Explore Hành trình 3 ngày 2 đêm về với đại ngàn Yên Bái
Người ta thường nói, muốn ngắm ruộng bậc thang thì phải đến Yên Bái. Nhưng nơi đây đâu chỉ có mùa vàng trải dọc sườn núi. Vùng đất Tây Bắc này còn ẩn chứa biết bao điều bất ngờ: một hồ Thác Bà mênh mang, một đèo Khau Phạ chìm trong biển mây, một bản Cu Vai nép mình giữa lưng trời, hay những khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ vẻ hoang sơ.
Nếu chỉ có 3 ngày 2 đêm, bạn vẫn có thể chạm đến nhịp sống thật chậm của núi rừng, ngủ giữa bản làng không tiếng ồn xe máy và để tâm trí được gột rửa trong màu xanh của đại ngàn Tây Bắc.
Mù Cang Chải – Thiên đường ruộng bậc thang
Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành điểm đến mơ ước của những người yêu thiên nhiên. Vào mùa lúa chín, nơi đây rực rỡ trong sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang trải dài trên sườn núi. Điều làm nên nét đặc sắc của Mù Cang Chải không chỉ nằm ở vẻ đẹp tự nhiên, mà còn là sự gắn bó của người Mông với đất đai qua từng nấc ruộng được canh tác hoàn toàn thủ công.
Đến Mù Cang Chải, du khách có thể trải nghiệm trekking qua những cung đường quanh co, bay dù lượn ngắm toàn cảnh thung lũng, thưởng thức xôi nếp Tú Lệ và rượu ngô men lá nổi tiếng.
Ảnh: Huy Nguyen
Ảnh: Huy Nguyen
Hồ Thác Bà – Vịnh Hạ Long trên núi
Hồ Thác Bà là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm cách thành phố Yên Bái khoảng 10km. Được hình thành từ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà vào những năm 1970, hồ có diện tích mặt nước hơn 23.000 ha với hàng nghìn đảo lớn nhỏ nhấp nhô giữa làn nước xanh thẳm, tạo nên một cảnh quan thơ mộng và hùng vĩ không khác gì “vịnh Hạ Long trên núi”.
Không gian nơi đây, rất thích hợp cho các hoạt động như đi thuyền khám phá đảo, thăm hang động (hang Thác Bà, hang Hùm, động Thủy Tiên) hoặc cắm trại tại các làng ven hồ như Hán Đà, Vũ Linh. Khác với vẻ hùng tráng của Mù Cang Chải hay Khau Phạ, Hồ Thác Bà mang trong mình vẻ đẹp tĩnh lặng, dành cho những ai muốn tìm nơi nghỉ dưỡng tránh xa phố thị ồn ào.
Ảnh: Viethavvh
Đèo Khau Phạ – Cung đường săn mây giữa đại ngàn
Là một trong “tứ đại đỉnh đèo” nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam, đèo Khau Phạ nằm trên quốc lộ 32, nối liền Văn Chấn và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Với độ cao gần 1.200m so với mực nước biển và chiều dài khoảng 30km, đèo uốn lượn quanh những sườn núi cao đẹp như tranh vẽ.
Tên gọi “Khau Phạ” theo tiếng Thái nghĩa là “sừng trời” – ngụ ý chỉ nơi đỉnh núi cao vút ẩn hiện trong mây. Đúng như tên gọi, Khau Phạ quanh năm mây phủ, đặc biệt vào sáng sớm hay cuối thu. Khi ấy sương giăng kín lối, tạo nên khung cảnh huyền ảo và đầy thách thức với những tay lái đam mê khám phá. Đèo Khau Phạ còn là nơi tổ chức lễ hội dù lượn bay trên mùa vàng, thu hút hàng trăm phi công và du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Tú Lệ từ trên cao.
Ảnh: Trung tâm Thông tin du lịch
Thác Háng Tề Chơ – Dải lụa trắng giữa rừng sâu Trạm Tấu
Thác Háng Tề Chơ nằm sâu trong xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một trong những ngọn thác hoang sơ và hùng vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc. Với độ cao khoảng 100m, thác đổ từ vách núi dựng đứng xuống thung lũng xanh rậm rạp. Đường đến thác rất gian nan, phải băng qua nhiều dốc núi, suối đá và bản làng hẻo lánh – chỉ những ai thực sự đam mê trekking và có thể lực tốt mới có thể chinh phục.
