Inspiration Journey Đèo Hải Vân - Dấu ấn hành trình
Là điểm giao cắt giữa phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế và phía Nam thành phố Đà Nẵng, con đèo Hải Vân uốn lượn bên triền núi từ lâu đã in dấu vào thi ca, nhạc họa. Đèo Hải Vân còn có cơ hội vụt sáng trên bản đồ du lịch thế giới khi được ghi danh vào top 10 đường đèo ven biển ngoạn mục nhất hành tinh, theo tạp chí The Guardian.
Ảnh: Jordan Opel/Unplash
Con đèo mang hơi thở lịch sử
Theo từ điển Hán - Việt, tên gọi Hải Vân có nghĩa là “biển mây”. Bởi lẽ, nơi đây quanh năm mây giăng kín còn dưới chân đèo là cả một đại dương thăm thẳm. Với chiều dài 21km và cao 496m so với mực nước biển, nhìn từ trên xuống, đèo Hải Vân trông như một con trăn khổng lồ.
Trước kia, người dân đi qua đường đèo này như chạm trán với tử thần bởi nơi đây thường xuất hiện nhiều thú dữ và kẻ cướp. Đến đầu thế kỷ 20, để thuận tiện giao thông, thực dân Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân từ ga Kim Liên (Đà Nẵng) đến ga Lăng Cô (Huế). Do địa thế hiểm trở, chuyến tàu hỏa qua con đèo chỉ chậm rãi di chuyển với tốc độ 15km/h. Vì vậy, khi thăm thú bằng đường sắt, ta có thể thong dong ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của đèo Hải Vân. Nào là vực sâu hun hút, nào là rừng núi trùng điệp, nào là mặt biển lấp lánh ánh bạc, vẻ đẹp quá đỗi trác tuyệt của con đèo này luôn khiến lòng người vấn vương.
Ảnh: Hà Đoàn
Năm 2005, một hầm đường bộ xuyên đèo đã được khánh thành để rút ngắn thời gian đi lại và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hai miền. Tuy vậy, nhiều phượt thủ vẫn lựa chọn chinh phục đèo Hải Vân bằng đường bộ cũ để vừa trải nghiệm cảm giác mạo hiểm khi đi qua những khúc cua chữ U đầy thót tim, vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Nhìn xa xăm, ta còn thấy được cả bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm hay cảng Tiên Sa. Tất cả đều mang đến một “bữa tiệc” thị giác vô cùng mãn nhãn.
Ngoài ra, khi đến đỉnh đèo bằng đường bộ, ta còn có dịp chứng kiến một công trình kiến trúc cổ xưa mang tên Hải Vân Quan. Được xây dựng từ năm 1826, công trình này lúc bấy giờ là nơi để kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng và là hệ thống phòng thủ trọng yếu ở phía nam của kinh thành Huế. Năm 2017, Hải Vân Quan được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Cũng từ cuối năm 2021, chính quyền đã ra sức trùng tu, phục hồi một số hạng mục kiến trúc của công trình này như nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố, hệ thống pháo đài, súng thần công, đồng thời giữ lại một số lô cốt thời chiến tranh để bảo tồn cho di sản văn hóa của dân tộc.
IG@gaia_aramanta
Những điểm tham quan hấp dẫn khi qua đèo Hải Vân
Vườn quốc gia Bạch Mã
Tọa lạc tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Vườn quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích 37.487ha và là nơi sinh sống của 2.373 loài thực vật, 1.715 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.
Không chỉ sở hữu hệ sinh thái phong phú, dải rừng nguyên sinh rộng lớn này còn có nhiều thắng cảnh cực kỳ ấn tượng. Sẽ rất lý tưởng khi đứng trên độ cao ngạo nghễ của Vọng Hải Đài để say sưa ngắm nhìn dãy Bạch Mãi lãng đãng trong làn mây, Thiền Viện Trúc Lâm an nhiên giữa lòng Hồ Truồi và cả con đèo Hải Vân kiêu hùng. Tất cả đều mang lại cho ta cảm giác tĩnh tại đến lạ thường.
