share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Giám đốc Bát Tràng Museum - Vũ Khánh Tùng: Bảo tàng là cầu nối cho những "cuộc đối thoại" nghệ thuật


ADVERTISEMENT

Tọa lạc tại Thôn 2 Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum) được sáng lập bởi Cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng – người “thổi hồn” vào gốm sứ bằng tài năng chuyên sâu về kỹ thuật chồng màu men trên họa tiết và hoa văn đắp nổi, khắc chìm. Nơi đây lưu giữ các tác phẩm gốm truyền thống và đương đại, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cùng câu chuyện điển hình về gốm Bát Tràng nói riêng và gốm Việt Nam nói chung.


Cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng

Thừa kế vai trò điều hành bảo tàng từ người bố cùng thâm niên lâu năm trong lĩnh vực sáng tạo hình ảnh và truyền thông, Vũ Khánh Tùng mong muốn biến Bát Tràng Museum thành một không gian văn hóa sáng tạo đa dạng.

Khánh Tùng định nghĩa như thế nào là “bảo tàng”?

Tôi đã đi rất nhiều bảo tàng trên thế giới, những câu chuyện của bảo tàng luôn được kể một cách rõ ràng, chỉn chu và mạch lạc; từng không gian trưng bày, từng hiện vật được đặt trong sự thống nhất nhằm tôn vinh câu chuyện đó.

Ngoài linh hồn của bảo tàng là hiện vật, những yếu tố khác như kiến trúc, không gian trưng bày, không gian sân vườn, tuyến tham quan, quầy lưu niệm, website, thông tin, các dịch vụ đi kèm... phải đạt đến sự nhất quán. Điều này sẽ làm cho mọi người ghi nhớ trải nghiệm, khám phá và cả những nghiên cứu, học tập, v.v. sau khi đến với bảo tàng.


Vũ Khánh Tùng mong muốn biến Bát Tràng Museum thành một không gian văn hóa sáng tạo đa dạng

Lý tưởng và mong muốn của anh khi giữ vai trò quan trọng tại Bát Tràng Museum?

Mong muốn lớn nhất vẫn là xây dựng được một bảo tàng vật lý thật chỉn chu, để những di sản được đặt trong một không gian tương xứng với giá trị. Trong bảo tàng vật lý tương lai, Bát Tràng Museum sẽ có một không gian dành cho các triển lãm chuyên đề, nơi những nghệ sĩ đương đại “đối thoại” cùng với di sản của cố nghệ nhân. Đây là một quá trình vô cùng dài hơi và khó khăn, bởi việc xây dựng bảo tàng cần rất nhiều nguồn lực. Nhưng tôi không vội. Tôi sẽ kiên định trên con đường của mình.


Các con dấu của bộ font thiết kế riêng “MN Vũ Thắng” mô phỏng những công cụ làm gốm

Ra mắt nền tảng số cùng bộ nhận diện thương hiệu Bát Tràng Museum, anh gửi gắm điều gì trong bước đi này?

Bộ nhận diện thương hiệu mới của Bát Tràng Museum thể hiện tính mới mẻ, đương đại, phù hợp với xu thế của các bảo tàng trên thế giới, đồng thời tự hào về câu chuyện, những di sản mà nghệ nhân Vũ Thắng để lại. Bộ nhận diện bao gồm bộ font được thiết kế riêng có tên gọi “MN Vũ Thắng”.

Nhìn vào bộ nhận diện này có thể thấy được trong từng con chữ đều có những dấu ấn hình dáng của những chiếc bình, chiếc lọ, lư hương cũng như tri ân logo ngày xưa của bố tôi tạo nên. Các con dấu của bộ font mô phỏng những công cụ làm gốm. Trẻ trung, tinh tế, tối giản, chỉn chu và nhất quán là tinh thần Bát Tràng Museum theo đuổi trong hành trình kế thừa và tiếp nối di sản.


"Chúng tôi rất vinh dự khi bộ nhận diện thương hiệu mới của bảo tàng vừa qua đã lọt vào vòng chung kết và giành chiến thắng hạng mục 'Font chữ thiết kế đặc biệt' tại Art Directors Club lần thứ 103 - cuộc thi thiết kế và sáng tạo lâu đời tại Mỹ."


Nhớ lại dấu ấn đầu tiên “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý”, điều gì đã kết nối Khánh Tùng với dự án? Đề bài đặt ra cho Bát Tràng Museum khi ấy là?

Khi giữ vai trò điều hành, thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu và ra mắt website là việc đầu tiên tôi bắt tay thực hiện, với mong muốn đưa sứ mệnh của Bát Tràng Museum đến gần hơn với công chúng. Sau gần 3 năm khi tất cả đã “thành hình”, Bát Tràng Museum cần có một sự kiện triển lãm để đánh dấu sự ra đời.


