share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Non thiêng Yên Tử, hành trình lên đỉnh Phù Vân


ADVERTISEMENT

Mộ danh Yên Tử đã lâu, từ lời ca mộng mị “Mênh mênh mang mang, phù vân Yên Tử”, đến câu lưu truyền của người tín Phật:

 “Trăm năm trong kiếp tu hành

 Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu”

Yên Tử, đất tổ của Phật Giáo nước ta, chốn địa linh trời đất giao hòa, gió mây vương vấn. Chuông ngân, đá tĩnh vẫn trăm năm kể chuyện về một vị Vua hóa Phật - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Và rồi, theo dấu chân tu hành của ngài, tôi bắt đầu chuyến độc hành tìm đường lên Yên Tử.

Theo dấu chân tu hành của vua Trần, tôi bắt đầu chuyến độc hành lên non thiêng Yên Tử

Chạy khoảng 20km từ trung tâm thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, băng qua hồ Yên Trung thơ mộng, dọc theo con đường lên núi thoáng đãng mà nhấp nhô, tôi bắt gặp ngôi chùa gắn với một trong những điển tích đầu tiên trong dấu chân tu hành của vua Trần - chùa Suối Tắm.

Thềm đá rêu phong dẫn xuống chùa suối tắm

Chùa nằm lọt thỏm dưới những gốc đại thụ, ngày tôi đến vắng vẻ bóng người. Dưới bóng nắng lập lòe, trong hương hoa bưởi, hoa đại sực nức, tôi bước lần xuống những bậc đá rêu phong, ghé thăm chùa cũ. Sở dĩ gọi của chùa Suối Tắm, vì uốn lượn trước chùa là con suối mát lành, nơi xưa kia vua Trần đằm mình gột sạch bụi trần bước khi vào Yên Tử.

Một thoáng chùa Suối Tắm

Bên trái lối mòn là nhà thờ Tổ, mái lợp ngói mũi hài, hình rồng ngậm hai đầu bờ nóc, đầu đao bốn góc trang trí hình rồng sóng nước vân mây. Sau lớp hàng cửa gỗ “Thượng song hạ bản” là điện thờ được bài trí theo kiến trúc chùa Việt và Phật giáo Đại thừa: gian giữa thờ Tam Tổ Trúc Lâm, bên phải thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, bên trái thờ Mẫu Thượng Ngàn.

Mái lợp ngói mũi hài, hình rồng ngậm hai đầu bờ nóc, đầu đao bốn góc trang trí hình rồng sóng nước vân mây

Đi về bên phải, nằm sát dòng suối là ngôi Miếu Cô Miếu Cậu có tuổi đời còn xưa cũ hơn cả chùa, nơi tôi đoán là thờ Phúc Đẳng Thần Nguyệt Nga công chúa như trong phần giới thiệu.

Thả bước bên suối, hồi tưởng những điển tích li kì của ngôi chùa trước thờ Thần, sau thờ Phật này, hơn 700 qua đi, bao lần thế sự biến dời, đá mòn theo nước chảy, cũng không phôi pha dấu tích.

Ra khỏi chùa, nắng hè oi ả, tôi chạy xe ngang qua chùa Cầm Thực, mất khoảng 15 phút để đến với núi rừng Yên Tử, vùng đất cổ với vô số huyền tích.

Ngày tôi đến, đã lỡ mất bầu không huyên náo của lễ chùa ngày xuân, Yên Tử trầm mình trong sinh khí của cỏ cây và đất trời ngày hè. Rừng núi Đông Bắc điệp trùng, muôn dải núi đều chầu về Yên Tử, ngọn núi cao 1.068 mét được đại ngàn che phủ, trăm ngàn năm qua bầu nguyên khí nơi rừng thiêng vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng bước chân và hơi thở viếng khách.

Mây giăng đỉnh núi, thấp thoáng chùa cổ cheo leo vách núi

Từ chân núi ngưỡng nhìn, khói mây giăng đỉnh, cây rừng phủ kín vách núi chênh vênh, thấp thoáng tháp chùa cổ kính rêu phong. Non thiêng Yên Tử vẫn còn lưu truyền bao câu chuyện tu Tiên hóa Phật trong cõi người.

Mái ngói cột đình lưu lại những hoa văn độc đáo, kể lại câu chuyện lịch sử xa xăm

Nhân buổi sáng sớm mát trời và tinh thần còn hăng hái, tôi quyết định bộ hành leo chùa Hoa Yên thay vì đi cáp treo. Chặng đầu tiên là kính lễ tại chùa Giải Oan, nơi gắn với truyền kỳ về những nàng cung phi trầm mình xuống suối ngăn vua xuất gia tu hành, sau đó leo từng bậc đá lên am Lò Rèn, Đường Tùng, Hòn Ngọc để đến với Huệ Quang Kim Tháp và chùa Hoa Yên.

