share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Tết Việt trong mắt nước bạn - Thú vị đến kỳ lạ


ADVERTISEMENT

Tết Việt Nam là một kỳ nghỉ lạ lùng

Khoảng trước khi đón năm mới 1 tuần, người dân sẽ đổ ra đường để đi mua sắm đồ đạc chuẩn bị đón năm mới. Vào những ngày này, tại các chợ hoa xuân hay dọc các ven đường người ta thường bán những loại cây cảnh để chơi Tết như đào, quất, mai và các loại hoa với đủ sắc màu.

Theo lời kể của những người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam, Tết Việt là một điều gì đó rất đặc biệt đối với họ. Hình ảnh người Việt về quê ăn Tết những ngày cuối năm đã tạo nên một bức tranh đẹp trong mắt người nước ngoài. Người Việt Nam có xu hướng quây quần bên gia đình, người thân trong những dịp Lễ, Tết. Chính vì vậy, người Việt Nam dù có bận đến đâu hay dù trễ vì bất cứ lí do gì, họ cũng sẽ cố gắng để về đón Tết cùng gia đình.

Bắt đầu từ ngày 29 Âm lịch, người Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu kỳ nghỉ lễ. Vào những ngày cuối năm, sau khi đã dọn dẹp, trang trí nhà cửa xong, người dân thường sẽ tắm ''tẩy trần'' bằng nước lá thơm với ý nghĩa xua đuổi những xui xẻo, những điều không hay trong năm cũ để đón một năm mới.

Đêm giao thừa cũng là khoảnh khắc rất đặc biệt trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Thời khắc pháo hoa được bắn lên cũng là lúc năm cũ qua đi, năm mới lại đến. Khác với nước bạn, người dân vẫn đổ ra đường buôn bán trong những ngày đầu năm mới thì ở Việt Nam, Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả bận rộn. Chính vì thế, trong những ngày đầu năm mới, người dân thường tận dụng hết khoảng thời gian này để ở bên gia đình, bạn bè, người thân.

Cùng điểm qua một vài câu chuyện thú vị về trải nghiệm ''đón Tết ở Việt Nam'' của những người bạn ngoại quốc nhé:

  • ''Tôi thấy khá bất ngờ khi đường phố Hà Nội vắng te, ở nước chúng tôi không có Tết. Chỉ có 2 dịp lớn nhất là lễ Giáng Sinh và năm mới nhưng thường chỉ diễn ra vài ngày thôi và người dân vẫn làm việc và sinh hoạt như bình thường. Còn ở Việt Nam thì những ngày này các hàng quán đóng cửa hết. Năm đầu tiên tôi đón Tết ở Việt Nam đúng nghĩa với ''chết đói'' thì tôi đã hiểu vì sao người Việt Nam thường tích trữ nhiều đồ ăn trong nhà vào những ngày này'' - anh Gijs Voogt, quốc tịch Bồ Đào Nha chia sẻ.
  • ''Tôi thật sự thấy ấn tượng với khung cảnh người Việt đổ xô về quê ăn Tết. Ở Nhật Bản chúng tôi thường có xu hướng đổ về các thành phố lớn để sinh sống và làm việc, chính vì thế người dân Nhật Bản thường không ở gần với ông bà, cha mẹ.'' - Ông Tetsuya Osafune, người Nhật Bản chia sẻ.
  • Và theo như Andrew - Người có quốc tịch Scotland - đã sinh sống ở Việt Nam 2 năm thì ''Tôi đã được đón Tết cùng với gia đình của bạn mình là người Việt Nam. Chúng tôi đã cùng nhau ăn tất niên và đếm ngược đón giao thừa. Đó cũng là một điểm chung với quê hương Scotland của tôi. Tuy nhiên tôi thấy người Việt uống nhiều rượu và trong nhiều ngày liên tục. Bạn tôi còn bị say và khiến người nhà phải chăm sóc rất mệt mỏi. Mà những ngày vui như thế này thì rất khó để từ chối những ly rượu của người thân, bạn bè, đồng nghiệp…''

Mâm cơm ngày Tết sum vầy đặc sắc, bắt mắt

Tiếp tục là câu chuyện của những người nước ngoài đón Tết Việt Nam. Đối với họ, những món ăn trong ngày Tết cổ truyền vô cùng phong phú. Từ bánh chưng, bánh tét, nem rán, thịt đông hay những món ngọt như mứt, bánh kẹo đều trở nên mới lạ.

Đối với người nước ngoài, ẩm thực Việt Nam đã vô cùng phong phú thì trong những ngày Tết, ngoài mâm ngũ quả được bày trên bàn thờ, người Việt Nam còn có những món ăn đặc biệt mà chỉ xuất hiện trong những ngày Tết cổ truyền.

