share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner The Grand Budapest Hotel: dù ở đâu, tình yêu vẫn sẽ luôn tồn tại


ADVERTISEMENT

Một mùa hè ấm áp lại tới trên đất nước Zubrowka, những căn phòng đầy màu sắc tại khách sạn Budapest vẫn ồn ào và náo nhiệt như mọi khi. Ẩn sau sự rực rỡ và hài hước của The Grand Budapest Hotel là một lời tri ân từ đạo diễn Wes Anderson đến di sản văn học của nhà văn người Áo Stefan Zweig – người luôn hướng đến một thế giới hòa bình và tươi đẹp như thế.

Dạo quanh một hiệu sách trên đường phố Paris hoa lệ, Wes Anderson tìm thấy quyển sách mang tên “Beware of Pity” được viết bởi nhà văn Stefan Zweig. Một cuộc gặp mặt xuyên thời gian giữa hai cá thể nghệ thuật đã diễn ra, đạo diễn Anderson quyết định nghiền ngẫm về nhà văn người Áo: những tác phẩm, và cả cuộc đời của ông. Để rồi vào năm 2014, dòng chữ “bộ phim được lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn Stefan Zweig” xuất hiện tại danh đề của The Grand Budapest Hotel.

The Grand Budapest Hotel: lời tri ân hòa bình

The Grand Budapest Hotel có tựa Việt là “Khách sạn đế vương”, kể về chuyến phiêu lưu của ông chủ khách sạn Gustave H. (Ralph Fiennes) cùng cậu giúp việc Zero Moustafa (Tony Revolori) thoát khỏi những phiền phức pháp lý với gia đình phu nhân Céline Villeneuve Desgoffe (Bà D) – người khách quen của khách sạn. Xuyên suốt bộ phim là những tình huống oái ăm thử thách nhân vật chính tạo nên những chi tiết dở khóc dở cười. Và ẩn sâu trong những chi tiết ấy, ta thấy được khát vọng về một thế giới hòa bình của đạo diễn Anderson và cả nhà văn Zweig.

Nhân vật Gustave H. do diễn viên Ralph Fiennes thủ vai

Wes Anderson bao trọn trong cả một bộ phim bằng dấu ấn của Stefan Zweig. Cách mở đầu bằng thủ pháp “truyện lồng trong truyện” - nét độc đáo trong những tập tiểu thuyết của nhà văn người Áo cũng là cách Wes Anderson dẫn người xem vào thế giới của The Grand Budapest Hotel.

“Đó là một tàn tích tuyết đẹp, nhưng có vẻ tôi sẽ không bao giờ được thấy nó nữa.”

– Nhà Văn Trẻ, The Grand Budapest Hotel –

Sự tương đồng về vẻ bề ngoài của nhân vật chính: Gustave H. và nhà văn Zweig được người xem dễ dàng nhận ra. Điều đó cũng tương tự với tính cách và tư tưởng của cả hai. 

Nhà văn Stefan Zweigh (bên trái) và tạo hình nhân vật Gustave của Ralph Fiennes (bên phải)

The Grand Budapest là nơi ông Gustave chào đón tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, sắc tộc, vẻ bề ngoài hay màu da. Theo lời kể của Zero, Gustave có thể là một người thực dụng khi chỉ chiều lòng khách hàng vì danh tiếng của khách sạn. Nhưng xuyên suốt bộ phim, người xem có thể thấy sự chào đón nồng nhiệt ấy không chỉ xuất hiện một cách hình thức, ông tiếp đón và tạo ra một không gian bình đẳng cho tất cả nhân vật trong phim bằng sự cởi mở, tôn trọng và yêu thương. Có thể ví khách sạn The Grand Budapest chính là xã hội lý tưởng mà chúng ta hằng mơ ước, một nơi tồn tại sự bình đẳng và yêu thương. 

Nhưng rồi chiến tranh lại trở thành điều khó tránh khỏi…

Khi khốn khó, tình yêu thương lại càng trở nên nổi bật

Chiến tranh được đề cập trong bộ phim tuy không quá chi tiết, nhưng là một sự kiện quy định bối cảnh của toàn bộ câu chuyện, cũng là một cách để làm nổi bật hình tượng của nhân vật Gustave. Có lẽ dù ở Áo hay Mỹ, nhà văn Stefan Zweig và đạo diễn Wes Anderson đều nhất trí với ý tưởng: chỉ trong chiến tranh, sự thiện lương của con người mới được bộc lộ rõ nhất. Hai mặt đối lập giữa chiến tranh và tình yêu thương được Wes Anderson cẩn thận đặt bên dưới chuyến phiêu lưu hài hước tưởng chừng như đơn giản này.

“Thô lỗ là một cách biểu đạt của nỗi sợ hãi, con người sợ hãi vì họ không đạt được thứ mình muốn. Kể cả kẻ xấu xa và khó ưa nhất cũng cần được yêu thương. Và như thế, họ sẽ nở rộ như những bông hoa.”

– Gustave H., The Grand Budapest Hotel –

Đi theo chân Gustave là cậu người hầu Zero Moustafa, người xem không rõ xuất thân của cậu, nhưng biết được cậu là một người lanh lợi, biết nghĩ tới người khác và có hòa điệu với người chủ đáng kính của mình. 

Sự lanh lợi và quan tâm đến thế giới xung quanh minh chứng rằng cậu là hạt giống của tình yêu thương, tựa như quý ngài Gustave vậy. Nhưng khác với chủ nhân của mình, tình yêu của Zero lại chỉ hướng về một người duy nhất: chính là cô thợ bánh Agatha. Một tình yêu đôi lứa kiểu mẫu được xây dựng và phát triển, cả hai đồng điệu về cả vật chất và tinh thần. Nhưng tình yêu mang đậm tính cá nhân ấy cũng là một phần của tình yêu thương tập thể. Vì thế, trong phim đã có một sự liên kết rất chặt chẽ giữa đôi trẻ cùng nhân vật Gustave. Một tình yêu thầm kín riêng tư và một tình yêu cao cả, vĩ đại.

Đậm hơi thở cá nhân

Bộ phim mang đậm cá tính của Wes Anderson, bố cục căn giữa khung hình được sử dụng như một lời bộc bạch của nhân vật nhưng cũng đầy tính châm biếm. Cùng với đó, cách kể chuyện theo lối tiểu thuyết cũng không phải ngoại lệ. Bộ phim trở thành một trong những phim được mổ xẻ nhiều về mặt màu sắc khi không gian của các cảnh quay đều mang tông màu pastel với những cách phối màu ấn tượng, thể hiện sự tương phản hoặc đồng nhất.

Yếu tố gây cười của những bộ phim do Wes Anderson chỉ đạo thường không chỉ nằm trong những câu thoại. Chuyển động máy cũng là đường dẫn đến những tình huống hài hước của các nhân vật, tạo nên sự tương phản trong lời nói và hành động của họ hay của hai tuyến hành động nhân vật khác nhau. 

Wes Anderson như đã tinh tế đoán được dụng ý của nhà văn người Áo Stefan Zweig trong thủ pháp lồng truyện. Ông cất câu chuyện của The Grand Budapest Hotel sau hai lớp bộc bạch không dài để vùi lấp đi, nhưng để ta thấy được rằng: dù ở đâu đi chăng nữa, sẽ luôn có một khách sạn Grand Budapest, nơi tràn ngập tiếng cười, yêu thương và bình đẳng luôn chào đón bạn.


ADVERTISEMENT