share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Fashion Áo dài: Truyền thống hay cách tân?


ADVERTISEMENT

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là Tết lại về trên những góc phố và nhà nhà ai nấy cũng tất bật chuẩn bị cho những kế hoạch chúc Tết, lễ nghi hay du lịch, tận hưởng. Ngoài việc đắn đo suy nghĩ về chuyến thăm gia đình hay tổ chức những cuộc vui cùng bạn bè, có lẽ đây cũng là lúc nhiều người đổ xô đi sắm sửa những bộ cánh mới – đặc biệt là áo dài – để chơi xuân. Trong những năm gần đây, không chỉ những nhà may chuyên dụng, mà rất nhiều thương hiệu nội địa cũng ra mắt hàng loạt bộ sưu tập áo dài riêng cho dịp Tết, kết hợp những đường nét đặc trưng của nhà mốt, mang tới thật nhiều mẫu mã cho người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn. Và khi đang đau đầu phân vân giữa hàng ngàn tấm áo, ắt hẳn nhiều người từng gặp câu hỏi: “Bạn tìm áo dài truyền thống hay áo dài cách tân?”

Ảnh: Nam Phương Ý

Ngày nay, áo dài truyền thống ám chỉ những bộ áo và quần dài tới gót chân, ôm sát thân trên và hơi vẩy ra một chút ở gấu hoặc cắt thẳng từ hông xuống. Còn áo dài cách tân … là toàn bộ những kiểu dáng còn lại, từ suông rộng, bó chiết, ngang gối, ngang ống đồng, tay bồng, tay cộc, không tay, lệch vai, cổ thuyền, đến những kiểu áo phối với quần côn váy đụp vân vân và mây mây. Nhưng có vẻ những định nghĩa này vẫn hơi mơ hồ nhỉ. Không những thế, nếu ai đó tinh mắt nhìn vào những tấm ảnh xuyên suốt thế kỷ 20 chụp các nam nhân nữ nhi mặc áo dài hẳn sẽ để ý rằng những bộ trang phục ấy cũng vô cùng đa dạng về phom dáng, thiết kế và phong cách. Không hề “truyền thống” chút nào nhưng cũng khó có thể gọi là “cách tân” đơn giản bởi vì những tà áo đó đã xuất hiện từ lâu về trước. Vậy thực chất, áo dài truyền thống và cách tân khác nhau như thế nào?

Ảnh: Wephobia 

Trước khi đi sâu vào câu hỏi này thì việc đầu tiên là chúng ta phải thôi ngay nhận định rằng tất cả những gì liên quan đến áo dài từ trước phong trào “cách tân” những năm 2010 là “truyền thống.” Mặc dù trong xã hội đa văn hoá kết nối toàn cầu, định nghĩa về “thời trang” vẫn bị chi phối bởi chủ nghĩa trọng Âu và tư tưởng nhị nguyên, chia cách những khái niệm (như hiện đại và truyền thống, Tây và Đông, tiến bộ và văn hoá) ra thành những hạng mục độc lập. Trong phạm trù thời trang, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận những cải biên Âu phục mới lạ, mang tính nghệ thuật – cho rằng điều đó là quy luật tự nhiên của mốt – trong khi trang phục bản địa chỉ đơn thuần là một hình mẫu tượng trưng cho những giá trị văn hoá xưa, ít khi được thay đổi, biến hoá theo những phong cách mới. Hoặc trong trường hợp áo dài, mỗi thiết kế đều bị gắn mác chung là “cách tân.”

