W Coffee Talk Hà Trang, Cluster Director of Marketing: “Chúng tôi đặt dấu ấn Việt vào từng trải nghiệm tại Emeralda”
Trong bối cảnh du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam ngày càng phát triển, khái niệm “sang trọng” không chỉ dừng lại ở những hào nhoáng bề ngoài, thay vào đó, yếu tố bền vững và trải nghiệm độc đáo mang tính địa phương đã trở thành chuẩn mực mới để giữ chân du khách.
Tại buổi W Coffee Talk lần này, chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Hà Trang, Cluster Director of Marketing của Emeralda Resort Ninh Bình và Emeralda Resort Tam Cốc, một trong những nhân sự đã đồng hành cùng hai khu nghỉ dưỡng ngay từ những ngày đầu tiên. Qua cuộc trò chuyện dưới đây, chị Trang cho thấy những góc nhìn sâu sắc hơn về thị trường nghỉ dưỡng cao cấp, về xu hướng du lịch hạng sang và cách Emeralda Resorts tiếp tục khẳng định dấu ấn của mình trên bản đồ nghỉ dưỡng bền vững.
Chị Nguyễn Hà Trang, Cluster Director of Marketing của Emeralda Resort Ninh Bình và Emeralda Resort Tam Cốc
Chào chị Hà Trang! Cảm ơn chị vì đã dành thời gian tham gia buổi W Coffee Talk của WOWWEEKEND!
Theo chị, đâu là những yếu tố quan trọng giúp một khu nghỉ dưỡng hạng sang thu hút và giữ chân khách hàng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt?
Tôi tin rằng, sự khác biệt cùng cá nhân hóa trải nghiệm chính là chìa khóa của xu thế hiện tại và tương lai, không chỉ riêng đối với ngành nghỉ dưỡng cao cấp, mà là chìa khóa chung của ngành dịch vụ. Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, khách hàng không chỉ tìm kiếm một nơi lưu trú đẹp mà còn đòi hỏi những giá trị về văn hóa, thiên nhiên và dịch vụ tinh tế. Chìa khóa này cũng giúp Emeralda – thương hiệu nhỏ, thương hiệu của người Việt Nam – có thể cạnh tranh và phát triển tốt để trở thành lựa chọn của khách hàng.
Emeralda đã làm thế nào để nổi bật trong phân khúc và thu hút tệp khách đang ngày càng trở nên khó tính hơn này?
Emeralda Resorts tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm nghỉ dưỡng mang đậm dấu ấn Việt Nam – từ kiến trúc làng quê Bắc Bộ đặc trưng tại Emeralda Resort Ninh Bình đến phong cách biệt phủ sang trọng tại Emeralda Resort Tam Cốc.
Không chỉ kiến trúc, chúng tôi cũng chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng món ăn với đặc trưng vùng miền, đồng thời khai thác các trải nghiệm văn hóa như triển lãm đèn lồng, triển lãm Việt phục, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống: Làm giấy dzó, nhuộm vải, làm nón… Các dịch vụ như vậy đảm bảo mỗi du khách khi đến đây đều cảm nhận được sự chào đón chân thành và tinh thần hiếu khách đậm chất Việt.
Triển lãm về làng nghề làm lồng đèn truyền thống “Cá Chép Hóa Rồng” tại Emeralda Resort Ninh Bình
Có sự thay đổi nào rõ rệt và đáng chú ý trong nhu cầu cũng như hành vi của khách hàng hạng sang thời gian gần đây không?
Sau đại dịch, có một sự dịch chuyển lớn trong hành vi khách hàng hạng sang. Họ không chỉ quan tâm đến kỳ nghỉ xa hoa, mà đặc biệt chú trọng đến tính riêng tư, bền vững và trải nghiệm chân thật. Họ tìm kiếm những khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên, có không gian yên bình để tái tạo năng lượng, và đặc biệt quan tâm đến các yếu tố văn hóa, bản sắc địa phương.
Bên cạnh đó, khách hàng ngày nay cũng rất nhạy cảm với dịch vụ. Họ kỳ vọng vào trải nghiệm cá nhân hóa cao hơn, từ thực đơn ăn uống, dịch vụ spa, cho đến các hoạt động giải trí. Xu hướng “tìm lại bình yên trong tâm hồn” hay “cốt lõi của cuộc sống” được ưu tiên thay thế các trải nghiệm xa hoa trước đây.
Việt Nam đang dần trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp nổi bật tại châu Á. Theo chị, ngành du lịch nghỉ dưỡng sang trọng tại Việt Nam có những lợi thế và thách thức gì so với các quốc gia khác trong khu vực?
Lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là cảnh quan thiên nhiên đa dạng, nền văn hóa phong phú và lòng hiếu khách đặc trưng, đồng thời tình hình chính trị ổn định tại Việt Nam cũng là một lợi thế lớn.
Chúng ta có rất nhiều điểm đến độc đáo chưa khai thác hết tiềm năng. So với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Bali, Hàn Quốc hay Singapore… ngành du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều về hạ tầng, đào tạo nhân sự chất lượng cao và phát triển chiến lược tiếp thị quốc tế. Để cạnh tranh, chúng ta cần tập trung vào sự khác biệt hóa thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, con người và đẩy mạnh các mô hình du lịch bền vững.
