share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Về Bình Định nghe chuyện văn hóa tâm linh người dân miền biển


ADVERTISEMENT

Đa phần những lần đi biển của tôi đều để nghỉ dưỡng, đắm mình trong làn nước mát và hứng làn gió mặn ngoài khơi. Nhưng lần này về Bình Định, tình cờ nghe được đôi ba chuyện hay ho về văn hóa tâm linh miền biển. Tôi quyết định trải nghiệm một chuyến hành trình mới, lần theo lời kể thực hư đó của bác ngư dân. 

Về miền biển Bình Định khám phá văn hóa tâm linh vùng miền

Những ngày đầu tiên về biển Bình Định, cũng như sự lựa chọn của bao người, tôi chọn biển Nhơn Lý với hai bãi tắm nổi tiếng là Eo Gió và Kỳ Co làm nơi ghé chân. Nơi đây sóng xanh ngàn năm vỗ vào núi non trùng điệp, tạo nên những bãi tắm hoang sơ kỳ vĩ. 

Không hề ngoa khi Kỳ Co được mệnh danh là đệ nhất thiên đường của biển Nhơn Lý. Bãi tắm ẩn mình sau những dãy núi lớn, gìn giữ vẹn nguyên nét đẹp hoang sơ và không gian thanh vắng. Ngát mùi biển khơi, đậm sắc núi rừng, Kỳ Co là bức tranh thiên nhiên tráng lệ với màu sắc hài hòa của nước biếc, cát vàng và núi xanh. Chúng tôi đã có một buổi khám phá và tắm biển đầy hân hoan trước khi rời đi để đến với Eo Gió. 

Bãi Kỳ Co ẩn mình sau núi non trùng điệp

Bãi Hải Giang nườm nượp tàu thuyền nhìn từ đường vào Kỳ Co

Thường tên gọi một địa điểm thường gắn liền với đặc điểm thiên nhiên hoặc điển tích lịch sử của nơi đó. Không ngoại lệ, cái tên Eo Gió đã gợi lên đầy đủ vẻ ngoài uyển chuyển và không gian lộng gió của đường bờ biển này. Nhưng thứ thu hút tôi hơn cả là lời giới thiệu về những truyền thuyết ẩn chứa đằng sau nơi đây, giống như một kẻ mọt sách say mê nội tâm của người thiếu nữ hơn cả nhan sắc của nàng. Trong lúc đợi xe, tôi chuyện trò chuyện dăm câu cùng bác ngư dân bản địa và được bác kể về truyền thuyết Giếng Tiên ở Eo Gió - một hồ nước ngọt nhỏ nằm lạc lõng giữa miền biển mặn. 

Giếng Tiên đọng trong một hang đá, tương truyền ngày xưa có xác tiên ngụ nơi đó. Dòng nước ngọt hiếm hoi được người dân địa phương sử dụng như một bài thuốc làm đẹp da, trị chứng khó sinh. Dù ngày nay nước ngọt đã về làng và y tế văn minh, người dân vẫn còn tin dùng làn nước mát ấy như một niềm tin tâm linh bản địa. Chuyện về chiếc Giếng Tiên cũng bắt đầu cho những truyền thuyết dân gian miền biển khi bác kể tôi nghe, khơi gợi cho tôi những tò mò đầu tiên về đời sống văn hóa tâm linh của người dân miền biển Bình Định những ngày sau đó.

Câu chuyện về Giếng Tiên ở Eo Gió gợi cho tôi những tò mò và ý tưởng khám phá văn hóa tâm linh miền đất này

Nhưng trong bao câu chuyện kể và tác phẩm văn học, cuộc sống của dân chài lưới luôn gắn liền với biển cả, với những vui buồn từ chuyến ra khơi. Biển cả cho họ cá tôm sung túc nhưng cũng lấy đi nhiều thứ, kể cả sinh mệnh. Trước biển cả vô tận, con người mãi bất lực và nhỏ nhoi như hạt cát, dù vậy vẫn chưa bao giờ hết niềm tin và ước vọng. Tâm nguyện ấy được thể hiện qua những lễ hội đặc sắc của ngư dân miền biển, mà đặc trưng là tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội Cầu Ngư. Trong tâm thức của như dân vạn chài, cá Ông là con vật thiêng “đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc cạn”, phù trợ cho họ trong đời sống thường nhật hay cả những ngày ra khơi biển động. Chính vì lẽ đó, xuyên suốt đường bờ biển nước ta, ngư dân vẫn duy trì tập tục Cầu Ngư long trọng qua mỗi năm. Nhưng ở Bình Định, bên cạnh lễ Cầu Ngư, dân chài miền biển còn có một lễ hội không kém phần đặc sắc và long trọng - Lễ hội đô thị cổ Nước Mặn. Người dân thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đến nay vẫn còn lưu truyền những câu ca dao về:

Tháng Giêng xem hội chùa Ông

Mà lòng nhắc nhỏm chờ mong hội Bà

Ai đi buôn bán nơi xa

Lo về kịp hội quê nhà thường niên

Lễ hội Đô thị cổ Nước Mặn tại chùa Bà, thôn An Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định

Hội Bà chính là lễ hội chùa Bà lưu truyền từ thuở cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh đến giờ. May mắn trong những ngày tôi về thăm Bình Định trúng dịp 30 tháng Giêng và mùng 1,2 tháng 2 (Âm lịch) lễ hội đang diễn ra.