Hình ảnh áo dài tạp chí năm 1935 @lotusinjadewell

Tuy nhiên, áo dài từng là thường phục phổ biến của người Việt, và như Âu phục thời nay, mỗi tấm áo đều được người mặc lựa chọn với mục đích phục vụ đời sống cá nhân từ những nhu cầu thời trang, thẩm mỹ, đến thực dụng. Điều này có nghĩa rằng sự đa dạng trong kiểu dáng của áo dài là một điều hiển nhiên, hơn thế nữa, khi thời mốt thay đổi, áo dài cũng thế. Nhìn sang các nền văn hoá khác, chúng ta có thể thấy rằng trang phục bản địa xứ người như xường xám và kimono cũng trải qua những bước phát triển tương tự, tuỳ vào thị hiếu của người tiêu dùng ở từng thời điểm. Trong thế kỷ 20, áo dài đã được cải biên vô cùng nhiều lần theo dòng lịch sử và vòng quay của thời trang. Để hiểu được áo dài của hiện tại và tương lai, có lẽ chúng ta cần điểm lại một số tà áo của quá khứ.

Suốt thời kỳ Đông Dương, các nhiếp ảnh gia người Pháp đã chụp những tấm hình khắc hoạ cuộc sống của người dân bản địa để in thành postcard lưu niệm, trong đó có nhiều ảnh chụp phụ nữ Việt Nam mặc áo ngũ thân thụng dài tới gối hoặc mắt cá. Vào đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của nghệ thuật và thời trang Pháp, những bộ áo rộng rãi của thời trước đó được cải biên lại dưới cái tên mới là áo dài. Thay vì kết từ năm mảnh vải lớn, chiếc áo dài được may từ ba mảnh, tạo nên dáng suông tự nhiên, không thùng thình nhưng cũng không ôm sát. Từ những người dân thường tới các tiểu thư đài các, phụ nữ Việt Nam rất chuộng tấm áo mới này, và thường xuyên phối chúng với những phụ kiện Tây như giày cao gót, chuỗi ngọc, cùng những kiểu tóc và cách trang điểm lấy cảm hứng từ thời trang châu Âu, thể hiện sự lai hợp văn hoá trong xã hội thời bấy giờ.

Nam Phương Hoàng Hậu ngày cưới_Nguồn Indochine

Một trong những tượng đài phong cách của thời trang áo dài đầu thế kỷ 20 là Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan. Trong những bức hình còn sót lại từ thuở niên thiếu cho đến thời gian tha hương tại Pháp, Hoàng hậu thường xuyên xuất hiện với những tà áo dài trang trọng, phối cùng những món trang sức và phụ kiện yêu thích như hoa tai, vòng ngọc trai, khăn lụa, áo khoác dài, và khăn lông thú. Điều đáng chú ý là vào những năm 1930, để phủ nhận những ý kiến cho rằng bà đã bị “Tây hoá” và thể hiện địa vị là Hoàng hậu nước Việt Nam, bà mặc áo dài suông rộng, quá gối, khá giống với áo ngũ thân thời trước. Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằng vào thời kỳ này, những dáng áo suông mới được coi là trang trọng, lịch sự, và truyền thống.

Người mẫu Hoà Vân mặc áo dài Le Mur năm 1938_Nguồn Wikipedia

Thập kỷ 1930 cũng là cột mốc quan trọng cho sự phát triển của áo dài, và tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất trong công cuộc “hiện đại hoá” áo dài là hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường với thương hiệu của ông là Le Mur. Với đường may sát cơ thể và vai áo bồng, áo dài Le Mur kết hợp những ảnh hưởng từ thời trang châu Âu đương thời, tạo kiểu dáng thanh cao chuẩn mốt những năm 1930. Qua những bức phác, hoạ sĩ Cát Tường còn thiết kế áo dài với cổ nhún bèo dựng thẳng lấy cảm hứng từ trang phục của quý tộc châu Âu thời xưa. Một số nhà thiết kế đương thời khác cũng cho ra mắt những bức vẽ áo dài xếp ly giống chân váy, cài nơ lộng lẫy. Phong cách áo dài mới này sớm chiếm được cảm tình của các bà các cô, nhưng đồng thời cũng nhận phải không ít lời chỉ trích cho rằng các thiết kế đó phản cảm và khiếm nhã – không khác lắm với những luồng ý kiến phản đối “áo dài cách tân” thời nay? 

