Cuisine Baguette: Niềm kiêu hãnh của ẩm thực Pháp
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh tượng người dân bước ra khỏi tiệm bánh và ai nấy cũng giắt trên tay một chiếc bánh mì baguette thơm lừng…
Chiếc bánh mì có lớp vỏ nóng giòn đối lập với phần ruột mềm mỏng bên trong thực sự là tinh túy ẩm thực của đất nước ánh sáng. Đặc biệt năm 2022, UNESCO đã công nhận “Nghệ thuật làm bánh mì baguette” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ảnh: Freepik
Lịch sử hình thành đầy thú vị
Tên gọi baguette bắt nguồn từ baculum trong tiếng La Tinh, có nghĩa là cây gậy. Đến nay, đã có nhiều giả thuyết về lịch sử của món ăn trứ danh này.
Có tài liệu cho rằng bánh mì baguette lần đầu xuất hiện vào thế kỷ 19. Thuở ấy, baguette có hình tròn và được làm bằng bột chua. Tuy nhiên, quy trình chế biến khá vất vả và khó đảm bảo được chất lượng trong khâu vận chuyển hay bảo quản. Cho đến năm 1920, một đạo luật lao động đã được Pháp đề ra, theo đó, công nhân không được phép làm việc từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Điều này sẽ rút ngắn thời gian nấu nướng thông thường của những thợ làm bánh. Sau đó, họ đã thay thế nguyên liệu bột chua bằng bột mì và tạo hình cho bánh mì dài, mỏng nhẹ để nướng bánh nhanh hơn. Đó là lý do baguette có hình dạng như ngày nay.
Ảnh: Freepik
Một câu chuyện khác có liên quan đến những người nông dân Pháp vào đầu thế kỷ 18. Lúc bấy giờ, họ vẫn chỉ ăn loại bánh mì làm từ cám vì khan hiếm lương thực. Trong khi đó, giới quý tộc lại mặc sức thưởng thức những chiếc bánh mì trắng được hấp men bia. Phẫn uất với điều này, người nông dân đã vùng dậy đấu tranh đòi lại công bằng. Năm 1793, chính phủ đã tuyên bố mọi tầng lớp đều dùng chung một loại bánh mì và đề ra công thức chế biến nhất quán cho các tiệm bánh.
Về sau, nhờ sản lượng lúa mì gia tăng cùng với sự xuất hiện của lò nướng hơi nước, người dân đã làm được nhiều ổ bánh mì baguette có vỏ ngoài giòn ruộm và bên trong là phần nhân có màu nâu caramel, kết cấu mềm mịn. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, bánh mì baguette lại càng chiếm giữ vị trí quan trọng khi Pháp vẫn nỗ lực gìn giữ quốc bảo ẩm thực của mình.
Hương vị của baguette
Đây vốn dĩ là món ăn có thể thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Bẻ đôi chiếc bánh mì và quết bơ hoặc phô mai là đã có một bữa điểm tâm. Đến trưa, dùng kèm với thịt nguội hay khoai tây. Bữa tối, baguette có thể ăn cùng với súp nóng và nhấp thêm một ngụm rượu vang để làm món khai vị.
Ảnh: Freepik
Chính phủ Pháp đã ra quy định rất nghiêm ngặt cho cách thức chế biến baguette. Cụ thể, bột mì/bột nở, men, nước và muối là những thành phần bắt buộc phải có để làm nên baguette. Chỉ có thể bỏ thêm bột đậu, bột đậu nành hoặc bột mạch nha lúa mì ở liều lượng vừa phải.
Ngoài ra, baguette phải được sản xuất thủ công ngay tại chỗ. Theo đó, người thợ sẽ trộn men và nước với nhau, sau đó cho bột vào rồi nhào thành một khối đến khi dẻo và mịn. Lưu ý, hàm lượng nước phải ở mức khoảng 50%. Tiếp đến, đặt khối bột lên tấm vải và đem nướng trên chảo với thiết kế dạng lỗ để dễ tản nhiệt. Đến khi vỏ ngoài đã ngả màu vàng ruộm; nhân bên trong chuyển màu nâu cà phê với kết cấu nhẹ, thoáng và bên trên bề mặt còn phủ một lớp bột mì trắng, ta đã có một thành phẩm hoàn hảo. Đặc biệt, điều làm cho món ăn mỗi người thợ làm ra có hương vị riêng nằm ở quá trình ủ men làm bánh.
Ngày nay, đã có một số biến thể từ baguette khiến cho những người sành ăn khó lòng cưỡng lại.
Ảnh: The Seattle Times
Baguette đúc (Baguette moulée): Baguette đúc giống với loại thông thường ở kết cấu về hương vị nhưng khác biệt trong quá trình chế biến. Cụ thể, loại baguette này sẽ được tạo hình bằng khuôn khi ủ. Điều này khiến màu sắc của vỏ bánh dàn ra đều hơn và đặc ruột hơn.
Baguette thân lúa mì (Baguette en épi): Đúng như tên gọi, loại baguette trên có những lát bánh xòe ra như lá cây lúa mì. Nguyên liệu làm nên tương tự baguette thông thường, chỉ cần bổ sung thêm dầu ô liu. Đặc biệt, người thợ cần sự khéo léo và một chiếc kéo thật sắc bén và để tạo ra hình thù độc đáo, đẹp mắt về mặt thị giác cho baguette thân lúa mì. Đây sẽ là món ăn thích hợp để bạn có thể mang theo trong buổi picnic.
Baguette Viên (Baguette Viennoise): Baguette Viên được đặt theo tên gọi của thủ đô nước Áo vì đây là “tác phẩm” của những người Áo định cư ở Pháp. Loại baguette này có thêm sự cộng hưởng từ nguyên liệu là bơ, đường, trứng, sữa nên sẽ mang lại hương vị béo ngậy và càng hấp dẫn hơn khi dùng kèm với giăm bông, rau củ. Bạn cũng có thể nhúng Baguette Viên trong sô cô la nóng để sự ngọt ngào thấm đượm nơi đầu lưỡi.
Ảnh: Freepik
Biểu tượng ẩm thực
Hằng năm, Pháp đều tổ chức cuộc thi Le Grand Prix de la Baguette để tìm ra người làm baguette ngon nhất thành phố. Theo đó, hội đồng giám khảo sẽ bao gồm chuyên gia, nhà báo mảng ẩm thực, quán quân mùa trước và 5 tình nguyện viên ở Paris có kiến thức chuyên môn. Họ sẽ thẩm định sản phẩm dựa trên các tiêu chí như: độ chín, hình dáng, mùi, vị, ruột bánh.
Kết quả, người chiến thắng cuộc thi sẽ cung cấp bánh mì baguette do mình làm ra đến Tổng thống Pháp ở cung điện Elysée trong vòng 1 năm, đồng thời nhận được số tiền thưởng 4.000 euros.
Mới hay, bánh mì baguette đã in sâu vào văn hóa ăn uống của người Pháp và trở thành biểu tượng ẩm thực vô giá của đất nước hình lục lăng.
Ảnh: The Connexion
>> Xem thêm: Khám phá thực đơn những món điểm tâm sáng vòng quanh thế giới