share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Cô gái bén duyên với chàm


ADVERTISEMENT

Không phải mới biết em qua những tấm hình đẹp đẽ em chụp vải, túi, áo, mũ… trên Facebook mà đã đi cùng em ngót cũng tới cả chục năm rồi. Coi lại chặng hành trình của em cứ như một chuyến trở về với thiên nhiên, về với những nơi thuộc về em. Từ độ em còn là cô sinh viên Lâm nghiệp, yêu rừng, yêu thiên nhiên, rồi em qua Israel học nông nghiệp công nghệ cao, trở về Đà Lạt như cách để ứng dụng thực hành. Nhưng không, em tìm lối đi qua những nơi em đến nhưng có vẻ cách em chọn lại hoàn toàn nương theo tự nhiên. Cho tới khi em dừng chân ở SaPa và bén duyên với chàm thì thấy em được là chính em thực rồi.

Đôi bàn tay em đã mòn cả đi vì chàm

Nhìn đôi bàn tay em xanh lét màu chàm y như cách em bỏ phố lên rừng hay khi em dấn vào nghề chẳng hề nấn ná như những người H’mông lành nghề thực thụ. Em hòa mình vào cộng đồng nơi đây, những người H’mông giữ nghề truyền thống se đay nhuộm vải. Thậm chí chả giấu nổi vẻ hạnh phúc khi cứ tự tin với bàn tay ấy đi khắp nơi, em kể “thích lắm vì lên chợ gặp nhiều nguời H'mông mà thấy tay xanh là các bà các cô lại nắm nắm tay bảo nhuộm chàm à, nhuộm chàm à, cảm thấy như nguời thân quen”.

Em tạo họa tiết cho vải trước khi nhúng vào thùng chàm để nhuộm

Yêu thì đâu cần gì lý do, em cũng đâu có tìm đến chàm hay nghề nhuộm vải vóc rồi thêu thùa may vá mà cứ tự nhiên như người ta yêu nhau va vào nhau đó thôi. Buổi đầu em tới là làm ở xưởng tinh dầu Cát Cát của Nủ, chỉ vì cái cơ duyên trông hộ thùng chàm để lấy vải lên phơi giúp chị Sa bận đi làm cỏ ngô, rồi cứ thế mà quấn lấy nhau. Một cô gái xuôi, chưa từng biết đến nhuộm thủ công vậy mà sau thùng chàm của chị Sa, sau khi phơi vải khiến chiếc áo của em “dính chàm” và vui vẻ nhuộm thành màu xanh, sau cả dăm ba câu chuyện về chàm bởi tò mò thế mà chừng 2 tuần sau em đã ủ thành công thùng chàm đầu tiên.

Vải phơi sau khi nhuộm

Nghe em kể câu chuyện mà đôi mắt ấy vẫn lấp lánh hạnh phúc. Theo hướng dẫn, em chuẩn bị nước tro bếp, rượu trắng và cao chàm, chị Sa còn xem ngày tốt để pha thùng chàm. Và kỳ diệu thay, chỉ đến ngày thứ 10 thùng chàm đã nổi lên nhiều bọt xanh, đóng tảng trên mặt nước, thay vì bình thường có khi chờ tới cả tháng. Hớt hải đi gọi chị Sa kiểm tra giúp đã thành công, khiến em mừng muốn khóc. Em cứ say sưa với vải với chàm từ đấy. Ngoài việc học cách làm nghề truyền thống như các họa tiết tổ ong của người H’mông, cách nhuộm màu khác nhau từ những món lá trên rừng như màu vàng từ lá bàng hay hoằng đằng, màu đỏ từ củ nâu, màu nâu đất, tím nâu từ củ nâu nhúng bùn… thì thế giới của em còn thêm nhiều màu sắc sáng tạo lắm lắm.

Mỗi sản phẩm là dấu ấn riêng của em

Thực chẳng ngoa khi nhìn em là cả tình yêu - đam mê - sáng tạo nên chả mấy em bỗng thành cô chủ nhỏ tay may, tay kéo khéo léo vô cùng. Mấy ai thấy được những khi em lấm lem, hì hụi ngày đêm để có những tấm vải xinh xắn được dày công tạo ra từ sợi đay, sợi bông nhuộm trong thùng nước màu là hỗn hợp của tro bếp, rượu trắng, cao lá, bùn… hết thảy là 100% handmade, 100% natural, rồi chính tay em tạo hình và thiết kế nên những chiếc áo, váy, túi, mũ, ví… khiến ai nhìn cũng mê mẩn.

Những tấm vải thành phẩm sau bao công đoạn dày công nhuộm và tạo họa tiết

Thật khó cưỡng dù ngay cả là lần đầu biết tới những sản phẩm của em. Từng đường kim, mũi chỉ, từng họa tiết thủ công mà không mảnh nào giống mảnh nào đủ thấy thứ tình yêu của em nhuốm màu trong từng tác phẩm. Ngay cả cách em gói đồ gửi về dưới phố thị cũng đủ thấy em trân trọng từng món tới độ nào, em cũng chẳng quên dặn dò cách dùng, cách bảo quản hay hào phòng mà nói ngay rằng khi nào thấy màu phai hay thích nhuộm mới thì cứ gửi lên em nhuộm lại cho nhé.

Thế giới 100% handmade, 100% natural của em

Bảo em dũng cảm thật đấy, người ta mất dăm bảy năm lăn lộn hay thậm chí mơ có căn nhà cuối đời nơi thảo nguyên, đằng này chẳng hề hấn gì, cô sinh viên vừa ra trường là bỏ phố về rừng ngay được. Em chỉ cười bảo mọi người mới vất vả ấy, em chỉ ham nơi và chỉ sống được nơi mát mẻ. Vậy đấy, nhẹ như cách em vẫn sống, ai bảo cô gái ấy đang hăm hở làm việc để mưu sinh, người ta chỉ thấy đẹp từ những sản phẩm em làm ra và cả từ lối sống của em. Em nương vào rừng và tự nhiên hay chính em đang nuôi dưỡng thiên nhiên, giữ lại những điều đẹp đẽ để mỗi ngày tụi bạn dưới phố đang nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng khủng khiếp của mùa hè thấy hình em trưng, đọc được mấy dòng như em đang tự nói chuyện với chính mình, với núi rừng, cỏ cây mà có thêm năng lượng tươi mới.


ADVERTISEMENT