Suốt dọc đường đi, ra sức hít hà hương thơm thanh khiết của núi rừng buổi sáng, nhịp chân đều đặn trong thanh thản và bình yên. Cây rừng ngân nga, chim ca lảnh lót, gót chân giẫm lên rêu phong ẩm ướt, cả một dải núi rừng buổi ban mai thưa người lai vãng chỉ có an lành không sợ hãi. Có lẽ vì biết mình mình đang bước đi trên vùng đất linh thiêng nhất với cái tâm bình dị nhất, cái tâm của một người cũng như bao người một lòng kính phật và say sưa trước cái đẹp đất trời. Đường lên núi sẽ băng qua rừng Tùng hơn 700 năm tuổi. Nhìn rễ tùng chen đá mà vươn ra sức sống mãnh liệt, thân tùng thay bao lớp vỏ, đau bao biến cố và hạnh phúc bao lần giữa những tiếng kinh vang vọng đại ngàn mà vẫn sừng sững uy nghi, tôi nghĩ đến những vị thiền sư tu luyện bằng sự chiêm nghiệm trong chính chân tâm để cảm nhận mạch sống cuộn chảy của thời đại.

Lại leo lên bậc thang vun vút như dẫn lên cổng trời, tôi tìm thấy Vườn tháp Huệ Quang tọa trên thế đất hàm rồng, bên cạnh bên những bóng đại, bóng tùng xum xuê, phụng thờ ngọc cốt thiền sư qua các đời.

Bậc thang dẫn đến Vườn tháp chênh vênh như dẫn lên cổng trời

Mộ tháp thiền sư các đời trong Vườn tháp Huệ Quang

Trung tâm vườn tháp là Huệ Quang Kim Tháp lưu giữ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo dòng chảy của thời gian, Huệ Quang Kim Tháp được trùng tu nhiều lần, mang đậm phong cách và nghệ thuật trang trí thời Trần - Lê. Sự sầm uất của các tháp mộ đã minh chứng nơi đây là đất tụ vượng linh khí của long mạch Yên Tử khởi nguồn từ đỉnh non thiêng, cũng khẳng định vị thế quan trọng bật nhất của chùa Hoa Yên trong quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử. 

Huệ Quang Kim Tháp cất xá lợi vua Trần Nhân Tông

Gốc đại cổ thụ rợp bóng Lăng Quy Đức

Cổng sau Lăng Quy Đức bọc quanh Kim Tháp là đường gạch hoa cúc dẫn lên chùa Hoa Yên, nơi tu hành, thành đạo và truyền thừa của các thế hệ Tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa ngày nay được phục dựng trên nền cổ tự thời Trần, thờ tượng Phật theo cách thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam.

Chùa Hoa Yên hiển hiện giữa trập trùng núi non

Nhà thờ Tổ phía sau chùa Hoa Yên có kiến trúc hình chữ Nhất (-), thờ tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tượng Tam Tổ Trúc Lâm, tượng Tam Vương, tượng Đức Thánh Trần và Tam Tòa Thánh Mẫu

Ngồi bên Hoa Yên ngơi nghỉ, nhìn non ngắm núi, đồi núi trùng điệp như lớp lớp sóng cuộn. Tôi vui vẻ với bữa trưa là vài trái táo mang theo, chốc chốc lại giở bản đồ ra xem đường đi nước bước tiếp theo. Trước khi leo lên tuyến cáp treo thứ 2 đến lên chùa Đồng, tôi sẽ tạt ngang qua chùa Một Mái để thăm thú ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo bậc nhất Yên Tử này.

Ngồi bên chùa Hoa Yên nhìn ngon ngắm núi

Con đường nhỏ dẫn đến chùa Một Mái có tiếng ve râm ran, suối chảy ngang lối, xích tùng rợp bóng. Tôi dừng chân ngồi lại, giở sổ ghi chép xúc cảm hân hoan của chặn đường vừa qua. Ngỡ như lạc bước vào không thời gian đã tách biệt từ lâu với thế sự, chỉ muốn ngồi lại thật lâu mà nuôi dưỡng tâm tình. Nhưng rốt cuộc thì vẫn phải thỏa hiệp với thời gian, vì vẫn còn nửa chặng đường trường đang chờ tôi phía trước. Đượm bước đi tiếp, không lâu sau liền thấy một chùa nhỏ chênh vênh, dựa vào vách một hang động, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái ngói nhô ra ngoài.

Một Mái chùa xưa giữa trần ai

Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài

Hoa bưởi trước chùa đơm trắng xóa

Bạch Vân triền núi một nhành mai)

_Thi Vân Yên Tử_

Lần theo bậc thềm còn đẫm sương núi lên chùa, cảnh tượng bên trong khiến một kẻ tương tư cảnh cũ như tôi không khỏi động lòng xao xuyến. Ngôi chùa tuy nhỏ là nơi duy nhất ở Yên Tử ngày nay vẫn giữ nguyên hệ thống tượng thờ và đồ thờ bằng đá trắng có niên đại cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Bao bận hưng vong, con người chỉ là lữ khách, hóa bụi vào núi sông, vậy mà vật cũ thâm ngấm gió sương vẫn còn y nguyên dáng vẻ, bớt đi nhiều vẻ tươi thắm, lại thêm vài phần cốt cách rắn rỏi, trầm kha. Cũng dưới mái chùa độc đáo này, vua Trần Nhân Tông đã đọc sách, ngẫm thiền, sáng tạo nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, gửi gắm tư tưởng: “Mỗi người đều có Phật tính, như trong nhà ai cũng có của báu. “Phật tại tâm” - Nếu ai thấy được tâm tịnh thì lập tức thành Phật. Sống trong cõi đời vui với đạo là hành đạo, thuận theo lẽ đạo, tùy duyên mà hành đạo.”

