share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Chuyện chưa kể về "Valentine" vùng Tây Bắc


ADVERTISEMENT

                      “Chợ tình năm có một phiên
                         Người ơi đến đó đừng quên lối về”

Những phiên chợ Tình trải dài trong tháng 3 (Âm lịch) trên vùng đá nhiều hơn đất, dọc theo lưu vực sông Nho Quế, sông Gâm như Khâu Vai, Du Già, Sơn Vĩ, Bảo Lạc,... đã vượt qua ranh giới của dân tộc, của sự khác biệt trong phong tục tập quán để thành tập tục của vùng đất. Là sự cảm thông giữa người với người về một thứ tình cảm không thể thiếu trong cuộc sống: “Tình yêu”. Những con người trúng độc từ mũi tên của thần tình yêu không giải được, như con trai dưới đáy biển ôm lấy hạt cát, bồi quanh nó chất xà cừ thành ngọc, khối tình của họ mỗi ngày một lớn, như vết thương không bao giờ khỏi. Mỗi năm lại khắc khoải tìm về chợ Tình.


Phiên chợ Tình đầu tiên của tháng Valentine nơi cực Bắc ấy bắt đầu vào thứ Bảy tuần thứ Hai của tháng 3 (Âm lịch), ở Du Già (huyện Yên Minh, Hà Giang). Tâm điểm ở Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) ngày 27-3. Kết thúc vào những phiên chợ Háng Toán ngày cuối cùng trong tháng, ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng).


Du Già - Chợ tình năm có một phiên

Đêm thứ Sáu của tuần thứ Hai tháng 3 (Âm lịch) vừa qua chúng tôi có mặt ở phiên chợ tình đầu tiên trong chuỗi chợ Tình vùng rừng đá. Cái đêm thật dài, ngồi lặng bên chén rượu của những người đàn ông đến chợ Tình Du Già chờ mặt trời lên để gặp bạn, ông lão Phàn Văn Phúc là một trong số những người đàn ông ấy. 

Ông lão Phúc hom hem dù mới hơn năm mươi tuổi, có gần bốn mươi năm chờ bạn ở phiên chợ tình Du Già. Ông người Tày, bạn gái ông người Mông, thích nhau từ tuổi mười ba, rồi cô ấy bị kéo về làm vợ theo tập tục người Mông. Không chịu được nỗi đau, chàng trai trẻ người Tày đi vùng đất khác để sống. Nhưng năm nào cũng vậy, ông ấy trở lại vào ngày chợ tình Du Già để gặp người xưa. Hỏi chuyện ông “Chồng cô ấy có biết không?”, ông Phúc trả lời không ngần ngại: “Nó biết chứ, nhưng ở chợ tình tao được gặp vợ nó, nó không cấm được”. Hàng xóm trong quán rượu đêm ấy với lão Phúc là anh Nguyễn Văn Đình, anh Đình kém lão Phúc bảy tuổi, cũng chờ gặp bạn gái.

Khi tìm thấy “nửa kia” thì Đình đã có vợ, con. Nhà họ cùng một bản ở ngay trong xã Du Già, mọi người đều biết, vợ anh cũng biết. Cùng bản nhưng cả năm mới dám gặp nhau một lần ở phiên chợ Tình này. Anh đến chợ từ chiều đợi, người ấy chắc sáng mai mới đến. Đình chỉ cho tôi hướng nhà anh, cũng là nhà người ấy nơi lưng dốc cách chợ chừng 2km. Tôi hỏi sao anh không rủ cô ấy cùng đi, Đình bảo: “Không được đâu, đến đây mới được gặp”.

Đêm về khuya bắt đầu lạnh nhưng dường như không ai trong số những người đàn ông có mặt trong quán có ý định đi ngủ. Họ cứ ngồi, thỉnh thoảng lại tự rót rượu cho mình, lặng lẽ uống. Chờ bạn tình mà giống người đang bệnh. Đêm giáp phiên chợ Tình, độc tính phát tác mãnh liệt khiến người ta như ngây dại, chỉ biết uống rượu khắc khoải chờ... thuốc đến. 

