The Art Corner Phức cảm ''underdog'' và nỗi mặc cảm của người trẻ
Khi tuổi trẻ gắn liền với nỗi mặc cảm
''Bạn bè em đều có những định hướng rõ ràng cho bản thân, người thì đi làm, người lo học hành phát triển con đường tương lai, người lo khởi nghiệp... Em chật vật với việc trải qua các áp lực từ phía bạn bè… Nhiều khi em cũng nghĩ tại sao mình không được như những người xung quanh, người ta hiểu biết, giao lưu kết nối rộng, em cũng muốn học hỏi thêm như thế nhưng chưa biết là sẽ bắt đầu từ đâu, chưa biết đâu mới là con đường dẫn em đến với một cái gì đó tốt hơn''.
Đó là những dòng chia sẻ của một bạn nữ mà mình tình cờ nhìn thấy trong một group. Tuổi 20 đến và lúc người trẻ nhận ra mình đang đứng giữa một ngã năm, ngã bảy. Trong khi bản thân chẳng biết đi về đâu thì người xung quanh mình đã đi, đã thành công. Chưa có công việc cụ thể với mức thu nhập ổn định, nhận ra mình chọn ngành học chưa phù hợp và cảm thấy tương lai mơ hồ, chuyện tình đôi khi cũng chẳng phải con đường bằng phẳng, thậm chí là đang cô đơn. Những nỗi lo cứ ấp đến trên vai một người trẻ, khiến bản thân cảm thấy thật cô đơn, và mông lung. Có đôi khi, chúng ta nhìn sang một ai khác nhưng lại không phải tìm điểm tựa, mà vô tình so sánh để bản thân mình lại ngày càng thấp bé, vô dụng.
Ngày trước, mình có đọc một bài báo rất hay nói về một loại phức cảm mang tên ''underdog''. Trong tiếng Anh, ''underdog'' có nghĩa là kẻ chiếu dưới, bị thua cuộc. Một cách trần trụi nhất, ''underdog'' là tình trạng của một chú chó khi nó cắn nhau với đồng loại và bị thua. Phức cảm ''underdog'', đó là trạng thái tâm lý của những người luôn cảm thấy bản thân yếu kém, vô dụng hơn những người xung quanh có một hay nhiều điểm chung giống mình như tuổi tác, ngành học, công việc…
Chúng ta có từng rơi vào phức cảm Underdog?
Mình tin câu trả lời sẽ là có. Phức cảm ''underdog'' đến với mình vào một buổi chiều khi gần bước sang tuổi 20. Mình chán nản và tự hỏi chỉ còn 2 năm để ra trường, trình độ tiếng Anh thì vẫn ì ạch trong khi người ta đã bằng tuổi mình đã IELTS 8.0. Mình cảm thấy bản thân thật vô dụng, không thể tự lập hoàn toàn như bạn bè xung quanh. Bạn bè mình, nó đi làm kiếm tiền đủ trang trải cuộc sống, đủ để mua một chiếc điện thoại, laptop cho riêng mình. Còn mình vẫn là một đứa ''ăn bám'' cha mẹ.
Phức cảm ''underdog'' đến khi mình nhìn thấy đứa em đang cố gắng học ngành học mà bản thân cô ấy không thích. Cố gắng tham gia hoạt động này, đoạt giải cuộc thi kia chỉ vì để mọi người xung quanh hài lòng với mình. Phải sở hữu nhà trước năm 30 tuổi. Phải có xe, phải trở thành người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, không phụ thuộc vào đàn ông… Những tiêu chuẩn cứ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, trong câu chuyện của một nhân vật truyền cảm hứng nào đó. Dần dần, chúng ta suy nghĩ mình cũng phải như thế, phải sống cuộc đời như vậy. Người trẻ chạy theo những tiêu chuẩn đó mà để con người thật của mình ngủ quên.
Phức cảm ''underdog'' xảy ra trên hành trình mỗi người khẳng định cái tôi cá nhân. Đây là hành trình chật vật bởi con người còn trẻ, còn ít những trải nghiệm, hiểu biết, cảm thấy xung quanh mình toàn những người xuất chúng tài giỏi. Chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới ấy, cảm giác mình sẽ thua cuộc bất cứ lúc nào.
Khi con người thành công và có những thành tựu nhất định, phức cảm ''underdog'' vẫn có thể xuất hiện. Nó xuất hiện khi chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào bản thân mình. Chúng ta đặt mục tiêu như phải thành công hơn, phải giàu có hơn, xinh đẹp hơn… Và khi không đạt được những điều đó, họ thấy thất vọng với chính mình, ngập tràn những lo lắng, bất an.
Làm gì để vượt qua ?
Phức cảm ''underdog'' là trạng thái tâm lý rất dễ đến trong hành trình sống của mỗi người và cũng không quá khó nếu chúng ta quyết tâm xóa bỏ chúng. Điều mỗi người cần làm trước hết là tin tưởng vào bản thân mình. Chúng ta hãy tin bản thân mình có giá trị của riêng mình và tỏa sáng theo cách khác biệt nhất.
Sống dũng cảm. Sống dũng cảm ở đây là ngừng chạy theo những chuẩn mực mà gia đình, xã hội định sẵn cho chúng ta và quyết tâm theo đuổi điều chúng ta thực sự yêu thích và phù hợp. Sống dũng cảm cũng là lúc ta nhìn vào chính bản thân, dám đối diện và khắc phục những sai lầm, hạn chế của chính mình thay vì trốn tránh và cảm thấy tự ti. Tất cả những điều trên đòi hỏi sự dũng cảm vì buộc ta phải tập thay đổi, thích nghi mỗi ngày.
Cuối cùng, cách vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực này chính là sự biết ơn và trân trọng cuộc sống. Biết ơn vì mỗi ngày chúng ta được thức dậy, được sống. Biết ơn những điều tốt đẹp lẫn những điều không may, vì đó chính là cơ hội để chúng ta sửa sai, để trái tim mình trở nên vững vàng.