share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Đạp xe đến làng gốm cũ Lái Thiêu, Bình Dương để tìm lại niềm vui tuổi thơ


ADVERTISEMENT

Nhắc về gốm sứ, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu gốm sứ Minh Long nổi tiếng của vùng đất Bình Dương. Là một đứa trẻ thuộc thế hệ 9x, ký ức tươi đẹp về một thời cấp hai của tôi cũng gắn liền với chuyến đi ngoại khóa đến vùng đất này cùng với hai cô bạn thân vào năm lớp 7.

Những ký ức đầu tiên về gốm sứ

Buổi tham quan được tổ chức sau khi kết thúc kỳ thi học kì 1, đến Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến và Trung tâm thương mại Minh Sáng Plaza - nơi bày bán các sản phẩm gốm sứ Minh Long nổi tiếng.

Sau một sáng đi bộ rã rời ở Đại Nam, chúng tôi dừng lại tại Minh Sáng Plaza. Tuy được nghe thuyết minh rất ít, chúng tôi đều choáng ngợp trước không gian trưng bày đủ loại gốm sứ của nơi đây. Từ những chiếc bình lớn tráng men với nét vẽ tinh xảo; cho đến khu bán những món gốm nhỏ xinh với đủ mẫu nhân vật hợp tuổi teen như cung Hoàng Đạo hay các nhân vật hoạt hình. Mỗi món chỉ lớn cỡ một đốt ngón tay và có giá bán từ 5 đến 10 nghìn đồng. Tôi và cô bạn có dịp lướt qua khu vực trải nghiệm tự làm gốm, mê tít trước một đứa trẻ đang chăm chú tự trang trí chiếc dĩa sứ, cùng với khu sản phẩm gốm sứ mới còn là thành phẩm đất sét tự khô. Mặc dù chuyến đi ấy chỉ vẻn vẹn một tiếng tham quan nhanh chóng, nhưng đó là ký ức luôn theo tôi đến khi lớn, khi nhắc tới vùng đất Bình Dương đầy kỷ niệm.

Tìm về ký ức tuổi thơ tại làng gốm Lái Thiêu

13 năm kể từ chuyến đi ngày đó, ở độ tuổi 26, khi đã có sự tự do trong ý muốn du lịch, tôi đã quay lại mảnh đất này theo một cách phiêu lưu, mạo hiểm hơn - đạp xe 15km từ Thảo Cầm Viên để đến Bình Dương. Tuy nhiên, điểm đến lần này không còn là khu trưng bày hoành tráng, thay vào đó là một không gian còn nguyên vẹn bản sắc dân dã, thủ công và lặng lẽ hơn nhiều - làng gốm cũ ở khu Lái Thiêu. Sau một buổi sáng được chào đón thân tình bởi những người dân ở khu miếu thờ ông Huỳnh Công - người sáng lập vùng đất Lái Thiêu, ghé tham quan nhà thờ giáo xứ Lái Thiêu và đình Phú Long, cả đoàn cùng “chặt” qua những con hẻm ngóc ngách để đến khu làng gốm truyền thống trải dài này.

Hàng xe đạp của đoàn đậu ven đường để vào tham quan làng gốm. Ảnh: Đình Đông - Câu lạc bộ tiếng Pháp Sài Gòn

Khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại, những cái lu cái khạp nặng nề dần được thay thế bằng xô, chậu nhựa dễ dàng mua ở các siêu thị, những ống đựng tiền tiết kiệm đa dạng mẫu mã làm từ nhựa bán tràn ngập nhà sách thay thế cho những chú heo đất. Thì đâu đó giữa các con phố sầm uất của vùng đất Lái Thiêu vẫn sót lại những lò gốm cổ truyền lưu giữ lại cái hồn của đất.

Ở đây, có các bức tường được dựng bằng cách xếp lu, khạp đầy màu sắc thành từng tầng, có các lứa heo đất vẫn âm thầm lặng lẽ được ra lò đều đặn. Thậm chí, người thợ nắm bắt được tình yêu đối với những món đồ dễ thương của trẻ nhỏ và cả những người lớn có tâm hồn trẻ thơ. Nên ngoài con heo đất “í a í à" còn có những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Minion, Doraemon và cả Hello Kitty nữa. 

Hàng rào được xếp bằng các lu, khạp chồng chất lên nhau mà không hề có chất kết dính nào

Hàng lu, khạp xếp lớp lâu ngày bị cỏ dại xâm chiếm che phủ

Khuôn đúc nên những chú heo đất

Khi bước vào khu lò gốm cũ và phát hiện ra những chú Minion thành phẩm “sống” (từ mà thợ làm gốm dùng để gọi sản phẩm chưa nung đỏ, nếu khách vô ý đi va phải có thể làm vỡ cả hàng), mọi người từ trẻ nhất (12 tuổi) đến lớn nhất (70 tuổi) đều không cầm lòng được trước sự đáng yêu của những món đồ vật này. Chúng tôi đã có những phút giây vô tư và “lí lắc" nhất ở đấy. Không những được tận mắt tận tay thấy sản phẩm của những người nghệ nhân bình dị, mà cả đoàn còn được các cô các chú ở lò gốm diễn giải tận tình từng bước, từng công đoạn, từ đất sét thô đến các thành phẩm đã được thổi hồn vào.

Một lứa heo sắp ra lò, có chú chưa chi đã bị nứt bể phải bỏ, có chú thì bị cháy đen. Ở đây "gốm sống" là gốm chưa nung đỏ, di chuyển vô ý có thể bể. Gốm chín là thành phẩm đã qua lửa, có lớp đỏ au như cháy nắng và chắc, có thể mua đem về.

Trước khi rời đi, một số thành viên không quên mua vài con gốm “chín" (thành phẩm gốm đã nung chín) được gói ghém kỹ lưỡng trong nhiều lớp bao ni lông để mang đi theo cùng xe đạp, với hy vọng thành phẩm đừng bị vỡ khi di chuyển. Ngẫm lại, đó là điều tuyệt vời mà tôi nhận được từ chuyến đi nhiều bụi đất này - cảm giác sảng khoái khi được trở lại làm đứa bé thơ, mê tít thò lò trước từng con gốm đáng yêu.


ADVERTISEMENT