share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Lục tìm ký ức Đà Lạt xưa ở cà phê Tùng


ADVERTISEMENT

Mỗi sáng ở Sài Gòn, bạn dễ dàng bị rót vào tai vô số âm thanh như tiếng động cơ, tiếng còi inh ỏi trong dòng người vội vã, hối hả trên đường. Mọi thứ dường như đang "khiêu vũ" trên nền nhạc disco xập xình, rộn ràng của thành thị hiện đại bậc nhất cả nước. Hay đâu đó là những quán cafe hiện đại mang phong cách Hàn Quốc, Tây hóa,… trong những tòa cao tầng san sát nhau, trong tiếng nhạc hiện đại ấy lại có lúc thèm được nghe lại những tình khúc nhạc xưa vang lên từ chiếc loa thùng cũ tại cà phê Tùng – quán cà phê hoài niệm một Đà Lạt cũ, nơi ghi dấu những chuyển biến của Đà Lạt từ thập niên 60 cho đến tận bây giờ.

 

“…Thương ai về xóm vắng 

Đêm nay thiếu ánh trăng 

Đôi vai gầy ướt mềm 

Người lạnh lắm hay không.” 

(Thương một người – Trịnh Công Sơn)

Giọng ca Khánh Ly vang lên từ chiếc loa cũ, trong không gian nhỏ hẹp của Tùng, cô gái gục đầu bên chàng trai và thỏ thẻ:

-Anh có tin vào câu chuyện sau khi Đà Lạt về chia tay không?

-Vậy em có tin không!

Câu trả lời còn bỏ lửng, để chờ đợi một cái kết sau mỗi chuyến đi chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ. Người tình rồi cũng bỏ ta đi, chỉ có cuộc tình mới ở lại mãi mãi, mà nơi lưu giữ nó tàn nhẫn nhất đó chính là Đà Lạt. Quả thật không sai khi có người nói Đà Lạt như một nhà băng ký ức của biết bao nhiêu thế hệ, có ai khi yêu mà chưa cùng người mình yêu lên Đà Lạt một vài lần, hoặc thậm chí cũng đã gửi gắm vài ba cuộc tình ở đó. Và Tùng là nơi lưu trữ những câu chuyện tình đẹp của những nhạc sĩ tài hoa Việt Nam ở thập niên 60-70 thế kỷ trước. 

Cà phê Tùng (Tùng) xuất hiện hầu hết trong tất cả những cẩm nang du lịch trong và ngoài nước về một nơi "Must-Visit" mỗi khi đến Đà Lạt. Nhiều người còn nói, đi Đà Lạt mà chưa đến Tùng thì quả là một điều thiếu sót. Giữa hàng trăm quán cà phê xinh đẹp thu hút giới trẻ tìm đến thì cà phê Tùng vẫn giữ một nét riêng cho mình – hoài niệm một Đà Lạt cũ vụt qua trong cái nháy mắt của lịch sử. 

Tùng là quán cà phê kiểu cũ tồn tại hơn nửa thế kỷ "lọt thỏm" giữa cái hiện đại, phát triển của Đà Lạt. Nơi đây chỉ phục vụ nhạc hòa tấu, cổ điển và tiền chiến, qua tiếng hát của nhiều danh ca lừng lẫy một thời như Lê Uyên Phương, Khánh Ly, Vũ Khanh, Tuấn Ngọc… 

Chủ quán là ông Trần Đình Tùng vốn là người Bắc di cư vào Đà Lạt lập nghiệp từ thuở sơ khai. Ông đã mày mò tự pha chế cà phê theo một công thức riêng dựa trên những tư liệu người Pháp. Qua năm tháng nhưng dường như hương vị cà phê vẫn không đổi. Không gian quán ấm cúng, khá nhỏ và đơn sơ. Những chiếc bàn gỗ thấp, mặt bàn phủ lớp nhựa trắng, bộ sô-pha đỏ bọc nệm kiểu cũ, những bức tranh bạc màu, khung cửa gỉ sét bám màu thời gian, nhưng lại là điểm nhấn đặc biệt thu hút rất nhiều người mỗi khi đến Đà Lạt.

Ở Tùng, ngoài không gian và cà phê thì vẫn giữ được truyền thống hơn nửa thế kỷ qua là những bản nhạc tình Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương,... được phát lên ngày này qua tháng nọ, dường như chưa hề thay đổi. Nhắc đến cà phê Tùng, chắc hẳn không thể nào không nhắc đến những câu chuyện tình. Bên tách cà phê nóng hổi, quyện vào cái se lạnh của Đà Lạt, các thi sĩ, nhạc sĩ ngày xưa đã chọn là nơi gặp mặt để lấy cảm hứng tạo ra những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt.

Cà phê Tùng cũng là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lui tới để nghe chính tác phẩm của mình, cũng là nơi ông đã gặp danh ca Khánh Ly lần đầu tiên và cũng là nơi chứng kiến tình yêu tuyệt đẹp của cặp vợ chồng ca nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên Phương.

Có ai tới Đà Lạt mà chưa một lần mắc mưa, mưa Đà Lạt không hối hả như mưa Sài Gòn bất chợt đến rồi vụt tạnh trong phút chốc; mà cũng chẳng miên man, trầm tư của phố cổ Hà Nội rêu phong; mưa Đà Lạt mang một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng nhưng không u uất. Mưa Đà Lạt gợi cho con người ta nhớ về những hoài niệm buồn da diết về tình yêu. Vào một ngày trời Đà Lạt mưa lất phất, bất chợt ghé ngang Tùng, chọn một góc bàn gần cửa sổ và gọi cho mình một tách cà phê nóng hổi. Dưới cơn mưa hoài niệm ấy, giọng Tuấn Ngọc cất lên lay động con tim nhiều người.

