Fashion Chiếc ghế “nóng” đã có chủ: Tân Giám đốc Sáng tạo của Chanel - Matthieu Blazy
“CHANEL rất vui mừng thông báo về việc bổ nhiệm Matthieu Blazy làm Giám đốc nghệ thuật mảng thời trang. Trong vai trò mới của mình, Matthieu Blazy sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các bộ sưu tập Haute Couture, Ready-to-Wear và Phụ kiện của thương hiệu”
Cuối cùng thì… “chiếc ghế nóng” nhất ngành thời trang cũng đã tìm được chủ nhân. Sau sáu tháng hoạt động thiếu vắng giám đốc sáng tạo, vào ngày 13.12.2024, Chanel chính thức công bố nhà thiết kế mới sẽ đồng hành cùng thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu nước Pháp trong chu kỳ mới – Matthieu Blazy.
Chân dung Matthieu Blazy – Giám đốc Sáng tạo mới của Chanel
Đã có rất nhiều suy đoán về vị trí giám đốc sáng tạo của Chanel. Simon Porte Jacquemus, Jeremy Scott, Hedi Slimane, John Galliano, v.v. những cái tên nổi trội lần lượt được liệt kê, và Matthieu Blazy là một lựa chọn khá bất ngờ, đơn giản vì trước đó anh đang tỏa sáng rực rỡ tại Bottega Veneta.
Quyết định của Chanel nhận được tín hiệu tốt từ cộng đồng yêu thời trang, từ những người hâm mộ lâu năm của thương hiệu cho tới giới chuyên môn. Vì sao lại thế?
Ảnh: Gabriel Bouys/Getty Images
Một chiếc ghế “nóng” và “khó tính”
Giám đốc sáng tạo của Chanel là vị trí được khao khát nhất trong ngành, đặc biệt khi nó còn trống. Bản chất Chanel là hiện thân của sự thanh lịch và vẻ đẹp xa xỉ nước Pháp. Người tiếp quản Chanel cần có một vị thế nhất định trong ngành, tài năng và thiện chí là chưa đủ. Người này cần có khả năng vực dậy DNA độc đáo của thương hiệu, mở rộng nhận diện, đưa Chanel phát triển, đồng thời khẳng định đẳng cấp qua sáng tạo.
Đồng hành với Chanel nghĩa là sẵn sàng tham gia vào cuộc “rượt đuổi” không hồi kết. Giám đốc sáng tạo có nhiệm vụ giới thiệu hai bộ sưu tập may sẵn, một bộ sưu tập cruise, hai bộ sưu tập thời trang cao cấp cùng một bộ sưu tập nghệ thuật mỗi năm, và nhiều năm sau đó nữa.
Margot Robbie trong chiến dịch quảng bá mẫu đồng hồ J12. Ảnh: Chanel
Xuyên suốt hành trình của mình, Chanel đã liên tục chứng minh khả năng tạo ra các biểu tượng thời trang, dẫn đầu xu hướng và kích thích khao khát sở hữu mạnh mẽ. Không chỉ dừng lại ở quần áo, Chanel có nước hoa, có dòng sản phẩm làm đẹp và là thương hiệu duy nhất trong số 10 hãng thời trang hàng đầu vẫn còn thuộc sở hữu tư nhân. Độ nhận diện của Chanel là không cần bàn cãi. Từ ký hiệu hoa trà, trang sức ngọc trai, vải tweed, logo chữ C lồng, túi xách chần bông, chiếc váy đen nhỏ cho đến hương nước hoa N°5 ra mắt vào 1921 đến nay vẫn bán chạy, v.v…
Một di sản đồ sộ là thế, nhưng kể từ khi Karl Legerfeld rời đi, Chanel gần như đã giậm chân tại chỗ. Có thể thấy được, đây là một chiếc ghế “nóng” đầy “khó tính”.
