share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Tràng An, Bái Đính - Nơi hội tụ tinh hoa của đất trời


ADVERTISEMENT

''Cùng em về với Ninh Bình

Tràng An sơn thủy hữu tình làm sao

Hoa Lư thành cũ năm nào

Vua Đinh còn đó, áo bào còn đây

Cùng lên Bái Đính chắp tay

Tiếng chuông chùa vọng theo mây về trời''.

Tôi vốn đã đứng ngồi không yên khi những hình ảnh ''đáy nước in trời'', những chùa chiền thanh tịch nhuốm màu thời gian ở Ninh Bình mỗi ngày lại hiện ra trước mắt khi vô tình đọc báo hay xem Facebook bạn bè. Nay những vần thơ đầy tình cảm của tác giả Tuân Nguyễn lại là một cái cớ nữa để tôi quyết định đi một chuyến về Ninh Bình – nơi hội tụ của tinh hoa đất trời!

Ninh Bình, vùng đất cố đô xinh đẹp hữu tình

Lần này, người bạn đồng hành với tôi chính là mẹ. Mẹ cũng nhiều lần nhắc đến mong muốn một lần được đến chơi ở vùng đất cố đô Ninh Bình. Vì thế, tôi quyết định đặt vé và ép mẹ vào thế ''đã rồi''. Rời căn bếp, đàn cháu nhỏ, mẹ hơi cằn nhằn chút rằng ''phải để cho mẹ chuẩn bị trước'', thế nhưng tôi nhìn thấy trong mắt mẹ, niềm vui hiện lên rất rõ! Vậy là hai mẹ con thẳng tiến về Ninh Bình.

Anh tài xế taxi đưa chúng tôi về khách sạn thân thiện giới thiệu nơi ăn ngon và vẽ ra cả lịch trình thuận tiện cho hai vị khách phương xa. Thấy anh nhiệt tình nên tôi đặt luôn anh dịch vụ di chuyển đến các điểm tham quan trong những ngày lưu lại đây. Vậy là khỏi lo về việc đi bằng gì và ăn ở đâu, vì đã có ''thổ địa'' dẫn đường!

''Ngày xuân đi vãn cảnh chùa

Ghé vào Bái Đính, trời vừa tan sương''

(tác giả Lê Ba)

Mái chùa cong cong, một hình ảnh thân thuộc của mỗi người con đất Việt

Sáng hôm sau, theo đúng hẹn, tài xế đến đón hai mẹ con đi chùa Bái Đính. Cảm xúc đầu tiên của tôi khi chùa Bái Đính hiện ra trước mắt chính xác là ''mắt chữ O mồm chữ A'' vì độ hoành tráng của quần thể chùa và ngẩn ngơ trước khung cảnh đẹp như trong những bộ phim cổ trang mà tôi đã từng xem.

Chùa Bái Đính nằm trên dãy núi Tràng An vốn có lịch sử hơn 1000 năm. Theo tôi tìm hiểu, ''Bái'' có nghĩa là lễ bái, còn ''Đính'' nghĩa là đỉnh. Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Phật thánh ở trên cao. Quần thể chùa Bái Đính tọa lạc trên sườn núi, nằm ẩn mình giữa núi rừng xanh, được quy hoạch và xây dựng theo một tổng thể thống nhất theo kiến trúc phương Đông, tạo nên sự đồ sộ khiến bất kỳ vị khách nào ghé thăm cũng phải trầm trồ.

Bức tranh sơn thủy hữu tình ở quần thể chùa Bái Đính

Quần thể chùa Bái Đính bao gồm khu Bái Đính cổ tự và Bái Đính tân tự (chùa Bái Đính mới xây dựng sau này). Bái Đính cổ tự nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m. Bái Đính tân tự là khu chùa mới xây từ năm 2003 nổi tiếng khắp trong và ngoài nước bởi quy mô hoành tráng, thu hút đông đảo du khách về tham quan. Chùa được xây dựng theo thế tiền thủy hậu sơn, phía trước là sông hồ mênh mông, lưng tựa núi, tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình vô cùng đẹp mắt.

