share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Lên Buôn Đôn cưỡi voi vượt dòng sông huyền thoại


ADVERTISEMENT

Tôi đã xem nhiều hình ảnh của những chú voi bản Đôn, đã nghe nhiều về dòng sông chảy ngược Sêrêpôk huyền thoại. Tôi chẳng thể cầm lòng mà không lên lịch trình để được “mục sở thị” những thông tin và hình ảnh mà tôi đã xem.

Buôn Ma Thuột những ngày giữa tháng 11 còn sót chút cơn mưa nhẹ trong sắc nắng mảnh như tơ vương và những cơn gió se sắt mùa cuối năm bắt đầu len lỏi khắp mọi ngõ ngách.

Tôi choàng chiếc khăn voan nhẹ dạo phố trong ánh đèn đường vàng tỏa. Chợ đêm phố núi chẳng thiếu thứ gì đang nhộn nhịp kẻ mua người bán và cả những người chỉ dạo chơi tham quan như tôi. Rồi cũng như bao lữ khách đến thăm thủ phủ cà phê – trái tim Tây Nguyên này, tôi dừng chân thưởng thức ly cà phê đặc sánh thơm lừng giữa phố núi. Cũng là cà phê, vậy nhưng chất màu nâu đậm sóng sánh trong thời khắc giao mùa, trong không gian sương đêm núi rừng bảng lảng ấy ngon chẳng nơi nào có thể sánh bằng.

Say nồng vị cà phê, tôi đã có một đêm lành không mộng mị và tràn đầy năng lượng cho ngày hôm sau có những trải nghiệm mà tôi chẳng thể nào quên được trong hành trình về Đắk Lắk lần này. Đó chính là việc về Buôn Đôn đi cầu treo lắc lư và cưỡi voi vượt dòng sông Sêrêpôk chảy ngược ở Tây Nguyên bạt ngàn.

Buôn Đôn, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 35km, vốn nổi tiếng trên bản đồ du lịch Đắk Lắk nên rất thuận tiện đi lại vì có cả xe buýt, dịch vụ taxi đầy đủ. Tôi và đoàn của mình, gồm những người bạn mới quen trong chặng bay từ Tân Sơn Nhất tới sân bay Buôn Ma Thuột, quyết định chọn đi taxi dịch vụ. Tôi gọi dịch vụ là vì chúng tôi đi taxi không tính theo cây số mà đi theo chặng đường. Tài xế xe sẽ đưa chúng tôi tới nơi, để cả đoàn vui chơi thoải mái rồi lại đưa về địa điểm xuất phát. Nhờ chọn dịch vụ di chuyển “sang chảnh” nhưng chi phí lại rất phải chăng này mà chúng tôi chủ động trong suốt hành trình của mình.

Bản Đôn có nhiều thắng cảnh đẹp giản dị và mang bản sắc dân tộc độc đáo mà nếu chỉ dành một ngày du khách không thể nào tham quan hết. Biết là thế nhưng thời gian có hạn nên tôi chỉ chọn đến khu du lịch cầu treo và trải nghiệm cảm giác nhẹ bẫng trên lưng voi.

Vẫn biết rằng những chiếc cầu treo này là để phục vụ khách du lịch chứ không phải cây cầu dân sinh của bà con dân tộc bản Đôn, nhưng điều đó không hề làm giảm sự thích thú của tôi. Những cây cầu treo ở đây được giăng mắc khéo léo bằng tre nứa, mây và được gia cố bằng cáp sắt trên một thân cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt ở một nhánh sông Sêrêpôk. Những cây cầu treo này được gắn kết hài hòa với các sàn nghỉ, nhà hàng bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên thân dễ của cây gừa.

Cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên một cây cầu treo mà mỗi bước đi lại có chút lắc lư khiến tôi có chút chới với. Dù vậy tôi chẳng ngại đi hết gần mười cây cầu ở đây và tranh thủ chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm trên những cây cầu với nhóm bạn mới quen của mình. Sau đó chúng tôi ngồi ở nhà sàn trên cây và thưởng thức gà đồi nướng cơm lam trong cơn gió sông mát lành.  

 

Vượt qua những cây cầu treo lắc lư, chúng tôi đến với khu vực dịch vụ cưỡi voi trên đảo Ea Nô. Trong tất cả những trải nghiệm mà tôi có từ chuyến du lịch Đắk Lắk lần này, cảm giác trên lưng voi là điều đặc biệt nhất. Chú voi mà tôi cưỡi có cái tên rất đáng yêu là Pờ Ló và theo giải thích của anh chàng quản tượng trẻ người M’Nông thì cái tên đó có nghĩa tiếng Việt là Cục Cưng. Pờ Ló đủng đỉnh bước về phía dòng sông lững lờ chảy. Càng ra giữa dòng tôi càng cảm thấy sợ, vì mực nước ngày càng sâu hơn và lòng sông thì không hề bằng phẳng. Cảm nhận được tâm trạng của khách, anh chàng quản tượng đã nhanh chóng đưa tôi vào câu chuyện về Pờ Ló, về anh, cả về bản làng và dòng sông mà chúng tôi đang băng ngang này.

Pờ Ló năm nay 36 tuổi và đã tham gia phục vụ du lịch ở bản Đôn được hai năm nên rất dạn dĩ với du khách. Tùy vào lượng khách, Pờ Ló sẽ đưa khách vượt sông khoảng 6 lượt một ngày. Chú voi này biết rõ lòng sông chỗ nông chỗ cạn nên không bao giờ đi vào chỗ quá sâu. Thỉnh thoảng như vui đùa, chàng ta quật cái đuôi của mình xuống làm nước bắn lên tung tóe.

Sêrêpôk là dòng sông rất đặc biệt – dòng sông chạy ngược. Sêrêpốk không chảy từ Bắc xuống Nam hay từ Tây sang Đông mà chảy từ Đông sang Tây ngược lên hướng thượng nguồn đổ vào Biển Hồ ở Campuchia sau đó mới hợp dòng với sông Mê Kông, xuôi về miền Tây Nam bộ Việt Nam rồi mới hòa mình vào biển lớn.

Vượt sông Sêrêpôk, Pờ Ló đưa tôi vào bìa rừng quốc gia Yok Đôn rồi lại tham quan cuộc sống của người dân trong các buôn làng. Chặng vượt sông quay về tôi không còn thấy sợ nữa và đây là lúc tôi thoải mái ngắm trời mây, ngắm sông và cả chụp ảnh những chú voi của đoàn khách đi trước mình.  

Có thể bạn nói du lịch bản Đôn chỉ có thế, cũng bình thường, nhưng cảm giác ngồi trên lưng voi vượt sông, ngắm rừng núi và bản làng là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng. Hơn nữa chuyến đi tuyệt vời này còn là dịp tôi có thêm những người bạn mới cùng sở thích, hợp ý nhau. Chỉ thế thôi, chuyến du lịch của tôi đã trở nên vô cùng đáng nhớ rồi!


ADVERTISEMENT