Triển lãm “Gabrielle Chanel. Fashion Manifesto” tại Thượng Hải. Ảnh: Chanel
Matthieu Blazy là ứng viên phù hợp đến ngạc nhiên
Từ khi thành lập đến nay, Chanel chỉ mới trải qua bốn đời giám đốc sáng tạo, bao gồm cả Matthieu Blazy. Có thể thấy, nhà mốt nước Pháp cần một người trụ lại vị trí này lâu dài. Bruno Pavlovsky, Chủ tịch thời trang của Chanel, chia sẻ:
“Chúng tôi tìm kiếm một người sẽ ở lại 10 năm hoặc hơn. Điều quan trọng nhất là tìm ra nhân tố có thể đưa Chanel lên một tầm cao mới. Một người quan tâm đến Chanel và thương hiệu hơn là bản thân họ.”
Bốn năm cống hiến tại Bottega Veneta, các bộ sưu tập dưới bàn tay của Blazy đều được đánh giá cao bởi tầm nhìn khác biệt. Blazy yêu thích việc nhấn mạnh vào chất liệu, kỹ thuật và không ngại thử nghiệm. Anh đã đưa những người thợ thủ công vốn đứng sau bức màn ra ngoài ánh sáng, đưa họ trở thành trung tâm của câu chuyện và nhận về những lời tán thưởng.
Look 1 thuộc Bottega Veneta Thu Đông 2022. Ảnh: Bottega Veneta
Kỹ thuật đánh lừa thị giác đáng nể của Blazy được trình diễn qua trang phục mở màn của BST Thu Đông 2022 – BST đầu tay của Blazy trên cương vị giám đốc sáng tạo của Bottega Veneta. Thoạt nhìn, người mẫu diện vẻ ngoài đơn giản với áo ba lỗ phối quần denim. Trên thực tế, các món đồ đều làm từ da và được chế tác để trông như cotton và denim, chúng dẻo dai, mềm mại với hiệu ứng thị giác thật đến mức gây sốc.
Dưới thời Blazy, sàn diễn của Bottega Veneta là một trong những sự kiện được trông đợi nhất tại Tuần lễ Thời trang Milan. Với khả năng của mình, nhà thiết kế này đã chuyển đổi niềm yêu thích của khách hàng thành những con số thiết thực, mang thành công thương mại về cho Bottega Veneta. Trong khi Kering (công ty mẹ của Bottega) báo cáo doanh thu giảm theo năm đối với các thương hiệu lớn như Yves Saint Laurent và Gucci, thì thương hiệu Ý này có doanh số bán hàng tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024.
Triển lãm “On The Rocks” tại Milan Design Week
Hành trình của Matthieu Blazy tại Chanel bắt đầu từ 2025
Blazy có hai dòng máu Pháp - Bỉ, anh học trường nghệ thuật thị giác La Cambre ở Brussels. Sau khi tốt nghiệp năm 2007, Blazy đã cộng tác cùng Raf Simons (đồng giám đốc sáng tạo Prada) tại thương hiệu Raf Simons, Calvin Klein, làm việc tại Maison Margiela, Céline và Bottega Veneta.
“Chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng mang đến sự hiện đại và cách tiếp cận khác biệt cho Chanel của Matthieu,” Bruno Pavlovsky vui mừng khi nhắc đến nhà thiết kế người Pháp-Bỉ. Nói về vai trò mới của mình, Blazy cho biết: “Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được gia nhập Chanel. Tôi mong muốn được gặp tất cả các đội và cùng nhau viết nên chương mới này.”
Ảnh: Chanel Thu Đông 2023-2024
Matthieu Blazy sẽ chính thức gia nhập Chanel vào tháng 4.2025 và giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên dưới cái tên thương hiệu vào tháng 10.
Đọc thêm: >> Một lần nữa, Jonathan Anderson trở thành “Nhà thiết kế của năm” >> Minimalism – Phong cách tối giản của thập niên 90 quay trở lại