share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Discover Kẻ lữ hành đi chậm kỳ cuối: Dia beacon - nơi nghệ thuật, tầm cỡ và sự kiên định gặp nhau


ADVERTISEMENT

Từ sáng, tôi ghé tiệm Pick a bagel gần nhà để mua đồ ăn mang theo và cà phê. Chiếc bánh mì vòng được cắt đôi, mỗi nửa to bằng bàn tay của tôi, nhân phô mai (cream cheese) và cá hồi đầy tràn, đó sẽ là bữa sáng và bữa trưa cho chuyến hành trình ngày hôm nay.

Bảo tàng cách Manhattan hơn 100 cây số. Tôi đi hai chuyến tàu điện đến khu Harlem để đón tàu đi Beacon. Một vị hành khách dễ mến khi thấy tôi ngáo ngơ nhìn dáo dác đã hướng dẫn tôi cài đặt ứng dụng để mua vé tàu. Khi tôi hí hoáy trên điện thoại để mua vé, chuyến tàu gần nhất đã đi mất, tôi đành chờ thêm 1 tiếng để đón chuyến khác.

Bao-tang-bia-deacon

Chặng đường sắp tới khá dài và khởi đầu hơi trục trặc làm tôi có chút nản lòng. Cũng là những ngày cuối của chuyến hành trình, tôi cảm thấy muốn một điều gì đấy dễ dàng cho bản thân sau những ngày rong ruổi. Tôi tranh thủ trong 1 tiếng chờ đợi đi tham quan khu dân cư gần trạm tàu và công viên gần đó. Cũng là một điều tốt vì khu Harlem khá phức tạp và bạn tôi khuyên không nên tham quan hay đi lại khu này vào buổi tối.

Bao-tang-bia-deaconBao-tang-bia-deacon

Sau khi chụp choẹt những bức graffiti đầy màu sắc, những ngôi nhà cũ kĩ dây thường xuân leo xanh rì và những cây anh đào chi chít hoa là hoa ở công viên Marcus Garvey, tôi cũng lên được chuyến tàu chạy đến Beacon. Tàu chạy dọc sông Hudson và những khu bảo tồn. Vẻ đẹp thiên nhiên làm tôi bất ngờ. Trước đó tôi chỉ nghĩ về New York như một thành phố hiện đại bậc nhất thế giới, nhà cao tầng, các tiện nghi nhân tạo,v.v... Tôi không biết rằng New York còn là một bang to lớn, rộng hơn 141 ngàn ki lô mét vuông, gần bằng nửa diện tích nước Việt Nam. 

Bao-tang-bia-deaconQuang cảnh trên đường từ thành phố New York đến thành phố Beacon, bang New York

Bảo tàng từ nhà máy in hộp

Trước đây, bảo tàng là nhà máy in hộp được xây vào năm 1929 bởi Nabisco. Nằm bên bờ sông Hudson, tòa nhà rộng tới hơn 27 ngàn mét vuông này từng là biểu tượng về công nghiệp và sản xuất của thành phố Beacon. Nó được coi là một biểu tượng của kiến ​​trúc công nghiệp đầu thế kỷ XX. Những nhịp rộng giữa các cột chống đỡ và cửa sổ trần với tổng diện tích hơn 3 ngàn mét vuông tạo ra một không gian khoáng đạt và tràn ngập ánh sáng tự nhiên.

Bao-tang-bia-deaconMột phần khu trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ John Chamerlain

Bảo tàng Dia Beacon đi vào hoạt động từ những năm 1960. Dia đã mời nghệ sĩ Robert Irwin lên kế hoạch tổng thể cho một bảo tàng mang hơi hướng của thế kỷ XXI nhưng vẫn giữ lại nét đặc trưng ban đầu của không gian bên trong nhà máy. Irwin cũng thiết kế những khu vườn thay đổi theo mùa cho phần không gian ngoại cảnh xung quanh tòa nhà. Sau khi cải tạo, Dia Beacon đã được thêm vào Bảng danh sách các địa điểm lịch sử cấp Quốc gia của Hoa Kỳ.

Tầm cỡ

So với những bảo tàng ở nội thành New York, giá vé vào cửa của Dia Beacon khá dễ chịu với túi tiền, cũng vì thế mà tôi không quá trông đợi điều gì to tát khi đến tham quan nơi đây. Cảnh đẹp hai bên đường cũng đã khiến tôi quá hài lòng với chuyến đi rồi. Thế nhưng chỉ vừa đặt chân vào khu trưng bày tác phẩm của Imi Knoebel, tôi như được truyền một nguồn năng lượng hứng khởi lạ thường. Chưa phải là ý tưởng hay cảm xúc mà những khối hình trừu tượng mang lại, cái lấn át và chiếm trọn mọi giác quan của tôi lúc này là sự choáng ngợp về một không gian tầm cỡ, tràn ngập ánh sáng và nghệ thuật.

