Tuổi thơ con trôi trên miền quê ngoại
Quê tôi ở Thanh Hóa, đất rộng nhưng phần lớn là núi đồi, làng xóm. Cái thành phố nhìn vậy mà bé con con, đi một vòng, một vòng đã thấy bóng nhà cao tầng lấp dần, lấp dần thành ngõ xóm. Chẳng rõ là may mắn hay không, mẹ tôi lớn lên trên nông trường nhưng tôi lại lớn lên ở thị thành. Nhà không giàu có nhưng cũng gọi là đủ ăn đủ mặc, mẹ chẳng để cho thiếu thứ gì. Nhưng những ngày tuổi thơ vui nhất lại là những ngày về nhà ngoại. Khi ấy, tôi là đứa trẻ, hồn nhiên, chẳng vướng sự đời.
Quê tôi bao quanh bởi màu xanh cây và núi
Nhà ngoại tôi ở gần, chỉ cách cách vài ba cây số, thế mà có sự tách biệt rất rõ ràng giữa thành phố với nhà quê. Ngoại tôi nuôi tôi từ bé. Mẹ bận, mẹ đưa tôi vào ngoại, ngoại chăm tôi và cũng quý tôi nhất. Cậu tôi thi thoảng vẫn nhắc chuyện buổi sớm cầm hai nghìn đi mua xương củ lẳng để ngoại nấu cháo tôi ăn. Giờ, cậu có con, hai vợ chồng bận tối ngày, ngoại lại chăm cháu, nhưng ngoại cũng yếu đi nhiều rồi, tôi vào thăm, kêu trông em bé mệt. Thế mà lúc nào cũng: lấy chồng, sinh con đi, ngoại khỏe, ngoại chăm cho nhé!
Ngoại tôi hiền lành, tốt tính, thương con thương cháu mà phải cái tật tiêu hoang, tính tình cũng hơi “tưng tửng”. Tôi nhuộm tóc ombre xanh biển về nhà, mẹ vẫn còn chưa hết sock, ngoại đã khen đẹp, kêu phải nhuộm như này nè, nhuộm cả đầu xấu chết. Tôi ngáo nghê, không biết nên khóc hay cười.
Trông ngoại vui là thế nhưng cả đời ngoại cũng vất vả chẳng kém ai. Từ nấu rượu, làm đồng, làm công nhân nông trường, buôn thúng bán mẹt, trông xe... việc gì ngoại cũng trải qua rồi. Ngoại sinh năm người con, giờ chỉ còn mẹ tôi với hai cậu. May mắn nhất cuộc đời ngoại là có ông tôi. Cuộc đời tôi cũng chỉ mong kiếm được một người đàn ông như ngoại: chăm chỉ, chịu khó, vun vén, không ca thán và thương ngoại. Ông tôi ngày ngày đi chợ, nấu cơm. Ngoại tôi còn mách:
“Lắm khi ngoại còn mắng ông ấy nữa.”
“Ông làm gì mà ngoại mắng?”
“Tại ông ấy nấu cơm lâu.”
Tôi chịu ngoại rồi. Công nhận ngoại hay cằn nhằn ông. Song tôi biết, hai người thương nhau lắm, đi với nhau cả một đời đủ chua, cay, mặn, ngọt rồi, giờ xa nhau là chẳng nỡ.
Ông tôi thấp bé, nhỏ người, ngoại cao, ảnh ngày xưa đẹp gái lắm. Hồi ấy có khi ngoại là hoa khôi của xóm cũng nên. Hẳn là để cưa đổ ngoại, ông tôi tốn công tốn sức.
Tất nhiên, trong mắt tôi, ông cũng có kém ai. Ông không giàu tiền tài, ông giàu tình cảm. Mẹ bảo hồi nhà còn ở nông trường, người ta ăn cơm độn, ông cũng không để các con phải thiếu ăn bao giờ, lúc nào cũng cơm trắng thơm phức. Đất miền núi khó trồng rau, ông kiếm bằng được rau ngót về trồng cho mẹ. Mẹ không ăn được thịt mỡ, ông nói dối người ta để được thịt con lợn con, lấy nạc.
Mẹ cũng bảo, nếu ở trên miền núi, không về dưới xuôi thì nhà đã giàu rồi. Hồi đó về vì ngoại ốm, ông muốn đưa cả nhà về để chăm sóc chu đáo hơn. Về dưới xuôi, gia đình nhiều biến cố. Nhưng từ hồi tôi sinh ra, chưa từng thấy hai người cãi nhau bao giờ.
Tôi còn nhớ, hồi tôi bé lon ton, nhà ngoại ở là khu sân bay cũ, trồng toàn dứa dại, bao lấy cái xóm nhỏ con con. Ông tôi vẫn lấy lá dứa, dạy tôi làm kèn, làm đồng hồ, làm vòng tay, làm nhẫn... Rồi ông dạy tôi làm diều, tôi chạy nhong nhong trên khoảng trời xanh thôn quê ấy.
Rồi tôi lang thang đi bắt cào cào, theo đám thanh niên xóm đốt tổ ong, vắt vẻo trên cây trứng cá trước ngõ, nhặt từng bông hoa xoan rụng kín góc sân nhà. Tôi cũng theo ngoại ra đồng nhưng tôi sợ đỉa, ngồi đung đưa chân trên bờ, hái lúa non, bóc vỏ, cho vào miệng tóp tép, lúa mềm tan, ngọt ngào như sữa. Tôi nghịch phá bao nhiêu, người ngợm te tua bao nhiêu cũng không bị đánh mắng bao giờ. Mọi người đều cho rằng, trẻ con phải để tụi nó được tự chơi, được tự lớn. Tôi biết ơn gia đình mình.
Và tôi cũng biết ơn việc mẹ tôi trồng cây dừa lùn trong vườn nhà ngoại nữa. Nhờ có nó, mỗi ngày rong chơi nắng gắt của tôi mới được dịu đi. Biết tôi thích ăn dừa, ngoại lúc nào cũng để dành, chưa bao giờ bán. Nước dừa ngọt như tuổi thơ tôi đã đi qua.
Tôi giờ lớn, đi học xa nhà, cũng xa luôn những ngày rong chơi nơi đất quê mùa ấy. Xóm ngoại ở giờ thành nhà cao tầng. Căn nhà cũ, góc sân cũ, khoảng vườn cũ chẳng còn lem nhem như trong trí nhớ. Người ta xây chung cư ở đó, nhà ngoại dạt sang một góc ở bên, không còn thênh thang, chang chang nắng. Chỉ có ông tôi, ngoại tôi ở đó, ngày một già đi, nhớ con nhớ cháu.
Tôi, cũng như rất nhiều đứa con xa nhà, đôi lúc vì mải ganh đua mà quên đi sự dịu dàng đã nuôi mình lớn. Rồi một ngày chợt nhận ra, năm đôi ba lần, vậy thì đếm trên bàn tay này bao nhiêu lần nữa tôi trở về và thấy gia đình tròn vẹn như thuở xưa nữa. Chợt bâng khuâng, chiều nắng vàng đã vãn.
Có một miền yêu thương mang tên Ngoại