share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Làng chài Bình Lập những ngày cận Tết


ADVERTISEMENT

“Cái cầu gỗ đó, em viết sao cho hay nha. Dân mình đi qua phải đóng mỗi lần là 10.000đ đó.”

Chị Loan nói khi đón chúng tôi tại làng chài Bình Lập. 

Chị Loan là một cô giáo tiểu học. Cách đây 10 năm, mỗi ngày chị phải lặn lội gần 70 cây số đi từ Mỹ Ca đến Bình Lập để dạy cho các em học sinh tiểu học ở đây. Sau đó, chị gặp anh Tâm, một thanh niên làng chài Bình Lập, cả hai quen nhau. Lấy chồng chị chuyển về đây sống. 

Quang cảnh những ngày cận Tết của làng chài khá tấp nập, vì đây là mùa kéo lưới về, mùa thu hoạch lớn của những người dân miền biển. Ai nấy đều lộ rõ niềm hạnh phúc lớn trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn và làn da rám nắng. 

 Quang cảnh làng chài Bình Lập một sáng cận Tết

 Chiếc cầu gỗ tự dụng lên của người dân Bình Lập. Muốn đến làng chài, chúng tôi phải xuống đi bộ và gửi xe cho các thanh niên chạy giúp qua 

 Niềm hạnh phúc lộ rõ trên khuôn mặt của những người dân miền biển mùa thu hoạch...

Nhờ sự quen biết của chị Loan, chúng tôi được một người quen trong làng chở qua tấm bè trên biển, nơi anh em nhà anh Tâm, lão Hưng và thằng Đồn đang cho bầy cá ăn. Công việc mỗi ngày của ba anh em bắt đầu với việc “tắm cá", xay nhuyễn thức ăn và cuối cùng là lặn xuống đìa cho cá ăn.

 …những thanh niên ở đây chủ yếu làm nghề chài lưới, “cha truyền con nối”.

 Quang cảnh bến cảng qua góc nhìn sống động trên thuyền

 Chiếc thuyền của người dân trong làng đưa chúng tôi ra đến bè của anh Tâm

Bè của anh Tâm nuôi chủ yếu là cá bớp, cá chim trắng, cá mú, cá bè và tôm. Đìa tôm thì nuôi ở xa hơn vì họ nhà tôm kén nước. Chúng, chỉ còn vài ngày nữa thôi là sẽ xuất chuồng - niềm hy vọng của cả gia đình anh Tâm để gọi là có-chút-gì-đó ấm lòng đón Tết. 

 Anh Tâm và thằng Đồn đang xay nhuyễn thức ăn cho cá và bầy tôm

Người ta thường nói nuôi hải sản thì giàu nứt vách đổ tường, chăn ấm nệm êm. Nhưng tiền nào của đó, cuộc sống của cơm áo gạo tiền của người bình thường đã khó, đối với những người dân miền biển lại càng khó hơn. Mỗi lần cho tôm cá ăn, ba anh em lão Tâm phải lặn xuống sâu dưới nước từ 2-4m, chưa kể có mấy hôm trời gió bão, nước lạnh tê cóng, cũng phải lặn. 

 Cái đìa của anh Tâm nơi nuôi các loại cá bớp, cá mú, cá chim trắng,...

 Anh Tâm dáng người đô con, quần quật với công việc sáng sớm trên bè

Người sống chết với cái bè của anh Tâm, là lão Hưng. Khuôn mặt khắc khổ quê mùa của lão làm tôi nhớ đến hình ảnh lão Hạc trong truyện ngắn Nam Cao. Lão Hưng sống trên bè quanh năm, nhất quyết không đi đâu. Lão dựng một góc chòi để ngủ, mọi sinh hoạt của lão cũng gói gọn trong cái chòi ấy. Một chiếc ti vi, một chiếc đài radio cũ kỹ, tấm nệm xanh đã phai màu, dăm ba chai rượu và gói thuốc lá làm bạn với lão mỗi ngày. Sáng sáng, chị Loan đi chợ và mua đồ ăn để anh Tâm mang ra cho lão, hôm thì đồ chua nấu cá, hôm thì rau nấu tôm cứ thế mà qua ngày.

 Sống lâu trên biển, lão Hưng thuộc nằm lòng những công việc trên bè mỗi sáng

 Lão ngại xuất hiện trước ống kính lắm, nên hiếm hoi mới chụp được lão một bức hình để có cái gọi là kỷ niệm 

Ngày Tết thì lão Hưng cũng về với gia đình ở sông Cầu, Phú Yên, tất nhiên khi đi mang theo chút quà biển. “Chút quà biển” - nghe nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng với những đứa sống ở thành phố như chúng tôi là những thứ gì đó rất xa xỉ. Ở biển, tôm hùm, ghẹ càng xanh, cá mú nghệ 30kg, cá bớp chục ký, hay cá chim trắng nặng cả cân là cái gì đó rất bình thường.

