The Art Corner Điểm lại những chuyện tình bất hủ của văn học thế giới
Là cung bậc tình cảm thiêng liêng trong đời sống con người, tình yêu nghiễm nhiên đi vào văn học như một chất liệu sáng tác vô biên với muôn vàn sắc thái. Không thiếu những câu chuyện đẹp đến nao lòng đã “ghi dấu”, khiến độc giả rung cảm theo từng trang sách, rồi khơi dậy khát khao và niềm tin mãnh liệt vào tình yêu đời thường.
Elizabeth Bennet và Fitzwilliam Darcy trong Kiêu hãnh và định kiến
Hơn 2 thế kỷ, Kiêu hãnh và định kiến của nữ tác giả Jane Austen luôn nằm trong số những tiểu thuyết nước ngoài xuất sắc nhất mọi thời đại. Với giọng văn sắc sảo nhưng không kém phần hóm hỉnh, tác phẩm đã khắc họa câu chuyện tình yêu và hôn nhân của tầng lớp trung lưu, địa chủ tại Anh vào đầu thế kỷ 19.
Đại diện cho tầng lớp trung lưu là Elizabeth, cô con gái thứ 2 của nhà Bennet, sở hữu diện mạo xinh đẹp, trí thông minh cùng khiếu châm biếm thừa hưởng từ cha. Một ngày kia, cuộc đời đẩy đưa cô gặp gỡ Fitzwilliam Darcy, tay chủ đồn điền rất giàu có và kiêu hãnh vùng Derbyshire. Trong buổi dạ hội, dù được người bạn Bingley gợi ý khiêu vũ với Elizabeth, Darcy thẳng thắn cho rằng cô không xứng tầm. Vô tình nghe được những lời nói đả kích ấy, Elizabeth nảy sinh ác cảm với anh.
Có thể nói, chuyện tình của Elizabeth và Darcy đã “thoát” ra khỏi motif thông thường là tình yêu sét đánh. Thái độ ban đầu của cả hai dành cho đối phương không đơn thuần là sự khó ưa mà sâu sắc hơn thế, bởi nó khởi nguồn từ định kiến của mỗi bên về thân phận bên kia. Lòng kiêu hãnh được bồi đắp nhờ ý thức rõ ràng về giá trị con người và hoàn cảnh sống, cộng thêm ác cảm tích tụ từ lâu đã khiến những cuộc đối đầu dễ dàng bùng lên. Thật khó hình dung “hạt mầm” tình yêu sẽ nảy nở ra sao giữa hai thái cực đối chọi gay gắt này.
Thế rồi như một sự an bài sau bao biến cố, Elizabeth và Darcy từ chỗ đối đầu căng thẳng đã chấp nhận hạ cái tôi để hóa giải mọi hiểu lầm. Khi định kiến được xóa nhòa và lòng kiêu hãnh thôi không che mờ “đôi mắt” của trái tim, họ đồng thời nhận ra mình đã yêu người kia biết mấy...
Meggie Cleary và Ralph de Bricassart của Tiếng chim hót trong bụi mận gai
“Tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại.”
Không phải chuyện tình đẹp nào cũng có kết thúc viên mãn. Nhưng chính sự dang dở và nỗi đau tận cùng lại làm nên mối tình bất tử trong tâm trí bất kỳ ai từng đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Tác phẩm đã đem lại hào quang rực rỡ cho tác giả Colleen McCullough, thời điểm đó chỉ là một nhân viên y tế bình thường.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai xoay quanh tình yêu “trái cấm” giữa Meggie Cleary và vị cha xứ cách cô 19 tuổi, Ralph de Bricassart. Mãnh liệt nhưng bi thương, đẹp nao lòng mà buồn da diết, ấn tượng và đầy ám ảnh là những gì ta có thể cảm nhận về chuyện tình này. Nhiều độc giả và nhà chuyên môn đồng tình rằng đây là một “nỗi đau tuyệt vời”.
Meggie và vị cha xứ đã chấp nhận trả giá cho “nỗi đau tuyệt vời” ấy bằng cách lao mình vào tình yêu, quấn quýt và dằn vặt, như con chim lao ngực vào chiếc gai nhọn nhất trong bụi mận kia. Nếu như lời đề tựa của tiểu thuyết nói rằng bài ca cuối cùng mà chú chim phải đánh đổi cả tính mạng để cất lên một cách hân hoan và đau đớn, thì hai nhân vật trong câu chuyện cũng đã có được một tình yêu để đời với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt tương tự.