Phong tục lì xì lạ lùng

Điều khiến những người nước ngoài ấn tượng với Tết Việt Nam đó là những phong bao lì xì. Đây là phong tục mà ở nước họ không hề có. Hình ảnh những đứa trẻ xếp hàng nhận tiền lì xì hay những người con, người cháu gửi đến cha mẹ, ông bà lời chúc năm mới đầy ý nghĩa.

Theo như chia sẻ của một vài người bạn nước ngoài thì ''phong tục lì xì ở Việt Nam khá lạ và họ rất thích phong tục này''. ''Với tôi, lì xì có lẽ là nét nổi bật nhất trong Tết cổ truyền Việt Nam, vì theo tôi biết, lì xì được coi như một điều may mắn người tặng muốn gửi tới người nhận. Người lớn lì xì con trẻ để con trẻ chăm ngoan, khoẻ mạnh, nghe lời. Lì xì người lớn tuổi để họ sống lâu cùng con cháu, lì xì bạn bè để chúc nhau một năm thành công. Tết năm nay tôi cũng đã chuẩn bị lì xì để tặng cho bạn bè mình ở Việt Nam rồi'' - chị Miyu - người Nhật Bản vui vẻ nói.

Ở nước họ, năm mới họ chỉ được tặng quà vào các dịp lễ. Đối với một số nước, việc tặng quà bằng tiền mặt khá là kỳ cục vì nó không thể hiện được ý nghĩa của món quà. Nhưng tại Việt Nam, lì xì lại là món quà tinh thần không thể thiếu mỗi khi Tết đến.

Đi xông đất và chùa cầu may đầu năm

Xông đất - một khái niệm quá quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại rất lạ lẫm với người nước ngoài. Xông đất hay còn gọi là đạp đất, xông nhà là tục lệ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam, ngày mồng 1 Tết là ngày khá quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn đến khác ngày còn lại. Người Việt Nam quan niệm nếu ngày mồng 1 đầu năm mọi chuyện suôn sẻ thì cả năm sẽ được an lành, gia chủ gặp nhiều may mắn.

Theo sự chia sẻ khá thú vị từ võ sư Oliver - Trưởng môn phái Sơn Long quyền thuật thì ''Tôi rất vui được thấy không khí Tết qua từng việc chuẩn bị như cắm hoa đào, cùng gia đình làm những món ăn Việt Nam, đặc biệt là được gặp bạn bè, hàng xóm cùng nhau uống trà, ăn mứt Tết…''

Không chỉ Việt Nam, một số nước ở khu vực châu Á cũng có phong tục đi chùa cầu may trong những ngày đầu năm. Tại Việt Nam, người dân đi chùa không chỉ là cầu may, cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình mà đây còn là dịp để người dân đi du xuân, gặp gỡ bạn bè, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Theo chia sẻ của anh Caleb Bierton, người Úc thì ''Tôi đến đất nước này và tôi thấy cái Tết nguyên đán thật sự đặc biệt và đáng yêu. Tôi ấn tượng đặc biệt với Tết Việt Nam bởi trước thời điểm quan trọng, ai ai cũng có ý thức dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa và mặc quần áo mới. Người Việt Nam tin rằng những ngày đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp, an lành sẽ tới. Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.''

Phong tục kiêng kỵ ngày Tết

Không cho lửa đầu năm, không cãi nhau bất hòa hay không xuất hành ngày mồng năm… là một trong những điều kiêng kỵ mà bất cứ người Việt Nam nào đều nắm rõ. Nhưng đối với người nước ngoài thì khá là mới lạ, thậm chí có chút ''hơi rắc rối''.

Theo như chị Julie Ginsberg chia sẻ thì: ''Tôi ở Việt Nam đã 2 năm và đã ''ăn'' 1 cái Tết ở đây. Tôi cảm thấy Việt Nam có khá nhiều nguyên tắc trong những ngày Tết ví dụ như họ tránh cãi nhau, bất hòa , tránh làm vỡ đồ đạc hay tránh quét nhà, đổ rác… Tôi có hỏi bạn mình thì người bạn đó giải thích là: Người Việt tránh làm những điều đó để hi vọng có một năm mới tràn ngập niềm vui, mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió hay để xua đuổi những điều xui xẻo… Tôi thấy phong tục này khá là hay và thú vị.''

Có thể nói Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ là khoảng thời gian cực kỳ ý nghĩa với những người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất chữ S mà còn là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt với những người bạn ngoại quốc. 


ADVERTISEMENT