“...Mộng về một đêm xuân sang

Em thì thầm ngày đó thương anh

Thuyền về một đêm trăng thanh

Xây mộng vàng đậu bến sông xanh.”

(Chiếc lá cuối cùng – Tuấn Khanh)

Hay thổn thức, tiếc nuối, hoài niệm về chuyện tình trắc trở của bộ đôi ca nhạc sĩ Lê Uyên và Phương.  “Ngày em thắp sao trời” tưởng chừng như có một vì sao chạm đến trái tim chàng nhạc sĩ tài hoa thì cũng là ngày “mưa bão tơi bời”, vì “mưa bão không rời”. Đó là ngày cô tiểu thư Sài Thành - Lâm Phúc Anh (Lê Uyên), tình cờ gặp thầy giáo trẻ 26 tuổi ở Đà Lạt. Và cũng là khởi đầu cho một cuộc tình giông bão về sau. Đúng như cái cách mà ông đã viết trong bài Dạ Khúc Cho Tình Nhân – là một trong những bản nhạc ghi đậm dấu ấn của bộ đôi Lê Uyên Phương.

“...Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau

Chết bên nhau thật là hồn nhiên.”

(Dạ khúc cho tình nhân – Lê Uyên Phương)

Ừ thì! Nếu còn yêu nhau thì hãy tìm nhau và nếu không còn yêu nhau nữa thì hãy giữ nó một cách hồn nhiên nhất. Và ở Tùng là nơi cất giữ những ký ức ấy. Danh ca Khánh Ly trong một lần về Việt Nam cũng đã tìm đến Tùng như một cách gợi nhớ về ký ức xưa với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để nuôi cảm xúc và thể hiện một cách trọn vẹn nhất những tác phẩm của ông.

Bạn thấy đấy, nếu như những con dốc, những góc phố Đà Lạt là nhà băng ký ức của giới trẻ sau này thì quán cà phê Tùng chẳng khác gì một nhà băng ký ức của biết bao thế hệ đi trước.

--

Bên ngoài ô kính cửa ở cà phê Tùng, không khó để thấy nhiều bạn trẻ xếp hàng dài đợi check-in ở bức tường Cối Xay Gió – một biểu tượng mới của Đà Lạt nay. Thì ở Tùng lại đối lập hoàn toàn, quán giữ được cho mình một màu hoài cổ, hơi thở Đà Lạt xưa trọn vẹn đến tận bây giờ. 

Người trẻ ngồi ở Tùng rất nhanh, kêu một ly cà phê uống cạn rồi đi, hay đơn giản chỉ là nơi ngồi chờ đến lượt chụp hình ở bức tường vàng đối diện. Người lớn tuổi chọn Tùng, ngồi lâu hơn vì họ thích cà phê, không gian và muốn thưởng thức những bài hát vàng son một thời. Không chỉ vì đó là nơi chất chứa nhiều ký ức Đà Lạt, lưu trữ kỷ niệm những cuộc tình của họ ở đó. Kỷ niệm dù đau thương thì cũng là một dạng của hạnh phúc. 

Trời càng về trưa, đám đông xếp hàng càng dài, quán bắt đầu thưa khách dần. Cô chủ đến từng bàn, xếp lại chiếc ghế cho ngay ngắn theo đúng cái nếp phong của người Bắc xưa. Sau hơn 50 năm thì cái chất, cốt cách người Bắc ấy vẫn còn tồn tại cho các đời con cháu về sau.

Sự đối lập ấy không chứng minh được người trẻ sống hời hợt hay sống vội. Mỗi dấu ấn, ký ức sẽ tương ứng với từng giai đoạn, từng thời điểm. Nếu Tùng là ký ức của thế hệ đi trước thì những quán cà phê hiện đại, những con dốc, những góc phố, những bậc thang Đà Lạt nay sẽ là ký ức đẹp của những người trẻ sau này. Và biết đâu đó, quán cà phê Tùng của hiện tại lại là một nơi lưu dấu kỷ niệm tình yêu của những người trẻ hiện đại thì sao? Từ bỏ cái cũ, chọn cái mới không có nghĩa là cái xưa cũ là lạc hậu hay cái hiện đại là thời thượng. Quan trọng nơi đâu để lại nhiều kỷ niệm nhất thì đối với người đó là nơi đáng nhớ nhất.

Những điều mới mẻ thì đẹp đấy, vui đấy nhưng rồi có ai còn nhớ quán cà phê hôm trước mình đã đến, góc bàn mình đã ngồi cùng người ấy,... chả phải con người ta vẫn đang cố quên đi những cuộc tình đã vỡ hay sao. Nhưng ngặt nỗi lý trí vẫn bị con tim dẫn dắt, biết là đau đó nhưng lại muốn đi lại trên còn đường ấy, góc bàn ấy thêm lần nữa và để được gặm nhấm nỗi đau thêm lần nữa cho thiệt đã. Rồi khi trở về thành thị phồn hoa, dưới cái áp lực của cuộc sống, con người ta lại quên ngay nỗi buồn ấy. Bởi, nói Đà Lạt là nơi lục tìm ký ức trong một mớ hỗn độn của cuộc sống hiện tại quả thật không sai.

Sau những chuyển biến của Đà Lạt thì Tùng vẫn ở đó, yêu cũng được, không yêu cũng được. Chúng ta đã chọn Đà Lạt là nhà băng ký ức thì đến với Tùng đơn giản chỉ vì nó là Tùng. Thế thôi!

 


ADVERTISEMENT