Reminiscence & Heritage Điện Kiến Trung: Hơi thở kiến trúc của thế kỷ
Tác giả Tường Lam từng bàn về kiến trúc cung đình Huế trong tiểu thuyết Giữa Gạo và Khoai Tây (NXB Cuvillier Verlag, 2008): “Có hai điểm chính yếu là thành quách và cung điện, đã kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và mỹ thuật Đông phương và Tây phương, giữa nghệ thuật ảnh hưởng ngoại lai và nghệ thuật mang địa phương tính, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, địa lý, tâm lý, tình cảm tiêu biểu con người miền núi Ngự sông Hương…”.
Điển hình, điện Kiến Trung thuộc quần thể Cố đô là công trình chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt và quan trọng như vậy. Một cung điện độc đáo vừa mang nét uy nghi, bề thế hoàng gia, vừa chấm phá phong cách Pháp, Ý đầy ấn tượng.
Từ “tư cung” nhà Nguyễn
Điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây vào năm 1921 cùng thời gian với việc dựng lăng tẩm để làm nơi sinh hoạt hằng ngày trong hoàng cung. Chữ “Kiến” trong tên gọi mang nghĩa là thành lập, chữ “Trung” có hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch. Sau đó, điện tiếp tục hoàn thiện dựa trên tham chước về kiến trúc và nghệ thuật trang trí châu Âu kết hợp châu Á cũng như thị hiếu thẩm mỹ lúc bấy giờ. Sang thời vua kế vị Bảo Đại, triều đình cho tu sửa lại toàn diện công trình và tân trang đầy đủ tiện nghi.
Theo dòng chảy của lịch sử Việt Nam, điện Kiến Trung gần như bị phá huỷ hoàn toàn, tương tự nhiều công trình kiến trúc khác trong Hoàng thành và chỉ còn tàn tích là phần nền móng phía dưới. Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hợp tác cùng nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa mỹ thuật và Phân viện khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung khởi động dự án phục hồi. Sau gần 5 năm tu bổ và tôn tạo với kinh phí lên đến hơn 120 tỷ đồng, điện Kiến Trung “sống lại”, hoàn thiện về cả nội thất lẫn ngoại thất.
… đến công trình nghệ thuật đặc sắc
Điện Kiến Trung với vẻ đẹp uy nghi, mang đậm hơi thở của kiến trúc Việt những năm thế kỷ XX cùng hợp thể phong cách kiến trúc Pháp, Ý và phong cách kiến trúc cổ của triều Nguyễn. Tòa điện bao gồm 3 khu vực chính là tiền điện, nội thất bên trong và không gian vườn cảnh.
Thu hút mọi ánh nhìn, mặt tiền kiến trúc có điểm nhấn là nghệ thuật khảm sành sứ độc đáo và cầu kỳ với các hoa văn, con giống - lối trang trí đậm nét cung đình. Trong văn hóa Việt, con giống là những sinh vật huyền thoại hoặc có thật nhưng siêu nhiên hóa như rồng, lân, hổ, phượng… biểu trưng cho một sức mạnh, niềm tin nào đó. Ấn tượng nhất là hình rồng năm móng đại diện cho quyền lực của triều Nguyễn. Các nghệ nhân đã khéo léo cắt gọt những mảnh sành sứ, thủy tinh và kết hợp chúng một cách uyển chuyển. Bên cạnh đó, tầng chính còn có 13 cửa hiên sơn đỏ rực rỡ, nổi bật trên nền tường vàng cùng phần mái lợp bằng ngói tráng men đặc trưng.
Mang tinh thần baroque - coi trọng hiệu quả thị giác, sự hòa hợp giữa bóng tối và ánh sáng cũng như tỉ lệ và nhịp điệu của vật liệu; khuôn viên điện với thảm cỏ xanh mướt, cây cảnh nhiều kiểu dáng cầu kỳ cùng hai đài nghỉ chân càng làm tổng thể trở nên hài hòa hơn. Cách tổ chức không gian vườn xuất hiện khá phổ biến dưới triều Nguyễn, đặc biệt coi trọng cảnh quan, phong thủy, đưa thiên nhiên trở thành một nhân tố không thể thiếu trong các công trình. Nói đến kiến trúc Huế, tức là nói đến kiến trúc phong cảnh vườn: Nhà vườn, chùa vườn, lăng vườn, thậm chí cung điện vườn.
Cuối cùng, không gian bên trong điện toát lên sự vương giả, quyền lực với tông vàng chủ đạo theo phong cách tân cổ điển với “thể cách phương Tây”. Tất cả thể hiện rõ qua sảnh đường rộng với hệ thống cột gỗ lim lớn, trần nhà được trang trí các bức tranh sơn mài, sàn nhà được lát bằng đá cẩm thạch… đồng thời là các họa tiết hình đắp nổi cùng một số thiết kế như kiểu khung vòm hay chùm đèn pha lê. Hơn cả, nơi đây trưng bày các cổ vật quý của hoàng gia như thường phục hằng ngày của vua Khải Định, chiếc giày thêu rồng vàng của hoàng thái tử Vĩnh Thụy, kiệu vua, bàn ghế, tủ khảm ốc xà cừ tinh xảo…
Sự trao truyền trong bảo tồn di sản
Điện Kiến Trung mang những giá trị to lớn về mặt mỹ thuật, kiến trúc và lịch sử. Cùng với các công trình phong cách Á - Âu như cửa Hiển Nhơn, lăng Khải Định hay cung An Định, điện Kiến Trung quy tụ đầy đủ thành tố quan trọng và chính là một điểm nhấn của kiến trúc Đông Dương lúc bấy giờ. Chưa kể trải qua nhiều giai đoạn, nơi đây có sự giao thoa đa dạng giữa văn hóa Phục Hưng Ý, Pháp và Việt Nam.
Là ngôi điện đầu tiên trong 30 năm, kể từ khi quần thể di tích Kinh thành Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, điện Kiến Trung được phục dựng nguyên vẹn từ một đống hoang tàn đổ nát đúng nghĩa, không còn cảnh “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” như những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Một ví dụ điển hình về sự trao truyền trong bảo tồn di sản. Không chỉ củng cố và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn góp phần làm phong phú thêm các điểm du lịch tại Huế, thu hút du khách đến tham quan từ muôn phương.
Điện Kiến Trung là nơi trưng bày cổ vật quý của triều đình, có giá trị to lớn về lịch sử.
>>Xem thêm: Những ngôi nhà cổ "vang bóng một thời" ở miền Tây