share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Sports & Esports SEA Games 32: những dấu ấn đáng nhớ của thể thao Việt Nam


ADVERTISEMENT

Sau 20 ngày thi đấu, có vinh quang cũng không thiếu những giọt nước mắt. Toàn thể các vận động viên (VĐV) cùng thành viên ban huấn luyện đoàn thể thao Việt Nam (ĐTTVN) đã cống hiến hết mình, đồng lòng hướng đến mục tiêu cuối cùng: mang vinh quang về cho thể thao nước nhà. Hãy cùng WOWWEEKEND điểm qua một số huy chương Vàng để lại dấu ấn sâu sắc tại kỳ SEA Games 32 lần này nhé!

Nguyễn Thị Oanh và 2 tấm huy chương Vàng trong 30 phút

VĐV Nguyễn Thị Oanh (1995) của đội điền kinh là thành viên giành được nhiều HCV nhất đoàn. Chị đã xuất sắc dẫn đầu 4 nội dung thi cá nhân bao gồm 1500m, 3000m vượt chướng ngại vật và 10.000m. Đáng chú ý, vì sơ suất trong khâu sắp xếp lịch đấu mà hai nội dung thi 1500m và 3000m vượt chướng ngại vật chỉ cách nhau 20 phút. Nghĩa là sau khi vừa về đích nội dung đầu tiên, Nguyễn Thị Oanh đã phải chuẩn bị và sẵn sàng cho bộ môn thi đấu tiếp theo. Thời gian chị nghỉ ngơi chỉ xấp xỉ 16 phút.

Bất chấp khó khăn về lịch trình cũng như đảm bảo thể lực, Nguyễn Thị Oanh vẫn hoàn thành nội dung 3000m vượt chướng ngại vật đầy ấn tượng và mang về tấm huy chương Vàng thứ 2 chỉ trong vỏn vẹn 30 phút. Chị chia sẻ:

“Sự nghiệt ngã của lịch thi đấu đã trở thành động lực buộc tôi phải thể hiện hết khả năng và bùng nổ cảm xúc khi chiến thắng. Đó mới chính là giá trị quý nhất mà tôi muốn mang về cho thể thao.”

Bóng rổ nữ Việt Nam giành HCV đầu tiên trong lịch sử 

Đánh bại đối thủ Philippines với tỉ số 21-16, đội bóng rổ nữ 3x3 xuất sắc đoạt huy chương Vàng đầu tiên cho bóng rổ Việt Nam tại sân chơi Đông Nam Á. Bốn “bông hồng” Huỳnh Thị Ngoan (1992), Trương Thảo My (2001), Trương Thảo Vy (2001) và Nguyễn Thị Tiểu Duy (2002) đã nhập cuộc đầy hưng phấn và mang đến một màn thi đấu mãn nhãn. Mặc dù đối thủ có thể trạng vượt trội hơn dưới bảng rổ và gây ra không ít khó khăn, nhưng những “cô gái vàng” của đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mang về tấm huy chương Vàng lịch sử. 

Ảnh: Bóng rổ TV

Trong đội hình, Thảo My và Thảo Vy là chị em sinh đôi, sinh sống tại Mỹ và có đóng góp rất lớn trong chiến thắng của đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam trong giải đấu lần này. Vì không quá rành tiếng Việt, chặng đường thi đấu của hai tuyển thủ được người cha – Trương Mẫn – luôn sát cánh, chăm sóc và hỗ trợ. Trương Thảo Vy xúc động chia sẻ sau khi giành chiến thắng:

“Tôi là người Việt Nam, là một cô gái Việt Nam, lớn lên trong một gia đình Việt Nam. Tôi chỉ muốn thi đấu cho Việt Nam và muốn chơi cạnh các cô gái Việt Nam. Ở Mỹ, tôi không có nhiều cơ hội để chơi bóng cùng các cô gái châu Á. Vì vậy thực sự rất tuyệt khi được chơi cho đất nước của mình”.

Ảnh: Bóng rổ TV

Bóng đá nữ bảo toàn HCV SEA Games lần thứ 4 liên tiếp

Đúng như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công chiếc huy chương Vàng SEA Games. Với dàn cầu thủ trẻ tuổi, tuyển nữ Myanmar nhập cuộc sung mãn, liên tục dùng lối chơi áp sát làm khó tuyến phòng ngự của đội ta. Với kinh nghiệm thi đấu của mình, lứa học trò của HLV Mai Đức Chung đã tận dụng lỗ hổng phòng ngự của đội bạn và nhanh chóng mở tỉ số cho Việt Nam.

Kết quả chung cuộc 2-0 với hai pha thành bàn của cầu thủ Huỳnh Như (1991) và Thanh Nhã (2001) đã ấn định chiến thắng cho tuyển nữ Việt Nam. Họ bảo vệ thành công chiếc huy chương Vàng thứ 4 liên tiếp, cũng là huy chương Vàng thứ 8 của đội bóng đá nữ tại đấu trường SEA Games.

Ảnh: Tuấn Hữu

Đội golf Việt Nam và những tài năng trẻ

Ngày 10/5/2023, ĐTTVN đón tin vui khi tuyển thủ trẻ Lê Khánh Hưng (2008) đã mang tấm huy chương Vàng đầu tiên cho môn golf Việt Nam tại SEA Games. Chỉ mới 15 tuổi, Lê Khánh Hưng đã cho thấy bản thân là một tuyển thủ tiềm năng. Sau 3 ngày thi đấu, Hưng đem về chức vô địch nội dung đấu gậy cá nhân với tổng điểm -13. Hưng cũng chính là đương kim vô địch nhỏ tuổi nhất tại Lexus Challenge 2023.

