share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Uzbekistan, những ngày rong chơi đáng nhớ! (P.2)


ADVERTISEMENT

Uzbekistan đã để lại trong cô những ký ức không bao giờ quên. Những dấu tích huy hoàng, những câu chuyện ám ảnh, những khoảnh khắc bình yên… tất cả đều là “nỗi nhớ” trong cô!

Kỳ 2: CỐ ĐÔ SAMARKAND VÀ DẤU TÍCH HUY HOÀNG THỜI ĐẾ VƯƠNG

Sau những ngày mưa và lạnh cắt da cắt thịt, thời tiết bắt đầu ấm hơn và H đưa cô tới thăm cố đô Samarkand, thành phố gần 3.000 năm tuổi của Uzbekistan. Cô đến Samarkand vào lúc nắng bắt đầu lên. Thời gian vừa đẹp cho cuộc hành trình khám phá giao lộ quan trọng trên con đường tơ lụa nổi tiếng xưa kia. Ga tàu hỏa Samarkand nằm ngay trung tâm thành phố. Cô và H dự tính vừa đi xe buýt vừa kết hợp đi bộ để đến các điểm tham quan, nhưng ra khỏi cổng ga là gặp ngay một bác tài xế taxi dễ thương. Thế là kế hoạch ban đầu đã thay đổi!

Nhà ga Samarkand nằm trong một công viên giữa thành phố cổ

Bác tài xế kiêm luôn hướng dẫn viên nhiệt tình, thuyết minh về quá khứ và hiện tại, về văn hóa và cả kiến trúc của Samarkand. Đúng như những gì được giới thiệu, Samarkand khiến cô choáng ngợp bởi những công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng bậc nhất ở Trung Á. Cố đô gần 3.000 năm tuổi này có lịch sử cùng thời với các thành phố cổ nổi tiếng khác như Rome, Athen, Babylon. Ở thời hoàng kim, Samarkand là trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của châu Á với những phát triển vượt bậc vào thời hoàng đế lập quốc Amir Temur. Và ngày nay, những dấu tích ấy vẫn còn đây, song hành với thời gian.

Samarkand là thành phố của những công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng bậc nhất Trung Á

Và điểm đầu tiên mà cô đến là lăng mộ của hoàng đế Amir Temur, người thống lĩnh vùng Tây - Trung Á và cả Nam Á vào cuối thế kỷ 14. Hoàng đế Amir Temur có công lớn trong việc dựng nên đế quốc Temur nhưng cũng là ông vua tàn bạo nhất châu Á. Sau khi nhà vua qua đời, ông được chôn cất trong khu lăng mộ Amir Temur tráng lệ ở Samarkand. Lăng mộ của ông phần nào thể hiện được sự hoàng kim của bậc đế vương khi được xây dựng theo kiểu kiến trúc mái vòm tinh xảo cầu kỳ, màu xanh ngọc bích. Bên trong lăng mộ, các hoa văn họa tiết đều được dát vàng, bạc và những viên ngọc, đá cẩm thạch...

Hoàng đế Temur, vị vua tàn bạo nhưng có công tạo dựng đất nước
và để lại những di sản văn hóa to lớn

Khu lăng mộ của hoàng đế Temur

Lăng mộ hoàng đế Temur cũng là nơi xuất phát của những câu chuyện về bí ẩn về những lời nguyền ma mị nhất lịch sử, đã gây ra nhiều cái chết ám ảnh khiến giới khoa học phải dựng tóc gáy. Cho đến nay, lời nguyền và những bí ẩn về mộ phần của hoàng đế Temur vẫn chưa có lời giải.

