biết thứ hay, cái dở, để hiểu không phải vô cớ mà chén trà sống cả trong dân gian và là cả thứ lễ trong những nghi thức sang trọng. Không như những thức uống hiện đại, nhiều sáng tạo nhưng cũng chỉ có thời.


ADVERTISEMENT