Chị đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam trong những năm gần đây?
Với hệ thống hạ tầng ngày càng phát triển, các chính sách mở rộng thị thực, khuyến khích đầu tư cũng như sự ổn định về chính trị, đặc biệt là nền văn hóa lịch sử cùng cảnh quan đẹp khác biệt… các yếu tố này đều khiến Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng đối với thị trường du lịch thế giới. Đặc biệt, du lịch không còn chỉ xoay quanh các điểm đến truyền thống như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM mà đang mở rộng sang các khu vực giàu bản sắc như Ninh Bình, Phú Quốc, Mũi Né…
Việt Nam được dự đoán sẽ là đối thủ cạnh tranh về thị trường nghỉ dưỡng cao cấp với Thái Lan và sẽ vươn lên trở thành một trong những điểm đến hàng đầu châu Á trong 5-10 năm tới.
Du lịch và lữ hành Việt Nam nói chung phát triển, dẫn đến cú chuyển mình mạnh mẽ trong phân khúc du lịch nghỉ dưỡng sang trọng. Dễ thấy nhất là việc các thương hiệu lớn quốc tế xuất hiện nhiều hơn, nhu cầu của du khách cũng ngày càng tinh tế hơn. Theo thống kê đến năm 2024, đã có hơn 200 khách sạn/resort phát triển mạnh mẽ, xu hướng này còn tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế trong năm 2025 như Four Seasons, JW Marriott, Fairmont, Six Senses…
Cùng với xu thế franchise thương hiệu quốc tế, các chủ đầu tư Việt Nam sau thời gian trải nghiệm, nghiên cứu cũng đã xây dựng được một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng vận hành bởi người Việt và hoàn toàn đủ năng lực phục vụ khách sang trọng trong và ngoài nước.
Chị có thể chia sẻ về những dự định và mục tiêu sắp tới của Emeralda để tiếp tục nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng thương hiệu?
Về chiến lược tổng thể Emeralda mong muốn trở thành một trong những “điểm đến mang trải nghiệm văn hóa Việt Nam” trong lòng du khách với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng.
Đồng thời, Emeralda Resorts có kế hoạch nâng tầm trải nghiệm với các dịch vụ wellness và retreat cao cấp hơn, tập trung vào du lịch xanh và trải nghiệm văn hóa bản địa. Đặc biệt, chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương để phục vụ ngành du lịch nghỉ dưỡng cao cấp được chú trọng hơn.
Với chúng tôi, chính người dân địa phương mới làm nên văn hóa và truyền tải văn hóa một cách sống động, chân thực nhất!
Về mặt mở rộng thương hiệu, hiện tại Emeralda Resort Tam Cốc đang bước vào năm thứ hai vận hành, đã và đang thu được kết quả khả quan cùng Emeralda Resort Ninh Bình. Tương lai khoảng ba năm tới sẽ tiếp tục ra mắt một khu nghỉ mới, vẫn đi theo đúng tiêu chí ban đầu của thương hiệu Emeralda – góp một phần nhỏ vào sứ mệnh giữ gìn văn hóa Việt.
Nhu cầu về nghỉ dưỡng bền vững đang ngày càng phổ biến, Emeralda đang áp dụng những mô hình nào để hướng đến du lịch xanh?
Emeralda Resorts từ lâu đã định hướng phát triển bền vững và gần gũi thiên nhiên. Ngay từ thời điểm xây dựng, chúng tôi ưu tiên sử dụng vật liệu từ địa phương, vật liệu thân thiện với môi trường.
Nổi bật nhất là việc Emeralda kết hợp với cộng đồng địa phương để phát triển du lịch bền vững, từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa đến đào tạo nhân sự địa phương. Đặc biệt, tỉ lệ nhân sự bản địa được đào tạo và làm việc lên đến hơn 95%, bao gồm cả các cấp quản lý, nhằm lan tỏa giá trị xanh bền vững.
Trong quá trình vận hành, các quy tắc về tiết kiệm năng lượng, phân loại rác thải, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời được đưa vào hoạt động và kiểm soát nghiêm ngặt. Các vật dụng trong phòng khách/khu nghỉ ưu tiên lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường và thay đổi theo từng thời kỳ phù hợp.
Vì cả hai khu nghỉ của Emeralda đều nằm ở vùng lõi di sản và khu bảo tồn của Ninh Bình, chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt các cam kết về xử lý nước thải, xử lý rác thải để bảo vệ vùng bảo tồn và di sản quốc gia. Ngoài ra, Emeralda Resorts khuyến khích các hoạt động du lịch xanh như đi xe đạp, tham gia các chương trình bảo tồn sinh thái, trải nghiệm hoạt động địa phương.
Ghi chú: Bài viết này đã được biên tập để mang đến trải nghiệm đọc tinh gọn và rõ ý.
Xem thêm: >> NTK KILOMET109 Vũ Thảo: “Bảo tồn và đổi mới không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau” >> Tổng Quản lý Hildegard Anzenberger: “Tôi muốn trở thành một phần trong quá trình phát triển hấp dẫn ở Việt Nam!”