Những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng băng tan
Nằm ở độ cao 4.480m, ngọn núi Matterhorn được xem là một trong những biểu tượng du lịch của Thụy Sĩ và là khát khao chinh phục của rất nhiều nhà leo núi gan dạ. Nhưng giờ đây, việc chinh phục ngọn núi trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì lớp băng trên đỉnh đang bắt đầu bị sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu.
Băng trên đỉnh núi Matterhorn đang giảm dần và có dấu hiệu bị sạt lở nghiêm trọng
Mới đây nhất, chỉ trong một ngày 13/6/2019, đảo Greenland ở Bắc Cực đã mất 2 tỷ tấn băng (chiếm 40% diện tích) “góp phần” khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao. Các nhà nghiên cứu cảnh báo đã quá trễ để có thể đảo ngược quá trình băng tan ở Greenland, dù cho các nước có cắt giảm lượng khí thải nhà kính và giảm tốc độ biến đổi khí hậu. Băng ở Greenland nếu tan chảy hết có thể làm nước biển dâng hơn 6m khiến nhiều thành phố trên thế giới bị chìm trong nước. Không lấy ví dụ đâu xa, TP.HCM là một trong những nơi có nguy cơ bị nước biển xâm lấn.
Trong quá khứ, nhiều người không khỏi lo lắng khi một trong những tảng băng lớn nhất thế giới tại Nam Cực có kích thước khoảng 5.800 km2 và nặng khoảng 1.000 tỷ tấn tách khỏi thềm băng của nó vào ngày 12/7/2017. Nhưng may mắn thay tảng băng vẫn giữ nguyên vị trí nhờ gắn liền với cấu trúc bên dưới mặt nước. Tuy nhiên, nếu tảng băng này tách khỏi thềm băng, nó sẽ trôi ra biển và tan chảy, khiến mực nước biển dâng cao đáng kể.
Những sông băng đang tan chảy ở Nam Cực
Trong một tương lai gần, vào năm 2100, Trái Đất nóng thêm 5 độ C làm băng tan khiến mực nước biển dâng lên 2m. Tương lai xa hơn, 5.000 năm nữa, toàn bộ 20,8 triệu km3 băng của Trái Đất sẽ tan chảy, khiến nước biển dâng lên khoảng 65m, nhiều thành phố trên thế giới có thể bị xóa sổ. Khi đó:
Ở một số nơi, nước biển sẽ “nuốt chửng" đất đai
Tại Nam Mỹ, thành phố Buenos Aires của Argentina sẽ bị nhấn chìm trong biển nước, vùng duyên hải của Uruguay và phần lớn lãnh thổ Paraguay cũng không thoát khỏi viễn cảnh tương tự. Châu Âu sẽ phải nói lời tạm biệt với thủ đô London. Biển Adriatic chiếm lại Venice, Italy. Những con đê vĩ đại nhất hành tinh ở Hà Lan cũng phải chịu khuất phục trước nước biển dâng.
Venice là một trong những thành phố sẽ bị nước biển xâm lấn bởi biến đổi khí hậu
Ở châu Á, 600 triệu người Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải và 160 triệu người Bangladesh sẽ mất nơi sinh sống. Nước biển dâng cao sẽ “nuốt chửng” 1300m2 đất liền ở Ấn Độ, cụ thể là hai thành phố Mumbai và Calcutta.
Khu vực bờ biển Đông Nam Á và các đảo xung quanh sẽ bị nước biển ăn sâu vào nội địa, Bangkok, TP Hồ Chí Minh, Singapore, Manila và Hong Kong có thể bị chìm trong biển nước. Chịu chung số phận, Úc sẽ mất nhiều vùng đất duyên hải, nơi có khoảng 80% dân số sinh sống.
Châu Phi không mất nhiều lãnh thổ về tay nước biển như các châu lục khác. Nhưng những đợt sóng nhiệt trong tương lai sẽ biến nhiều nơi thành "vùng đất chết", nhiều nơi con người sắp không thể tồn tại.
Không những thế, việc nóng lên toàn cầu khiến đại dương ngày càng ấm hơn khiến bão và siêu bão xuất hiện sớm hơn thường lệ, với cường độ mạnh và khó dự đoán hơn phá hủy nhiều ngôi nhà và cướp đi nhiều mạng sống.
