share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Về Bạc Liêu, ghé thăm "Cánh Đồng Gió" nức tiếng miền Tây


ADVERTISEMENT

Sở hữu khung cảnh sông nước hữu tình cùng với những nét đẹp văn hóa được kế thừa từ bao đời, miền Tây luôn có một sức hút mãnh liệt với những đôi chân mê dịch chuyển. Dù ngắn hay dài ngày thì hành trình trên đất mảnh đất phù sa vẫn là những trải nghiệm khó quên. 

Đặt chân đến Bạc Liêu là một trong những trải nghiệm tuyệt vời và thú vị. 

“Bạc Liêu xứ sở tôi yêu,

Nghe tiếng ai đàn, lả lơi câu vọng cổ”

Lời bài hát văng vẳng trong đầu tôi khi đặt chân đến nơi đây, cũng hơn 4 năm rồi còn gì! Bạc Liêu, cái xứ giao thoa đa sắc tộc sinh sống cùng nhau: Việt có, Hoa có, Khmer có và cả người Chăm. Vùng đất nổi tiếng với giai thoại Công tử Bạc Liêu phóng khoáng, giàu có, chịu chơi: "Đốt tiền nấu trứng". Là nơi gắn liền với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang đã làm bao con tim phải xao xuyến, đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ.    

Ngoài ra, vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long này còn hấp dẫn các lữ khách bởi những cảnh quan thiên nhiên đẹp mê hồn như vườn chim Bạc Liêu, làm một vòng trải nghiệm sinh thái biển thì có Nhà Mát; hay Gành Hào – câu mực, tham gia đánh bắt gần bờ; về mặt tâm linh thì có Phật Bà Nam Hải; nhà thờ Tắc Sậy (Cha Diệp) hay đơn giản là hòa mình cùng “Diêm dân” tại các ruộng muối… Với tôi, thu hút hơn cả là công trình Điện Gió lớn nhất miền Tây, một khung cảnh năm hay mười năm trước chỉ có thể thấy trên tivi.    

Khu Điện gió Bạc Liêu còn được nhiều người gọi “Cánh đồng điện gió” hay “cánh đồng quạt gió”, tọa lạc tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố hơn 10km. 

Hướng di chuyển

1. Xuất phát từ trung tâm thành phố Bạc Liêu, lấy cột mốc là cầu Kim Sơn (cầu quay), dọc theo đường Cao Văn Lầu, xuống tới phường Nhà Mát, rẽ trái vào đường Hoàng Sa, thẳng trên trục đường này mà chạy sẽ gặp nhà máy Điện Gió Bạc Liêu.  

2. Xuất phát từ hướng Cà Mau lên, theo Quốc Lộ 1A về Bạc Liêu đi qua thị xã Giá Rai, khi vào thị trấn Hòa Bình rẽ vào đường tỉnh lộ 978, đi đến cuối đường sẽ gặp đoạn giao cắt với đường Đê Biển (tên gọi khác là DT38), rẽ trái và tiếp tục di chuyển tới cuối đường sẽ gặp một vòng xoay, men theo vòng xoay rẽ vào Hoàng Sa để tới cánh đồng quạt gió. Dĩ nhiên từ Cà Mau lên cũng có nhiều hướng đi nhưng cung này thú vị ở chỗ nó đơn giản, ít ngã rẽ, đi sát sườn bờ biển. Đặc biệt sẽ qua chùa bà Nam Hải nổi tiếng linh thiêng.     

  Đường Hoàng Sa, dẫn vào cánh đồng điện gió, mặt đường tuy xấu, đất đá nhưng bù lại là một màu xanh tươi của cánh rừng phòng hộ ven biển. Rừng ở đây chủ yếu ngăn chặn sự xâm mặn của biển, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển. 

  Những chong chóng gió khổng lồ thu hút sự tò mò của những kẻ lữ hành như tôi

Được khởi công từ năm 2010, hiện tại toàn cánh đồng có tổng cộng 62 cột tháp và tuabin Điện Gió đều được đặt trên biển, cung cấp điện năng sản xuất mỗi năm khoảng 320 triệu kWh.

 Để tiến đến các cột tháp, bạn phải “băng” qua biển

 Các cột tháp sừng sững được làm bằng thép không gỉ, nặng trên 200 tấn, cao 80m và có đường kính khoảng 4m

 Các cánh quạt dài 42 mét, làm bằng nhựa đặc biệt, có cả hệ thống điều khiển tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn

 Một khung cảnh vô cùng hoành tráng…

 …tưởng chừng chỉ có ở trời Tây

 Trái ngược với khung cảnh hoành tráng hiện đại vẫn còn những con người “bán mặt cho nước, bán lưng cho trời” chỉ để đổi những bữa ăn hàng ngày 

Có đi mới thấy nước Việt chúng ta đang "thay da đổi thịt" từng ngày, hy vọng mô hình điện gió này trong tương lai không chỉ mang đến nguồn năng lượng sạch mà còn thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế cũng như du lịch cho vùng đất gần cuối trời nam của tổ quốc này. 


ADVERTISEMENT