share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Thú chụp ảnh phim: Giữ lấy chút hoài niệm


ADVERTISEMENT

Tôi còn nhớ là cho đến đầu những năm 2000, chiếc máy ảnh film loại “giơ lên là chụp” (point and shoot) hiệu Kodak của tôi vẫn còn là một báu vật và luôn làm cho lũ bạn cùng lớp thèm thuồng. Chỉ vài năm sau đó thôi, khái niệm “chụp film” đã là quá khứ. Làn sóng kỹ thuật số đã kéo thời kỳ hoàng kim trong ngành film của những ông trùm như Kodak hay Fujifilm trong thoáng chốc trở thành một câu chuyện đã cũ.

Khái niệm “chụp film” đã là quá khứ với nhiều người.

Với một đứa 9x như tôi, việc mê mẩn từng thước film 35mm từ chiếc máy ảnh cũ mèm lại là cái gì đó hơi “lạc nhịp” so với xu hướng hiện tại. Thời thế đã thay đổi rồi mà, ai còn gắn mình với những cái cũ thì sẽ bị cho là lạc hậu thôi. Nhưng nếu xem đây là một thú vui hay còn lớn hơn vậy nữa, là đam mê, thì tôi có hẳn một câu chuyện để kể.

Chơi film không chỉ là chụp ảnh, mà còn là săn lùng film và nâng niu chúng như tri kỷ.

Cái duyên gặp gỡ, cái tình giữ nhau

Không kể thời trẻ thơ cầm máy ảnh lên chụp cho có vẻ sành điệu, thì niềm vui với việc chụp ảnh của tôi bắt đầu từ năm 20 tuổi. Đó là lúc tôi ra Bắc thực tập thực tế trong hai tuần và cần chụp ảnh để làm báo cáo. Tôi được tặng một chiếc máy ảnh cũ Canon IXUS i5 “5 chấm” (độ phân giải 5 Megapixels) nhỏ tí teo và xinh xắn cực kỳ. Thời đó, điện thoại thông minh vẫn quá sức xa xỉ nên gần như ai cũng muốn có một chiếc máy ảnh kỹ thuật số cho… bằng chị bằng em. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì chiếc máy ảnh đó đã bị lấy trộm chỉ sau vài tháng ở cùng tôi. Lúc đó, tôi vẫn chưa biết mình lại có ngày gắn bó lâu dài với chiếc máy film đang dần lỗi thời như vậy.

Tôi say mê màu film và vẻ “mỏng tang” mà ống kính máy ảnh tạo ra.

Tình cờ một hôm tôi lang thang trên Facebook thì thấy một người anh nào đó đăng bán loại film màu khổ 35mm hiệu Kodak nhãn vàng vô cùng quen thuộc. Nó rất rẻ và tôi chỉ nghĩ rằng nó kinh tế hơn nhiều so với việc bỏ ra trên dưới chục triệu mua một chiếc DSLR đang “hot”. Thế là tôi tìm thêm thông tin trên mạng rồi vác về một chiếc máy SLR (máy ảnh chụp film có gương lật với ống kính có thể tháo rời) và đâu đó cả chục cuộn film. Từ đó đến nay cũng đã sáu năm tôi gắn mình với niềm vui này. Tôi chưa mua thêm một chiếc máy ảnh nào khác và tôi nhận thấy quan niệm chụp ảnh của mình đã thay đổi cực kỳ nhiều.

Mọi đối tượng chụp khi vào film đều trở nên trong trẻo và yên ắng lạ thường.

Chất film đánh bại mọi “filter”

Những ai thích chụp film sẽ chọn cho mình một số loại film “ruột” sao cho vừa túi tiền mà chất ảnh cũng vừa ý. Tôi say mê ảnh chụp phong cảnh, tĩnh vật ở cự ly gần với gam màu lạnh và độ nhiễu vừa phải. Do đó, tôi thường chọn loại film Fuji và Agfa. Mỗi hãng có nhiều loại film để đáp ứng gu chụp và túi tiền của khách hàng như Kodak Portra, Fuji Superia, Agfa Vista, Ilford, Kodak Vision,... Mỗi loại film tạo nên vẻ đẹp rất cá tính cho từng bức ảnh, từ màu sắc, độ nét đến cả độ nhiễu và chiều sâu. Tuy nhiên, dù chụp loại film nào đi nữa, thì có một điều không thể bàn cãi là ảnh được chụp bằng film luôn có cái hay rất riêng mà không một filter hiện đại nào có thể bắt chước được.