Hệ thống tượng thờ được tạc từ đá trắng có từ cuối thời Lê đầu thời Nguyễn của chùa Một Mái

Trưa tôi đến, trong chùa chỉ có một ni sư già coi ngó. Ni chỉ tôi vũng nước tích đọng những giọt nước ngầm từ đá nhỏ ra. Vốc một nắm nước trong vắt lên mặt, nước mát rượi tẩy sạch hết cát bụi đường trường, khiến tâm thần sảng khoái thanh tỉnh.

Vũng nước đọng từ những giọt nước trong vắt nhỏ từ vách đá

Trong ngôi chùa nhỏ, tôi và ni sư đều lặng thinh với suy nghĩ của riêng mình, không gian trầm vào tĩnh mịch không lời dù tiếng kinh Phật vẫn đều đều như ru phát ra từ chiếc loa trên cây quýt trước chùa.

Sau khi lễ bái khói hương, tôi dời chân bước tiếp cuộc hành trình của mình, ni vẫn lặng lẽ đuổi theo suy nghĩ của ni. Trước chùa cây mít trổ trái đòng đòng, cây cà chua mọc dại trên vách núi đượm trái đỏ au, hoa bưởi góc nào thoảng hương bên mũi.

Từ đây, tôi sẽ leo bộ khoảng 1km đường núi mới có thể đến đỉnh thiêng Yên Tử, nơi ngôi chùa Đồng lừng danh tọa lạc. Giữa khói sương vấn vít, tôi bước trên những nẻo đường người xưa đã từng đi, tự nâng mình theo mỗi bước “thượng sơn”, thu vào mắt một khoảng trời mây trắng xóa.

Sương giăng khỏi phủ đường lên chùa Đồng

Tôi cứ bước đi trong tĩnh lặng cả ở tâm thức và thân thể, tắm mình vào mây, vào sương và trong cả bầu không nhuốm đặc hương thiền, chỉ có tiếng nhạc du dương huyễn hoặc “Trên đỉnh Phù Vân” đếm nhịp bước chân. Băng qua không biết bao nhiêu gập ghềnh khúc khuỷu, chùa Đồng in trời hiển hiện trước mắt, tôi vỡ òa trong cảm giác đã chinh phục được hành trình của chính mình.

Vượt đường dài khúc khuỷu, cuối cùng chùa Đồng cũng hiển hiện trước mắt

Đứng trước chùa Đồng trên đỉnh non thiêng, ngỡ như mình đang tan vào bồng bềnh mây khói. Tôi, cùng núi non đất trời, cùng vạn vật cỏ cây hòa vào hư ảo. Con người leo vạn bậc thềm cao lên đây, cũng chỉ để hít thở bầu khí thiêng của đất trời, cảm nhận sự sống trong từng thớ đất, để rồi quý mến làm sao một cuộc trần ai dung dị, an nhiên. Thời gian ngưng đọng trong một ý niệm, khi được dịp hội ngộ với chính mình, với cả người xưa cảnh cũ, tôi đã hiểu tại sao người ta vẫn thường nói cuộc hành hương về Yên Tử là hành trình tìm lại chính mình.

Cứ vậy ngồi thật lâu, sương chiều nhuốm lạnh, tôi cùng đoàn người lễ bái tìm đường trở xuống, kết thúc một chặng hành trình trong hoài niệm luyến lưu, trầm tư chiêm bái. Và có lẽ chẳng riêng gì tôi, mà người người hành hương đều sẽ trở về với bao vấn vương không nỡ, vì có bao giờ là đủ cho giấc mộng tâm linh lưu chảy trong lòng.

Cái đẹp của Yên Tử với nét thanh khí riêng biệt được đan kết từ cảnh sắc thiên nhiên và truyền thuyết xưa cũ dường như đã đi vào cảnh giới của Thiền. Dấu tích huyền thoại ẩn giấu trong mỗi gốc cây, nhành lá, nụ hoa hay mái cong chùa cổ vẫn tháng tháng năm năm kể tiếp câu chuyện của mình. Để rồi kinh qua bao phen biến dời, Yên Tử vẫn giữ được tư thái ban sơ, vẹn nguyên linh tính, không lây tạp nhiễm.

Dấu tích huyền thoại ẩn giấu trong mỗi gốc cây, nhành lá, nụ hoa hay mái cong chùa cổ vẫn tháng tháng năm năm kể tiếp câu chuyện của mình


ADVERTISEMENT