Bao-tang-bia-deaconMột phần khu trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Imi Knoebel

Người tham quan bảo tàng Dia Beacon không đông đúc như ở Met hay 9/11 nhưng tôi cảm nhận họ là những người thật sự nhiệt tâm với nghệ thuật. Cũng vì thế, họ được đáp trả bằng một màn trình diễn hoành tráng và đầy thuyết phục nơi đây. Càng đi ngắm nhìn những tác phẩm trưng bày, tôi càng thấu hiểu vì sao họ lại chọn một nhà máy in hộp ở một thành phố ít người biết đến để làm bảo tàng. Trong lời giới thiệu về mình, tổ chức sáng lập nghệ thuật Dia (Dia Art Foundation) đã cam kết thúc đẩy, hiện thực hóa và bảo tồn tầm nhìn của các nghệ sĩ. Và để hoàn thành sứ mệnh của mình, họ cần một không gian to lớn, đủ tầm cỡ để không những truyền tải mà còn khuếch đại những ý tưởng nghệ thuật.

Sự kiên định

Tôi là một kẻ tay mơ đến với nghệ thuật. Tôi yêu cái đẹp và nhiều lần ưu ái cái đẹp dù nó trái logic. Tôi chẳng phải một nhà phê bình, chỉ là một người bình thường, tôi sẽ ngắm nhìn lâu hơn những tác phẩm làm đôi mắt, trí não và tim tôi sáng lên.

Thế nên, những tác phẩm nơi đây đã làm thay đổi một điều gì đó trong tôi. Tôi nhớ như in cảm xúc khi tôi thấy một cái hốc thật to trên tường, cao gần 5 mét, rộng gần 2 mét với một tảng đá lớn bên trong (tác phẩm điêu khắc của Michael Heizer) hay khi tôi thấy trong không gian hơn 200 mét vuông, họ chăng vài đường dây len mỏng manh (tác phẩm sắp đặt của Fred Sandback). 

“Họ điên rồi, quá điên rồi!” 

Tôi được mở mang về sự “điên rồ” trong nghệ thuật.

Bao-tang-bia-deaconTác phẩm điêu khắc của Michael Heizer

Tôi tìm hiểu về nghệ sĩ Robert Ryman, người được biết đến với niềm đam mê vẽ màu trắng. Bước qua những gian phòng với hàng loạt bức tranh to nhỏ chỉ mỗi một màu trắng nhưng với lối đi cọ và chất liệu vẽ khác nhau, có một chút gì đó khiến tôi bị mê hoặc. Ừ, điều ấy là có thật, cả cuộc đời này chỉ vẽ một màu trắng!

Có lẽ điều tuyệt vời nhất mà tôi sẽ giữ mãi với mình là tác phẩm Shadows của nghệ sĩ Andy Warhol, trong gian phòng rộng thênh thang, hàng chục bức vẽ thoạt nhìn thì tương tự về hình thù nhưng lại rất đa dạng về màu sắc. Đó không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, đó là một công trình của sự bền bỉ, đầy ý chí kiên định, tài năng và sáng tạo để tạo ra không chỉ một mà hàng chục tuyệt tác đứng cùng nhau. Mỗi bức vẽ có một nét cọ riêng biệt, một cách phối màu khác nhau, chúng có thể tự tin đứng một mình đầy kiêu hãnh trong những bảo tàng lớn và uy tín của thế giới, nhưng khi đứng cạnh nhau, chúng lại mang đến một sự hài hòa tổng thể hiếm có.

Bao-tang-bia-deaconMột góc phòng trưng bày tác phẩm Shadows của Andy Warhol

Khi tôi đi qua từng khu trưng bày, một thứ đẹp đẽ được sinh ra và lớn dần trong lòng tôi. Đó là sự chắc nịch rằng sẽ luôn có một nơi và những con người trân trọng những đứa con tinh thần của chúng ta, chỉ cần lao động nghiêm túc và nhiệt thành với những điều tốt đẹp mình hằng tin tưởng. 

Tôi cảm thấy nhỏ bé nhưng điều đó không hề làm tôi nản lòng. Tôi thấy mình tràn ngập niềm tin. Họ cho tôi biết rằng có một nơi ngập nắng, khoáng đạt và tôn thờ nghệ thuật. Điên cuồng cũng được, ám ảnh cũng được, cứ đam mê, cứ nhiệt huyết, cứ kiên định với điều làm con tim mình reo lên tiếng hát của niềm vui.


ADVERTISEMENT