share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Photograph Bạn có hẹn với Gustav Klimt và Egon Schiele tại triển lãm “Hình ảnh và Khoảng cách”


ADVERTISEMENT

Nhân dịp mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội đã tổ chức một buổi triển lãm mang tên “Hình ảnh và khoảng cách”, trưng bày 16 kiệt tác của hai danh họa người Áo là Gustav Klimt và Egon Schiele dưới dạng phiên bản số.

Triển lãm mở cửa từ ngày 31/5 đến hết ngày 31/7 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)

Đây là lần đầu tiên các tác phẩm của 2 danh họa người Áo được trưng bày tại Việt Nam thông qua các thiết bị trình chiếu như laptop, điện thoại, màn hình tivi, máy chiếu... Đến với triển lãm, khán giả sẽ được bước vào một không gian mở, từ một vị trí đứng có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều tác phẩm ở nhiều khoảng cách và kích thước khác nhau, tạo nên những trải nghiệm thị giác thú vị. Ngay trong ngày khai mạc, “Hình ảnh và khoảng cách” đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến thưởng lãm. 

Khán giả đến xem tranh nhưng vẫn không quên giữ khoảng cách nhất định

Gustav Klimt và Egon Schiele là những họa sĩ sống ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại Vienna, nơi được mệnh danh là “thành phố của những giấc mơ” hay “chốn thăng hoa của những tâm hồn nghệ sĩ”. Trong thời kỳ hiện đại, nơi đây cũng đã chứng kiến rất nhiều những bước ngoặt đổi thay của châu Âu, dưới bóng đen của Thế chiến thứ I. Bối cảnh này đã tác động không nhỏ đến phong cách nghệ thuật của Klimt và Schiele sau này: bứt phá ra khỏi khuôn khổ của nghệ thuật hàn lâm để vươn đến hình thức nghệ thuật mới mẻ và độc đáo. 

Bức họa “Mẹ và hai con” của Egon Schiele được trình chiếu bằng laptop

“Nụ hôn” của Gustav Klimt - một trong những tác phẩm được yêu thích tại triển lãm

Gustav Klimt là danh họa thuộc trường phái Tượng trưng, là người sáng lập nên nhóm Ly khai Vienna và được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất của phong trào Tân nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là sự kết hợp giữa những hình dạng cách điệu, màu sắc phi tự nhiên với xu hướng thiên về tính trang trí và sự gợi cảm. Trong tranh Klimt thường thể hiện khát khao mạnh mẽ về tình yêu, cùng những suy ngẫm về cuộc đời. Điển hình như bức “Sự sống và cái chết” thể hiện hai thái cực đối lập nhau: một bên là con người đang chung sống trong sự đùm bọc, một bên là thần chết bên những nấm mồ với đôi mắt luôn chăm chăm nhìn về sự sống. Bức tranh đã gây ấn tượng lớn đối với người xem. Ngoài ra, Gustav Klimt cũng nổi tiếng với nhiều bức họa về phong cảnh.

“Sự sống và cái chết”

Egon Schiele lại là một trong những họa sĩ đứng đầu của chủ nghĩa Biểu hiện Áo. Ông ngưỡng mộ Klimt,  người có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành phong cách của ông. Song, nghệ thuật không phải là sự nhân bản, Schiele vẫn sở hữu tài năng và hướng đi riêng. Không tạo hình tỉ mỉ, tinh tế đến từng chi tiết như Klimt, những bức tranh của Schiele là thế giới của đường nét tự do và sự phóng khoáng đầy nội lực như “Đức hồng y và nữ tu sĩ”, “Bốn cây”, “Mẹ và con”,... Bên cạnh đó, Schiele cũng sở hữu khá nhiều những bức tự họa, thể hiện cái tôi có chút “ngông nghênh”.

Những bức tự họa của Egon Schiele gây chú ý với nhiều đối tượng khán giả

Bức họa “Bốn cây” - Egon Schiele

Klimt và Schiele đều qua đời do dịch bệnh “cúm Tây Ban Nha” vào năm 1918, sau khi đóng góp cho lịch sử hội hóa Áo nói riêng và hội họa thế giới nói chung những công trình nghệ thuật vĩ đại. Triển lãm “Hình ảnh và khoảng cách” được tổ chức như là một sự tri ân đối với hai danh họa, đồng thời cũng nhằm rút ngắn khoảng cách của 2 thời đại, đưa nghệ thuật cách đây hàng trăm năm đến gần hơn với công chúng. 

Trong thời gian diễn ra, triển lãm sẽ tổ chức các sự kiện, workshop, và đặc biệt là các “tour nghệ thuật”... giúp người xem hiểu hơn về phong cách cũng như câu chuyện đằng sau các tác phẩm của Gustav Klimt và Egon Schiele.

 

 

 


ADVERTISEMENT