Explore 500 năm gốm Thanh Hà nâng niu hồn của cát
Ai cũng bảo Hội An yên tĩnh, cái hồn cổ xưa thấm vào từng hơi thở, thế nên giấc ngủ cũng đến thật nhanh và yên lành. Vì ngủ thật ngon nên sáng dậy rất sảng khoái, cảm giác lâu lắm rồi mới được một đêm lành đến vậy. Nó mở cửa sổ thật to rồi ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng, ngắm những bông hoa giấy rực rỡ, và bắt đầu nghĩ về buổi sáng hôm nay. Theo kế hoạch nó đi thăm làng gốm Thanh Hà. Thuê một chiếc xe đạp, rồi tung tăng trên con đường phố cổ cũng có thú vui tao nhã. Nhưng thấy nắng bắt đầu lên, cứ nghĩ tới việc tới nơi tất tả mồ hôi mất cả hình ảnh đẹp nên nó bỏ qua ý tưởng ban đầu quyết định leo lên taxi ngồi.
Về thăm làng gốm Thanh Hà hơn 500 tuổi
Nó là vị khách đầu tiên tới làng gốm Thanh Hà, mua chiếc vé tham quan đầu tiên. Mấy chị bán vé bảo chẳng mấy ai tới làng sớm như nó, khách có đến tham quan cũng phải từ 9h sáng trở đi. Vậy là nó đạt được mục đích của mình. Nó muốn tới làng thật sớm để thấy cảnh vạn vật trong vắt dưới nắng mai, để nghe tiếng chim đầu ngày lảnh lót tươi vui trên những tàng cây trong vườn và để tận hưởng không gian tịch mịch yên bình làng quê.
Đường làng quê yên bình trong nắng sớm
Từ đầu làng, gốm đã hiện diện ở khắp nơi, nào là bên hàng rào, nào là để trang trí cổng nhà và cả gốm nằm yên lặng lẽ bên một góc tường. Và đặc biệt, Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà chính là cảnh quan ấn tượng đầu tiên với bất kỳ ai tới làng. Những khu mô hình đất nung, nhà trưng bày, trại sáng tác, những mô hình kỳ quan thế giới thu nhỏ… khiến cho nó như lạc vào mê cung của gốm.
Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà với những mê cung của gốm
Nó rời công viên khi trong đầu chỉ là hình ảnh của những sản phẩm gốm đỏ au đặc trưng. Trong làng mọi người bắt đầu công việc của mình, cần mẫn với đất và những chiếc bàn xoay. Nó ghé vào một hộ dân, khi một chị gái đang nặn những chú tò he đầu tiên trong ngày. Chị bảo: “Cứ vào tham quan, đừng ngại. Bây giờ làng chưa có khách, mình em tha hồ mà chơi”. Chỉ nghe thôi đã thấy thích rồi. Nó ngắm nghía những sản phẩm từ đất, muôn hình muôn dáng chung một màu hồng đỏ trầm mặc, sắc màu đặc trưng của gốm Thanh Hà. Đất vốn đã có tình, dưới bàn tay tài hoa của những con người cần mẫn ngày đêm, ngậm khí trời đất, qua lửa tôi rèn mà nên dáng nên hồn. Nhìn vật nào cũng thích, cũng muốn mang về để ở trong nhà của mình.
Gốm Thanh Hà với màu đỏ tự nhiên đặc trưng
Nhìn bàn tay chị thoăn thoắt điệu nghệ lấy đất vo viên, rồi uốn rồi nặn chưa đầy năm phút đã nên dáng hình một con tò he, nó cũng muốn thử. Tò he mười hai con giáp chính là một trong những món quà Hội An mà hầu như vị khách nào đến đây cũng mua về làm quà. Nên dù ở phố cổ hay đi vào làng gốm Thanh Hà, đâu đâu cũng thấy tò he.