 Cái chòi be bé của lão Hưng trên biển, mọi sinh hoạt của lão gói gọn hết trong đó 

Thằng Đồn có vẻ là thanh niên trai tráng nhất nhì xứ này, nó nhanh nhẹn hoạt bát, giúp anh Tâm rất nhiều. Nét hiền khô của người dân miền Trung hiện rõ trên khuôn mặt và trong cách nói chuyện của nó. Đơn giản, thoải mái, vô tư vô lo, thằng Đồn là hiện thân của một thanh niên miền biển điển hình. Năm nay nó 21 tuổi, học xong cấp 2, Đồn theo lão Hưng từ Phú Yên vào đây và gắn bó với bè cá này. 

 Thằng Đồn với nét chân chất của thanh niên miền biển. Hắn lặn giỏi, làm giỏi và ăn rất khỏe

Nhân vật đặc biệt xuất hiện ngoài sự mong đợi của tôi là bốn chú chó với bộ lông mượt mà và đôi mắt ướt long lanh. Tên của chúng lần lượt là Lucky, Nâu, Đen, Lu. Bốn đứa tụi nó được đưa ra bè từ khi còn nhỏ, theo như chị Loan nói là “Từ lúc biết ăn là đã đưa ra rồi". Thấm thoắt Lucky, Nâu, Đen, Lu cũng đã đến tuổi trưởng thành, xếp lớp từ 1 đến 4 tuổi. Sống trên biển từ nhỏ nên chúng cứ phải tập thích nghi, mỗi lần rớt xuống nước là tự mình bơi lên, dần dần rồi biết bơi, đến bây giờ thì bơi rất sỏi. Cả bốn đứa ở trên biển suốt và không chịu về đất liền. Đối với chúng, cái bè của anh Tâm như là gia đình thứ hai.

 Con bé Lucky, nó già nhất nhưng thân hình lại nhỏ bé nhất. Vì một tai nạn mà nó bị mù một bên mắt, rất thương

  Con Lu ít "nói" và trầm tính nhất trong bốn đứa

  Con đen khá hung dữ, là một trong những vệ sĩ đắc lực của bè cá này

Nghề cá nuôi bè một năm chỉ một vụ, chín tháng mới thu hoạch. Tôi đến ngay thời điểm gần Tết, cả bè anh Tâm đang tất bật thu hoạch sau cả năm chờ đợi. Sau đó, ông Hưng, thằng Đồn sẽ về Phú Yên đón Tết cùng gia đình. 

“Cá bớp có em từ 5-7kg, cá mú có con nặng đến 30kg, cá bè thì tầm 1-2kg là xuất chuồng được, cá chim trắng thì tầm 1kg là thịt đã rất ngon. Ngày Tết chỉ cần như vậy là vui rồi". Chị Loan cười chất phác. 

  Cá bớp đã đến thời điểm xuất chuồng

 Anh Tâm và thằng Đồn chạy ra để xem cái đìa tôm và cho tôm ăn mỗi sáng

Ba ngày Tết bảy ngày Xuân, không có lão Hưng và thằng Đồn, có làm gì thì làm anh Tâm vẫn phải dành ba tiếng để chạy ra xem cái bè của lão như thế nào. Tối thì ra nằm ngoài bè với lũ cá, sáng sớm vào lại với gia đình.  

Dù ở miền quê nhưng cái xóm chài của anh Tâm, chị Loan, ai nấy cũng chịu chơi thức đến 12 giờ đêm để đón khoảnh khắc giao thừa. Gần đó có “Núi Ông Núi Bà” nghe là linh thiêng lắm. Chị Loan kể, đêm Giao thừa, mọi người trong làng tụ họp lại với nhau, mổ heo sống và mần tiệc trên Núi này. Kinh phí thì cả làng cùng đóng góp lại.

 Gia đình chị Loan vui vẻ chụp cùng tôi tấm hình lưu niệm trước khi nói lời tạm biệt

 Cổng ra của làng chài Bình Lập 

Sáng ra mồng một đối với những người dân chài lưới nghe thật khác biệt. “Tết nhà, Tết ghe, Tết bè”, người ta mang trái cây, hoa quả, bánh kẹo ra ghe để cúng, cầu cho một năm mới thuận buồm xuôi gió. Sau đó, chiều tối cả gia đình anh Tâm, chị Loan và hai cô con gái xinh xắn cùng thong thả lên xe đi thăm họ hàng bên nội, bên ngoại. Tết của cả gia đình chính thức bắt đầu! 



 


ADVERTISEMENT