share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Sự lựa chọn Leica Camera nào sẽ phù hợp với bạn?


ADVERTISEMENT

Trong giới nhiếp ảnh, từ đầu thế kỷ 20, thương hiệu Leica Camera ra đời đã định hình nên thiết kế của những chiếc máy ảnh film 35mm với chất lượng hình ảnh hàng đầu. 

Nếu bạn đã quyết định sẽ mua cho mình một chiếc máy ảnh film của Leica thì tôi mong rằng bài viết dưới đây sẽ có thể giới thiệu sơ cho bạn về từng chiếc Rangefinder mà Leica đã sản xuất, đồng thời cung cấp cho bạn thêm một số thông tin cần thiết để giúp bạn quyết định đâu sẽ là dòng máy ảnh Leica phù hợp.

Leica M3

  • Khung ảnh: 50mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.91x
  • Đo sáng: Không
  • Năm sản xuất: 1954 - 1966

Mặc dù tên gọi có chứa con số 3 nhưng đây lại là chiếc máy Rangefinder đầu tiên và là một trong những chiếc máy ảnh film tốt nhất của Leica Camera. Với khung ngắm lớn và độ phóng đại ảnh là 0.91x, việc sử dụng ống kính có tiêu cự dài sẽ thoải mái và dễ dàng hơn so với các dòng máy ảnh Leica khác. Dòng Leica M3 có hai phiên bản: Double Stroke (DS) và Single Stroke (SS). Đối với dòng DS, người chụp cần phải thực hiện hai thao tác để lên film và lên cò còn đối với dòng SS thì chỉ cần một thao tác. 

Một điểm cần lưu ý là Leica M3 không có khung ảnh dành cho ống kính tiêu cự 28mm và 35mm nêu người chụp cần phải mua thêm ống ngắm rời cho những dòng này. 

Leica M2

  • Khung ảnh: 35mm, 50mm và 90mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.72x
  • Đo sáng: Không
  • Năm sản xuất: 1958 - 1967

Với giá thành khi ra mắt là $249.00 (so với M3 là $297.00), nhiều nhiếp ảnh gia thường đặt Leica M2 ở vị thế thấp hơn Leica M3. Bên cạnh đó, chiến lược marketing của Leica dành cho Leica M2 là một phiên bản có mức giá phải chăng hơn so với Leica M3. Trên thực tế, điểm khác biệt lớn dễ nhận biết nhất giữa hai loại máy ảnh Leica M2 và Leica M3 có lẽ chính là ở hệ thống đếm ảnh của film. Ở Leica M2, người dùng cần phải điều chỉnh bộ đếm về 0 mỗi khi thay film mới vào máy.

Bên cạnh đó, Leica M2 cũng là máy ảnh đầu tiên mà Leica Camera giới thiệu độ phóng đại ảnh 0.72x và khung ảnh 35mm đến với người dùng. Độ phóng đại ảnh 0.72x sau này đã trở thành độ phóng đại ảnh tiêu chuẩn cho tất cả các máy ảnh sau này. 

Một phiên bản khác của Leica M2 là Leica M2-R đã được cho ra mắt và bán với số lượng cực kì giới hạn (2000 chiếc trên toàn thế giới) vào những năm 1969 và 1970.

Leica M4

  • Khung ảnh: 35mm, 50mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.72x
  • Đo sáng: Không
  • Năm sản xuất: 1967 - 1975

Nhiều nhiếp ảnh gia nhìn nhận Leica M4 chính là chiếc máy ảnh đánh dấu sự kết thúc của máy ảnh Leica cổ điển. Là một phiên bản nâng cấp của Leica M2, Leica M4 được trang bị hệ thống đếm ảnh tự động, cần tua film cải tiến, hệ thống lên film giúp làm giảm thời gian tua và giúp việc thay film vào máy ảnh dễ dàng đồng thời chính xác hơn. Hệ thống này đã trở thành tiêu chuẩn mới cho tất cả các máy ảnh film sau này của Leica Camera. 

Leica M5

  • Khung ảnh: 35mm, 50mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.72x
  • Đo sáng: Có
  • Năm sản xuất: 1971 - 1975

Leica M5 được đánh giá có ngoại hình khá khác biệt so với các dòng máy ảnh Leica còn lại. Tiêu biểu là việc cần tua phim đã được đặt ở dưới đáy của máy thay vì ở phía trên. Bên cạnh đó, do cấu trúc khác biệt, Leica M5 không thể tương thích mới một số ống kính như: ống kính 21mm và 28mm đời cũ.

Tuy mặt lợi nhuận không thuận lợi nhưng có thể nói Leica M5 lại là máy ảnh tân tiến nhất của Leica Camera trong phân khúc Rangefinder. Leica M5 là máy ảnh đầu tiên của Leica Camera tích hợp chức năng đo sáng vào trong máy. 

