share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Về với đại ngàn Pù Tả Lèng


ADVERTISEMENT

Pù Tả Lèng hay như người miền xuôi gọi là Pu Ta Leng, là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam với độ cao 3049m so với mực nước biển.

Khi chinh phục đỉnh núi này, những người dẫn đường thông thường là người dân tộc đã sinh sống nhiều đời ở đây sẽ dẫn các bạn theo con đường mòn lên tới đỉnh núi, và lẽ dĩ nhiên, là con đường thuận tiện nhất. May mắn thay, nó thể hiện sự phân tầng rất dễ nhận ra ở khu vực núi này và chính là điều tôi muốn nhắc tới ngày hôm nay.

Rêu và địa y bám dày cây cối và đá

Sau khi xuất phát được khoảng 1 tiếng đi sâu vào rừng và tách xa khỏi nơi con người chiếm ngự, tự nhiên bắt đầu phân hoá sinh vật theo như nó vốn dĩ là. Đây là khu vực rất nhiều suối và là vùng thấp của nhiều đồi núi khác nhau tụ lại tạo nên điều kiện lý tưởng cho cây thảo quả và thảo dược phát triển. Người dân tộc H'Mông tận dụng nguồn nước từ suối để tưới và chăm sóc nương thảo quả mà rừng núi đã ban tặng. Để thảo quả phát triển đều và rộng khắp, họ dùng đá và cây tạo thành các mương nhỏ dẫn nước tới nhiều nơi khác nhau để đảm bảo nước được phân tán rộng rãi khu vực. Cây thảo quả vào cuối tháng 4 đang ra hoa và là nguồn mật đáng kể cho những chú ong làm việc chăm chỉ. Dù số lượng thanh niên ở bản liên tục vào rừng và dựng thành lán để đi rừng rất ở mức 8-10 người trung bình mỗi ngày và duy trì số lượng liên tục trừ những ngày khí hậu khắc nghiệt nhưng ở lán ta vẫn thấy rất nhiều hủ mật ong rừng lên đến hơn chục lít, một loại nhân sâm Việt Nam tên Tam Thất giá đến hàng triệu đồng 1 lạng nhưng họ vẫn tìm thấy thường xuyên, dĩ nhiên không quên kể đến phong lan rừng để bày bán ngoài đường hoặc chợ gần chân núi. Điều này chứng tỏ rằng, nếu không phá hoại tự nhiên một cách tàn bạo thì tự nhiên là nguồn sống bất tận cho mọi loài cùng nhau sinh sống và phát triển.

Hoa thảo quả sắp tàn để đậu quả

Cao hơn chừng 3 tiếng đi bộ men theo bờ suối, ước chừng 2800m hơn mực nước biển, nơi đây là thiên đường của cây chè cổ thụ, có cây to đến một người ôm không hết. Mặc dù chè cổ thụ không phải là đặc sản ở vùng núi này nhưng những người dân bản cứ hái bao nhiêu thì sẽ bán hết veo bấy nhiêu. Cái giá vài trăm ngàn hay một triệu/ký không phải là cao nếu bạn thật sự bước chân đến đây, trèo lên những cây chè cao hơn chục mét với rêu bám xung quanh và trườn ra những cành cây để hái từng đọt chè, con số đó quá rẻ. Nước chè cổ thụ này khi pha vị rất thanh, không thật đắng khi uống vào nhưng nó để lại vị ngọt hậu nơi cuống họng rất lâu, bạn cũng không bị mất ngủ nếu thưởng thức nó vào ban đêm.

Chú Cân hái đọt cây chè bị gió quật ngã để ăn sống

Vì đây là một ngọn núi không dễ chinh phục với nhiều người nên thiên nhiên ít bị đánh động. Bằng chứng là trên đường đi chúng tôi gặp một tổ chim làm sát đường đi và một tổ gà rừng đằng sau bụi rậm cách đường mòn không xa. Để giữ cho tự nhiên được đúng chất của nó, chúng tôi đã phải rất khó khăn để thuyết phục những thanh niên bản đi cùng mình đừng động vào nó và hi vọng đủ thời gian cho trứng nở trước khi những người khác thấy. Và còn thấy vài loại cây thuốc dễ tìm như cây Mật gấu, Tam thất trên đường đi.

Một tổ gà rừng đang ấp, gà mẹ bay đi khi thấy con người lại gần

Qua hết rừng chè cổ thụ cũng là lúc đường đi đã thay đổi hoàn toàn, không còn suối theo sát đường đi nữa mà là 3 tiếng leo dốc kinh hoàng. Độ cao này là thiên đường của trúc và hoa Đỗ quyên. Trúc xuất hiện mọi nơi và to dần theo độ cao, đồng thời mây bắt đầu sà xuống và che khuất một phần khoảng trống, khiến mọi thứ như mờ mờ ảo ảo. Đôi khi, một gốc cây cổ thụ bị rêu và địa y bám đầy xuất hiện ngay trên đầu hay bị gió quật đổ ngang đường thì đó chính là Đỗ quyên. Trúc và Đỗ quyên chiếm lĩnh cảnh vật trên đây. Lúc này là đầu mùa hạ, đã là cuối mùa hoa đỗ quyên nên không còn rừng hoa đỗ quyên nở một màu tím hồng cả đỉnh núi, mà bù lại, hoa rụng phủ kín đường đi. Cảm giác tuyệt vời nhất lúc này không phải là sắp tới đỉnh cao nhất, mà là rảo bước trên con đường hoa Đỗ quyên trong rừng trúc với sương mờ giăng kín lối và mọi người phải hét thành tiếng để giữ liên lạc. Nếu không, mọi người sẽ mãi thẩn thờ trong mê cung của cái đẹp, lạc lối trong lòng tự nhiên và lạc... đường.

Hoa Đỗ quyên nhuộm tím đường đi

Tôi có duyên và có cơ hội được leo 5 đỉnh núi vùng phía Bắc, thì Pù Tả Lèng là đỉnh núi độc đáo nhất và ấn tượng sâu sắc nhất theo đánh giá cá nhân. Nó bao hàm hệ thực vật đa dạng và độc đáo phân tầng rõ rệt theo độ cao và địa hình, đồng thời cũng còn khá nguyên vẹn khi so với những nơi khác. Nhưng nó đẹp hơn cả khi mang đậm dấu ấn của đại ngàn hùng vĩ, đem đến cho những con người miền xuôi những nốt thăng của bản nhạc tại mỗi bước chân đi qua và một nốt lặng khi rời đi.

Ai hiểu rõ rừng bằng con người sống trong đó?

Nếu bạn muốn trải nghiệm những điều này, thì đỉnh núi nằm ở xã Tả Lèng gần thành phố Lai Châu, cũng có nhiều công ty tổ chức tour nhưng tôi khuyến cáo hãy tự bước chân tới chân núi và tìm cho mình một thanh niên bản để dẫn bạn đi. Vì rừng núi là cuộc sống của họ, đảm bảo bạn sẽ bị bất ngờ vì vốn kiến thức đồ sộ và sự nhạy bén với thiên nhiên. Và, cuộc sống là không ngừng học hỏi và phát triển, tại sao chúng ta không học từ những người giỏi nhất? Ở nơi nhiều điều để học nhất?


ADVERTISEMENT