share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Architecture Saigon Salon - Nơi lưu cất dòng chảy văn hóa, nghệ thuật đương đại


ADVERTISEMENT

Đôi nét về Saigon Salon

Với những ai quan tâm đến các hoạt động văn hóa, lịch sử thì có lẽ Saigon Salon không phải là cái tên xa lạ. Biết đến không gian đặc biệt này qua sự kiện Du Ký Họa Kiếng, nhưng phải đến khi tham gia buổi nói chuyện về Petrus Ký – Sử gia Việt Nam hiện đại, thì tôi mới được dịp mục sở thị. Mang đậm dấu ấn kiến trúc Đông Dương, có thể dễ dàng nhận ra nơi đây rất được chủ nhân trân trọng, chăm chút. Gạch bông sạch sẽ và bảo quản tốt, những bức tranh mang hơi hướm cổ điển được lau chùi cẩn thận, đồ cổ trưng bày xen kẽ giữa những bộ bàn ghế mây tre.

Một góc Saigon Salon 

Saigon Salon, biệt thự 6D Ngô Thời Nhiệm, được xây dựng khoảng những năm 1940 đến 1950 cả khu biệt thự cổ trở thành nơi ở của quan chức làm việc cho Đại sứ quán đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam. Tòa biệt thự từng được sử dụng làm quán cà phê, nhưng giờ là nơi trao đổi văn hóa, lịch sử. Đây được chia làm hai không gian sử dụng chính, dưới lầu nơi buổi talkshow diễn ra là không gian di sản và nghệ thuật đương đại, trên lầu là nơi trưng bày và lưu giữ tranh ảnh đậm cái tôi của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam trong những năm 70 – 80. Biệt thự được mở cửa cho mọi người tham quan như một bảo tàng cũng như thư viện sách quý cho học sinh, sinh viên ra vào tham khảo. Ngoài ra, Salon thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện về văn hóa, lịch sử nghệ thuật. Tiêu biểu như các chủ đề nói về lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn, về hát bội, cải lương của Phan Đắc Huy, hay những buổi ca nhạc về đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc cho khách nước ngoài. Ở đây còn lưu giữ những bức tranh xưa, thước phim, tư liệu, chủ nhân nơi này tin rằng ngoài những những bức tường và tòa nhà thành phố thì con người mới là cái hồn thực sự của một vùng đất.

Mang theo gửi gắm của chủ nhân, tòa nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc ẩn mình dưới những tán cây cao, lặng lẽ tiếp tục sứ mạng lưu giữ văn hóa nghệ thuật của mình.

Về Petrus Ký – Sử gia Việt Nam hiện đại

Ánh đèn vàng đượm và trầm lắng, có cảm tưởng như thời gian được ngưng tụ, người nghe chìm vào những lời say sưa của diễn giả để hiểu hơn về Petrus Trương Vĩnh Ký. Bằng nhiều năm dày công nghiên cứu, diễn giả Trần Hữu Phúc Tiến đã chia sẻ cùng bạn nghe nhiều thông tin bổ ích và thú vị về nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Bên cạnh là người thổi hồn Việt vào chữ quốc ngữ hiện nay, ông Ký còn là một sử gia hiện đại, người đầu tiên phổ cập lịch sử đất nước đến toàn dân trong thời đại dân ta toàn học thi sử Tàu. 

Petrus Ký  - Sử gia Việt Nam hiện đại 

Bên cạnh những thông tin và nhận định chuyên sâu về Trương Vĩnh Ký, diễn giả còn cung cấp nhiều thông tin ngoài lề thú vị để dẫn dắt câu chuyện. Ví dụ như, tìm hiểu lịch sử của một quốc gia không chỉ là những sự kiện gắn với các mốc thời gian khô cằn mà còn cần phải tìm hiểu về tự nhiên, con người, kinh tế quốc gia ấy,… Tôi được biết thêm những địa danh cũ của Sài Gòn, về tâm tính con người nơi đây cũng nhưng thế gọng kìm như vận mệnh khó tránh của lịch sử đất nước. Qua đó tôi có thêm cái nhìn đa chiều về quá khứ, cái cảm về tâm tư tiền nhân. Có vậy mới biết, tìm tòi lịch sử không phải để phân công định tội, cự cãi đúng sai, mà để thấy mình hiểu hơn qua những bài học của tiền nhân. Tìm tòi lịch sử không phải để phô trương kiến thức mà để hiểu hơn bối cảnh, con người đất nước ta thuở ấy và thêm mến yêu mảnh quê hương xứ sở này.

Cuốn sử quý về lịch sử Việt Nam được Trương Vĩnh Ký biên soạn bằng tiếng Pháp

Giống như diễn giả đã nói: "Người đã yêu thích lịch sử thì không thể không thích những kiến trúc xưa cũ ". Giữa không gian đượm hơi thở lịch sử, người ta lại nói về lịch sử, vén bức màn quá khứ, khơi gợi lại những tình tiết ẩn chứa năm xưa. Đâu đó, là một trải nghiệm thi vị ở đời.

Đôi chút tâm tư

Người đến nghe, ngoài những cựu học sinh năm nào của trường Petrus Ký, gương mặt quen thuộc trong giới nghiên cứu lịch sử - cô Bùi Trân Phượng, còn có những bạn sinh viên rất trẻ. Tôi chợt thấy ấm lòng, bên cạnh những thông tin tiêu cực về thực trạng học thi sử ngày ngày, thì thực tế cho thấy giới trẻ vẫn còn lòng với lịch sử dân tộc. Vấn đề chẳng qua là ở cách truyền tải mà thôi.

Buổi trao đổi thân tình 

Được biết sắp tới, Salon Saigon và nhóm Đại Nam Hội Quán sẽ tổ chức chương trình “Nói về Tết Miền Nam” trong khuôn khổ một buổi tiệc tất niên ấm cúng, với mong muốn truyền tải những câu chuyện về ngày tết xưa, về bầu không khí ấm cúng của những gia đình người Việt. Từ đó người tham gia sẽ có một hình dung rõ ràng hơn về sự khác biệt của Tết ở Miền Nam so với những nơi khác, đặt biệt là bước biến chuyển từ một cái Tết truyền thống sang một cái Tết hiện đại như ngày nay như thế nào, sự mất dần của chùm pháo, dĩa ngũ quả xưa,… Với mong muốn giải thích phần nào khúc mắc về văn hóa, phong tục xưa, chương trình ắt hẳn sẽ là một bữa tiệc tất niên thú vị.

Diễn giả chụp hình kỷ niệm cùng bạn nghe

Nhìn lại các hoạt động được thường xuyên, Salon Saigon như gửi gắm 1 thông điệp là lịch sử không phải là một môn học nhàm chán, học lịch sử không phải chỉ học trên trường mà còn tìm hiểu qua các buổi tọa đàm, buổi workshop. Từ đó, có thể giúp người trẻ Việt Nam thấy được cái đẹp cổ truyền qua trăm ngàn năm, là rằng những thứ tưởng như hủ tục thật ra là tinh hoa được đúc kết từ xa xưa. Yêu quê hương xứ sở bắt đầu từ lòng trân trọng từng phong tục tập quán nhỏ nhặt như vậy, chứ cần chi đâu xa vời.

Địa chỉ:
6D Ngô Thời Nhiệm, phường 7, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Mở cửa hàng tuần vào thứ Ba, từ 9:00 sáng đến 18:00 tối
từ thứ Tư đến thứ Bảy sẽ được xếp trên lịch hẹn.
Hotline:
028 3933 3242

 


ADVERTISEMENT