share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Thả đèn gửi ước nguyện tại Loy Krathong, Chiangmai


ADVERTISEMENT

Những ngày đầu tiên nhận được cuốn passport trên tay, tôi ngẩn ngơ ngồi mơ mộng đến những mảnh đất xa lạ mình sẽ đặt chân đến, những con người ấm áp sẽ gặp và những món ăn địa phương thơm nồng sẽ làm ấm cái bụng rỗng sau hành trình dài.

Cũng ngày ấy, vô tình lướt news-feed và thấy những hình ảnh lễ hội thả đèn trời Loy Krathong thật lung linh nhiều màu sắc, tôi thích lắm. Thế là bao tiền dành dụm của cô gái chân ướt chân ráo bước vào nghề quảng cáo dồn hết để đi Chiangmai cho bằng được. Đó cũng là điểm đến đầu tiên in hằn lên chiếc passport xanh xanh mới ra lò.

***

Để đến Chiangmai, chúng tôi bắt chuyến bay từ Sài Gòn đến Bangkok, sau đó bắt tiếp chuyến xe nội địa của Thái với hành trình kéo dài 8 tiếng.  

Theo tư vấn của chủ khách sạn, xe bus Nakhonchair Air tại bến Mochit có thể nói là “best choice” để đi Chiangmai, phục vụ chuyên nghiệp và đi êm ru.

Trước chuyến đi, tôi có lân la một số trang mạng để xem review về Chiangmai, ai nấy đều nói thời tiết giống Sapa, Đà Lạt của Việt Nam, lành lạnh dễ chịu lắm. Nhưng đến nơi rồi thì mới thấm cái câu “em ơi, đừng tin nó lừa đấy". Khác với tưởng tượng, cái nắng nóng như nhuộm vàng mọi thứ nơi đây. Lúc ấy tôi đi là cuối tháng 11, tức là mùa đông mà Chiangmai không lạnh lắm, nhiệt độ cứ ngang ngang như Sài Gòn thôi.

Nếu Bangkok là một kẻ coi thường thời gian thì Chiangmai là bậc thầy về ru ngủ. Mọi thứ ở đây yên bình, nhẹ nhàng, con người hiền hậu và thiên nhiên trong lành khiến bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Chúng tôi nghỉ ngơi ở đây một ngày, để tham gia lễ hội đèn trời sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. ​

Chiangmai rất yên bình, không có vũ trường xập xình như Bangkok mà thay vào đó là những bản acoustic nhẹ nhàng được phục vụ trong những quán ăn hay quán cafe.

Đường phố được trang trí đèn lồng lung linh thơ mộng giống phố cổ Hội An

Con người ở đây cũng vậy, nhẹ nhàng, đi nhẹ nói khẽ cười duyên.

Lễ hội Loy Krathong bắt đầu lúc 19h00 tối, nhưng từ 17h00 chúng tôi đã khởi hành vì nghe đâu kẹt xe lắm. Thị trấn này nhỏ, nhưng dân balo khắp nơi cứ như dồn hết về đây. Chúng tôi bắt Songthaew để di chuyển đến khu vực trung tâm, nó là một loại taxi “share” chung nhiều nhóm khá phổ biến ở xứ sở này. Bác tài nom rất hiền lành, nhưng tiền taxi thì luôn luôn nói thách, thế nên, chúng tôi “kiên trì’ trả giá cho đến khi cảm thấy thỏa mãn thì lên xe và “let’s go!”.

Xe Songthaew, phương tiện di chuyển phổ biến ở Chiangmai, được sơn màu đỏ để nhận diện.

“Dập dìu” trên chiếc Songthaew một hồi lâu, ơn giời, chúng tôi đã đến được khu vực trung tâm và trộn vào dòng người đông không đếm xuể đang hành hương vào khu vực hành lễ tên Mae Jo. Phần lớn trong số họ là Tây balo, với số lượng áp đảo. Sau đó, chúng tôi đến địa điểm thoáng hơn - cầu Nawarat nằm ở khu vực Old Town Chiang Mai để thả đèn trời thay vì khu vực làm lễ đông nghẹt.

Nghi thức thả đèn trời cũng khá nhanh, phần chính là chuyền tay nhau ngọn lửa từ khu vực trung tâm đến cho tất cả những người tham dự. Người truyền lửa cho chúng tôi là một chị người Thái có đôi mắt to đen và sâu hoắm, ăn mặc bình thường, tay cổ không nhẫn vòng vàng, nhìn nom có vẻ là tầng lớp bình thường ở Chiangmai thôi.

Người tham gia có hai lựa chọn để thả đèn, một là thả đèn lồng lên trời với hy vọng đem hết nỗi buồn phiền cuốn đi, hai là thả đèn hoa đăng lấp lánh dưới sông để tỏ lòng biết ơn nữ thần nước đã ban cho nguồn nước dồi dào.

Một gia đình người Hà Lan đang cùng nhau thả đèn trời tại lễ hội

Cặp đôi người Ý lựa chọn thả đèn hoa đăng trên sông thay vì thả đèn trời. Hỏi lý do thì họ bảo “mình thích thì mình thả thôi!”

Cô sinh viên đi gốc Pháp cũng kịp thả chiếc đèn trời cho mình kèm theo những nguyện ước.

Một đại gia đình người Hoa vui vẻ thả đèn trời cùng nhau

Quang cảnh ngắm đèn trời từ cầu Nawarat nằm ở khu vực Old Town

Tầm 10 giờ tối, tan lễ, ai nấy đều đã thả xong chiếc đèn lồng của mình, mọi người đứng quây quần bên nhau cười nói vui vẻ. Những bạn Tây balo thì thoáng hơn, họ trao nhau những cái hôn ấm áp. Tất nhiên, sau đó là âm thanh của tiệc tùng và ăn uống. Chỉ đến khi bình minh bắt đầu trở mình thì sự ồn ào và náo nhiệt mới tắt hẳn, mọi người bắt đầu tản ra, ai lại về nhà nấy, trả lại vẻ yên bình vốn có cho Chiangmai.

Lễ hội thả đèn trời Loy Krathong đã trở thành một trong những đặc sản của Chiangmai, tạo thành nét văn hóa và sức hút mạnh mẽ của vùng đất này mỗi dịp cuối năm. Nếu có dịp đến Thái Lan, hãy chọn cho mình tour phía Bắc đến Chiangmai, tham gia lễ hội đèn trời để những nguyện ước bấy lâu trong lòng được bay cao bay xa đến tận mây xanh nhé.


ADVERTISEMENT