Bên trong lăng mộ của hoàng đế Temur, nơi xuất phát của những lời nguyền kỳ bí, ma mị

Rời khu lăng mộ của bậc đế vương, cô đi tới trung tâm thành phố cổ - trái tim của Samarkand, quảng trường Registan. Có đến nơi này, cô mới thấy rõ hơn sự hưng thịnh của cố đô dưới thời hoàng đế Temur. Quảng trường Registan là nơi tập trung ba trường học có từ thế kỷ 14, gồm Ulugh Beg Madrasah, Tilya-Kori Madrasah và Sher-Dor Madrasah với mái vòm xanh ngọc, những bức tranh tường khảm ngọc quý cùng hình trang trí nghệ thuật màu sắc luôn rực rỡ qua bao thăng trầm của lịch sử.

Quảng trường Registan - Trái tim của cố đô Samarkand

Trong đó, đặc biệt nhất là Ulugh Beg Madrasah, một trong những trường đại học giáo sĩ tốt nhất của phương Đông Hồi giáo trong thế kỷ 15, được bao quanh bởi các ngọn tháp cao, trên những bức tường trang trí cách điệu hình học. Nơi đây gồm có một thánh đường, các giảng đường và được bao quanh bởi các phòng giam trong ký túc xá nơi sinh viên sống.

Ulugh Beg Madrasah, một trong những trường đại học Hồi giáo tốt nhất
của phương Đông trong thế kỷ 15

Ngày nay, quảng trường Registan trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tới tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử một thời của đất nước Uzbekistan. Cô đi tham quan quanh quảng trường, ghé vào những gian hàng bán đồ may mặc và đồ lưu niệm truyền thống, nghe giới thiệu về nghề thủ công truyền thống và xem những thước phim tư liệu về vùng cố đô này. Dù hôm cô đến, khá đông khách du lịch, nhưng quảng trường rất yên tĩnh. Dường như ai cũng muốn lặng yên tận hưởng không khí yên bình và tĩnh tâm hướng về đấng tối cao mà họ tôn thờ. Cô cũng lưu giữ những khoảnh khắc cho riêng mình trước khi rời khỏi nơi này.

Ngày nay, Registan trở thành một điểm tham quan lịch sử nổi tiếng thế giới

Thánh đường Bibi-Khanym, nơi đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới năm 2001, là điểm tiếp theo mà cô tới thăm ở Samarkand. Bibi-Khanym nằm trên một ngọn đồi thoai thoải. Vào thế kỷ 15, đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn và tráng lệ nhất trong thế giới Hồi giáo. Kiến trúc và nội thất với những trang trí đặc biệt của thánh đường này ảnh hưởng đến kiến ​​trúc của cả Trung Á thời bấy giờ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến giữa thế kỷ 20, Bibi-Khanym bị phá hủy khá nhiều nhưng những tàn tích hùng vĩ của nó vẫn còn tồn tại và đã được khôi phục.

Thánh đường Bibi- Khanym, Di sản Văn hoá thế giới

Thánh đường Bibi-Khanym vẫn tiếp tục được tu sửa để bảo tồn những giá trị lịch sử ngàn đời

Khi cô rời thánh đường Bibi-Khanym, nắng chiều đã nhạt. Bác tài xế đưa cô đến vài điểm tham quan khác là những bảo tàng, thánh đường và các lăng mộ cổ. Đi tới đâu ở thành phố này cô cũng thấy dấu tích một thời huy hoàng của bậc đế vương. Cô cảm giác như mình phải nín thở để lắng nghe và cảm nhận lịch sử ngàn đời trong từ hơi thở của Samarkand.

Ở Samarkand dấu tích một thời huy hoàng của bậc đế vương hiện rõ nét trong những dấu tích lịch sử

Ngày qua đi quá nhanh, cô rời Samarkand trong tiếc nuối. Thành phố này đã đánh dấu vào những ngày ấn tượng trong chuyến đi Uzbekistan của cô. Và khi cô đã dời đất nước xa lạ này, những khoảnh khắc lắng lòng để nghe hơi thở của Samarkand vẫn mãi trong ký ức. Cô tự hứa với lòng nhất định sẽ quay trở lại Uzbekistan, tới Samarkand một lần nữa và sẽ dành thời gian nhiều hơn nữa cho vùng đất lịch sử ở Trung Á này.


ADVERTISEMENT