Trông cũng đơn giản, nhưng gam màu của ảnh film là điều mà các filter còn lâu mới bắt chước được.

Thói quen chụp, quan niệm chụp

Chụp ảnh film không dành cho người vội vã. Bạn chắc chắn không biết ảnh của bạn vừa chụp trông sẽ ra sao. Tất cả những gì bạn có thể làm là lắp film vào máy cho chuẩn xác, chọn góc chụp, căn chỉnh máy ảnh (nếu có thể) và chụp. Thay vì chụp thật thoải mái như với máy kỹ thuật số thì số tiền bạn “đốt” vào film và sự ê chề kèm theo tiếc nuối khi nhận được gần như cả cuộn film chụp không đâu vào đâu sẽ giúp bạn thay đổi thói quen chụp ảnh.

Không như ảnh kỹ thuật số, khi chụp film bạn chỉ có một kết quả mà mình không dám chắc:
hoặc là ảnh đẹp, hoặc là ảnh hỏng.

Nín thở chau mày – “quay tay” lấy nét là chuyện thường thấy khi chụp film.

Tôi cuối cùng cũng đã nhận ra được bài học này sau vài chục cuộn film chụp một cách vô tư như vậy: đã chụp là phải hài lòng từ bố cục đến đường nét và ánh sáng. Do đó, mỗi lần ấn mạnh ngón trỏ của mình để “tiêu xài” một khung hình nào, tôi phải cân nhắc và căn chỉnh khá kỹ. Điều này cũng giúp tôi luôn thận trọng trước khi làm bất cứ việc gì.

Chụp tấm nào là phải “dính” tấm đó, không được phí phạm film.

Xây giấc mơ từ bóng tối

Trước đây, các thợ ảnh phải tự tay tráng thủ công từng cuộn film với các hóa chất trong phòng tối. Chỉ cần sơ sẩy để thuốc tráng không đúng nhiệt độ quy định, hoặc ngâm film không đúng thời gian quy định ở bất kỳ bước tráng nào, thì ảnh có thể bị quá sáng, quá tối hoặc… hỏng luôn. Tuy nhiên, những rủi ro đó ngày nay chỉ còn rất ít do quy trình tráng film đã được tự động hóa bằng máy móc.

Ảnh bị thừa sáng hay thiếu sáng do lỗi khi tráng film hoặc lỗi đo sáng đôi lúc cũng có nét đẹp riêng.

Thế nhưng, một người đam mê film luôn khao khát sở hữu cho mình một phòng tối. Chỉ cần nghĩ đến việc mình tự tay tráng film qua từng lớp hóa chất, trong căn phòng tối chỉ có ánh đèn hồng ngoại là tôi đã thấy thích lắm rồi. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiến thức sâu rộng về film cũng như các hóa chất mà tôi còn phải học hỏi rất nhiều.

Ngoài film, ảnh có đẹp hay không còn phụ thuộc vào chất lượng máy ảnh, đặc biệt là ống kính.

“Film Is Not Dead”

Vẫn có một cộng đồng chơi film và đam mê film như tôi, dưỡng nuôi tâm hồn mình bằng những thước ảnh giàu cảm xúc và bình dị. Chúng tôi vẫn là những người rất trẻ, rất hiện đại nhưng đâu đó trong tâm mình lại muốn quay cảm xúc và lòng ngưỡng mộ cái đẹp về cái thời cũ kỹ của bố mẹ, ông bà. Sống chậm lại, quan sát nhiều hơn, trân trọng những điều giản đơn, đó là những gì mà film đã giúp chúng tôi nhận ra trong nhịp sống đầy hối hả ngày nay.


 


ADVERTISEMENT