Được biết, cảng cổ Nước Mặn năm xưa từng là nơi giao thoa chung sống của cộng đồng người Việt, Hoa và Chăm. Thuở phồn vinh, Nước Mặn là biểu tượng của đời sống phù hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa, đến nay tôi ghé thăm vẫn còn thấy dấu tích của nhiều con phố ngang dọc. Là nơi tụ hội của tàu thuyền thương nhân nhiều nước, nên nơi đây đã có một quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa phong phú, hiển hiện rõ ràng ở Chùa Bà và Lễ hội Đô thị cổ Nước Mặn.

Hỏi chuyện người quản lý lễ hội, tôi được biết thêm nhiều về là trình hình thành nên văn hóa tín ngưỡng, từ lễ hội chùa Bà đến lễ hội đô thị Nước Mặn ở nơi đây. Vốn chùa Bà đã có từ năm 1626, còn được gọi là Miếu Thiên Hậu, là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng người Hoa. Tục thờ này khi du nhập vào Đàng Trong, du hòa với tục thờ Mẫu trong bản sắc người Việt, biến chùa Bà thành nơi thờ cúng, sùng bái chung của cộng đồng cư dân Nước Mặn, không phân người Việt hay Hoa nữa. 

Theo tập tục, nửa đêm ngày 30 là lễ tế thần, các vị thần trong miếu Thành Hoàng, miếu Quan Thánh và miếu Bà Mụ được rước linh về chùa Bà. Việc các vị thần trong tín ngưỡng người Việt và người Hoa được rước về tế chung trong cùng một ngôi chùa biểu hiện tinh thần dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của hai dân tộc trong đời sống tâm linh của cư dân Nước Mặn. Đặc biệt, dù các vị thần có nguồn gốc tín ngưỡng từ người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ, chứng tỏ xu hướng chủ đạo của người Việt trong tiếp biến văn hóa và tạo ra bản sắc Việt trong sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.

Khách thập phương lễ bái chùa Bà

Sau ngày tế thần, khách thập phương mới vào lễ chùa và dự hội. Phần hội diễn ra trong ngày thứ hai và thứ ba, phô diễn những vẻ đẹp văn hóa của cảng thị xưa. Các biểu trưng ngư-tiều- canh-mục được cung kính rước trên kiệu diễu hành khắp phố. Thể hiện sự tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng, dạo dựng cơ nghiệp của ông cha.

Ngày tôi ghé thăm, vì ảnh hưởng của Covid 19, nên lễ hội chỉ có phần Lễ mà lược bớt phần Hội gồm nhiều hoạt động, trò chơi dân gian như đánh bài chòi cổ, múa lân, hát bội, đua thuyền,... Đó là điều tiếc nuối duy nhất trong hành trình về miền biển Duyên  Hải nắng gió này.

Tuy nhiên, không vì dịch cúm mà người dân không quản ngại đường xa đến đây dâng hương cho Bà. Chùa Bà ngày lễ vẫn nườm nượp viếng khách, mang ước nguyện năm tới gửi gắm vào lễ bái khói hương. Người ta nguyện tin vào sức mạnh tâm linh để có niềm tin phát triển sức mạnh nội tại, cứ vậy mà đời sống tâm linh người Việt vẫn duy trì qua hàng ngàn năm nay. Đến với lễ hội, con người cảm nhận được sự thông linh với Thành Thần mà họ tin là có thật. Cứ như vậy, Lễ hội Đô thị Nước Mặn mang một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân bản địa cũng như viếng khách thập phương.