Bình yên bên gác chuông chùa

Từ cổng vào, chúng tôi bắt đầu hành trình chiêm bái chùa Bái Đính theo chỉ dẫn. Điều gây ấn tượng với không chỉ riêng tôi mà bất cứ vị khách nào tới tham quan ngoài sự quy mô của quần thể chùa, còn là 500 pho tượng các vị La Hán đặt dọc hai hành lang dẫn từ Tam Quan lên Tam Thế Điện. Mỗi tượng bộc lộ một hình dáng, thần thái khác nhau thể hiện triết lý đạo giáo với những hỉ, nộ, ái, ố trong đời sống thường nhật của con người. Dưới mỗi bức tượng đều có tên của vị La Hán để mọi người được biết. Nhắc đến hành lang này tôi lại thấy mình tuy còn trẻ nhưng thua xa mẹ về khoản đi bộ, leo cầu thang. Suốt chiều dài hành lang từ lúc vào cho tới khi ra khỏi chùa khoảng gần 2km, tôi luôn là người phải đề nghị dừng chân nghỉ mệt nhiều lần. 

Hành lang La Hán Phật ở chùa Bái Đính được công nhận là hành lang La Hán dài nhất Đông Nam Á

Hành lang La Hán Phật cũng dẫn chúng tôi đến với gác chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, Điện Đức Phật Tổ, khu tháp chuông cao 3 tầng, có hình bát giác nơi treo quả chuông đồng lớn nhất Việt Nam. Nhưng hoành tráng nhất phải là Điện Tam Thế, công trình Phật pháp lớn nhất ở Bái Đính tọa lạc trên vùng cao nhất của khu.

Trong tất cả các công trình ở chùa Bái Đính, tôi ấn tượng với tòa Bảo Tháp cao 100m nhất. Đây chính là nơi trưng bày xá lợi Phật từ Ấn Độ và cũng là nơi có thể ngắm trọn vẹn quần thể chùa Bái Đính từ trên cao. Từ trên cao nhìn xuống, trong bảng lảng sương tan, chùa Bái Đính hiện ra như thực như mơ, huyền diệu khắp không gian. Những mái chùa cong cong màu nâu sẫm, tiếng chuông ngân vang, tiếng kinh kệ, mùi của núi rừng, mùi của nhang thơm… tất cả như hòa nguyện vào nhau tạo nên một vẻ đẹp bình yên khiến người ta cảm thấy tĩnh tâm lại sau những xô bồ của cuộc mưu sinh. Riêng tôi, lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi có thể cùng mẹ đến nơi này, thấy an yên và tràn ngập yêu thương!

Một góc chùa Bái Đính mờ ảo trong sương

Thả hồn theo nắng Tràng An

Mái chèo gõ nhịp mênh mang dưới trời

– (Tác giả: Thầy Giáo Già)

Tôi yêu Ninh Bình chính từ những hình ảnh về Tràng An dù chưa một lần đặt chân tới nơi này. Đến khi thực sự đứng trước Tràng An càng có thể khẳng định tình yêu ấy lớn hơn tôi tưởng. Tuyệt Mỹ! Mỹ Miều!... Không có một ngôn từ nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp của Tràng An. Và mỗi góc nhìn, mỗi tâm trạng lại cho ta những cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp ngất ngây ấy. Dường như mọi vẻ đẹp hữu tình của vùng đất cố đô đều hội tụ về đây khiến nơi này trở thành niềm thương nhớ của những ai đã từng đặt chân tới đây.

Tràng An khiến người ta say mê đến độ chẳng muốn kết thúc hành trình

Tôi và mẹ đến Tràng An khi trời ngả về chiều. Nếu ở Bái Đính, tôi thích vẻ đẹp bảng lảng sương giăng, thì ở Tràng An trời phải trong veo càng tôn lên vẻ đẹp của vùng ''vịnh Hạ Long trên cạn'' này. Vậy nên theo tôi đi buổi chiều là đẹp nhất. Tràng An không chỉ đẹp ở phong cảnh thiên nhiên và bề dày lịch sử mà còn độc đáo và ấn tượng bởi cách duy nhất để ngắm nhìn phong cảnh ở đây là đi chèo thuyền qua những ngọn núi đá vôi cao sừng sững và len lỏi ở những hang động trong lòng núi đá. 

