share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Đỉnh Bidoup và những con dốc đầy ma lực!


ADVERTISEMENT

Hoàn cảnh đẩy đưa

Chuyến đi đến hoàn toàn bất ngờ, đây là một hoạt động nằm trong chuỗi rèn luyện kỹ năng nâng cao sức khỏe của công ty. “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt” nên mặc dù không có sự chuẩn bị thể lực từ trước, tôi và các đồng nghiệp khác phải tạm gác công việc còn dang dở, vác ba lô lên đường tham gia cung trekking 27km đến đỉnh Bidoup, Núi Bà với những hứa hẹn rót mật vào tai: ngồi thuyền vượt sông Đa Nhim, đi trong rừng thông đầy nắng và gió, băng qua rừng thường xanh ẩm ướt, check-in cây Pơ mu hơn 1300 năm tuổi, lên đỉnh Bidoup 2287m – “Mái Nhà Tây Nguyên”, đu dây vượt dốc thả mình ở lưng chừng núi non, đi qua thung lũng K'long K'lanh và nghỉ ngơi tại một bãi cắm trại tuyệt đẹp ở độ cao 2000m.

Đội hình team tham gia cung trekking Bidoup 2 ngày 1 đêm

Lịch sử và truyền thuyết

“Bidoup” theo tiếng Cơ Ho có nghĩa là “Người đang nằm". Chuyện kể rằng, xưa kia Bidoup và Núi Bà là hai cô cháu. Bidoup là cháu còn Núi Bà là cô. Hai người sống bên nhau và người cô luôn lo lắng, chăm sóc cho cháu.

Càng ngày người cháu càng lớn, lớn mãi không ngừng, cao lớn hơn cả cô nên người cô bảo: "Thôi cháu hãy nằm xuống đi, chứ to cao thế này mà cứ đứng thì chạm vào ông trời mất". Thế là người cháu nằm xuống, và trở thành đỉnh Bidoup như ngày nay.

Độ cao và nhịp thở

Độ cao là thế lực vô hình bòn rút sức mạnh lẫn ý chí và làm tim phổi bạn đập nhanh như lần đầu say nắng ai đó.

Đoạn đường dốc trong rừng thông Bidoup

Đối với những ai lần đầu leo núi, sẽ khá bỡ ngỡ với những con dốc, sự thay đổi độ cao đột ngột đi kèm với không khí loãng. Thay vì chọn cách phản ứng lại một cách nông nổi, bạn nên dần thỏa hiệp với nó. Điều quan trọng là phải tập trung vào nhịp thở, nắm bắt được điểm dừng của tốc độ gắn liền với sự bão hòa của cơ thể thì lúc ấy bạn đã dần chinh phục được nó.

Mây mưa và nhiệt độ

Mặt trời vừa tắt sau những rặng núi là khi gió và khí lạnh chiếm lấy bầu trời. Nhiệt độ giảm nhanh chóng khi màn đêm buông xuống. Chúng tôi ai cũng chuẩn bị kỹ lưỡng đồ ấm, mũ, găng tay, tất (vớ), túi ngủ, tấm trải cách nhiệt nhưng vẫn không thấm vào đâu so với cái lạnh nơi núi đồi. Nằm trong lều, có thể cảm nhận được bên ngoài tiếng gió rít qua ngọn thông đi kèm với cái lạnh đến tê tái.

Địa điểm cắm trại ở độ cao 2000m, không khí loãng và thời tiết khá lạnh

Tầm xế chiều từ 15h00 đến 17h00 thường có mưa rừng đến một cách bất chợt khiến con đường đi vốn đã nhỏ hẹp lại bị nước mưa hóa bùn đất, bên bồi, bên lở gây vấp té, trượt chân.

Nước rừng

Nước làm chúng tôi xuýt xoa khi cởi giày lội suối. Nước mát lạnh tinh khiết táp lên da mặt giúp tôi thật sự thư giãn sảng khoái.

Nhưng càng lên cao, nước càng lạnh, nhất là khi mặt trời vừa xuống núi. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tắm dưới nguồn nước ấy. Ban đầu, vì chưa thích ứng kịp, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách run lên bần bật, nhưng khi đã làm quen thành công, chúng tôi có cảm giác rất thanh mát, như được gội rửa đi hết những mệt mỏi của hành trình.  

Quang cảnh đẹp tuyệt vời!

Điểm lời nhất của chuyến đi là tận mặt chiêm ngưỡng, sờ, nắm hệ động thực vật quý của khu rừng. Nơi đây hội tụ các kiểu rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu.

Hệ sinh thái Bidoup còn nguyên sơ và được bảo toàn cực kỳ tốt

Quanh năm mây mù bao phủ nên là nơi thích hợp cho những loài thực vật đặc hữu của Việt Nam phát triển, đặc biệt những loài lan quý hiếm mọc khắp trên những thân cây cổ thụ.

Điểm nhấn đặc biệt khi nhắc đến hệ sinh thái Bidoup có vẻ là cây Pơ mu 1300 năm tuổi sừng sững giữa rừng xanh lộng gió.

