share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Chợ phiên Bắc Hà và những câu chuyện muôn năm cũ


ADVERTISEMENT

Gã đi Bắc Hà mới hai lần, đều trùng mùa thu, cuối tháng 9 nắng vàng như rót mật. Thuở đó chợ phiên còn nghèo, khu chợ có phần xác xơ với dáng dấp của một khu vực buôn bán tự phát đúng nghĩa, giống với bất cứ phiên chợ nào của vùng núi cao Tây Bắc. Thế mới có chuyện, dù đi cách nhau hai năm, nhưng gã đã vô cùng bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” của Bắc Hà.

Những câu chuyện cũ ở chợ phiên Bắc Hà

Bắc Hà ngày cũ, theo gã nhớ, là sáng mở mắt tỉnh dậy sau một buổi tối trên “con đường đau khổ” từ Xín Mần sang đây, gã đứng từ trên cao, chỗ đang cắm trại trông xuống một thị trấn nhỏ, sương lúc ấy vẫn đang lảng bảng ấp ôm lấy làng mạc. Gã lững thững xuống chợ xem người ta mua bán, kiếm dăm thứ bỏ bụng cho thỏa cơn đói lòng.

Bữa sáng của gã

Món gã ăn hôm đó là phở đỏ, phở làm từ thứ gạo đỏ đặc biệt chỉ nơi này mới có. Không phải cái vị thanh thanh trong trong, dẻo dai như những bát phở gã đi ăn khắp đất nước, mà là vị thơm bùi, sợi phở cán tay mộc mạc có phần giản đơn. Người ta ăn sáng nhưng luôn kèm theo chén rượu, rót ra từ cái chai để sẵn trên bàn. Chà, bữa sáng quan trọng như thế này, thêm đôi chân gà chắc nhậu nhẹt tới khuya phải không?

Và bữa sáng của người dân Bắc Hà

Lần khần mãi, rồi gã cũng xuống chợ. Đi chợ phiên cuối tuần có khác, đông nghẹt người. Nào hoa trái, nào gia vị, nào thịt thà, thứ gì cũng vừa quen vừa lạ. Quen là bởi phần lớn mặt hàng ở đây cũng như bao khu chợ khác, còn lạ, là bởi tiếng H’mông í ới gã chẳng hiểu, bởi những loại sản vật gã nhìn mà không định nghĩa nổi nó là cái gì, và bởi người ta có thể mua bán mọi thứ ở đây, giống như một khu tổ hợp đúng nghĩa.

Rôm rả kẻ mua người bán

Gã vòng qua xem những chú chó Bắc Hà con đang mải miết chơi đùa, xem người ta ngã giá trâu bò, chim muông. Dù chẳng hiểu mấy, nhưng nhìn sắc mặt cũng có thể đoán ai cũng tìm được cho mình món hàng ưng ý, với cái giá phải chăng, và người bán cũng cười sảng khoái cầm tiền đi mua rượu uống - cách ăn mừng lý tưởng cho tất cả sự kiện trong cuộc đời. Gã cười, lại rượu. Rồi từ giờ đến trưa lại có không ít đàn ông nằm ngủ bên vệ đường, bên cạnh là chai rượu còn vài giọt đọng lại. Im lìm, nắng nhẹ và gió cứ hiu hiu thổi.

Người ta có thể mua mọi thứ ở chợ phiên

Theo mẹ đi chợ

Nhẩn nha đi thêm vài hàng quán ngắm nghía vải vóc áo quần, sà vào thử rượu, ăn thêm vài món cho bõ cái công lặn lội tới đây, gã mới chịu ngồi ngay ngắn vào một quán nước nhỏ. Chị chủ có phần đẫy đà, hé răng tươi cười đáp lại tiếng chào của gã “Chị ơi, em uống cà phê nhé!”. Gã gọi trong vô thức, theo thói quen, chứ chẳng hi vọng gì vào cà phê ở cái nơi khỉ ho cò gáy này.

Thắng cố nghi ngút

Làm một ly đi người anh em!

Thế mà rồi gã cũng có một ly cà phê phin đúng điệu, với cái ly dưới xuôi dùng để uống trà đá. Khuấy lên thứ nước loãng lợt, mùi cà phê chỉ gọi là phảng phất, gã vô tư lự trông ra cái chợ bé nhỏ vẫn đang nhộn nhịp khi giờ sáng đã trôi hơn nửa. Thấy vui vui, nhẩn nha uống cà phê ở chợ phiên đâu phải lúc nào cũng có thể, hả? Rồi không biết nghĩ thế nào, trước khi ghé Dinh Họ Vương tham quan, gã cũng lật đật mua can, chạy ra chỗ người ta đang bán rượu ngô bản phố dõng dạc “Chị gái, em đầy cái can này nhé!”...


ADVERTISEMENT