Những hang động xuyên thủy dưới những ngọn núi đá vôi sừng sững

Có ba tuyến chèo thuyền tham quan Tràng An. Tuyến 1 là tuyến đầu tiên mở ra ở khu du lịch này, sẽ đi qua hầu hết các đền thờ. Tuyến 2 là sự kết hợp tuyệt vời của các hang động, các khu đền và ngôi làng King Kong – nơi là bối cảnh của bộ phim Kong Skull Island nổi tiếng của Hollywood. Tuyến 3 là sự kết hợp của tuyến 2 và một số đường chèo khác. Theo lời khuyên của cô chèo đò, tôi mua tuyến số 3 để tham quan những hang động đẹp nhất và nhiều địa điểm phong cảnh hữu tình.

Dập dìu thuyền đưa khách tham quan trên dòng sông màu ngọc bích

Mái chèo bắt đầu đẩy thuyền dần trôi theo con nước uốn lượn ôm lấy những dãy núi đá vôi cũng là lúc khách ''say đắm'' trước cảnh sắc Tràng An. Thuyền lững lờ trôi trên mặt nước phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ soi rõ cảnh sắc hoang sơ, yên ả của non nước mây trời, khiến chúng tôi chìm đắm vào không gian. Mọi lời nói lúc ấy đều trở nên thừa, vì thế tôi cứ lặng yên mà ngắm cảnh núi non, sông  nước hùng vĩ, nên thơ.

Say đắm cảnh sắc sông núi Tràng An

Rồi cũng đến lúc khám phá những hang động xuyên thủy với bao điều bí ẩn. Mỗi hang có một vẻ đẹp riêng, huyền bí và cuốn hút. Có hang tối om và trần hang thấp tới mức ngồi trên thuyền chúng tôi phải cúi người để không đụng đầu. Có những hang đã có điện, soi rõ những thạch nhũ lung linh thả xuống vòm hang. Điều thú vị ở những hang động tại Tràng An là mỗi khi thuyền ra khỏi cửa hang như đưa ta vào một thế giới khác với một bức tranh thiên nhiên khác, khiến ta chỉ có thể trầm trồ thán phục bàn tay nhào nặn của mẹ thiên nhiên.

Mỗi một cửa hang lại mở ra một thế giới khác đẹp tựa cõi thần tiên

Rồi thuyền cũng đưa ta đến với những ngôi đền cổ kính như đền Trình, đền Suối Tiên… để ta một lần tìm về với những giá trị của lịch sử; đưa ta đến với phi trường King Kong, để thấy thiên nhiên nước ta được bạn bè quốc tế thán phục như thế nào... Tất cả những điều đó khiến chuyến du hành khép kín như một vòng cung chỉ kéo dài hơn ba giờ ấy nhưng đủ để tôi nhớ nhung vài tháng. Và sau khi trở về điểm xuất phát ban đầu, chúng tôi lại muốn ngay lập tức mua thêm một tour nữa để nhìn tận mắt cảnh đẹp hoang sơ, bình yên này, bởi không một bức ảnh nào có thể ghi lại được trọn vẹn cảnh đẹp nơi đây.

Chuyến du hành đưa ta về với miền lịch sử, với những hoang sơ yên bình

Cho tới bây giờ, ngồi đây và viết những dòng chữ này, tôi lại nhớ cái cảm giác vỡ òa cảm xúc khi đứng trước bến thuyền ở Tràng An, khi ngắm sương mờ trên tòa Bảo Tháp ở chùa Bái Đính. Chuyến ấy, tôi và mẹ chưa đi tất cả các điểm du lịch ở Ninh Bình, nhưng được chiêm bái chùa Bái Đính, được đắm say với cảnh sắc ở Tràng An, điều đó tuyệt vời hơn bất cứ giấc mơ nào. Và chắc chắn tôi sẽ quay trở lại để có thể nhìn bằng mắt, cảm bằng tim vẻ đẹp hùng vĩ ở nơi hội tụ tinh hoa của đất trời!


ADVERTISEMENT