share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Những ô cửa dệt mộng ở Kujuz


ADVERTISEMENT

“Cửa sổ là mắt của nhà,

Nhìn lên trời rộng, nhìn ra sông dài,

Cửa sổ là bạn của người,

Giơ lưng che cả khoảng trời gió mưa,

Cửa sổ còn biết làm thơ,

Tiếng chim cùng ánh nắng ùa vào em…”

(Phan Thị Thanh Nhàn)

Ai từng một thời say đắm những vần thơ của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn đều có một ấn tượng đặc biệt với hình ảnh chiếc cửa sổ. Bén duyên với thi ca qua những “bài thơ bên cửa sổ” thuở thơ ấu, phần lớn những tác phẩm về sau của bà đều ít nhiều có góc nhìn từ một khung cửa sổ, chẳng kém phần mộng mơ, thân thuộc. Người thi sĩ cho rằng cửa sổ mở ra một khung trời rộng lớn, khơi gợi cho người ta những cảm nhận ngộ nghĩnh, tươi đẹp, khiến tâm hồn của chúng ta bỗng phong phú, diệu kỳ thêm lên. Và đó là lý do tại sao văn hóa cửa sổ ngày một thịnh hành trong các lối kiến trúc hiện nay. Nổi bật và táo bạo trong nét văn hóa cửa sổ, người ta không thể không nhắc đến tiệm cà phê tự phục vụ Kujuz của nhà thiết kế Chương Đặng, ngụ tại số 5 Trần Quý Khoách, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Giữa Sài Gòn phồn hoa này, rất nhiều vị khách lần đầu tiên bước đến Kujuz đều lấy làm ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi vô số những ô cửa thân quen, ngạc nhiên bởi nét tĩnh mịch bình yên trong từng hơi thở, ngạc nhiên bởi cung cách phục vụ và còn cả những cố gắng thầm lặng của người chủ đầy chất nghệ sĩ trong mình của Kujuz. Không ngoa khi nói rằng Kujuz sinh ra là để thỏa mãn những ý tưởng và khí chất lãng mạn của Chương Đặng. Ở Kujuz, anh không chỉ bán cho khách những tách trà ngon, những ly cà phê dậy mùi quyến rũ mà anh còn bán sự bình yên, không gian trong lành và những phút giây mộng mơ nhuốm màu hạnh phúc.

Kiến trúc của Kujuz được dựng lên bởi hàng trăm những cánh cửa lớn nhỏ, sắp xếp không theo một qui luật nhất định. Điều đáng kể là Chương Đặng đã phải dành một thời gian dài tự tay đi tìm, lựa chọn màu phù hợp vì anh muốn giữ nguyên bản màu sắc xưa cũ của từng cánh cửa. Kết nối chúng là những ô kính trong suốt, điều này làm cho cả ngôi nhà tràn ngập ánh sáng tự nhiên, khiến bất cứ ai đang thưởng thức một món thức uống ở đây đều cảm thấy an lành và hạnh phúc. Lấp ló sau những ô cửa kính là sắc xanh mát dịu của dàn dây leo bò lên tận gác mái, li ti những bông hoa nhỏ lúc hồng phớt khi tím đậm, chẳng quá kiêu sa nhưng lại dễ làm lâng lâng lòng người. Khung trời xanh sau từng cánh cửa mở ra bao cảm nhận đáng yêu và ý tưởng không giới hạn cho thực khách. Thiết nghĩ thật tuyệt biết bao nếu có một chiều nhàn hạ nhâm nhi tách chocolate nóng và nghiền ngẫm quyển sách yêu thích bên những khung cửa mộng mơ này.

“Hữu xạ tự thiên hương” là câu trả lời quen thuộc của nhân viên Kujuz với những thăm hỏi về phương thức quảng bá của cửa tiệm. Chương Đặng cho rằng chỉ cần bản thân Kujuz làm tốt concept, tự khách hàng sẽ chính là những người marketing chân thực và hiệu quả nhất. Bởi vậy, hầu như anh chẳng đụng gì nhiều đến mảng quảng bá. Ngay cả biển hiệu, Kujuz cũng chẳng có. Ai lần đầu đến đây đều ngờ rằng mình đến nhầm địa chỉ, trông bề ngoài Kujuz chẳng khác một ngôi nhà bình dị với cánh cổng khép kín và dàn dây leo bao phủ. Chỉ khi thấy có khách, nhân viên mới niềm nở ra mở cửa mời vào. Cánh cổng mở ra là lúc bạn cảm nhận được một không gian hoàn toàn khác với đường phố nhộn nhịp của Sài thành, đó là một không gian trong lành xanh mát bao quanh một căn biệt thự với những khung cửa quen mắt.

Thức uống ở đây là đồng giá và có đầy đủ các dụng cụ đáng yêu để bạn có thể tự pha cho mình một tách thức uống yêu thích, dĩ nhiên là sẽ có nhân viên hướng dẫn tận tình cho bạn nếu còn bỡ ngỡ với cung cách phục vụ lạ lẫm này. Người ta đến đây ngoài tìm kiếm những mộng mơ qua ô cửa kính, thì còn có người đến chỉ vì cảm giác thân thuộc như ở nhà mình. Tự đến khi muốn, tự pha đồ uống theo công thức của riêng mình, thêm thắt tùy thích và tự rửa ly tách đặt lại lên kệ. Làm chủ không gian quán như ở nhà mình vậy. Ý tưởng kinh doanh táo bạo này khiến cho Kujuz được dân Sài thành đặt cho cái tên ngộ nghĩnh là “Cafe chảnh”, nhưng dù chảnh người ta vẫn thích đến Kujuz.

Khép lại buổi ghé thăm đáng nhớ ở Kujuz, tôi và người bạn đi cùng thử dùng chút kiến thức kinh doanh nhẩm tính lợi nhuận của cửa tiệm. Giá cả thức uống ở đây dù không hề rẻ nhưng với tiêu chỉ sử dụng nguyên liệu tươi, có lợi cho sức khỏe và ý đồ không quảng bá không biển hiệu, giảm lượng khách ghé để mang đến không gian thoáng đãng yên tĩnh cho những vị khách thực tại, tất cả khiến chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Đó thực sự là những cố gắng và hy sinh không hề nhỏ để Chương Đặng tiếp tục duy trì giấc mơ lãng mạn của mình ở Kujuz. Mặc dù không đem lại lợi nhuận dồi dào so với những loại hình kinh doanh nhàn hạ hơn trong hiện tại, nhưng Chương Đặng tin vào những giá trị mà mình đã xây dựng và cống hiến ở Kujuz trong thì tương lai. Điều đó càng khiến chúng tôi nể phục và ủng hộ Kujuz hơn, vì chúng tôi tin vào những giá trị mà Chương Đặng đã dày công gửi gắm đến khách hàng của mình. Thật đúng với câu “hữu xạ tự thiên hương”, tôi cũng thực sự muốn chia sẻ chốn thư giãn thú vị này với những ai có cùng gu giải trí với mình. Hãy ghé Kujuz, nếu bạn cần một nơi yên tĩnh để nghiền ngẫm một quyển sách hay, một nơi mộng mơ để tìm kiếm những ý tưởng sáng tác hay đơn giản là được vỗ về tâm hồn với cảm giác quen thuộc, ấm áp ở Kujuz và tách cà phê thơm.


ADVERTISEMENT