Hospitality Business News Sofitel Legend Metropole Hanoi lọt top những khách sạn di sản của châu Á
Ngành công nghiệp lưu trú đã có lịch sử hình thành kể từ thời điểm khái niệm du lịch ra đời. Điều thú vị là trên thế giới, vẫn còn rất nhiều những khách sạn resort được xây dựng từ cách đây cả thế kỷ. Vượt qua nhiều biến động lịch sử và xu thế nghỉ dưỡng của các thế hệ khách du lịch, những công trình còn tồn tại đến ngày nay đã trở thành minh chứng cho sức hấp dẫn của địa danh và là “huyền thoại” mang ý nghĩa lịch sử văn hoá sâu rộng.
Mới đây, Travel and Leisure Asia vừa đưa ra danh sách thú vị về những khách sạn resort có tuổi đời lớn nhất ở châu Á. Đây đều là các công trình mang tính biểu tượng, mang đậm dấu ấn lịch sử, và là hiện thân sống động của du lịch hạng sang cả trong quá khứ lẫn thời hiện đại.
Ảnh: Mandarin Oriental Bangkok
Các công trình trong danh sách này đều có “tuổi thọ” trên 100 năm, và vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay với tư cách là những khách sạn xa xỉ bậc nhất châu Á. Mỗi công trình này chứa đựng những câu chuyện lịch sử ấn tượng, và trải qua những cuộc trùng tu lớn để thích ứng với bối cảnh du lịch đương đại.
Mandarin Oriental Bangkok - khách sạn xa xỉ đầu tiên mở cửa ở Bangkok (năm 1876) ngay bờ sông Chao Phraya (Ảnh: Mandarin Oriental Bangkok)
Eastern & Oriental Hotel (Penang, Malaysia) - khách sạn đầu tiên trong số nhiều khách sạn danh tiếng của anh em gia tộc Sarkies được xây dựng vào năm 1885 (Ảnh: Eastern & Oriental Hotel)
Raffles Singapore - mở cửa vào năm 1887 và đến giờ vẫn là biểu tượng xa xỉ của quốc gia này (Ảnh: Raffles Singapore)
Một số khách sạn trong danh sách này ra đời vào đầu thế kỷ 20, giai đoạn thập kỷ Gào thét. Vì thế, kiến trúc của những công trình này vẫn mang dấu ấn thuộc địa nhưng pha trộn với ảnh hưởng văn hóa đương thời.
Đặc biệt, Sofitel Legend Metropole Hanoi khởi đầu thời kỳ huy hoàng của ngành khách sạn thế kỷ 20 vào năm 1901. “Chứng nhân lịch sử” có kiến trúc thuộc địa này từ lâu đã đón tiếp nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới, trải qua hai cuộc chiến tranh và mang trong mình nhiều câu chuyện “huyền thoại” xứng đáng kể trong sách. (Ảnh: Sofitel Legend Metropole Hanoi)
Sau đó, vào năm 1923, Railway Hotel (giờ là Centara Grand Beach Resort) ra mắt ở Phuket, đánh dấu sự xuất hiện của một trong những resort ven biển đầu tiên ở châu Á với kiến trúc đặc trưng Thái Lan (Ảnh: Centara Grand Beach Resort)
Ra đời vào năm 1928, Peninsula Hong Kong nổi tiếng với những chiếc xe Roll-Royces xanh cổ điển và bữa tiệc trà chiều lộng lẫy (Ảnh: Peninsula Hong Kong)
Sau đó một năm, Raffles Hotel Le Royal cũng mở cửa ở Phnom Penh với kiến trúc Art Deco độc đáo. Đây là nơi đã đón tiếp nhiều nhân vật quan trọng như thành viên hoàng tộc và giới văn nghệ sĩ.
Những khách sạn còn lại đều là những công trình “cao tuổi”, và vẫn được sử dụng với mục đích dịch vụ lưu trú.
Amangalla (Sri Lanka) là một ví dụ điển hình và tính tiếp nối của sự xa hoa. Khách sạn sang trọng mang thương hiệu Aman này là công trình có tuổi đời lên tới 340 năm, và biến thành khách sạn vào năm 1860 (Ảnh: Amangalla)
Hiiragiya Kyoto cũng đã tồn tại 200 năm và được biết đến với phong cách phục vụ khách sạn truyền thống kiểu Nhật Bản (Ảnh: Hiiragiya Kyoto)
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có Nishimuraya Honkan, mọt khách sạn Onsen 165 tuổi giờ vẫn đón tiếp du khách bởi thế hệ thứ bảy trong gia tộc này.