Từ những thông tin này, chúng ta nhận ra rằng nếu có một kiểu dáng có thể gọi nôm na là áo dài truyền thống, thì hẳn đó phải là dáng áo suông rộng quá gối; còn chính những chiếc áo phom ôm mới là áo dài cách tân. Nhưng hiện nay, đa số mọi người có cách hiểu ngược lại, quy đồng áo suông vào thiết kế thời trang mới mẻ, còn áo ôm sát là thiết kế truyền thống “có từ ngày xưa.” Hiện tượng này có điểm tương đồng với thuật ngữ “genesis amnesia” (tạm dịch: tạo vật mất trí) hay được các học giả quốc tế sử dụng để mô tả sự lãng quên của xã hội, cho rằng một sự vật – trong trường hợp này là áo dài phom ôm – đã tồn tại từ rất lâu mà không trải qua bất cứ biến đổi nào, nhưng trong thực tế, kiểu dáng này là kết tinh của thời mốt hiện đại.

Luật sư Nguyễn Thị Hậu mặc áo dài Le Mur năm 1936_Nguồn Wikimedia

Nhưng dù có đúng hay sai, cách phân loại “truyền thống vs. cách tân” này vẫn khá nông cạn và hơn thế nữa là xoá mờ đi những nét lai hợp thú vị của thời trang áo dài. Mặc dù Hoàng hậu Nam Phương ngày trẻ thường xuyên mặc áo suông, bà cũng rất thích phối chúng với phụ kiện Tây và luôn trang điểm, làm tóc theo phong cách Pháp. Trong khi đó, vào năm 1934, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã viết về áo dài trên tuần báo Phong Hoá: “Các bạn là phụ-nữ Việt-Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ-nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật-bản chẳng hạn… mà cả nước Lồ-lố nữa, (nếu nó cũng là một nước).” Điều này khẳng định rằng áo dài là trang phục mang đậm bản sắc, một biểu tượng liên kết cộng đồng dân tộc Việt; nhưng đồng thời cũng có tính thời trang, dễ dàng tùy biến theo thẩm mỹ cá nhân, một tà áo vượt thời gian chính vì khả năng thích nghi với thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng.

Trong những giai đoạn sau của thế kỷ 20, áo dài tiếp tục được cải biên với những kiểu cách mới. Vào những năm 1950, do ảnh hưởng bởi thiết kế The New Look kinh điển của Christian Dior, eo áo dài được chiết sát cơ thể. Và có vẻ như các bà các cô đã thích phong cách này đến mức họ chiết eo áo ngày một chặt, đến mức ngấn bụng trở thành điểm đặc trưng của áo dài Sài Gòn thập niên 1970. Nhưng đồng thời lúc đó các cô gái trẻ cũng thường xuyên thử nghiệm với những thiết kế thoải mái hơn với tay áo raglan và cổ thuyền – hay điển hình là áo dài eo suông ngang gối lấy cảm hứng từ tiểu văn hoá hippie thường được may với hoạ tiết hình học, hoa nhí, paisley …

Áo dài chiết eo thập niên 1960_Nguồn Tumblr @lotusinjadewell

Định nghĩa về áo dài truyền thống và áo dài cách tân thực chất khá mơ hồ, hơn thế nữa, những từ ngữ ấy không phù hợp để mô tả sự phát triển và lịch sử thú vị của áo dài. Vì thế, thay vì sử dụng những tính từ nhị nguyên đó để đưa ra những lựa chọn cho bản thân, tại sao chúng ta không cởi mở với tất cả những thiết kế dù mới mẻ hay cổ điển? Không kể rằng bạn thích gấu xòe hay tà thẳng, eo chiết hay dáng suông, quần lụa hay váy đụp, khi mặc áo dài, chúng ta đều đang mang lên mình bản sắc Việt Nam.

 

>>Xem thêm: Gợi ý top 7 brand áo dài đa dạng phong cách cho mùa Tết 2025


ADVERTISEMENT