Năm nay, đến với SEA Games 32, đội tuyển golf mang đến đội hình có tuổi trung bình nhỏ nhất giải đấu (16,4 tuổi). Bên cạnh Lê Khánh Hưng là Nguyễn Anh Minh (16 tuổi) – từng vô địch Chung kết Faldo Series châu Á, Lexus Challenge 2022 và đạt HCĐ nội dung cá nhân nam tại SEA Games 32; Đoàn Uy đứng đầu Hệ thống thi đấu trẻ VGA Junior Rour và Đặng Minh đã vô địch quốc gia năm 2020. Có thể thấy được, tương lai của các tuyển thủ trên còn rất dài và cơ hội phát triển, tiến xa vẫn còn rất nhiều.

Ảnh: Lexus Việt Nam

>> Xem thêm: Vietnam Golf Coast đặt mục tiêu tạo dựng Thế hệ Vàng cho Golf Việt Nam

HCV lịch sử sau 26 năm của bóng bàn Việt Nam nội dung đôi nam nữ

Ở nội dung đồng đội nam nữ, sau khi thắng đội tuyển Thái Lan bất ngờ tại bán kết, hai VĐV Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi) tiếp tục xuất sắc đoạt lấy tấm huy chương Vàng tại trận chung kết trước đối thủ Singapore.

Bước vào trận đấu với tâm thế của đội tuyển bị đánh giá thấp hơn, tỉ số 3-1 là thành tích vượt ngoài mong đợi của hai tuyển thủ trẻ, vì bóng bàn chính là thế mạnh của đoàn Singapore. Đây cũng là tấm HCV đắt giá mà đội bóng bàn Việt Nam đã chờ đợi suốt 26 năm kể từ SEA Games 1997.

Ảnh: SportTV Bóng Bàn

Đội tuyển bơi Việt Nam: những kình ngư đầy triển vọng 

Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng là những cái tên sáng giá nhất trong tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 32.

Phạm Thanh Bảo (2001) gây ấn tượng mạnh khi không chỉ giành được huy chương Vàng mà còn phá kỷ lục SEA Games trong hai nội dung 100m và 200m bơi ếch.

Tại nội dung 200m hỗn hợp nam, Trần Hưng Nguyên (2003) đã nhanh chóng bỏ xa những đối thủ còn lại từ vòng bơi đầu tiên và về đích với thành tích 2:01:28. Chưa dừng lại ở đó, tuyển thủ 20 tuổi tiếp tục giành HCV nội dung 4x200m bơi tiếp sức và nội dung 400m bơi hỗn hợp nam, chính thức hoàn thành cú hat-trick HCV tại SEA Games 32.

VĐV Nguyễn Huy Hoàng (2000) cũng khép lại SEA Games 32 với 3 huy chương Vàng và 1 huy chương Đồng. Anh vô địch nội dung bơi 400m tự do nam. Tuy nhiên, do BTC xếp chung kết 200m bơi bướm sau đó chỉ 10 phút, phần nào ảnh hưởng đến việc hồi phục, Hoàng về đích thứ 4, đoạt huy chương Đồng. Ngoài ra, tại nội dung 4x200m bơi tiếp sức và 1500m tự do Hoàng đều mang về HCV.

Ảnh: Phạm Kiên

Có thể dễ dàng thấy được, các tuyển thủ trẻ đang từng bước cố gắng và thể hiện bản lĩnh trên sàn đấu thể thao. Chẳng hạn như Nguyễn Thuý Hiền của đoàn bơi, chỉ mới 14 tuổi đã đạt HCĐ nội dung 100m tự do nữ, Nguyễn Trần San San (16 tuổi) của đoàn lặn đạt HCV 400m vòi hơi chân vịt, Trần Thị Nhi Yến (18 tuổi) đạt HCB chạy 200m, Đặng Ngọc Xuân Thiện (2002) và Nguyễn Văn Khánh Phong (2002) của đoàn thể dục dụng cụ, võ sĩ Dương Thanh Thanh (19 tuổi) đạt HCV Judo, v.v. “Tài không đợi tuổi” – lứa vận động viên trẻ đã và đang ghi dấu trên đấu trường thể thao với những thành tích đáng tự hào. Nếu được quan tâm, hướng dẫn và đầu tư hợp lý, những vận động viên này chắc chắn sẽ làm rạng danh thể thao nước nhà.

Thể thao không chỉ gói trọn trong những tấm huy chương. Phía sau những ‘thành tích, kỳ tích’ chính là ngọn lửa đam mê, quyết tâm chinh phục đích đến, cũng là mồ hôi, nước mắt, thất bại, những chấn thương trong quá trình luyện tập và những người thầy thầm lặng phía sau khán đài. Qua mỗi kỳ SEA Games, chúng ta sẽ được nhìn thấy thành quả của những ngày khổ luyện cùng tinh thần chiến đấu bất khuất của các vận động viên.

Chúc mừng đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu và mang về những thành tích đáng tự hào.


ADVERTISEMENT