Explore Đến Đài Loan khám phá văn hoá nhuộm chàm của người Khách Gia
Đài Loan không chỉ là “đảo ngọc” xinh đẹp, được biết đến với những bãi biển trong vắt, làng cổ ẩn mình trên sườn núi, thành phố hoa lệ nô nức, mà hơn cả chốn tham quan, hòn đảo còn lưu giữ di sản văn hóa giàu có, được du nhập và pha trộn từ nhiều dân tộc thổ dân.
Trong đó, mỗi tộc người lại mang nét đặc trưng tín ngưỡng, nghệ thuật riêng. Tại bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào người Khách Gia (Hakka), nhóm dân tộc lớn thứ hai trên đảo, nổi tiếng với kỹ nghệ nhuộm chàm lưu truyền từ thế hệ xưa.
Ảnh: Teona Swift
Màu chàm có ý nghĩa đặc biệt
Trong khi người Việt tin rằng sắc chàm biểu trưng cho sự tĩnh lặng, tinh tế, nội lực bên trong; Người Nhật phát hiện tác dụng xua đuổi côn trùng, bền màu, khó bắt lửa của mảnh vải chàm khi may quần áo để làm việc đồng áng, cứu hỏa; Thì người Khách Gia kế thừa bản sắc, giá trị tinh thần về lối sống hòa hợp với tự nhiên của tổ tiên qua nghề nhuộm chàm thủ công.
Tổ tiên người Khách Gia xưa từng sử dụng các nguyên liệu thực vật, chủ yếu từ cây indigofera tinctoria và polygonum tinctorium (chàm Nhật), để nhuộm quần áo thành màu xanh đen. Mặt khác, kết hợp với kỹ thuật dệt Batik, nhuộm sáp ong,... sắc chàm không còn đơn bạc, mà được lấp đầy bởi những họa tiết thể hiện cảnh núi non, sông nước hùng vĩ, phản ánh tình cảm chân thành, sâu sắc và bền chặt như sợi tơ xanh trong lòng người Khách Gia.
Ảnh: Teona Swift
Loài cây indigofera tinctoria (còn gọi là chàm thật) có nguồn gốc sinh trưởng ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Sắc chàm (indigo) chiết xuất từ cây này mang màu xanh lam đậm pha chút tím. Vừa cổ điển, vừa sang trọng, khó phai theo thời gian. Suốt hàng nghìn năm, màu chàm indigo đặc biệt được ưa chuộng sử dụng để nhuộm nhiều loại vải như lanh, lụa và sau này xuất hiện trên denim.
Trong khi đó, màu sắc từ loại cây chàm Nhật Bản polygonum tinctorium thường cho màu xanh lam nhẹ nhàng, tươi sáng, ghi dấu ấn thanh lịch, tinh tế với các sản phẩm trên vải mỏng như lụa. Vì có nguồn gốc từ thiên nhiên, chàm từ indigofera tinctoria và polygonum tinctorium được ứng dụng phổ biến trong thời trang bền vững.
Ảnh: Teona Swift
Nghệ thuật nhuộm chàm Khách Gia
Quá trình từ khi thu hoạch lá chàm đến ra màu xanh lam đậm trên vải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn cao. Vào mùa hè, thời điểm lượng Indigotin (sắc tố tạo màu) đạt mức cao nhất trong lá chàm, người Khách Gia sẽ bắt đầu thu hoạch.
Lá chàm tươi sau khi thu hoạch sẽ được ngâm trong thùng gỗ lớn chứa nước, đậy kín trong khoảng 3 đến 7 ngày để lá tự phân hủy và lên men tự nhiên. Khi dung dịch chuyển từ trong sang màu xanh đen đậm, hơi sánh và dậy mùi đặc trưng, đó là lúc đã chiết xuất được sắc tố chàm đạt chuẩn để làm thuốc nhuộm. Phần bã lá sẽ được lọc bỏ.