Hàng trăm triệu người tị nạn chỉ riêng vì biến đổi khí hậu
Ước tính có tới 2,5% dân số hiện tại trên thế giới có thể phải tị nạn, rời khỏi nơi sinh sống vì thảm họa của biến đổi khí hậu, cụ thể đến năm 2100 sẽ có gần 200 triệu người phải rời nơi sinh sống nếu mực nước biển tăng lên 2m.
Những người dân tị nạn vì thảm họa động đất và sóng thần ở Indonesia
Những loài sinh vật sống dựa trên băng tuyết sẽ có nguy cơ tuyệt chủng
Chim cánh cụt Adelie ở Tây Nam Cực
Những chú chim cánh cụt Adelie dễ thương ở Tây Nam Cực là một trong nhiều loài phải hứng chịu tác động của băng tan. Băng biển thu hẹp gây ảnh hưởng đến nguồn thức ăn, quá trình di cư hàng năm và sự sống sót của các cá thể trong mùa đông.
Gấu Bắc Cực cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng nghiêm trọng cần được bảo vệ. Băng trên biển trở nên mỏng hơn khiến chúng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hải cẩu trên biển để săn mồi. Do đó, chúng buộc phải tìm kiếm thức ăn trên đất liền, nơi có nguy cơ bị con người săn bắt ngược lại.
Gấu Bắc Cực ngày càng suy giảm số lượng đáng kể vì băng tan
Băng tan ở Bắc Cực khiến nhiều mầm bệnh, khí độc được giải nén và thoát ra
Vào mùa hè năm 2016, cái chết bí ẩn ập đến trên một cậu bé chăn dắt du mục và 2.500 con tuần lộc, các bác sĩ xác định nguyên nhân do bệnh than, xuất phát từ xác những con tuần lộc rã đông đã bị nhiễm bệnh than từ 75 năm trước (năm 1941). Nhiều loại virus, vi khuẩn của các bệnh tưởng như đã vĩnh viễn bị tiêu diệt, đã được băng cực bảo quản, nay sống dậy và bắt đầu hành trình lây lan sát phạt. Người ta cho rằng, bệnh đậu mùa, bệnh dịch hạch đã bị xóa sổ có thể bị giữ lại trong lớp băng vĩnh cửu. Thí nghiệm trên một virus 30.000 năm tuổi trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, khi làm ấm nó trở lại trong phòng thí nghiệm, ngay lập tức nó sống lại.
Dấu tích còn sót lại của tuần lộc chết được hé lộ khi băng tan
Lớp băng vĩnh cửu là một bể chứa carbon vô tận, ước tính có khoảng 1.500 tỷ tấn carbon trong băng trên Trái Đất, nhiều gấp đôi lượng khí carbon trong khí quyển. Băng tan khiến quả bom khổng lồ này bị phát nổ, đe dọa đến bầu không khí chúng ta hít thở mỗi ngày.
Bắc Cực là nơi có nhiều thủy ngân nhất trên hành tinh, khoảng 1.656.000 tấn, gần gấp đôi lượng thủy ngân toàn cầu có trong đất, đại dương và bầu khí quyển cộng lại. Khi lớp băng vĩnh cửu này tan, một lượng lớn thủy ngân có nguy cơ xâm nhập vào chuỗi thức ăn của các loài sinh vật trên Trái Đất, trong đó có con người.
Quả thật, những thảm họa của băng tan đối với con người là khôn lường. Gần đây, thời tiết diễn biến bất thường và không đi theo một quy luật nào cả như là một dấu hiệu báo nhẹ của tự nhiên cho thấy sức chịu đựng của nó đã đặt đến giới hạn. Thiên nhiên đã bắt đầu rục rịch phản ứng lại, còn những động thái của con người thì lại chưa thấm vào đâu. Liệu sẽ có một trận Đại hồng thủy thứ hai ở thế giới hiện tại hay không? Câu trả lời là có, nếu chúng ta vẫn tiếp tục với tần suất khí thải nhà kính vào môi trường như hiện nay. Ngày càng khẩn cấp hơn bao giờ hết, chúng ta cần nghiêm khắc hơn nữa với những hoạt động của mình.