share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Những ngày mưa ở Quế Lâm


ADVERTISEMENT

Tôi và Quế Lâm có nhiều cái duyên kì lạ. Tôi biết đến Quế Lâm qua những lời kể vu vơ của cô bạn trợ giảng người Trung Quốc về quê nhà của cô, nơi những ngọn núi bao quanh một thành phố bé nhỏ, giản dị với những con sông uốn lượn quanh co. Tôi còn nhớ sau bữa ăn trưa hôm đó, cô còn tặng tôi một loạt bưu ảnh và món đặc sản thịt heo sấy khô để tôi ăn vặt khi đói. Những lần tôi nhớ đến cô là tôi nhớ đến nụ cười giản dị khi dẫn tôi đi khám phá khu đại học Bắc Kinh và giới thiệu những món đặc sản với giá cực rẻ làm tôi sửng sốt đến nỗi người xung quanh đều tò mò hỏi chuyện, đến nỗi hai ông bà cụ bán sữa chua cho chúng tôi còn khen Trung Quốc với Việt Nam đúng là bạn tốt như hai đứa tôi vậy. Đến khi chia tay ở Ôn Châu, cô là người đầu tiên khai trương cuốn sổ lưu bút của tôi, còn không quên dặn dò những câu tiếng Trung để tôi dùng khi lên đường một mình. Đó là cô gái Quế Lâm đầu tiên tôi gặp và trở thành bạn tốt ở đất Trung Hoa rộng lớn này.

Cái duyên thứ hai với Quế Lâm thật tình cờ. Tôi ngã bệnh trên chiếc tàu hỏa đến Côn Minh, vì vậy những người trên tàu thương tình cho tôi dừng lại ở Quế Lâm để nghỉ ngơi. Trước khi ra khỏi bến tàu, anh nhân viên còn giúp tôi lấy lại tiền vé và mua tặng tôi bữa trưa để mong tôi sớm khỏi bệnh nữa. Đến Quế Lâm một thân một mình mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào, tôi may mắn bắt gặp vài du khách nước ngoài ở gần nhà ga và được họ nhiệt tình chia sẻ vài địa chỉ khách sạn trong trung tâm thành phố. Có thể nói, Quế Lâm là thành phố vận may của tôi khi tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của người dân nơi đây, từ lúc bắt xe buýt đến khi tìm địa chỉ khách sạn. Một anh ở tiệm áo cưới còn tận tình vác hành lý của tôi đến tận cửa khách sạn để chắc chắn rằng tôi không bị lạc nữa.

Quế Lâm không khác gì trong miêu tả của bạn tôi, một thành phố yên bình và trong lành nhất trong những nơi mà tôi từng đi qua. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ mình sẽ nhớ Quế Lâm nhiều như vậy cho đến khi xem bộ phim Garden of Words. Khu vườn trong bộ phim ấy, hệt như khu công viên trung tâm đối diện khách sạn This Old Place mà tôi ở trong suốt hai lần lưu lại thành phố này. Quế Lâm trong kí ức của tôi là những ngày mưa dài lê thê khiến tôi chùn chân, chỉ ngồi thừ trong khu vườn rộng lớn, lặng lẽ nhìn ngày trôi qua. Mỗi buổi sáng, tôi tản bộ quanh những chiếc cầu cổ kính, bước qua những hàng hoa tươi dịu dàng mà thấy lòng bình an đến lạ. Cô bạn tôi hay gọi đây là thành phố lãng mạn dành cho những đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới, còn tôi thì gọi đây là thành phố mưa, bởi vì lần đầu đến đây, Quế Lâm đổ cơn mưa dài thượt cả ngày. Cả đêm hôm đó, tôi ngồi một mình trên quán bar tầng thượng, tự thưởng mình một ly trà ấm và nhìn về phía con sông và dãy núi đằng sau đang sáng lấp lánh trong làn mưa.

