share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Kokuhaku – Sự thinh lặng của mất mát


ADVERTISEMENT

Phía dưới nhà tôi hồi trước là con ngõ dài. Có một dạo mùa hè nhàn rỗi, mỗi chiều tôi thong thả đạp xe lòng vòng, tiện thì tạt vào hàng chè ngồi ăn tán chuyện. Chạng vạng, lũ trẻ đã đi học về mới ùa ra chơi đùa chạy nhảy. Chúng thổi bong bóng suốt từ đầu tới cuối ngõ. Tôi đạp xe lướt qua đám ấy, thấy bong bóng dạt cả hai bên nhường lối tôi đi, tản mác rồi rơi dần, vỡ tan khi còn chưa kịp chạm đất. Biến mất tăm trong thinh lặng.

Hình ảnh con xóm cuối chiều với đám trẻ thổi bong bóng thoáng làm tôi nghĩ tới Kokuhaku (tựa tiếng Anh là Confessions – Những lời thú nhận). Thằng bé thiên tài Shuya đã chạy đuổi theo mẹ trên con đường cũng vương đầy bong bóng như thế. Một bong bóng chấp chới bên tai Shuya, và rồi Poc, vỡ òa. Shuya nhớ mãi dáng mẹ lúc bỏ nó ra đi, không một lần ngoái đầu nhìn lại; nhớ đến cả tiếng bong bóng vỡ bên tai “Poc… Cô có nghe thấy không, âm thanh của một thứ rất quan trọng với cô vừa biến mất.” Câu nói của nó khiến tôi giật mình, sự mất mát thì có âm thanh gì? Tại sao tiếng bong bóng vỡ nhẹ tênh kia lại ám ảnh Shuya đến thế? Hẳn nhiên, tâm tư của Shuya không dễ đoán định chút nào, bởi cậu ta là một nhân vật rất đặc biệt. Nói cho đúng thì mọi nhân vật trong Kokuhaku đều đặc biệt. Họ đã kể một câu chuyện đau thương đầy những khắc khoải day dứt về lương tri con người, nhưng cũng vì thế mà làm nên tuyệt phẩm của nền điện ảnh Nhật Bản. 

Được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị gây tiếng vang của nhà văn Kanae Minato, Kokuhaku ngay từ đầu đã đảm bảo có một kịch bản trau truốt và hấp dẫn. Tại Nhật Bản, Kanae Minato được tôn xưng là “Nữ hoàng thể loại iyamisu” – một nhánh truyện trinh thám tập trung khai thác các mảng tối trong tâm lý con người. Kokuhaku là đại diện của Nhật Bản đi tranh giải thưởng Oscar lần thứ 83 cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất, và là phim duy nhất của châu Á lọt vào chung khảo. Tuy không được xướng tên trong lễ trao giải, nhưng chừng đó có lẽ qúa đủ để nói lên độ xuất sắc của tác phẩm này. Để chuyển tải nhuần nhuyễn một câu chuyện nhiều tầng lớp ý nghĩa như Kokuhaku qua ngôn ngữ điện ảnh, phải nhờ đến thiên tài của đạo diễn Tetsuya Nakashima. Những trường đoạn quay chậm trở thành đặc sản của ông trong Kokuhaku: cánh bướm nhẹ đậu trên ngón tay, những đứa học sinh nghịch ngợm đạp chân xuống sình bùn, mây chạy đuổi nhau trên bầu trời sau mưa… những cảnh vật tưởng yên bình nổi bật trên nền xám lạnh như ánh dao lam – một cảm giác bức bách bất an, báo trước điềm chẳng lành.

Câu chuyện bắt đầu vào buổi học cuối cùng trước kì nghỉ xuân. 37 đứa học sinh cấp hai vô tâm chỉ mải nói chuyện và làm việc riêng; chúng không chú ý tới cô giáo Yoko Moriguchi đang dặn dò những lời cuối trước khi cô chính thức nghỉ việc. Moriguchi cũng không buồn nhắc nhở đám học trò, vẫn tiếp tục bài giảng với giọng nói đều đều. Cho tới khi cô nhắc tới cái chết của con gái mình thì bọn trẻ mới bắt đầu chú ý. Chúng chăm chú nghe và phấn khích tột độ khi biết được rằng hai kẻ giết người là học sinh của lớp này. Đứa thứ nhất là Shuya, một học sinh xuất chúng với mong muốn ngây thơ là được mọi người chú ý tới, cho dù có phải giết người đi chăng nữa. Đứa thứ hai là Naoki, một kẻ-thất-bại điển hình trong trường học, yếu đuối kém cỏi ở mọi mặt nên luôn khao khát ai đó chịu làm bạn với nó. Tới phút cuối cùng, Moriguchi tiết lộ chi tiết đắt giá nhất: cô đã tiêm máu nhiễm HIV vào hộp sữa của hai kẻ sát nhân để chúng phải trả giá cho hành động của mình.