Cây Pơmu 1300 năm tuổi

Hệ sinh thái ở đây được bảo tồn trong tình trạng cực kỳ tốt và hầu như không hề có dấu tích của rác thải và việc khai thác trái phép.

Đoàn chúng tôi ngoài các bạn hướng dẫn viên, còn có một anh kiểm lâm bảo vệ rừng đi theo. Nếu có dịp tôi cũng muốn viết một bài về anh – con người thầm lặng gắn chặt cuộc sống mình với rừng già, ngày qua ngày không ngừng tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng.

Anh kiểm lâm bảo vệ rừng đi cùng đoàn chúng tôi

Khu vực rừng thường xanh của Bidoup nổi tiếng là thiên đường của vắt vì độ ẩm cao. Nên chúng tôi nghiên cứu kỹ các biện pháp phòng vệ, ai cũng thủ sẵn trong mình thuốc bôi chống vắt quanh cổ giày, một vớ dài bên trong và một vớ bên ngoài kéo cao hơn lai quần. Chúng tôi cũng được hướng dẫn không đứng ngồi lâu một chỗ, nhất là những chỗ rậm rạp.

Thời điểm chúng tôi trek trời trong, khá mát mẻ, không bị bao phủ nhiều bở mây mù nên tầm nhìn ở điểm nào cũng đẹp cả.

Lạc giữa rừng sâu - Nỗi ám ảnh lớn nhất

Đoàn chúng tôi đi chia làm hai nhóm riêng biệt, nhóm dẫn đầu thể lực tốt chuyên rèn luyện để thi Ironman, và nhóm còn lại không quan trọng lắm đến tốc độ mà chỉ tập trung nhiều đến thần thái. Hai nhóm này “chậm một giây thôi là lỡ nhau cả đời”. Vì thế, nhóm đi trước dùng những miếng vải có màu đỏ để buộc lên cành cây làm dấu hiệu cho đoàn đi sau. Và tất nhiên, tôi thuộc nhóm thứ hai.

Đoàn của tôi không giỏi lắm khi leo lên nhưng cực kỳ bản lĩnh khi tụt xuống. Còn nhóm thi Ironman, cực siêu trong lúc leo lên nhưng lại có vấn đề tâm lý khi tụt xuống nên để đánh giá thì cả 2 nhóm năng lực cũng không hề kém cạnh.

Đường đi

Đây ắt hẳn sẽ là phần được các trekker quan tâm nhất, có 2 chặng di chuyển trong 2 ngày:

Đoạn đi sẽ phải làm quen với những con dốc đầy ma lực khiến bạn phải tập trung cao độ vào nhịp thở. Đoạn về là đường đất bùn, lại gặp phải mưa nên thành ra khó đi và cực kỳ trơn trượt.

Sơ đồ toàn bộ cung trekking Bidoup

Ngày 1: Cung Trekking cho người mới bắt đầu

Hành trình: A – B - C - D rừng lá kim, dài khoảng 17 km, dốc thoải.

+ Đoạn A - B: Từ đầu đường vào trạm kiểm lâm Bidoup

Tại điểm tập kết, đoàn chúng tôi tiến hành chia đội, giao lưu với các bạn porter vui tính và làm vài shoot sống ảo trước khi xuất phát đi bộ 7km vào trạm Kiểm lâm Bidoup.

Đoạn đường đầu tiên này băng qua ruộng ngô nương rẫy của người dân, tầm nhìn khá đẹp và thoáng đãng.

Đường đi qua rẫy ngô

+ Đoạn B - C: Trước khi tới B (Trạm kiểm lâm Bidoup), bạn sẽ đi xuồng dây kéo qua sông Đa Nhim, chúng tôi dừng ăn trưa ở đây và nghỉ ngơi để đi thêm 3 km đến C.

Điều khá thú vị trong cung này là công nghệ đi phà qua sông thân thiện với môi trường với việc sử dụng hệ thống máy móc chạy bằng… sức người.

Đi xuồng dây kéo qua sông Đa Nhim

+ Đoạn C – D: tại C rẽ trái leo dốc thêm 4 km đến điểm D (điểm cắm trại), đoạn này khá dốc nên mặc dù khoảng cách tuy ngắn thôi nhưng lại tốn rất nhiều thời gian leo và nghỉ mệt.

Điểm bù lại là đoạn đường này khá đẹp, chúng tôi trekking dưới những tán thông xanh dịu mát, nắng mặt trời xuyên qua le lói tạo hiệu ứng ánh sáng đầy ảo diệu, ánh hoàng hôn dát vàng trên từng tán lá.

+ Cắm trại đỉnh D: Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến điểm dừng chân D ở độ cao 2000m, đây là điểm chuyển giao giữa rừng thông và rừng kín thường xanh.

Tại điểm cắm trại có nguồn nước suối sạch, nhà vệ sinh và tầm nhìn đẹp. Chúng tôi ngủ và cắm trại ở đây một đêm.

Toàn cảnh bãi cắm trại độ cao 2000m trong ánh ban mai sáng sớm, nơi giao nhau giữa 2 kiểu rừng thông và kín thường xanh.

