share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Vẻ đẹp bình yên đến lạ thường của Tokyo trong “Perfect Days”


ADVERTISEMENT

Tokyo từng là điểm đến quan trọng của The Bride trên hành trình báo thù nghẹt thở trong Kill Bill (2003). Tokyo cũng là nơi Bob và Charlotte – hai “vì sao lạc lối” của Lost in Translation (2003) – tình cờ gặp được nhau. Và tất nhiên, không thể bỏ qua kiệt tác Tokyo Story (1953) của bậc thầy Yasujiro Ozu mỗi khi nhắc đến thủ đô của đất nước mặt trời mọc.

Những chiếc toilet độc đáo ở Tokyo

Bộ phim bắt đầu bằng một ngày mới của Hirayama (Kōji Yakusho). Khi mặt trời chưa ló dạng, mọi người vẫn đang say giấc nồng, nhân vật chính tự động bật dậy mà không cần báo thức, gấp gọn chăn gối vào một góc, sau đó đánh răng, rửa mặt, tưới nước cho mấy chậu cây, thay đồng phục rồi lái xe đến nơi làm việc.

Trên đường, ông không quên bật cuốn băng cassette có những bài nhạc yêu thích. Chẳng biết từ bao giờ, nghe nhạc và nhìn ngắm thành phố đã trở thành thói quen mỗi ngày, giúp cho cuộc sống của Hirayama thêm phần màu sắc khi bước sang tuổi xế chiều.

Ống kính của đạo diễn hình ảnh Franz Lustig luôn được đặt ở khung hình 4:3, nhưng cũng đủ để bắt trọn toàn bộ vẻ đẹp của Tokyo. Buổi sớm ở đô thị sầm uất nhất Nhật Bản hóa ra lại rất đỗi yên bình chứ không quá xô bồ như nhiều người lầm tưởng. Đại lộ chạy dài giữa những tòa cao ốc xếp vào nhau san sát ở hai bên. Những chiếc xe lướt thật nhanh trên đường, nhưng không tạo cảm giác đông đúc vì luôn giữ một khoảng cách nhất định với nhau. Một vài nhân viên công sở đang đi bộ, băng qua công viên để đến công ty.

“Văn phòng” của Hirayama thì không cố định. Hàng ngày, ông phải lau chùi, dọn dẹp 17 khu toilet công cộng được đặt tại những địa điểm khác nhau, rải rác ở trung tâm Tokyo. Chúng do các kiến trúc sư khác nhau đảm nhận, nên có hình dáng, đặc trưng riêng biệt, tạo nên điểm nhấn cho thành phố.  Chẳng hạn, toilet Amayadori ở công viên Jingu-Dori có kiến trúc hình trụ tròn, với mái nhà phẳng, trông như một cây nấm khổng lồ mọc giữa những tán cây xanh. Tolet ở công viên Nabeshima Shoto được bao bọc bằng những tấm ván gỗ tuyết tùng, chẳng khác một khu rừng nhỏ ẩn mình trong thành phố.

Nhưng cũng có khu toilet được thiết kế trong suốt, xây hoàn toàn bằng kính, khiến du khách nước ngoài bỡ ngỡ khi mới gặp lần đầu, như toilet ba màu ở công viên nhỏ Yoyogi Fukamachi là một nơi như vậy. Chỉ khi nào người bên trong khóa cửa, lớp kính trong suốt mới trở nên đục ngầu, ngăn cách toilet với thế giới bên ngoài, tạo sự riêng tư và thoải mái cho người sử dụng.

Ngày qua ngày, nhiệm vụ của Hirayama là phải chăm sóc những chiếc toilet độc đáo đó một cách cẩn thận, đảm bảo chúng luôn sạch sẽ để sẵn sàng phục vụ bất cứ ai, không phân biệt nam nữ, già trẻ, đúng như lời giới thiệu trên website chính thức của dự án Tokyo Toilet: “Nhà vệ sinh là biểu tượng cho nền văn hóa hiếu khách nổi tiếng thế giới của Nhật Bản”. Sự độc bản của những chiếc toilet cũng giúp Tokyo trở thành “linh hồn” không thể thay thế trong Perfect Days. Nghĩa là nếu remake (làm lại), bộ phim sẽ trở thành một tác phẩm hoàn toàn khác nếu không được đặt tại bối cảnh Tokyo và thiếu đi di sản “hiếu khách” biểu trưng của thành phố.

Một lần nữa, trong Perfect Days, Tokyo qua lăng kính của đạo diễn Wim Wenders hiện lên nhẹ nhàng và bình yên, hệt như cuộc sống trầm lắng, giản dị của nhân vật chính Hirayama: Một người đàn ông trung niên làm nghề cọ toilet cho những nhà vệ sinh công cộng ở thành phố lớn nhất Nhật Bản.