Để bảo quản và tái sử dụng lâu dài, người thợ thủ công sẽ hòa dung dịch tro thực vật (kiềm tự nhiên) vào nước nhuộm, khuấy đều cho sắc tố kết tủa thành dạng bột nhão, sau đó phơi khô để cất giữ. Khi cần nhuộm, bột chàm khô sẽ được hòa tan lại trong dung dịch kiềm nhẹ (như nước tro hoặc baking soda), khuấy mạnh đến khi nổi bọt – đó là dấu hiệu dung dịch đã sẵn sàng để sử dụng.
Ảnh: Teona Swift
Việc tấm vải chàm có lên sắc độ đậm ưng ý, bền bỉ cần nhiều giờ nhuộm liên tục. Trước tiên, ngâm vải trong thuốc nhuộm khoảng nửa giờ, để bị oxy hóa, vải sẽ chuyển dần từ màu xanh lục sang xanh lam. Lặp lại bước này, màu sắc vải sẽ ngày càng đậm, giống như màu xanh đen trên áo sơ mi của người Khách Gia. Nếu muốn vải xanh nhạt, thanh lịch, chỉ cần ngâm ít lần hơn.
Để tạo ra những hoa văn độc đáo, người Khách Gia sử dụng kỹ thuật vẽ sáp ong (Batik) để trang trí vải với họa tiết muông thú, cây cỏ, thần thoại ngụ ý điềm lành. Sáp được vẽ lên vải trước khi nhuộm để ngăn màu bám vào. Sau khi nhuộm và phơi khô, lớp sáp được loại bỏ, để lại những họa tiết trắng hoặc màu nhạt trên nền chàm đậm.
Như vậy, nhuộm chàm thủ công là một quy trình phức tạp, tốn nhiều công sức. Để ra thành phẩm là tấm vải truyền thống đậm đà bản sắc, càng phải biết kết hợp nhiều kỹ thuật thêu và hình thức trang trí thủ công khác.
Ảnh: Teona Swift
Trải nghiệm văn hóa nhuộm chàm
Ngày nay, khi xu hướng du lịch bền vững lên ngôi, du khách có nhiều cơ hội đắm mình vào những trải nghiệm nhuộm chàm ở các làng nghề Khách Gia. Đừng bỏ qua Zhuo Ye Cottage, nằm trên những ngọn đồi xanh tươi ở Miêu Lật, Đài Loan.
Xưởng nhuộm chàm Zhuo Ye mang đậm không khí thôn dã, lọt thỏm giữa núi rừng. Bên cạnh trải nghiệm văn hóa, sáng tạo, khu phức hợp nhỏ gọn vừa đủ chỗ cho một nhà hàng chay, quầy trà bánh ăn vặt, homestay tiện nghi và khuôn viên giống hệt một phim trường với bối cảnh Trung Hoa xưa.
Ảnh: Taiwanfarm
Qua nhiều năm phát triển, xưởng nhuộm nhỏ bé không chỉ cung cấp các buổi workshop thú vị, mà còn đưa ra thị trường nhiều loại thuốc nhuộm chàm mang thương hiệu Đài Loan chất lượng cao và sản phẩm nhuộm chàm thủ công dưới bàn tay các nghệ nhân.
“Tự cung tự cấp” từ khâu trồng cây, sản xuất thuốc nhuộm, quá trình nhuộm và in họa tiết độc đáo, Zhuo Ye vẫn “miệt mài” giữ lửa cho nghề thủ công đặc sắc của người Khách Gia.
Một số thông tin:
Ngôn ngữ: Tiếng Anh và Trung Quốc
Tiện nghi: Khuôn viên chung, nhiều phòng nghỉ dưỡng, cửa hàng quà lưu niệm
Ăn uống: Nhà hàng chay phục vụ bữa ăn miễn phí hoặc tự chọn, quán cà phê