Cái duyên cuối cùng với Quế Lâm đến với tôi thật bất ngờ. Đáng lẽ theo kế hoạch, tôi sẽ ở lại Đại Lý và Lệ Giang, nhưng vì một lời hẹn với Bryan, chúng tôi lại vượt hàng trăm cây số để gặp lại nhau. Chuyến xe lửa lần này, tôi may mắn mua được ghế giường nằm nên hành trình cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi đến Quế Lâm lần cuối cùng lúc 10 giờ sáng ngày 22 tháng 8, vừa kịp bắt xe buýt về khách sạn. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ là fan của Nicholas Sparks cũng như các loại ngôn tình đẫm lệ, nhưng giây phút nhìn thấy Bryan đợi chờ tôi trong sảnh, tôi đã suýt khóc vì hạnh phúc. Chúng tôi, đứa vượt 20 tiếng tàu hỏa từ Côn Minh, đứa cả đêm không ngủ bay từ Bắc Kinh, cuối cùng cũng hội tụ lần cuối cùng ở Quế Lâm này, trước khi từ biệt về nước. Hai đứa, mừng mừng tủi tủi, vội vàng cất dọn đồ đạc bắt đầu khám phá Quế Lâm.  

Quế Lâm là một thành phố đẹp, nhỏ thôi nhưng rất tráng lệ, nhất là vào buổi tối. Từ lúc chiều tà, mặt trời sẽ lặn ở phía Tây hồ Quế trong tiếng nhạc dân gian mà người dân khu này bật lên để tập múa. Chúng tôi thường dạo quanh đây với vài lon bia dứa, loại bia đặc sản của miền Nam Trung Quốc, lẳng lặng ngắm hoàng hôn buông mình xuống những ngọn núi từ phía xa xăm. Ngay khi mặt trời lặn, xung quanh hồ sáng bừng lên với những ngọn đèn lấp lánh đủ màu sắc, khiến cho bạn tưởng mình lạc vào cõi tiên chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Ở phía xa, tòa Nhật Nguyện Song Tháp cũng được thắp đèn, sáng lung linh cả một bầu trời đêm. Tôi còn nhớ, đêm hôm đó mưa rả rít, ngắm nhìn hai tòa tháp cổ ấy khiến tôi tưởng mình đang lạc vào khung cảnh bộ phim Tây Du Kí, vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc.

Ngày đầu tiên đến đây, cô bạn người Trung Quốc đãi tôi và Bryan một bữa tối thịnh soạn tại nhà, đó cũng là lần đầu tôi được đến thăm một gia đình kiểu mẫu truyền thống mà cả 3 thế hệ cùng sinh sống trong một căn hộ. Như thường lệ, tôi vẫn bị thiệt thòi phần nào khi không nói được tiếng Trung, nhưng họ vẫn tiếp đãi tôi rất nồng nhiệt làm tôi hơi ngại ngùng. Chưa kể, những món ăn gia đình ở Quế Lâm không khác lắm món Việt, làm tôi nhớ nhà quá da diết. Đêm đó, lần đầu tiên tôi gọi cho mẹ thật lâu, nước mắt chảy dài.

Ngày thứ hai ở Quế Lâm, tôi và Bryan quyết định đi cắm trại tại hang động Reed Flue – Lô Địch Nham vô cùng nổi tiếng tại đây. Lần đầu tiên trong đời vào hang động, tôi rất ấn tượng bởi vẻ đẹp của cột đá, thạch nhũ hùng vĩ hòa lẫn vào ánh sáng lung linh và âm thanh tự nhiên tạo ra bởi những hóc hách trong hang động. Nếu so sánh với với các hang động Phong Nha – Kẻ Bàng thì có lẽ hang động này không thể nào sánh nổi độ hùng vĩ, nhưng với những bài thơ Đường và chiếc hồ Điện Thủy Ngọc, Lô Địch Nham khiến tôi có cảm giác rơi vào những bộ phim kiếm hiệp Kim Dung như Thần Điêu Đại Hiệp nơi Dương Qúa và Tiểu Long Nữ cùng sinh sống suốt 10 năm trời.