Chiếc giày gốm như sợi dây kết nối về nghề giữa Cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng và Vũ Khánh Tùng

Giữa hàng trăm ý tưởng mà đội ngũ thực hiện đưa ra bàn luận, BST 12 chiếc giày gốm được lựa chọn. Nói thêm là những chiếc giày gốm này vốn là đơn đặt hàng bâng quơ của tôi nói với bố khi muốn đặt bố làm một tác phẩm gốm liên quan đến thời trang. Bố đã lặng lẽ tạo hình chiếc bốt này (như một món quà cho con trai) và có lẽ những chiếc giày này cũng là sợi dây kết nối duy nhất về nghề giữa bố và tôi.

Sự liên tưởng về nước Ý, đất nước hình chiếc ủng, cùng với sự tương đồng về kỹ thuật tinh xảo của mỹ thuật hiện đại và tay nghề thủ công truyền thống đã thuyết phục được Đại sứ quán Ý tại Hà Nội hỗ trợ chúng tôi thực hiện triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” thành công ngoài mong đợi.

Không chỉ thể hiện giá trị của hiện vật mà còn mang tới một định nghĩa mới về không gian trưng bày, anh và những người đồng hành đã thực hiện triển lãm như thế nào?

Về dấu ấn đầu tiên “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý”, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi số hiện vật được trưng bày tại triển lãm rất nhỏ (chỉ 12 chiếc giày) nhưng mang lại hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Có lẽ thành công đến từ sự tương tác đa giác quan giữa hiện vật, kiến trúc, chất liệu, không gian trưng bày cũng như câu chuyện của bảo tàng.

Kể từ khi nhận được cái gật đầu của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, chúng tôi chỉ có 3 tháng để chuẩn bị, từ lên ý tưởng, thiết kế không gian và visual. Bát Tràng Museum may mắn có được những người cộng sự ăn ý như văn phòng kiến trúc sgnhA và M-N Associates. Đây là lần đầu chúng tôi làm triển lãm và không có kinh nghiệm. Cả đội vừa làm vừa nảy ý tưởng và chạy theo. Đây có lẽ là kết quả được tích lũy qua rất nhiều lần tham dự các triển lãm lớn nhỏ.


Không gian triển lãm là ý tưởng được sgnhA lấy cảm hứng từ tháp nghiêng Pisa – một biểu tượng của nước Ý. 12 chiếc bốt đặt trong 12 cột bao nung gốm được dựng bằng vữa sa-mốt – vật liệu dùng trong lò nung gốm xưa, được xếp vòng tròn theo hình tháp nghiêng Pisa. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, nêu bật được tinh thần mà triển lãm muốn truyền tải.


Khi sáng tác sản phẩm mới, làm sao để giữ được tinh thần của nghệ nhân Vũ Thắng cũng như yếu tố truyền thống?

Bát Tràng Museum Atelier, xưởng gốm của Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng, là nỗ lực tiếp nối phong cách làm gốm độc đáo của nghệ nhân Vũ Thắng. Các thành viên trong gia đình tôi trực tiếp điều hành việc sáng tạo mẫu và sản xuất cùng những người thợ lâu năm, gắn bó với xưởng, duy trì những sản phẩm mang phong cách riêng của cố nghệ nhân.


BST “Rồng Phố” ra mắt đầu năm 2024, đánh dấu màn hợp tác giữa Bát Tràng Museum và NTK Diệu Anh

Song song đó là việc phát triển những sản phẩm mới, chúng tôi cũng đi theo tinh thần sáng tạo không ngừng, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, như việc hợp tác với các nghệ sĩ đương đại tạo nên những BST mới mang dấu ấn của Bát Tràng Museum.

BST “Rồng Phố” kết hợp cùng Nhà thiết kế Diệu Anh vừa ra mắt đầu năm 2024 là một ví dụ. “Rồng Phố” gồm 5 thiết kế bằng gốm, lồng ghép những chi tiết tượng hình của rồng vào những đồ vật rất đỗi bình dị như ghế nhựa bia hơi, ghế nhựa trà đá, gạch ống, ống nước, lốp xe. BST mang hình dáng độc đáo, chứa đựng nét đẹp của văn hoá truyền thống lẫn đương đại của Việt Nam.

Cuối cùng, sau nhiều dự án, Khánh Tùng hãy chia sẻ với bạn đọc kế hoạch của Bát Tràng Museum trong thời gian tới?

Bát Tràng Museum sẽ tiếp tục hành trình kế thừa và tiếp nối những di sản cũng như kể câu chuyện của gốm Bát Tràng xưa và nay. Trước mắt, không gian triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” sẽ được phục dựng lại tại bảo tàng ở Bát Tràng như một không gian trưng bày chuyên đề.

Ngoài ra, những sự kết hợp của Bát Tràng Museum với các nghệ sĩ đương đại sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Và chúng tôi vẫn luôn đau đáu việc xây dựng một nơi lưu trú cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước đến Bát Tràng để nghiên cứu, sáng tác và thực hiện các hoạt động triển lãm. Chúng tôi cũng mong muốn được giao lưu triển lãm các hiện vật của Bát Tràng Museum với các bảo tàng trong và ngoài nước.

Cảm ơn Khánh Tùng vì những chia sẻ rất thú vị!

>>Xem thêm: BST Rồng Phố - di sản gốm Bát Tràng thăng hoa với hình ảnh rồng thiêng


ADVERTISEMENT