Kokuhaku đề cập đến những vấn đề nhức nhối nhất trong xã hội Nhật: tội ác tuổi vị thành niên, bạo lực học đường, sự thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, sự thờ ơ của giáo viên đối với học sinh, sự bất lễ của học sinh với giáo viên và bất mãn của chúng với người lớn, cách thức giáo dục sai lầm của những ông bố bà mẹ… Đối với riêng tôi, đây là một câu chuyện về sự mất mát. Mỗi nhân vật trong Kokuhaku đều phải đối diện với khoảnh khắc họ mất đi một điều quý giá, và không có mất mát nào được báo trước. Cô giáo Moriguchi mất con gái Manami và một nửa tâm hồn mình. Naoki, thằng bé đã tiếp tay với bạn để giết chết cô bé con sáu tuổi, cuối cùng đánh mất cả bản tính con người. Mizuki, người duy nhất đứng lên bênh vực Shuya, cuối cùng cũng ngã xuống dưới tay người mình yêu. 

Còn Shuya mất gì?

Một đứa bé chịu sự giáo dục hà khắc từ nhỏ của mẹ, và rồi cũng bị bà bỏ rơi. Một đứa bé từng nghe mẹ nói giá như chưa từng sinh ra nó. Shuya có lẽ mất mát nhiều hơn những gì cậu ta có thể nhận thức được.

“Không ai dạy tôi rằng giết người là sai trái.”

Lần đầu tiên tôi nhận ra đó là một điều cần phải dạy. Không phải nó quá hiển nhiên ư? Tôi nghĩ rằng trong quá trình lớn lên, hẳn có ai đó đã nói với tôi rằng “Giết người là sai trái.” Nhưng có ai ở bên cạnh Shuya? Có ai để nói với cậu những điều như thế? Shuya chỉ làm bạn với chồng sách Vật lý mẹ để lại và những đồ vật do cậu phát minh ra. Sau này Shuya có thêm Mizuki, một người thực lòng yêu thương và muốn hiểu cậu; nhưng cô bé đã xuất hiện quá trễ để cứu rỗi một tâm hồn khiếm khuyết. Trong buổi chiều mẹ bỏ đi ấy, Shuya không chỉ mất đi một người mẹ. Cậu ta mất đi khả năng làm một đứa trẻ bình thường, với những niềm vui và cảm xúc bình thường. Tài năng xuất chúng Shuya kế thừa từ mẹ chẳng phải là một đặc ân của Thượng đế, mà chỉ là một lời nguyển rủa mà thôi. Cậu rồi sẽ cô đơn vì chính tài năng của mình. Cậu sẽ hủy diệt chính mình, sau khi đã kéo theo rất nhiều số phận đau khổ khác.

Shuya có quan tâm gì đến mất mát. Có chăng là thế giới này đối với thằng bé vốn đã mong manh như bong bóng xà phòng, và khi biến mất nó cũng vỡ nhẹ tênh. Poc.

Nên mỗi lần nhìn thấy cảnh đám trẻ ngây thơ thổi bong bóng ngoài ngõ, tôi lại nghĩ tới câu chuyện của Kokuhaku. Tôi nghĩ đến những bong bóng vỡ tan trong thinh lặng – một tiếng poc mong manh không đủ để đánh động con người. Chẳng biết từ lúc nào mất mát đã bắt đầu. Đúng như cô giáo Moriguchi đã nói, Luật dành cho trẻ vị thành niên là đồng minh lớn nhất của đám học sinh đang lớn: cho dù chúng có gây tội ác thì cũng không phải chịu trách nhiệm. Nó được đưa ra để bảo vệ trẻ-em, đối tượng dễ tổn thương nhất; nhưng ai biết được từ lúc nào những đứa trẻ bắt đầu có suy nghĩ và dục vọng như người lớn? Cái nền ngây thơ trong sáng của 37 đứa trẻ trong phim không bao bọc nổi sự u tối lên ngôi trong tâm hồn con người.

Ai biết từ khi nào sự trong sáng đã bỏ ta đi?


ADVERTISEMENT