Ngày thứ ba ở Quế Lâm cũng là sinh nhật lần thứ 25 của tôi, Bryan làm tôi ngạc nhiên bằng chuyến đi đến Xingping bằng thuyền tre qua sông Li Giang. Tuy phải dậy từ sớm và lê cái bụng đói meo để lên xe buýt đến bến tàu, tôi háo hức đến độ cứ cười nhăn răng suốt làm anh ấy phải phì cười. Hai đứa vốn thích những phong cảnh tự nhiên, vì thế chuyến đi đến Xingping bằng thuyền tre là món quà tuyệt vời nhất cho tuổi 25 của tôi. Ngồi trên chiếc thuyền mộc, giữa sóng nước và núi non, tôi thầm ước giá như thời gian có thể trôi chậm lại một chút, để tôi mãi sống trong cảnh thần tiên này. Hơn 30 phút sau, tàu cập bến cảng và tôi được xe điện chở về trung tâm phố cổ Xingping. Cũng nói thêm là ở Trung Quốc, người ta rất chuộng xe điện: hầu như không hề có xe máy chạy xăng, chính phủ chỉ cho dùng xe điện để tiết kiệm năng lượng và tránh ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Có thể nói đây là mặt khá tích cực của một quốc gia đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới hiện tại, cũng là cố gắng bảo tồn những di sản thiên nhiên tuyệt đẹp như dòng sông Li Giang nổi tiếng này.

Nếu ai đã từng đi Hội An như tôi, thành thật mà nói khi mới tới Xingping tôi hơi bị thất vọng. Tuy là ngôi làng cổ, Xingping không được bảo tồn kỹ càng nên có phần hơi đìu điu, không có sức sống như Dương Sóc, nơi vốn là địa điểm du lịch chính của tỉnh này. Thức ăn và dịch vụ cho người du lịch ở đây cũng khá đắt đỏ so với mức sống của người dân, khiến cho dân bản địa rời khỏi làng, chỉ còn những ai muốn bám trụ với nghề du lịch mới ở lại. Tuy vậy, cảnh hoàng hôn trên sông Li là một trong những khoảng khắc đẹp nhất của cuộc đời tôi. Ở Trung Quốc có một điều lợi là hoàng hôn xuống rất chậm, diễn ra từ khoảng 5 giờ chiều đến tận 7 giờ rưỡi tối, đủ để tôi đi dạo dọc bờ sông và kịp uống trà trên tầng thượng ngắm hoàng hôn muộn. Từ trên cao nhìn xuống, Xingping hiện ra như một Hạ Long thu nhỏ, nhưng buồn hơn, yên ắng hơn rất nhiều.

Lưu lại ở Xingping một đêm, chúng tôi khởi hành đến huyện Dương Sóc vào sáng sớm mai. So với Xingping u buồn, Dương Sóc lại tràn đầy sức sống. Mỗi năm, huyện này lại chào đón đến 5 triệu du khách đến thăm quan, vì vậy dịch vụ du lịch và giải trí ở đây rất đa dạng. Từ những nhà nghỉ thiết kế hệ thống leo núi bên trong, đến các quán bar, KTV rầm rộ, rồi cả vài tửu quán tao nhã, cổ kính bên sông, tất cả hòa quyện vào nhau, vừa đối lập, vừa thuận hòa. Thành thật mà nói thì so với Xingping, Dương Sóc có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng để thăm thú hơn nhiêu, nhưng vì không nằm trong kế hoạch nên chúng tôi chỉ có vài giờ dạo quanh và trở về Quế Lâm trong chiều hôm đó.

Cạnh bờ hồ là một nhà nghỉ theo phong cách Trung Hoa cổ điển, tôi và Bryan quyết định dùng bữa tối ở đó trước giờ hắn lên đường về nước. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi mới tin lời người bạn của tôi khi nói rằng Quế Lâm chính là thành phố tình yêu, bởi vì trong số sáu nơi chúng tôi từng đi qua, đây chính nơi mà Bryan lần đầu tiên tỏ tình với tôi. Trước nhà ga, không có giọt nước mắt nào rơi xuống, tôi nắm chặt bức tranh Bryan tặng, ôm hắn một lần cuối cùng như một khung cảnh quen thuộc trong những bộ phim lãng mạn cũ kĩ. Ngày hắn rời Quế Lâm về cũng kết thúc chuyến hành trình ở mảnh đất Trung Quốc này, và khởi đầu cho một chuyến phiêu lưu mới của hai đứa chúng tôi trên Châu Á, mà điểm đầu tiên là lời hẹn ước Việt Nam, quê hương của tôi.


ADVERTISEMENT