Leica M4-2

  • Khung ảnh: 35mm, 50mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.72x
  • Đo sáng: Không
  • Năm sản xuất: 1978 - 1980

Sau sự ra mắt không thuận lợi của Leica M5, Leica đã phải hồi sinh lại thiết kế của dòng máy Leica M4 và đồng thời chuyển đổi nơi sản xuất từ Đức sang Canada. Để có thể giảm chi phí sản xuất, một số bộ phận bên trong máy đã không còn được làm bằng đồng thau giống như các phiên bản trước mà thay vào đó được làm bằng thép. Leica M4-2 cũng là chiếc máy đầu tiên của Leica có bộ phận được làm bằng nhựa (một bộ phận nhỏ bên trong hệ thống đếm ảnh). Hệ thống chụp ảnh hẹn giờ cũng đã được lược bỏ so với dòng Leica M4.

Dòng máy ảnh Leica M4-2 là một trong những dòng máy “hiếm” nhất của Leica do tổng số lượng sản xuất chỉ có 16,000 chiếc trên toàn thế giới.

Leica M4-P

  • Khung ảnh: 28mm, 35mm, 50mm, 75mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.72x
  • Đo sáng: Không
  • Năm sản xuất: 1981 - 1987

Dòng Leica M4-P so với Leica M4-2 chỉ có một số cải tiến nhỏ. Một trong những cải tiến đó chính là việc cho vào khung ảnh 28mm và 75mm. Bên cạnh đó, khác với các dòng máy trước với khung ảnh được hiển thị riêng lẻ, Leica M4-P có các khung ảnh được hiển thị theo cặp: 28mm và 90mm, 35mm và 135mm, 50mm và 75mm. Việc cho thêm nhiều khung ảnh giúp các nhiếp ảnh gia có thể thoải mái chọn ống kính. Yếu tố này đã trở thành tiêu chuẩn mới cho các dòng máy sau của Leica.

Leica M6  - M6 TTL

  • Khung ảnh: 28mm, 35mm, 50mm, 75mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.58x, 0.72x và 0.85x
  • Đo sáng: Có
  • Năm sản xuất: 1984 - 1998 ; 1998 - 2002

Sau sự thành công của Leica M4-P, Leica Camera đã có thể chuyển bộ phận sản xuất của mình từ Canada trở lại Đức. Về cơ bản, Leica M6 chính là dòng Leica M4-P được trang bị thêm hệ thống đo sáng. 

Bên cạnh đó, khác với các dòng máy còn lại, Leica M6 có đến 3 độ phóng đại ảnh khác nhau. Độ phóng đại ảnh 0.58x lược bỏ khung ảnh 135mm, độ phóng đại ảnh 0.72x tiêu chuẩn và độ phóng đại ảnh 0.85x lược bỏ khung ảnh 28mm.

Dòng máy Leica M6 được chia ra làm hai giai đoạn sản xuất: căn bản được sản xuất trước năm 1998 và Leica M6 TTL được sản xuất sau năm 1988. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dòng máy này nằm ở hệ thống đo sáng, Leica M6 TTL được cải tiến để tối ưu hơn khi chụp với flash.

Leica M7

  • Khung ảnh: 28mm, 35mm, 50mm, 75mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.58x, 0.72x và 0.85x
  • Đo sáng: Có
  • Năm sản xuất: 2002 - 2018

Leica M7 là dòng máy đầu tiên giới thiệu chức năng Aperture Priority (ưu tiên khẩu độ). Tuy nhiên, do màn trập được điều khiển bằng điện (khác với các dòng máy được điều khiển cơ học), nếu hết pin, Leica M7 sẽ chỉ sử dụng được hai tốc độ màn trập là 1/60 và 1/125. 

So với Leica M6, nhiều nhiếp ảnh gia nhìn nhận Leica M7 thực sự không có nhiều cải tiến. 

Leica MP

  • Khung ảnh: 28mm, 35mm, 50mm, 75mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.58x, 0.72x và 0.85x
  • Đo sáng: Có
  • Năm sản xuất: 2003 - Hiện tại

Leica MP là một trong hai máy ảnh film vẫn còn được Leica Camera sản xuất cho đến ngày nay. Được kết hợp từ nhiều phần khác nhau của các dòng máy Rangefinder trước: cấu tạo thân máy được làm từ chất liệu cao cấp của dòng Leica M3 và cần tua film được thiết kế giống với dòng Leica M2/M3. Có thể nói, Leica MP chính là sự hội tụ đầy đủ tinh hoa của tất cả các dòng máy Rangefinder. 

Leica M-A

  • Khung ảnh: 28mm, 35mm, 50mm, 75mm, 90mm và 135mm
  • Độ phóng đại ảnh: 0.58x, 0.72x và 0.85x
  • Đo sáng: Không
  • Năm sản xuất: 2014 - Hiện tại

Leica M-A chính là dòng máy film thứ hai vẫn còn được Leica Camera sản xuất tính đến thời điểm hiện tại. Có thiết kế gần như giống hoàn toàn với Leica MP, điểm khác biệt duy nhất giữa Leica M-A và Leica MP nằm ở việc Leica M-A không được trang bị hệ thống đo sáng. Bên cạnh đó, vòng ISO của Leica M-A được làm bằng kim loại thay vì nhựa như ở dòng Leica MP. Leica M-A chính là dòng máy ảnh hoàn toàn được hoạt động bằng cơ học và không bao gồm một vi điện tử nào.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa chọn được cho mình dòng máy ảnh Leica phù hợp thì có thể tham khảo bảng sau:


Lược dịch từ: jonathannotley.com


ADVERTISEMENT