Ôm nuối tiếc vì không được chứng kiến phần Hội, tôi quyết định ghé thăm cửa Cách Thử, cũng là một địa danh truyền kỳ trong lời kể của bác ngư dân. Cửa Cách Thử xưa kia là nơi đầm Thị Nại thông ra biển Đông ở phía Bắc, từng là nơi ghe thuyền tập trung đông đúc, buôn bán trù phú. Theo lời bác ngư dân, truyền rằng cửa này chẳng những thuyền buồm tứ phương đến giao thương và thuyền âm cũng đến mua hàng hóa. Người trần không thấu, đổi hàng lấy tiền, nhưng tiền thâu được hóa ra đều là vàng mã. Lâu dần người ta liền bày ra cách thử tiền: “Lấy một chậu nước bỏ tiền vào, đồng chìm là tiền thật, đồng nổi là tiền giấy”. Tuy chỉ là một truyền thuyết dân gian thực, vốn ẩn chứa nhiều bí mật chính trị và kinh tế đằng sau, nhưng mỗi khi nghe kể về những dấu tích quỷ thần, tôi vẫn thấy thú vị không thôi. Về sau, kiến tạo địa lý có nhiều thay đổi, cửa Cách Thử bị phù sa bồi lấp, làm nước sông Kôn và sông Bạc Hà cạn dần, khiến tàu thuyền không thể đến được cảng thị Nước Mặn, thông thường lụi tàn, cư dân ly tán. 

Cứ mải mê chạy dọc con đường đầy cát trắng và dương liễu Cách Thử, tôi phát hiện một tượng phật uy nghiêm tọa trên núi cao trước mắt. Tra bản đồ, hóa ra nơi đó chính là chùa Ông trong lời ca dao “Tháng Giêng đi hội Chùa Ông” phía trên. Cũng thật tình cờ và diệu kì, chùa Ông Núi với dày văn hóa lịch sử cũng là một nơi tôi muốn ghé thăm sau cuộc trò chuyện hôm trước với bác ngư dân.

Chùa Ông Núi với bề dày văn hóa lịch sử

Còn có tên là Linh Phong, nhưng cái tên Ông Núi vẫn phổ biến hơn mỗi khi nhắc đến ngôi cổ tự này. Bác ngư dân kể là, ngày xưa núi này có một nhà sư đến hang đá phía Đông núi Bà dựng nên một am nhỏ ẩn tu, Thiền sư tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây, chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người, tục xưng là Ông Núi. Nơi Ông Núi tu trì ngày trước vẫn còn di tích một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi mà ngày nay người ta gọi là hang Tổ. Về sau, chúa Nguyễn mến mộ tài đức nhà sư, cho xây chùa lớn tên là Linh Phong Thiền Tự. Trải qua chiến tranh, chùa bị tàn phá nặng nề rồi được lại được trùng tu thành chốn linh thiêng nhang khói người người lễ bái ngày nay.

Đến chùa Ông Núi không chỉ đến với hang tổ và ngôi chùa, mà còn đến với một vùng núi non linh địa

Từ dưới chân núi, leo lên không biết bao nhiêu bậc thang mới đến nơi Phật Thích Ca ngồi. Đây là tượng phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao 108m tính cả kệ và đường kính chân tượng 52m. Tôi ngồi dưới tượng phật, ngắm nét phật nghiêm trang in trên nền trời xanh biếc, đếm không biết bao nhiêu đám mây trắng bay qua, thấy lòng vừa bình yên vừa thành kính. Từ đây nhìn về hướng Đông, biển trời một màu ngút ngàn, nhà dân trùng điệp, là cảnh đẹp tuyệt trần giữa vạn cảnh nhân gian. Đứng nơi núi cao, nhìn về biển thẳm, gió thổi hây hây, tôi nhìn thấy bờ Cách Thử cát trắng mênh mang xen lẫn dương liễu xanh mướt. Những địa điểm truyền kì trong lời kể của bác ngư dân vậy mà tôi đã vô tình hữu ý ghé thăm cả. Thầm nghĩ, khi có lòng ắt sẽ hữu duyên.

Đếm mây bay trên đầu Phật Tổ, lòng vừa thành kính lại vừa an yên

Đứng núi cao, nhìn biển thắm, trời biển một màu, nhà dân trùng điệp

Rời chùa khi trời bắt đầu đổ nắng chiều, tôi chạy nhanh về Quy Nhơn uống cốc cà phê chiều bên dốc núi, ngắm nhìn Quy Nhơn chìm dân về đêm và ngẫm lại cuộc hành trình tưởng ngắn mà dài vừa qua. Tính ra tôi đã có một chuyến đi vòng, không theo trình tự địa lý, lần theo những lời kể thực hư trong lời bác ngư dân mà tìm đến. Thiên nhiên cảnh sắc vẫn trăm năm như cũ, chỉ có những văn hóa tín ngưỡng đang dần phai hòa đi theo dòng chảy lịch sử. Tôi bất giác hạnh phúc khi thấy người dân nơi đây vẫn cố lòng gìn giữ những giá trị văn hóa tâm linh qua những lễ hội, đền chùa, hay những câu chuyện kể say sưa. Cảm giác bồi hồi ngày đó không thua kém bất kỳ lần nào được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt mỹ của nhân gian.

Ngắm biển Quy Nhơn trong buổi chiều muộn, ngẫm lại hành trình tưởng ngắn mà dài vừa qua


ADVERTISEMENT