Chính vì khó tiếp cận nên Háng Tề Chơ vẫn giữ được vẻ nguyên sơ tuyệt đối, gần như chưa bị tác động bởi du lịch đại trà. Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp những ruộng lúa bậc thang nằm chênh vênh trên sườn núi, những căn nhà gỗ đơn sơ của người Mông và khung cảnh núi rừng hùng vĩ trải dài bất tận.
Ảnh: Yên Bái Văn Hoá Ẩm Thực Du Lịch
Bản Cu Vai – Ngôi làng trên mây giữa lưng chừng trời
Bản Cu Vai thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), là một bản nhỏ nằm biệt lập trên đỉnh núi cao gần 1.000m so với mực nước biển. Ít người biết đến Cu Vai, không chỉ vì đường lên bản quanh co, gập ghềnh, mà còn bởi nơi đây hoàn toàn tách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài. Chính sự biệt lập ấy lại tạo nên một Cu Vai độc đáo – nguyên sơ, yên tĩnh và đậm đà bản sắc người Mông.
Cả bản chỉ có vài chục nóc nhà gỗ lợp mái pơ mu nằm rải rác giữa núi rừng. Đứng từ bản nhìn ra, mây bay là là dưới tầm mắt, ruộng bậc thang uốn lượn như dải lụa, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Cu Vai đặc biệt thích hợp cho những ai yêu thích trải nghiệm du lịch chậm, muốn lắng nghe tiếng gió và tìm hiểu cuộc sống bình dị của người dân vùng cao.
Ảnh: Tuấn Vũ
Khu bảo tồn Nà Hẩu – Lá phổi xanh của vùng đất Văn Yên
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nằm ở phía đông nam huyện Văn Yên,là một trong những vùng rừng nguyên sinh quý hiếm còn sót lại của vùng núi Tây Bắc. Với diện tích hơn 16.000 ha, Nà Hẩu vừa sở hữu hệ sinh thái rừng phong phú với nhiều loài động thực vật quý hiếm, vừa là nơi sinh sống của đồng bào Mông, Dao và Tày
Địa hình Nà Hẩu chủ yếu là rừng núi xen kẽ thác ghềnh và những con suối nguồn. Nơi đây có các loại cây như sa mu, pơ mu cổ thụ, cùng hàng trăm loài lan rừng và thảo dược quý. Đặc biệt, khu bảo tồn này còn ghi nhận sự hiện diện của các loài động vật nguy cấp như voọc, gấu ngựa, cu li nhỏ, tê tê, cùng nhiều loài chim lạ.
Ảnh: Thanh Miền
Ảnh: Thanh Miền
Bình nguyên xanh Khai Trung – Đà Lạt thu nhỏ của Yên Bái
Bình nguyên xanh Khai Trung thuộc huyện Lục Yên, là một cao nguyên nhỏ ẩn mình giữa núi rừng, mang đến không gian khoáng đạt hiếm có ở vùng Tây Bắc. Nơi đây được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” với khí hậu mát mẻ quanh năm, những đồi cỏ trải dài và thung lũng hoa rực rỡ sắc màu – từ hướng dương, cỏ lạc đến tường vi theo mùa.
Không ồn ào hay thương mại hóa, Khai Trung phù hợp cho những ai tìm kiếm một chốn nghỉ chân nhẹ nhàng giữa thiên nhiên. Du khách có thể cắm trại, dạo bộ trong rừng thông,...nếu may mắn ghé vào dịp lễ hội, bạn còn có cơ hội thưởng thức các điệu hát then, múa sạp truyền thống của người Tày bản địa, cùng thưởng thức cơm lam nướng ống thơm lừng bên bếp củi.
Ảnh: Bình nguyên xanh Khai Trung
Ảnh: Bình nguyên xanh Khai Trung
>>Xem thêm: 3 ngày 2 đêm rong ruổi Nam Định – Từ biển cả đến làng nghề trăm năm