 Đêm 26-3 ở phiên chợ tình Khâu Vai

Sáng ngày chợ phiên chúng tôi gặp một mâm rượu đặc biệt với năm người, ba thế hệ của hai gia đình. Họ ngồi với nhau vì có hai nửa của nhau, cả năm xa cách, hôm nay mới được đoàn viên. Nửa thứ nhất Lỳ Mý Lòng (49 tuổi) đi cùng chị gái, nửa kia Và Thị Dung (41 tuổi) đi cùng mẹ và con gái. Hai nửa gia đình ấy hôm nay hợp thành một. Họ ở cùng một bản, Và Thị Dung lấy chồng khi 16 tuổi, cuộc sống sẽ bình lặng nếu không có lần đi cắt cỏ cho ngựa năm 20 tuổi, để phát hiện ra nửa khác của mình... không phải chồng.

Họ không làm gì sai với chồng, với vợ nhưng họ có quyền mỗi năm gặp nhau một lần trong phiên chợ này. Hỏi Dung chồng có ghen không cô hồn nhiên bảo: “Nó tức lắm nhưng mình kệ nó, hôm nay nó cũng được đi gặp bạn mà”. Hỏi cô ngày thường gặp vợ của bạn thì cô ấy có phản ứng gì không Dung cười: “Có lần gặp nó trong rừng, nó lấy dây trói mình định đánh, mình bảo nó “mày đánh tao là mày sai” nó sợ không dám đánh, cởi trói cho mình”. Và Thị Dung kể chuyện líu lo như chim hót, mắt ngời hạnh phúc. Lát nữa thôi khi bóng chiều đổ xuống, phiên chợ tan “gia đình” ấy lại theo hai lối để về cùng một bản. Trong chiếc túi rời chợ có quà cho mọi người trong gia đình, phần quà ấy có thể cả của “người kia” mua góp, người nhận dù không vui cũng không từ chối, tục lệ là thế. 

 Điệu khèn cho riêng nhau trong phiên chợ tình Khâu Vai

Khâu Vai thủ đô của vương quốc tình yêu

Xưa, chừng mười năm trước thôi chợ Tình Khâu Vai “đẹp” lắm. Đẹp bởi những người đàn ông sạm đen vì mưa nắng chân đất đeo khèn đi tìm bạn tình. Của cả những người lặng ngồi nơi góc chợ một mình gặm nhấm nỗi đau không thể sẻ chia về cuộc đời “nửa kia” của họ. Có cả những người đàn ông khóc bên chén rượu, đau đớn vì ngày ấy, ngày ba mươi, bốn mươi năm trước không đủ dũng cảm để tranh giành người con gái ấy. Và những người phụ nữ không còn trẻ nữa, mặc thật đẹp, đứng ở những điểm dễ nhìn thấy ngơ ngác chờ bạn. Mấy năm gần đây, chợ Tình Khâu Vai “hiện đại” với đèn sáng choang, loa ì ọp át hết tiếng khèn và du khách đông hơn chủ. Những chuyện tình ở Khâu Vai thật nhiều, thật riêng đấy, nhưng cũng có gì đó giống như những chuyện ở Du Già bởi cái sự yêu và dang dở.

Xin kể về một người phụ nữ đến Khâu Vai nhưng không đi chợ tình. Tôi gặp bà vào phiên chợ Tình năm 2009 vào buổi chiều tan chợ, trên con dốc sau đồi. Bà ngồi lặng bên ông chồng đang gục đầu xuống hai cánh tay, thỉnh thoảng lại vỗ nhẹ vào vai ông. Ông say vì mấy chén rượu mới uống hay đang buồn cho cảnh ngộ người bạn gái mà ông vừa gặp lại, hay một chút áy náy với bà,... cũng có thể vì tất cả. Hơn hai mươi năm qua, năm nào bà cũng theo chồng vượt sông Nho Quế, vượt ba dãy núi từ Bảo Lâm (Cao Bằng) sang Khâu Vai tham dự chợ tình, để ông ấy được gặp người cũ. Mấy chục năm chưa một lần bà đòi, hay tò mò xem mặt bạn cũ của chồng nhưng bà vẫn đi cùng ông, nhẫn nại đợi ông, để vỗ về an ủi ông lúc chiều tan chợ. Hai năm sau tôi lại gặp bà, lần này vào buổi tối, co ro lặng lẽ trong đêm, cũng như những năm trước... chờ chồng tan chợ Tình.