Hạnh phúc từ những điều bé nhỏ

Cuộc sống của Hirayama có vẻ buồn tẻ và nhàm chán với nhiều người. Ông ở một mình, không vợ con, không bạn bè trong một căn nhà hai tầng cũ kỹ nhưng yên tĩnh, buổi sáng còn nghe rõ tiếng người lao công quét rác bên đường. 

Công việc Hirayama lựa chọn cũng không phải là thứ mà số đông khao khát. Thậm chí, nhiều người hẳn sẽ dè bỉu trước một người đàn ông lớn tuổi làm nghề lao động chân tay với đồng lương ít ỏi. Nhưng Hirayama không quá quan tâm đến những định kiến của xã hội, hoặc ông đang lảng tránh nó bằng cách tự tạo ra niềm vui cho bản thân mỗi ngày, dù là từ những điều rất nhỏ. Ông đắm mình vào ánh nắng len lỏi giữa những tán cây ở đền Yoyogi Hachimangu. Ông lắng nghe tiếng chim hót trong lúc đang nhai nhóp nhép chiếc bánh sandwich vào giờ nghỉ trưa. Ông lặng nhìn bóng cây hắt lên bức tường rồi nhoẻn miệng cười.

Hirayama cũng khước từ những tiện ích tối tân của thế giới hiện đại. Ông dùng điện thoại kiểu cũ thay vì smartphone, nghe nhạc bằng bằng cassette thay vì Spotify, chụp ảnh bằng máy phim và đọc sách mỗi khi rảnh rỗi. Có điều, Hirayama cũng chưa bỏ được thói quen mua cà phê từ máy bán hàng tự động đặt ở trước nhà, vừa đơn giản lại tiện lợi, giúp ông tiết kiệm kha khá thời gian.

Những khoảnh khắc nhỏ bé trong đời thường của Hirayama cũng giúp người xem hiểu rõ hơn về Tokyo. Thành phố nổi tiếng được khắc họa như một nơi rất hiện đại nhưng luôn lưu giữ những nét đẹp xưa cũ. Nó không chỉ có đại lộ mà còn có nhiều con đường vắng vẻ nơi mọi người có thể chạy xe đạp hoặc tản bộ. Ở đó còn có nhà tắm công cộng, tiệm sách cũ, cửa hàng băng đĩa chuyên thu mua cassette và vinyl để phục vụ những tâm hồn yêu nhạc.

Với phần lớn cảnh quay vào ban ngày, Tokyo trong Perfect Days cũng không còn là thành phố của những ánh đèn neon. Ánh sáng đáng chú ý trong phim được phát ra từ Tokyo Skytree – tòa tháp cao nhất thế giới – nơi mà Hirayama có thể nhìn ngắm từ bất cứ đâu, dù là qua cửa sổ căn phòng nhỏ trong nhà, trên đường làm việc hay đứng dưới chân cầu Sakurabashi. Một cảnh quay đáng nhớ trong phim là khi Tokyo chìm trong màn mưa. Không ngại thời tiết, Hirayama khoác áo mưa, đạp xe đạp đến quán ăn ưa thích của mình. Đó là một tiệm mì yakisoba bé xíu, ẩn mình trong khu tàu điện ngầm bên dưới thành phố, nơi nhân viên luôn phục vụ ông bằng một cốc shochu và nụ cười nở trên môi. Dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, Tokyo vẫn luôn ôm lấy Hirayama như vậy. Thành phố chưa bao giờ từ bỏ ông cũng như ông chưa từng có ý định rời bỏ nó. 

Perfect Days là một bộ phim đặc biệt, vì thực hiện nó là một đạo diễn Đức, nhưng không khí, tinh thần lẫn thông điệp mà nó truyền tải đều thuần Nhật, từ lối sống tối giản cho đến triết lý “Ichigo Ichie” – biết ơn và tận hưởng từng khoảnh khắc trong đời. 

Không phải ngẫu nhiên mà Wim Wenders lại chọn cái tên Hirayama. Đó cũng là tên nhân vật chính trong An Autumn Afternoon (1962) - cuốn phim cuối cùng Yasujiro Ozu thực hiện, ra đời 60 năm trước. “Hirayama” trong tiếng Nhật cũng có nghĩa là “đỉnh núi bình yên”, hệt như tính cách lẫn quan điểm sống của nhân vật chính.

Mỗi ngày, Hirayama luôn bắt đầu bằng việc tưới cây và đọc một cuốn sách trước khi đi ngủ. Ông lặp lại những điều quen thuộc một cách kiên định và đầy trân trọng như đang thực hiện một nghi thức đặc biệt dành cho đấng tối cao. Nhưng cũng chính những điều giản dị ấy là thứ thuốc chữa lành, giúp Hirayama có thể gạt bỏ mọi muộn phiền trong quá khứ để đắm chìm vào thực tại, trân trọng cuộc sống và nhận ra mỗi buổi sáng đều có thể là khởi đầu cho một ngày hoàn hảo.

>>Xem thêm: Những bộ phim truyền cảm hứng cho chuyến đi một mình


ADVERTISEMENT