Ảnh: Lê Đình Hoàng
Cách đó 5km chính là thác Ngũ Hồ. Đây là cụm thác gồm 5 hồ nước nhỏ với nhiều độ cao và hình thù khác nhau. Có mặt hồ trông như hình trăng rằm, có mặt hồ hình quả mướp, lại có mặt hồ như một chiếc phễu khổng lồ. Bức tranh thủy mặc này còn được cộng hưởng với vẻ đẹp của thác Đỗ Quyên. Với độ cao 300m, nhìn từ xa, dòng thác tựa như một áng tóc suôn mềm. Vào mùa xuân, ta còn có thể chiêm ngưỡng sắc đỏ kiêu sa của hoa đỗ quyên bung tỏa dọc hai bên thác.
Ngoài ra, vì từng là khu nghỉ dưỡng của quan chức Huế và giới quý tộc Pháp, nơi đây còn có nhiều căn biệt thự cổ kính, mang dáng nét châu Âu.
Ảnh: Lê Đình Hoàng
Vịnh Lăng Cô
Nằm dưới chân đèo Hải Vân và có chiều dài 42.5km, vịnh Lăng Cô sở hữu hình dáng cong cong như lưỡi liềm. Màu nước biển trong biếc như ngọc, cây rừng bốn mùa xanh mướt, những cồn cát trắng mịn là những điểm nhấn làm nên vịnh Lăng Cô. Đặc biệt, vịnh Lăng Cô không chịu ảnh hưởng bởi “chảo lửa” miền Trung vì có khí hậu ôn hòa, dễ chịu, thường chỉ ở mức 25-26 độ C.
Phía tây của vịnh là đầm Lập An, cũng là đầm nước lợ lớn nhất xứ Huế với diện tích 800ha. Khi thủy triều xuống, giữa muôn trùng sóng nước hiện lên một con đường bộ phủ đầy cát trắng. Để cảnh sắc thêm hữu tình, người dân thường bố trí một chiếc bè đơn độc giữa đầm bên cạnh một nhành cây khô hay một chiếc xích đu cách điệu trên bờ cát.
Bên cạnh đó, vì là làng chài nên khi đến vịnh Lăng Cô, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều loại hải sản phong phú và có giá trị dinh dưỡng cao, tiêu biểu là hải sâm và hàu - món ăn mà người dân xem là “lộc trời ban”.
Ảnh: Joseph Phương
Cầu vòm Đồn Cả
Cầu vòm Đồn Cả thực chất là cây cầu xe lửa thuộc tuyến đường sắt dài 28km bắc qua đèo Hải Vân. Cầu được thiết kế với dạng mái vòm, chân cầu là các cột trụ bằng đá có độ cao 20m. Nhìn từ trên cao, cầu vòm Đồn Cả như một dải lụa óng mềm nằm ẩn hiện trong thảm rừng xanh mướt.
Lạc vào nơi đây, ta như bước trong chốn thần tiên. Bởi lẽ, thanh âm mà bạn nghe được ở cầu vòm Đồn Cả chỉ có thể là tiếng xào xạc của lá cây, tiếng véo von của chim ca và cả tiếng chảy róc rách của con suối mát trong dưới chân cầu. Tất cả cộng hưởng lại với nhau để tạo nên bản giao hưởng nhẹ nhàng của thiên nhiên.
Đồng thời, cứ cách 30 phút sẽ có một chuyến xe lửa. Du khách có thể bắt chụp khoảnh khắc con tàu xình xịch chạy qua để có một tấm hình độc đáo, đậm chất điện ảnh trong hành trang xê dịch của mình.
Ảnh: Nguyễn Hữu Thưởng
Có thể thấy, những danh thắng trên đã góp phần nhuận sắc cho vẻ đẹp tráng lệ của con đèo Hải Vân. Không chỉ mang giá trị cảnh quan thiên nhiên, con đèo huyền thoại này còn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử. Với tất thảy những gì tạo hóa đã ban tặng, đèo Hải Vân xứng danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” như vua Trần Nhân Tông đã từng ca tụng.