 Người phụ nữ hơn hai mươi năm chờ chồng ngoài chợ tình Khâu Vai


Câu chuyện tình “kinh điển” ở Khâu Vai cũng thuộc về hai dân tộc, chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy. Họ phải chia tay để bảo vệ sự bình yên giữa hai cộng đồng, để rồi năm nào cũng gặp lại nhau một lần ở nơi chia tay – Khâu Vai, để hát cho nhau nghe, kể với nhau chuyện đời trong suốt một năm xa nhau. Đến cuối cuộc đời, họ lại đến với nhau, bên hòn đá thề năm xưa để cùng ra đi vào ngày hẹn ước gặp lại nhau 27-3. Nơi họ mất người dân dựng miếu Ông miếu Bà thờ phụng, cũng là nơi duy nhất trong chuỗi chợ Tình có hoạt động tâm linh.


Chợ hội cuối tháng tình yêu

Nếu như các phiên chợ Tình rơi vào đầu và giữa tháng 3 như Du Già, Khâu Vai, Sơn Vĩ,... phần lớn thuộc về lưu vực sông Nho Quế, thì phiên chợ cuối lại thuộc về sông Gâm của huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng). Xét về địa lý, vùng đất này nhất là các xã phía Tây gần với cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc hơn. Hình như một trong hai nhân vật tạo nên huyền thoại “Ông và Bà” ở chợ Tình Khâu Vai cũng là người ở Bảo Lâm (Cao Bằng). Chợ tình phiên cuối họp ngày 30-3 (Âm lịch), là một chuỗi Háng Toán (chợ Hội – theo tiếng Tày). Từ Bảo Lâm đến tận xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) với tâm điểm là chợ phiên ở thị trấn Bảo Lạc. Háng Toán một năm hai phiên, có nhiều khác biệt với các phiên chợ Tình ở vùng đất bạn, dù cũng bắt đầu bằng: “Ngày xưa có đôi trai gái không lấy được nhau...”. 

 Trang điểm trước khi đi chợ phiên Háng Toán

Phiên đầu năm khi hoa gạo bung đỏ rực rỡ, ngô nảy mầm nương xanh sau những trận mưa đầu mùa, trai gái gặp nhau: “Tháng 3 trao duyên”. Khi ngô, lúa thu hoạch xong, mối duyên đầu năm đã “chắc hạt” người ta tính chuyện trao đính ước làm lễ cưới hỏi: “Tháng tám trao giày”, phiên chợ thứ hai họp dịp Tết Trung thu. Gặp Tẩn Thị Lán (30 tuổi) dân tộc Sán Chỉ ở Cốc Pàng (Bảo Lạc) hỏi cô: “Chồng đâu?”, cô cười má đỏ hồng vì rượu, mắt nhìn thẳng dạn dĩ: “Nó đi chơi uống rượu với bạn rồi, mình không đi cùng được, nó còn trêu con gái, còn giúp bạn chưa vợ tìm bạn gái nữa”. Đến chợ, vợ chồng cô chia đôi tiền, chia đôi đường.

Chồng sà ngay vào cuộc rượu cùng cánh đàn ông mọi lứa tuổi, rồi câu chuyện cuối cùng cũng xoay sang bàn cách “ghẹo gái”, nhất là tư vấn cho cánh trẻ cách hạ gục mục tiêu. Lán với một nửa số tiền, vào chợ mua quà cho tất cả mọi người trong nhà, rồi cũng sà vào quán rượu khác với các chị em: “Uống cho hồng má lên, cho mấy đứa trẻ không sợ bọn con trai nữa, tí còn hát... cho chúng nó ghẹo”. Trong bọn “chúng nó” có thể có cả chồng cô, ở Háng Toán trai gái chia phe đứng đôi bờ sông Gâm hát ghẹo nhau. Những cô gái trẻ được sự hỗ trợ của các đàn chị véo von: “Hát cho bên ấy nó thèm”, để cánh con trai, cũng được “tăng cường” bởi các đàn anh lội sông đuổi theo mà “trao thư”.

Những lá thư chép thơ tình được viết thật đẹp từ trước trên giấy được vẽ hoa văn, và con gái tặng lại đồ thêu, khăn, áo,... rồi lại mời nhau uống rượu. Cứ thế rồi chia lẻ để đưa nhau về.


Ngược lại niên đại tròn một trăm năm (1919), của câu chuyện tình đã được tâm linh hóa giữa “Ông và Bà” ở Khâu Vai với những phiên chợ Tình các vùng lân cận, hoàn toàn có thể đặt ra giả thiết về phiên chợ tình này có từ trước miếu Ông, miếu Bà. Hay cũng có thể hiểu họ (Ông - Bà) được gặp nhau theo tập tục cho phép của vùng đất này.


 


ADVERTISEMENT