Xuất thân nghèo khó và thiếu thốn tình thương, cuộc đời của Meggie như bước sang trang mới khi gặp gỡ cha Ralph. Tình cảm đặc biệt giữa họ cứ thế nảy nở một cách tự nhiên, cho dù trốn chạy bao nhiêu lần cũng không thể khiến tình cảm ấy hoàn toàn biến mất. Họ chỉ là hai số phận tha thiết được sống, được yêu theo những gì trái tim mách bảo.
Xen kẽ giữa muôn vàn trạng thái tình yêu là những xung đột tâm lý – đạo đức cần có trong một mối quan hệ “trái cấm”. Như vậy, tính lãng mạn và tính hiện thực luôn song hành, thậm chí hòa hợp vào nhau một cách nhuần nhị. Tất thảy những điều này vừa là hạnh phúc, vừa là khổ đau cho Meggie và cha Ralph. Nhưng dù sao đi nữa, đây là một mối tình lớn lao, vĩ đại và trong sáng bậc nhất văn học thế giới.
Scarlett O'Hara và Rhett Butler từ Cuốn theo chiều gió
Giữa bao cuộc bể dâu của lịch sử, tình yêu liệu có cơ hội nảy sinh và tồn tại? Trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió của nữ văn hào người Mỹ Margaret Mitchell, câu trả lời là có. Lấy bối cảnh tại Georgia và Atlanta (miền Nam Hoa Kỳ) suốt thời kỳ nội chiến loạn lạc và giai đoạn khủng hoảng sau tái thiết, tác phẩm kể về cuộc đời đầy biến cố của Scarlett O'Hara, một cô gái miền Nam cá tính, mạnh mẽ, khát khao sống sót và vượt lên khó khăn thời hậu chiến.
Trong những năm tháng “loay hoay” giữa bờ vực của sự sống và cái chết, tình yêu đã trở thành nguồn động lực to lớn, thúc đẩy Scarlett tiến về phía trước. Dẫu rằng, đó là một vòng tròn luẩn quẩn níu giữ trái tim của những kẻ ngông cuồng như Scarlett, Ashley, Rhett... Các nhân vật cứ thế cuốn vào nhau bằng thứ cảm xúc cháy bỏng và nhiệt thành, bởi ai cũng nghĩ người kia sinh ra là dành cho mình.
Sở hữu vẻ ngoài bất cần nhưng trái tim ấm nóng chân thành, Rhett Butler yêu say đắm Scarlett. Ngay từ giây đầu tiên nhìn thấy cô, anh đã biết người con gái ấy chính là tình yêu đích thực của đời mình. Xui rủi thay, Scarlett lúc này đang “mắc kẹt” trong tình yêu với Ashley, một người đàn ông đã có vợ tên là Melanie. Ở bên Rhett mà trái tim cô chỉ toàn là hình bóng của Ashley.
Đến khi Melanie qua đời và Ashley mất đi lẽ sống, Scarlett mới nhận ra cô đã mải chạy theo một người không-vì-mình mà bỏ quên Rhett – người đàn ông yêu cô chân thành và luôn bên cạnh mình trong mọi khoảnh khắc đau buồn của cuộc đời.
Cuốn tiểu thuyết khép lại bằng hình ảnh Scarlett đứng giữa thềm Tara ngập nắng và câu nói đầy sự tin tưởng: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”. Có lẽ, tác giả không muốn viết một cái kết viên mãn như trong trí tưởng tượng của người đọc, mà bỏ ngỏ tại đó để mở ra nhiều chiêm nghiệm hơn chăng? Rất có thể sau này, Scarlett và Rhett, hai con người cá tính được gắn kết bởi “sợi dây” của lịch sử, sẽ có cơ hội quay về bên nhau.
Sau cùng, điều đọng lại trong tâm trí độc giả là khoảnh khắc thăng hoa của tình yêu đôi lứa giữa muôn vàn khổ đau đời thường. Tình cảm chân thành là điều không dễ gặp, nhưng ảo tưởng mơ hồ về thứ gọi là tình yêu lại nhiều vô kể. Quan trọng là ta có đủ tỉnh táo nhận ra, để không bỏ lỡ những điều quý giá trong cuộc sống.
>> Xem thêm: Thông điệp sống qua những bộ phim “bất hủ” của Studio Ghibli