Sát điểm cắm trại có cây cổ thụ rất to nhưng đã bị đốn ngã, là điểm check-in sống ảo khiến cả đoàn chúng tôi điên đảo. Khi đêm xuống, cả nhóm ùa ra nằm ngửa trên thân cây, ngắm trăng tròn giữa tháng và những-vì-sao-không-phải-nép-sau-góc-nhà to như cái đấu soi sáng màn đêm đặc quánh.

Để đẩy nhanh tiến độ cho bữa tối, chúng tôi phụ giúp các anh porter và những người bạn dân tộc vui tính của anh chuẩn bị, nào là thịt heo nướng, thịt vịt nướng, salad rau trộn với một loại gia vị bí mật khiến chúng cực kỳ thơm và bắt miệng, một nồi cháo gà to tổ chảng và mấy chai rượu nhà ủ.

Bữa tối ấm cúng trong lều cực kỳ ngon miệng và vui vẻ. Ai cũng ăn một cách ngon lành, miếng nào to nhiều thịt thì gắp, chả ngại ngùng như cảnh thường thấy ở canteen công ty mọi ngày. Có lẽ trong hoàn cảnh này, ăn mà ngại chỉ có hại bao tử mà thôi.

Thịt heo nướng và vịt nướng được chuẩn bị thơm lừng cho bữa tối

Ngày 2: Xuyên qua rừng thường xanh rậm rạp và bắt nhịp với những con dốc đầy ma lực

Hành trình: D - đỉnh 2.287m - E – F – G (trạm K’long K’lanh)

Tuyến đường này dài 7 km, bạn sẽ đi sâu vào trong rừng thường xanh rậm rạp, đến đỉnh và tuột dốc cực kỳ thú vị đoạn về.

+ Đoan D - đỉnh 2.287m: từ trạm dừng chân D, chúng tôi đi tiếp 3km trong rừng thường xanh siêu ẩm ướt để lên đỉnh Bidoup, và có những khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng khi cán mốc “Mái nhà Tây Nguyên”.

+ Đoạn đỉnh 2.287m – E: đu dây để tụt xuống cực phê đến cây Pơ Mu 1300 tuổi (điểm E), sau đó check-kin ngầu lòi một mình ta với ta giữa rừng xanh lộng gió. Ở phần này của đoạn trek, chúng tôi cũng được trải nghiệm đi chun qua rễ cây như trong truyện cổ tích.

Chun qua rễ cây trong rừng rậm Bidoup

+ Đoạn E – F: tiếp tục tụt dốc đến F để nghỉ ngơi và ăn trưa. Sau một hồi tán dóc, chúng tôi nhổ neo và leo dốc liên tục đến tảng đá nghỉ chân. Đây là điểm có tầm nhìn thoáng duy nhất trong hành trình và là cũng là nơi tôi thích nhất.

View nhìn tuyệt đẹp tại tảng đá nghỉ chân

+ Đoạn F - G: đi xuống dốc đến khi nhìn thấy đường bằng là bạn đã được về với buôn làng, di chuyển qua cầu treo, về điểm G trạm K’long K’lanh, kết thúc hành trình.

Do là ngày thứ 2 nên chúng tôi ai cũng có cảm giác thấm mệt cộng thêm sự nhức mỏi của cơ thể bắt đầu lan tỏa sau ngày đầu tiên “hardcore trekking”.

Tinh thần đoàn kết thanh niên - Lần đầu của những lấn đầu

Chuyến đi Bidoup lần này là lần đầu của những trải nghiệm tưởng chừng không thể vượt qua, là phá bỏ giới hạn bản thân, để lên đỉnh (Bidoup) trong sung sướng tột độ rồi người mệt lả đi, chân rệu rạo từng bước khi kết thúc cuộc vui.

Đợt này đi thấy các anh chị em trong đoàn xuống đến chân núi là sức tàn lực kiệt, ngồi bệt xuống đất. Có anh, leo đến đỉnh xong thở hổn hển như mới đi tập "gym" về. Thế mới biết chuyến đi này rèn luyện thể lực và ý chí đến cỡ nào.

Đoạn kết của chuyến đi thêm phần kịch tính khi có cơn mưa ngang qua, bao lần vấp té, bao lần trượt chân, nhưng mưa rơi ướt áo ướt quần, làm sao ướt được tinh thần anh em.
Dù cho MƯA tôi xin đi lên đến cuối chặng đường
Dù cho MÂY hay cho bão tố có kéo qua đây.

MÂY MƯA ướt đôi bờ vai nhưng không làm tinh thần thanh niên nao núng.
Tinh thần thanh niên chúng tôi như vậy đó, vẫn như những đóa quỳnh hương tỏa thơm ngát và toét loét không lẫn vào đâu được.

Nói sao cho ngầu đây, cuối cùng thì chúng tôi đã cán đích mái nhà Tây Nguyên, hoàn thành chặng đường là Bidoup (2.287 mét, đỉnh cao nhất Lâm Đồng) trong vòng 2 ngày 1 đêm.


ADVERTISEMENT