Tò he là món quà không thể thiếu khi tới làng gốm Thanh Hà
Ngắm nghía một hồi và được sự động viên của chị gái, cuối cùng nó cũng thử nặn một con tò he hình con trâu. Loay hoay mãi, con trâu của nó cũng nên hình nên dáng nhưng xấu đến nỗi nó không dám chụp hình khoe bất cứ ai. Nó bỏ cuộc, quyết định không thử lần nữa, nên đến nhà nào mời thử làm gốm nó đều từ chối. Chỉ đứng ngắm các bà các chị làm thôi cũng đủ mê mẩn rồi. Nghệ thuật làm gốm, tinh hoa và linh hồn của gốm chính là từ những cách chuốt tạo dáng của những đôi bàn tay khéo léo của người nặn. Họ nâng niu đất, tạo nên dáng nên hồn của đất tất cả đều dựa trên cảm giác, kinh nghiệm và cả tình yêu nghề của mình.
Tinh hoa và linh hồn của gốm đều từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân
Nó đi đúng theo bản đồ hướng dẫn chỉ được đoạn đầu đường dẫn vào làng. Rồi từ đó, chân nó cứ mải mê theo gốm, dừng chỗ nọ, tấp chỗ kia mà chẳng quan tâm mình đã đi đúng đường đúng hướng hay không. Làng gốm Thanh Hà có tuổi đời hơn 500 năm được hình thành từ cuối thế kỷ 15; tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng và đã phát triển rực rỡ vào thế kỷ 16, 17 cùng đô thị Hội An thời bấy giờ. Thời kỳ hưng thịnh, gốm Thanh Hà từng là một mặt hàng được mua bán trao đổi khắp các tỉnh miền trung. Đây cũng chính là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp, đồ dùng, vật trang trí cho các ngôi nhà cổ ở Hội An.
Gốm Thanh Hà là vật trang trí không thể thiếu cho những ngôi nhà ở Hội An
Ngày nay, làng gốm Thanh Hà không còn cảnh tấp nập như thời hoàng kim, nhưng gốm vẫn còn đây thổi hồn vào cuộc sống yên bình. Ở Thanh Hà, hầu như mỗi gia đình đều có những lò gốm nhỏ nằm trong sân vườn. Và gốm nằm ngổn ngang khắp mọi nơi chờ tới lượt của mình. Có loại đã hoàn thành chờ khách tới mua, có loại đang nằm phơi nắng chờ đến lúc đủ độ khô để đưa vào lò, có loại vẫn còn đang dang dở trên những bàn xoay… đâu đâu cũng có bóng hình của gốm.
Ở Thanh Hà, hầu như mỗi gia đình đều có một lò gốm nhỏ
Gốm nằm phơi nắng
Nhiều gia đình trong làng không làm gốm để bán ra thị trường mà chủ yếu phục vụ khách du lịch đến tìm hiểu nghề. Giữ cho lửa lò gốm đỏ chính là gìn giữ nét truyền thống cha ông bao đời là tâm niệm của những người dân trong làng. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nơi dành cho những ai có niềm đam mê với hồn của gốm.
Yêu nghề, giữ nghề là tâm niệm của những người dân trong làng
Nó không chỉ thích ngắm nghía những sản phẩm gốm mộc mạc duyên dáng mà còn yêu những con đường nhỏ trong làng, những hàng rào và các ngôi nhà xây theo lối cũ và thương những nụ cười hiếu khách của những người dân làng nghề. Nó dành trọn một buổi sáng đi khắp các ngõ ngách trong làng, cho đến lúc về tay cũng lỉnh kỉnh những món đồ gốm nhỏ, phần nó thấy thích quá không thể không mua, phần được các bà các chị tặng.
Trở ra, nó men theo bờ sông Thu Bồn, qua những hàng tre xanh, những gốc cây to tỏa bóng mát xanh rì, nơi có bến thuyền là con đường giao thương ngày trước đã đưa gốm Thanh Hà đi khắp nơi. Lũ trẻ trong làng đang chơi đá bóng ở sân đình. Ham vui, nó ghé vào ngồi xem chúng đá bóng và ngắm trời mây sông nước mênh mang. Và nó chẳng muốn về!