Văn hóa tắm onsen của người Nhật
“Onsen” (温泉) trong tiếng Nhật dùng để chỉ những suối nước nóng tự nhiên, nhưng đôi khi để nhắc đến các quán trọ truyền thống xung quanh suối. Vì nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi nhiều núi lửa hoạt động nên Nhật Bản sở hữu hơn 25.000 suối nước nóng, với hơn 3.000 đơn vị “onsen” trải dài khắp đất nước.
Ảnh: Unsplash
Nguồn gốc của “onsen”
Người dân xứ “mặt trời mọc” đã duy trì văn hóa tắm “onsen” trong suốt hàng ngàn năm nay. Tuy vậy, khởi nguồn chính xác của văn hóa đặc sắc này vẫn chưa được rõ ràng.
Trong cuốn Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) - một bộ sách cổ viết về lịch sử của Nhật Bản, ba suối nước nóng lâu đời nhất trên đất Nhật được nhắc đến là Dōgo Onsen (tỉnh Ehime), Arima Onsen (tỉnh Hyōgo) và Nanki-Shirahama Onsen (tỉnh Wakayama). Và vào thời Chiến Quốc (1467-1615), sau mỗi trận đấu, các samurai sẽ trút bỏ áo giáp và ngâm mình vào suối nước nóng. Khoáng chất từ suối nước tự nhiên sẽ giúp họ chữa lành vết thương, xoa dịu cơ bắp và hỗ trợ thư giãn.
Ảnh: Unsplash
Nét văn hoá lưu truyền qua bao đời
Thời điểm còn là một nước nông nghiệp, đời sống người dân Nhật dựa vào nghề trồng lúa. Thời gian nghỉ giữa vụ mùa, họ thường tìm đến các suối nước nóng để nghỉ ngơi và thư giãn sau tháng ngày lao động vất vả.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp và mạng lưới đường sắt bao phủ khắp đảo quốc, các khu suối khoáng onsen cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận. Dần dần, nó trở nên phổ biến rộng rãi hơn và trở thành thói quen ưa thích của người dân tự lúc nào. Người Nhật thường xuyên ghé những địa điểm onsen để nghỉ ngơi, thư giãn; cùng gia đình, bạn bè tận hưởng thiên nhiên, gặp gỡ và trò chuyện.
Onsen “phủ sóng” rộng rãi đến nỗi, chính phủ Nhật Bản có hẳn một “Luật Onsen” để xét các điều kiện công nhận một onsen: bồn tắm phải bao gồm một dòng suối tự nhiên nhiệt độ ít nhất 25 độ C trong trạng thái tự nhiên của nó và chứa ít nhất 1 trong 19 khoáng chất hoặc những nhân tố hóa học theo bảng quy định.
Ảnh: Suleco
Lợi ích của tắm onsen đối với sức khỏe
Người Nhật tắm onsen quanh năm, họ dành nhiều thời gian tại suối nóng vào cuối tuần hoặc những dịp lễ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời điểm thích hợp nhất để tắm onsen là mùa thu và mùa đông. Khi thời tiết trở lạnh, các mạch máu co lại, lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể cũng trở nên kém hơn cũng là lúc các căn bệnh liên quan đến xương khớp gia tăng. Lúc này, tắm khoáng nóng sẽ giúp nhiệt độ cơ thể tăng lên, các mạch máu giãn ra, máu lưu thông dễ dàng, cải thiện tình trạng sưng, viêm của xương khớp.
Trong bài báo đăng trên Scientific Reports, các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Beppu của Đại học Kyushu báo cáo rằng, tắm onsen vào buổi tối có tác động đến việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người trên 65 tuổi.
Chính những lợi ích sức khỏe này đã giúp các địa điểm tắm onsen trở thành lý do thu hút đông đảo khách du lịch đến Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở Nhật Bản, văn hóa tắm onsen cũng lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nguyên tắc “onsen” cơ bản
Thay đồ: Các phòng tắm tại Nhật thường chia khu vực thay đồ theo giới tính. Rèm xanh là nơi dành cho nam, còn rèm đỏ cho nữ. Về nguyên tắc, phải khỏa thân khi tắm suối nước nóng và chỉ được phép mang theo một chiếc khăn tắm nhỏ.
Tắm trước khi bước xuống suối: Với người Nhật, suối nước nóng là nơi linh thiêng. Vì vậy, mọi người thường có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Theo phong tục, những người tắm sẽ phải gội đầu và rửa sạch cơ thể trước khi bước xuống suối hoặc bồn tắm nước nóng.
Ảnh: fantasea
Onsen được ví như liều thuốc hồi phục sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, vừa là trải nghiệm kết nối thú vị với tự nhiên và mọi người. Vậy nên, nếu có dịp ghé thăm đất nước mặt trời mọc, ngần ngại gì mà không thử một lần ngâm mình trong dòng suối nóng?
>> Xem thêm: Shinrin-yoku: Nghệ thuật tắm rừng của Nhật Bản